Giải quyết vấn đề trong hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã

Theo Sở NN-PTNT, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có lợi thế rất lớn về giao thông vận chuyển hàng hóa với cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Hiện, Đồng Nai có trên 287.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7.600 ha nuôi trồng thủy sản, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với việc sản xuất nhiều loại nông sản khác nhau.

Ngày 18/11,UBND tỉnh cùng Sở NN-PTNT Đồng Nai và một số sở, ngành tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản...

Điều kiện khí hậu ôn hòa, tài nguyên nước dồi dào, đáp ứng đủ cho sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn trái nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Do đó các loại cây trồng trong tỉnh phát triển khá đa dạng, phong phú với 15 loại cây trồng hàng năm, 9 loại cây lâu năm, riêng cây ăn quả có khoảng 11 loại khác nhau; nhiều loại có quy mô lớn, chất lượng cao nổi tiếng cả nước.

Ngành chăn nuôi cũng phát triển mạnh với khoảng 2.560.000 con heo, khoảng 27,5 triệu con gà. Sản lượng thịt hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và là nguồn cung cấp chính cho thị trường tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.

Ngành chăn nuôi Đồng Nai đang phát triển mạnh. Ảnh: Minh Sáng.

Ngành chăn nuôi Đồng Nai đang phát triển mạnh. Ảnh: Minh Sáng.

Về hình thức tổ chức sản xuất có 185 HTX nông nghiệp, gần 2.200 trang trại, với tổng diện tích sản xuất gần 8.500 ha, 155 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp. Có trên 260 doanh nghiệp hoạt động sơ chế, chế biến thực phẩm với các sản phẩm chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, sản phẩm sau khi giết mổ, sản phẩm trái cây sấy, chế biến cà phê, hạt điều. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm mới chỉ ở  dạng sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao.

Nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào hộ cá thể, mang tính nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng.

Ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX và người nông dân trong việc thực hiện chuỗi liên kết. Ảnh: Trần Trung.

Ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX và người nông dân trong việc thực hiện chuỗi liên kết. Ảnh: Trần Trung.

Tính liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân chưa phổ biến, tính bền vững chưa cao, hiệu quả thấp. Chưa có doanh nghiệp lớn, đủ mạnh làm đầu tàu liên kết sản xuất với hộ cá thể; vùng nguyên liệu không ổn định, hạn chế trong việc áp dụng được các tiến bộ khoa học, công nghệ cao một cách đồng bộ. Chưa tạo được thương hiệu mạnh cho nông sản, việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc vẫn gặp nhiều khó khăn, hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế.

 Tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, chuyên sản xuất gà xuất khẩu cho biết, xuất phát chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún, dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chất lượng sản phảm đầu ra khó kiểm soát, việc phát triển chăn nuôi tập trung là nhu cầu tất yếu.

Vì vậy muốn khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực này, cần phải có sự liên kết giữa các bên. Do đó, ông Quyết đã thành lập HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát vào năm 2017 nhằm kết nối thành hệ thống các trang trại với quy mô lớn đạt cả công suất, chất lượng.

Việc phát triển chăn nuôi tập trung là xu hướng tất yếu. Ảnh: Minh Sáng.

Việc phát triển chăn nuôi tập trung là xu hướng tất yếu. Ảnh: Minh Sáng.

“Thị trường xuất khẩu gia cầm nói chung gà nói riêng còn rất rộng mở, chỉ một vài trang trại không giải quyết được vấn đề nguồn cung mà phải liên kết rất nhiều thành viên là người chăn nuôi, các hợp tác xã và doanh nghiệp. Hợp tác xã chính là đầu mối quản lý chặt chẽ để các thành viên cùng thực hiện chăn nuôi theo quy trình đạt chuẩn xuất khẩu để giải quyết cả bài toán về chất lượng và số lượng. Chính vì vậy, cái gốc của hệ thống liên kết mà hợp tác xã đang tập trung xây dựng chính là thu hút những người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh”, ông Quyết nhấn mạnh.

Nhân hội nghị này ông Quyết kiến nghị, Đồng Nai khí hậu khá nóng, muốn chăn nuôi thành công đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó, phải điều tiết được nhiệt độ trang trại ấm vào mùa đông mát vào mùa hè. Ngoài ra để có đủ sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi trang trại phải đủ lớn và phải đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu chí của nhà nhập khẩu. Trong khi hầu hết các trang trại tại địa phương đã lạc hậu không đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra, giá đất tại địa phương rất cao. Do đó, mong muốn địa phương cần có quy hoạch khu chăn nuôi, giết mổ tập trung để tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp nhà chăn nuôi tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng trang trại theo hướng hiện đại.

Các HTX, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng trang trại theo hướng hiện đại. Ảnh: Trần Trung.

Các HTX, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng trang trại theo hướng hiện đại. Ảnh: Trần Trung.

Bà Võ Thị Trúc Thanh, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK Nông sản Thanh Trung (TP.Long Khánh) cho biết, hiện công ty đã xây dựng thành công chuỗi liên kết sầu riêng và mít xuất khẩu, mỗi năm xuất khẩu trên 20-30 ngàn tấn sầu riêng, mít tươi và cấp đông sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên theo bà Thanh, hiện nay thị trường tỉ dân này không còn dễ tính, nên để sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói…

 “Để có đủ cơ sở pháp lý cho trái cây xuất khẩu yếu tố tiên quyết là nông sản phải có mã số vùng trồng. Tuy nhiên, hiện số đơn vị được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói vẫn còn ít. Doanh nghiệp mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng các vùng chuyên canh. Đồng thời, vận động hướng dẫn người dân liên kết, thành lập thêm nhiều HTX nhằm tạo vùng nguyên liệu lớn, ổn đinh và cấp mã số số vùng trồng để doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ không chỉ thị trường Trung Quốc còn tiến tới thị trường Mỹ và Châu Âu cũng như các thị trường khó tính khác”.

Để sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói…Ảnh: Minh Sáng.

Để sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói…Ảnh: Minh Sáng.

Ông Phạm Văn Nhanh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú An (huyện Tân Phú, Đồng Nai), cho biết HTX được thành lập năm 2018, với diện tích 120ha làm theo VietGAP. HTX đã được cấp mã số vùng trồng, nên có nhiều tập đoàn, công ty đến đặt vấn đề thu mua sản phẩm sầu riêng của HTX khiến bà con xã viên rất vui mừng.

Xã Phú An có diện tích sầu riêng khoảng 1.200 ha nhưng nhiều diện tích còn chưa có mã số vùng trồng nên rất mong UBND tỉnh, Chi cục BVTV tạo điều kiện giúp những diện tích chưa có mã số vùng trồng để bà con tranh thủ làm cho kịp thời vụ năm 2023.

Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan, cũng trực tiếp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp và tổng hợp các đề xuất để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xử lý tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch ngành, cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Minh Sáng.

Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch ngành, cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Minh Sáng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề nghị, đối với Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch ngành, cơ cấu nông nghiệp để đẩy mạnh sản suất và chế biến, phát triển thị trường đồng thời tăng cường thương mại điện tử, chuyển đổi số, số hoá thông tin để doanh nghiệp tiếp cận và phối hợp thực hiện. Tiếp theo là đảm bảo hiệu quả thúc đẩy đất đai theo cách thu gom để phát triển hiệu quả. Xây dựng các vùng chuyên canh kết hợp giữa sản xuất và chế biến đảm bảo số lượng, chất lượng để sản xuất trên địa bàn tỉnh đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp để sơ chế và chế biến làm sao phù hợp với vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo tiêu chuẩn nước ngoài để xuất khẩu.

Với vấn đề giao thương hàng hoá đề nghị Sở Công thương tiếp tục rà soát, hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCCOP ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở KH-CN thì cần nhanh chóng hoàn thiện và kêu gọi đầu tư để đưa vào sử dụng 2 cụm chế biến tại huyện Định Quán và Cẩm Mỹ. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp.