Giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo trên Biển Đông

Trong bối cảnh hiện nay, quyết tâm chống lại hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU của cộng đồng quốc tế càng trở nên mạnh mẽ.

Hoạt động khai thác hải sản trái phép trên thực tiễn có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản và cũng chính là một mối nguy hiểm lớn đối với môi trường biển, ảnh hưởng đến tính bền vững của các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển.

Biển Đông, với tư cách là một vùng biển giàu tài nguyên sinh vật và là nguồn cung cấp nguồn thủy hải sản lớn cho thế giới và khu vực đã và đang là tâm điểm của hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định.

Bài viết góp phần làm rõ nội hàm của khái niệm của hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, đồng thời nêu lên thực trạng của vấn đề này ở Biển Đông, đề xuất một số giải pháp chống lại hành vi này trong tình hình hiện nay.

anh-chup-man-hinh-2023-03-28-luc-100418-1679972687.png
Chỉ huy đoàn công tác biểu dương cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 4035 thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam

Khái niệm của hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định - IUU

Trong chương trình hành động quốc tế về ngăn ngừa, chấm dứt loại bỏ hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, nội hàm của các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đã được xác định như sau:

Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) là quy định về chống khai thác hải sản IUU được Ủy ban châu Âu - EC ban hành tại Quy định số 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 01/10/2010. Mục tiêu của IUU là nhằm thiết lập một thống trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU.

Hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp là hành vi của các tàu thuyền khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Khai thác hải sản bất hợp pháp xét cho cùng thực chất là các hoạt động đánh bắt cá vi phạm luật pháp quốc gia hoặc nghĩa vụ quốc tế, bao gồm cả những hoạt động được thực hiện bởi công dân của quốc gia hợp tác với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực có liên quan nhưng trái với quy định của tổ chức đó về vấn đề bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản.

Khai thác hải sản bất hợp pháp là những hành vi: (i) không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật cho các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có liên quan, trái với hệ thống pháp luật và quy định của quốc gia đó; hoặc là (ii) được thực hiện trong vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực có liên quan nhưng không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật, trái với các thủ tục báo cáo của tổ chức đó. Khai thác hải sản không được kiểm soát là các hoạt động đánh bắt hải sản theo các phương thức không phù hợp hoặc trái với các biện pháp về bảo tồn và quản lý tài nguyên của tổ chức nghề cá đó.

 Nhận thức được những nguy cơ và tác động tiêu cực của hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực để đối phó thông qua các điều ước quốc tế và các cơ chế hợp tác đa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các nỗ lực này là chưa đủ nếu không có sự tích cực chủ động của từng quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển ven Biển Đông. Do áp lực phát triển kinh tế, một số quốc gia có xu hướng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên và thiếu các biện pháp bảo tồn và tái tạo cho việc khai thác bền vững.

Thực trạng hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU trên Biển Đông

Biển Đông là vùng biển nửa kín tiếp giáp 09 quốc gia và một vùng lãnh thổ, trong đó, hầu hết là các quốc gia đang phát triển có tỷ lệ GDP phụ thuộc vào khai thác tài nguyên cả sinh vật và phi sinh vật từ vùng biển quan trọng này. Đối với các quốc gia xung quanh Biển Đông, việc loại bỏ hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định sẽ có tác động nhất định đến việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ở khu vực Biển Đông.

anh-chup-man-hinh-2023-03-28-luc-100306-1679972694.png
Đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra các tàu cá của ngư dân làm ăn tại khu vực tiếp giáp với vùng biển nước ngoài.

 Hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp của tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển Việt Nam  

Về cơ sở pháp ly: Hoạt động đánh bắt của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam được điều chỉnh bởi Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015, đặc biệt là Luật Thuỷ sản năm 2017. Theo quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu được cấp phép hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện nhất định như: (i). Thực hiện trên cơ sở thỏa thuận quốc tế. (ii). Có giấy phép của quốc gia có tàu. (iii). Có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc có dự án hợp tác do Việt Nam cấp. (iv). Có thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Khi có hoạt động đánh bắt của tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát; nếu phát hiện hành vi vi phạm thì xử lý vi phạm hành chính, buộc người và phương tiện nước ngoài chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản xử lý theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các biện pháp xử lý tàu thuyền vi phạm đã được vụ thể hoá trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản v.v…

Mặc dù đã có các quy định cụ thể để ngăn ngừa hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định nhưng trong những năm qua, nhưng số lượng tàu thuyền nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong các vùng biển Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc áp dụng các biện pháp xử lý tàu thuyền vi phạm chưa đủ sức răn đe, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chấp pháp trên biển chưa cao. Biện pháp chủ yếu mà Việt Nam áp dụng là xua đuổi, hoặc bắt giữ, xử phạt vi phạm hành chính sau đó phóng thích tàu nước ngoài. Trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền có thể nên tăng cường việc áp dụng các biện pháp đủ tính răn đe, trừng phạt nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm, tránh gia tăng các trường hợp tái phạm như tăng tiền phạt, tăng các khoản tiền bảo lãnh, áp dụng thường xuyên các hình phạt bổ sung như tịch thu tàu vi phạm, tịch thu giấy phép hoạt động, tạm đình chỉ dự án.

Tình trạng tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài

Là một quốc gia ven biển đang phát triển, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam bị đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU cao trên thế giới. Theo nghiên cứu của IUU Fishing Index 2021, Việt Nam có chỉ số IUU là 2,48 cao hơn so với mức bình quân của thế giới là 2,24 và hiện đang đứng thứ 6 trên thế giới về vấn nạn này. Các thống kê của Việt Nam chỉ ra rằng, có ít nhất 20% tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản tự nhiên hàng năm ở Việt Nam là trái phép, tức chiếm khoảng gần 26 tấn thủy hải sản. Việt Nam có khoảng 2,5 triệu ngư dân và người làm các dịch vụ hậu cần tại Biển Đông, cùng hơn 170.000 tàu cá tham gia đánh cá trên biển. Vì lợi ích kinh tế cũng như do thiếu hiểu biết, một số không nhỏ ngư dân Việt Nam không chỉ đánh bắt cá trong các vùng biển của Việt Nam mà còn xâm phạm, đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của quốc gia nước ngoài. Từ năm 2010 đến nay, đã có 1.340 tàu với 11.028 ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt cá trái phép bị bắt giữ, xử lý.

Hiện nay, các quy định về đánh bắt thủy sản của Việt Nam được quy định trong nhiều văn bản như: Luật Thuỷ sản 2017, Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 về qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản, Nghị định 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 về sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thuỷ sản; Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 quy định về việc chứng nhận, xác nhận thuỷ sản khai thác; Số 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2013 qui định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 33/2010; Số 26/2016/ TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản…trong đó Điều 60 Luật Thủy sản đã liệt kê ra 14 hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp như: Khai thác thủy sản không có giấy phép; Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; Khai thác thủy sản trái phép loài thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Về các biện pháp xử lý vi phạm, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định: “…tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định trong phạm vi lãnh thổ,…có thể bị xử phạt tối đa là là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản áp dụng đối với tổ chức là 200.000.000 đồng”. Đồng thời, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị áp dụng thêm một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp hành vi vi phạm cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Nhìn chung, mặc dù đã xây dựng một khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động khai thác thủy sản và chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, tuy nhiên pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định về IUU của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, dẫn đến thẻ vàng kéo dài.

Nguyên nhân một phần đến từ việc ngoài những vùng biển đã có sự phân định rõ ràng, hiện nay Việt Nam còn có các vùng biển chồng lấn, hoặc đang nằm trong tình trạng chưa được phân định rõ ràng với các quốc gia láng giềng. Điều này cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán nhưng vẫn bị các quốc gia láng giềng cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của họ. Các quốc gia này xua đuổi, gây khó khăn cho hoạt động của tàu cá Việt Nam, thậm chí áp dụng các biện pháp xử lý mạnh. 

Một số giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU

Để giảm thiểu tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định trên Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhấtquản lý khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

Cần phải xác định rõ mục tiêu của kế hoạch chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là việc triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu - EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2023.

Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng. Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm và uy tín quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thứ haikiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và các địa phương liên quan từ nay đến tháng 5/2023 là phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Kiên quyết xử lý các vụ vi phạm của các chủ tàu thuyền, ngư dân trong khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS. Xuất phát từ thực trạng hiện nay, cần khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh. Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu – EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác như bến cá, cảng cá v.v…, tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải cập cảng chỉ định; kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài tuân thủ đầy đủ theo quy định của hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu Container.

Thứ ba, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Mục tiêu đặt ra nhiệm vụ từ nay đến tháng 5/2023, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cảng cá chỉ định, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan về thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm. Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Chủ tịch UBND các tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp trên địa bàn nếu để xảy ra vi phạm liên quan đến các lô hàng xuất khẩu vi phạm IUU.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khu vực, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi phân phối, cung ứng nông lâm thủy sản toàn cầu. Chính vì vậy, không cách nào khác, chúng ta phải thực thi nghiêm các quy định quốc tế, hướng đến việc khai thác bền vững. Gỡ được thẻ vàng chẳng những mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và uy tín trên thị trường quốc tế của Việt Nam.

Thứ tư, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp.

Về nhiệm vụ, giải pháp lâu dài, các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển. Xây dựng cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu cá khai thác thủy sản hợp pháp chưa đủ khả năng trả nợ; xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế; xây dựng kế hoạch và thúc đẩy đàm phán phân định khu vực vùng biển chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam với các nước như Trung Quốc, Malaysia và các nước láng giềng liên quan khác. Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá, phòng, chống khai thác IUU, hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và các nước, tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các hiệp định, Công ước quốc tế về thủy sản mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU và các hoạt động thông tin truyền thông, tuyên truyền tập huấn pháp luật về IUU trong nước và trên diễn đàn quốc tế.

Tóm lại, trong bối cảnh Biển Đông vẫn có nhiều diễn biến phức tạp cả an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống, trong tình hình chung đó nổi lên vấn đề khai thác IUU, mặc dù các quốc gia đã có nhiều giải pháp của riêng mình nhằm ngăn chặn, không để tiếp diễn, song vẫn còn những vụ việc ngư dân của một số nước trong khu vực Biển Đông vi phạm. Lực lượng chức năng của các nước nói chung, trong đó có lực lượng chuyên trách của Việt Nam nói riêng đang tiếp tục tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn những hành vi khai thác IUU một cách quyết liệt, hiệu quả. Hy vọng trong thời gian tới, tình hình khu vực Biển Đông sẽ trở nên khả quan hơn khi các quốc gia luôn đề cao trách nhiệm trong việc loại bỏ khai thác IUU.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp