Ký ức một thời máu lửa và hào hùng
Ở tuổi 96, người đảng viên cao niên Hoàng Văn Tứ có 65 năm tuổi Đảng và 40 năm nghỉ hưu nhưng vóc dáng của cụ vẫn cao lớn, lưng vẫn thẳng và khá nhanh nhẹn. Sau khi bắt tay chào khách và tiếp chuyện với trí óc rất sáng suốt. Khi hỏi về quê hương Mỹ Thái thời kỳ chống Pháp, mắt cụ sáng lên và chậm rãi kể về những năm tháng máu lửa và hào hùng của quê hương. Cụ Hoàng Văn Tứ sinh năm 1928 và lớn lên tại làng Chi Lễ (tổng Tân Thái, Phủ Lạng Giang, nay là xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang). Kháng chiến chống Pháp nổ ra, chàng trai trẻ Hoàng Văn Tứ tham gia đội du kích của làng được huấn luyện quân sự, học tập chính trị. Ngày 10 tháng Giêng năm 1947, quân Pháp càn vào tổng Tân Thái và làng Chi Lễ. Chúng chỉ xem xét không phá đốt phá. Du kích ta để cho rút ra an toàn. Khi địch tổ chức nhiều trận càn liên tiếp và quy mô lớn hơn, buộc ta phải có những đối sách để giữ đất, giữ làng.
Ngày 25/03/1948, Chủ tịch nước có Sắc lệnh số 148 về giải thể đơn vị hành chính "Châu, phủ, quận, tổng" để thành lập Tỉnh, huyện và xã. Tổng Tân Thái giải thể và thành lập xã Mỹ Thái (cũ). Khi Pháp chiếm Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang), chàng trai Hoàng Văn Tứ được cử làm trung đội trưởng du kích làng Chi Lễ và được kết nạp vào Đảng. Cùng năm đó anh xây dựng gia đình với cô gái cùng làng.
Ngày 13/07/1949, quân Pháp từ Hải Dương, Quảng Yên mở trận càn rất lớn lên tỉnh tỉnh Bắc Giang. Chúng đánh chiếm Phủ Lạng Thương, huyện Việt Yên, Yên Dũng và một phần huyện Lạng Giang. Chúng xây dựng hàng loạt đồn bốt ở Kế (Dĩnh Kế), đồi con Con Lợn (Tân Dĩnh), bốt Cạm (Thái Đào), Quất Lâm (Đại Lâm), Cồ Lồ, Đồi Ngô (Lục Nam) và lập ra "Vành đai trắng" từ làng Đức Mại (tổng Mỹ Thái), qua tổng Phi Mô (nay là xã Tân Dĩnh) xuống Thái Đào kéo dài lên Phủ Lục Ngạn (nay là huyện Lục Ngạn). Những nơi bị chiếm đóng, địch dồn dân lập các"Làng tề" có vũ trang thường phối hợp với các đồn bảo an tổ chức vây giáp, bắt bớ, phục kích ở dọc“Vành đai trắng” hoặc càn quét ra vùng tự do ngăn chặn ta vào vùng địch hậu và nguồn tiếp tế lên chiến khu Việt Bắc.
Đến nay nhân dân ở dọc“Vành đai trắng” năm xưa vẫn lưu truyền những câu chuyện“Vượt đường” đầy sinh tử. Lúc đó, các làng Chi Lễ, Khê Cầu (nay là thôn Cầu Trong và Cầu Ngoài, xã Mỹ Thái), Đức Mại (xã Dương Đức) của xã Mỹ Thái (cũ) trở lên phía bắc là vùng tự do. Phần phía nam xã là vùng địch hậu, có các“Làng Tề”.
Lúc này, huyện đội Lạng Giang phát động phong trào xây dựng “Làng kháng chiến”. Các làng Chi Lễ, Khê Cầu, Đức Mại trở thành“Làng kháng chiến” ở phía tây nam huyện. Mỗi làng có một trung đội du kích từ 20 đến 30 người. Khi xây dựng “Làng kháng chiến”, Huyện đội cử bộ đội địa phương quân về giúp. Khắp nơi rào làng, đào hầm bí mật, xây dựng giao thông hào. Mỗi làng chỉ để 2 lối ra vào, có bố trí du kích canh phòng cẩn mật. Làng Chi Lễ lúc đó có 70 hộ, trung đội du kích do anh Hoàng Văn Tứ làm trung đội trưởng có hơn 20 chiến sỹ đều là người làng. Trang bị của trung đội du kích chỉ có 01 khẩu súng Zóp và 01 khẩu Pạc Hoọc cũ và vài quả lựu đạn, còn lại là giáo mác, mã tấu và gậy. Phía sau làng có Ngõ Trong giáp với ruộng trũng và ngòi Bừng thuận tiện cho việc rút lui. Ta đào 3 hầm bí mật nằm theo thế chân vạc, trong đó hầm lớn nhất dài khoảng 40 mét nằm dưới rặng tre bương già. Đất đào hầm được bí mật đổ xuống ao hồ hoặc rải ra ngoài ruộng phía trước làng. Hầm được đào thành nhiều ngăn, sức chứa tới vài chục người. Mỗi ngăn hầm đều có cửa và có chỗ để bùn nhão trộn rơm chống khói lửa. Các ngăn hầm còn có các lỗ thông hơi. Giao thông hào nối với các hầm có gài bẫy lựu đạn phòng địch tiếp cận.
Thực hiện chiến dịch tổng phá “Tề” do tỉnh Bắc Giang phát động, du kích làng Chi Lễ vừa huấn luyện vừa sẵn sàng chiến đấu. Mỗi khi địch càn, chúng bắn pháo từ bốt Con Lợn (Tân Dĩnh), núi Cổ Phúc (Đa Mai) vào xã Mỹ Thái (cũ) dọn đường và yểm trợ cho quân tiếp cận. Địch đi càn rất đông và được trang bị đầy đủ, theo sau là dân “Tề” đi hôi của. Du kích ta có tinh thần chiến đấu cao nhưng không thể đối đầu trực tiếp với giặc. Lúc này anh vợ của Trung đội trưởng Tứ làm máy khâu chuyên cắt may quần áo cho dân làng. Cục quân nhu ở Việt Bắc quyết định trưng dụng người và máy cho bộ đội. Hai anh em gói ghém máy rồi khiêng lên làng Lụa (Định Hoá, Thái Nguyên). Khi kiểm tra tay nghề, thấy không đạt, người cán bộ phụ trách đã viết giấy trả về địa phương. Hai anh em lại lễ mễ khiêng may ra về. Khi ta mở chiến dịch Biên giới (1950), người đảng viên trẻ -Trung đội trưởng du kích Hoàng Văn Tứ được cử làm chỉ huy đưa dân công của xã đi phục vụ chiến dịch. Hơn 2 tháng băng rừng, vượt suối đội dân công của xã hoàn thành nhiệm vụ tải đạn, tải lương thực trở về. Khi về đến Yên Thế thượng thì anh được biết địch vừa càn lên làng Chi Lễ. Người vợ trẻ và đứa con trai đầu lòng cùng gia đình phải tản cư lên xã Đào Mỹ ở phía bắc huyện. Ở với vợ con được một thời gian anh Tứ trở về làng tập hợp trung đội du kích, củng cố trận địa sẵn sàng chiến đấu.
Bị thua đau ở chiến dịch Biên giới (1950) địch tổ chức nhiều trận càn rất quét lớn ở tỉnh Bắc Giang. Xã Mỹ Thái (cũ) trở thành nơi diễn ra những trận chống càn rất khốc liệt. Địch tràn vào làng đốt nhà và thóc lúa, bắt trâu bò, lợn gà, phá hoại hoa màu. Dân “Tề” xúm vào tàn phá những thứ còn sót lại. Những làng mạc trù phú bỗng chốc trở thành hoang tàn dưới bàn tay độc ác của kẻ thù. Mỗi khi địch càn vào làng, anh Hoàng Văn Tứ chỉ huy du kích phân tán thành các nhóm nhỏ, lợi dụng địa hình, địa vật, từng khóm tre trong làng, bờ cây ngoài đồng để chống giặc. Ta thường dùng súng bắn nghi binh một đằng, ở phía kia cho quân bí mật tiếp cận nén lựu đạn cảnh cáo, buộc chúng phải rút quân trong sự tức tối.
Trực tiếp chỉ huy hàng chục trận đánh, nhưng ông Hoàng Văn Tứ nhớ nhất là trận đánh diễn ra vào sáng ngày 2/2/1950. Hôm đó địch huy động khoảng 1 đại đội trang bị đầy đủ vũ khí tổ chức càn vào làng Chi Lễ. Địch chia thành hai mũi một đi theo cái lớn càn vào làng còn mũi kia bí mật luồn về phía sau làng tạo ra thế vu hồi. Trung đội dân quân cũng chia thành 3 tổ cơ động linh hoạt hỗ trợ nhau khi tác chiến.
Địch vào làng, bắn như vãi đạn vào những nơi nghi ngờ, rồi phóng hoả đốt nhà, triệt hạ cơ sở kinh tế. Du kích vừa đánh trả, vừa rút. Một số người dân trong làng chưa kịp sơ tán cũng đi theo. Địch vào được làng nhưng không dám liều lĩnh. Còn ta do vũ khí ít không đủ sức đuổi địch ra khỏi làng. Trong tình thế nguy hiểm, Trung đội trưởng Hoàng Văn Tứ ra ám hiệu cho các tổ rút lui ra phía sau làng. Tổ du kích dẫn số người dân đi theo bí mật đi về cuối làng để sang làng Bừng (Tân Thanh ngày nay). Ra khỏi rặng tre gặp địch phục ở ngoài đồng buộc phải quay lại. Chúng bắn theo xối xả. Du kích vừa đánh trả vừa đưa dân rút về hầm. Nhưng không may, trước đó trong trung đội du kích có một kẻ đã phản bội bỏ chạy vào làng“Tề” khai báo những bí mật về du kích làng Chi Lễ.
Vào làng, địch dùng loa kêu gọi du kích đầu hàng. Đáp lại là sự im lặng, thỉnh thoảng có vài tiếng súng đáp lại. Tổ du kích có dân đi theo đã rút xuống hầm. Một số khác rút theo đường bí mật ra khỏi vòng vây. Từ nơi trú ẩn, trung đội trưởng Hoàng Văn Tứ quan sát thấy giặc lùng sục và phát hiện ra hầm. Chúng dùng rơm và củi đốt hun khói vào hầm. Lúc đó trong hầm có 02 chiến sỹ du kích. Đang hun dở dang, chúng phát hiện căn hầm lớn nên bỏ sang đó tập trung hun khói. Hai du kích ở hầm lợi dụng địch sơ hở đã trốn thoát, trong đó một người là anh vợ và người kia về sau trở thành thông gia của cụ Tứ.
Thấy căn hầm lớn có đông người, chúng phá nhà lấy củi, dùng quạt hòm để hun khói. Khi lửa đã cháy rừng rực, quạt gói ù ù. Thấy chỗ nào có khói đùn lên, chúng liền cho đào ra và hun khói trực tiếp. Những người trú bên trong dùng bùn nhão trộn rơm trát vào cửa vách ngăn chặn khói. Do sức nóng của lửa, sự ngột ngạt của khói, không chịu được bao lâu mọi người lại rút vào ngăn hầm khác. Cứ thế, giặc hun dồn mọi người vào ngăn hầm cuối cùng và văng vẳng tiếng la hét. Chúng dùng loa chĩa vào kêu gọi đầu hàng, thì lại im lặng. Chúng hun tiếp đến khi không còn nghe thấy tiếng động trong hầm thì dừng lại và bắn vào trong. Căn hầm hoàn toàn ím lặng.
Khi nguội địch chui vào lôi 10 người đã tắt thở ra, trong đó có 5 chiến sỹ du kích hy sinh gồm các ông: Triệu Văn Cừ, Trịnh Văn Bân, Nguyễn Văn Nụ, Nguyễn Văn Cam (ông Nụ và ông Cam là anh em ruột) và ông Hoàng Văn Kiểm, sau này được truy tặng là liệt sỹ. Còn 5 người dân bị chết Hà Thị Trai, Hoàng Văn Điều, Hà Văn Khoa, Phong và Nguyên. Chúng kéo xác 10 người ra ruộng khoai lang xếp nằm thành hàng rồi bắn vào giữa trán. Trời tối, địch rút quân. Trung đội trưởng Hoàng Văn Tứ cùng các chiến sỹ từ nơi ẩn nấp ùa xuống ruộng ôm lấy xác đồng đội trong nỗi xót xa vô bờ. Trong buổi lễ truy điệu, trung đội du kích và nhân dân làng Chi Lễ thề quyết tâm chiến đấu để trả thù.
Tận tâm xây dựng quê hương
Hoà bình lập lại, ông Hoàng Văn Tứ vẫn làm trung đội trưởng du kích. Khi cải cách ruộng đất, gia đình ông bị quy sai thành phần, bản thân thì bị lưu Đảng rồi xoá tên. Khi sửa sai, gia đình ông hạ xuống thành phần trung nông, nhưng ông không được phục hồi đảng tịch. Ông hăng hái công tác và được bạt làm xã đội phó, rồi xã đội trưởng. Năm 1958, khi xã Mỹ Thái (cũ) lại tách ra thành xã Xuân Hương, một phần xã Dương Đức và xã Mỹ Thái (ngày nay), ông Tứ được cử làm Thường trực Uỷ ban hành chính (UBHC) xã. Tại cuộc bầu cử HĐND xã năm 1959, ông được bầu làm Phó chủ tịch UBHC xã. Ngày 6 tháng 1 năm 1960 ông Hoàng Văn Tứ được kết nạp Đảng lại và tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch UBHC đến năm 1965. Tại khoá HĐND xã 1965 đến 1967, ông được bầu giữ Chủ tịch UBHC xã Mỹ Thái rồi được điều động lên công tác ở Phòng nông nghiệp phụ trách xã Dĩnh Trì (nay thuộc thành phố Bắc Giang).
Khi thực hiện chủ trương giảm biên chế, ông làm đơn xin về và gia đình, lại được Nhân dân bầu giữ Chủ tịch UBHC xã 2 khoá liên tiếp (1971 đến 1975), rồi lên làm Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Thái. Năm 1978, ông chuyển sang làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, rồi lại được bầu làm chủ tịch UBND xã lần thứ 3. Đến năm tháng 5/1984 ông được nghỉ hưu. Gần 40 năm công tác, ở cương vị nào ông Hoàng Văn Tứ cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng tin, dân mến. Qua chiến đấu và công tác, ông Hoàng Văn Tứ được tặng 01 Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3, 02 huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì và 3, huy hiệu từ 30 đến 65 năm tuổi Đảng và rất nhiều phần thưởng khác. Về cuộc sống riêng, cụ Hoàng Văn Tứ có 9 người đều đã trưởng thành. Người con cả đã 75 tuổi. Cụ có hai người con rể là Bí thư Đảng uỷ và Phó Chủ tịch UBND xã nay đã nghỉ hưu. Những người con của cụ đều khá giả, sống hoà thuận ấm tình làng, nghĩa xóm. Cụ Hoàng Văn Tứ bảo lẽ ra đã được tặng huy hiệu 70 và 75 năm tuổi Đảng rồi.
Là nhân chứng duy nhất đến nay còn sống của Trung đội du kích Chi Lễ năm xưa. Gần 75 năm đã qua nhưng cụ Hoàng Văn Tứ vẫn nhớ như in cái ngày bi thương đó và luôn căn dặn con, cháu chắt hãy ghi nhớ bằng sự biết ơn từ đáy lòng:“Để có được độc lập tự do như ngày hôm nay không phải dễ, cố gắng mà giữ gìn”. Trận chống càn năm xưa tuy có mất mát rất lớn, nhưng đã thể hiện được tinh thần, bản lĩnh người dân ở xã anh hùng. Cụ mong muốn sự kiện đó sớm được đưa vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ xã Mỹ Thái, là bằng chứng ghi lại sự quả cảm của những con người quê hương để giáo dục thế hệ trẻ.