Hà Nội đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá, đô thị văn minh

Qua 2 năm đẩy mạnh phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, Thành ủy Hà Nội đánh giá, việc triển khai Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội đã có trọng tâm, trọng điểm; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch tại Thủ đô đang trên đà khởi sắc.
hanoi-1676711486.jpg

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, tổ dân phố... - Ảnh: VGP/Gia Huy

Xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, tổ dân phố

Theo Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, kết quả 2 năm qua có nhiều điểm nổi bật trong cả 3 lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, thể dục thể thao.

Theo đó, một trong những trọng tâm của Chương trình 06 là xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, tổ dân phố, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn tổ chức đăng ký xây dựng và bình xét các danh hiệu văn hóa.

Đến nay, có 88.0% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63.0% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm.

Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hoá công nghiệp" trong công nhân viên chức lao động Thủ đô gắn với phong trào xây dựng "Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", ban hành đề án Xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có công nhân lao động cư trú tập trung. Đến nay, đã công nhận đối với 795 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp Thành phố giai đoạn 2016-2021, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa đạt 71,8% trên tổng số đăng ký.

Tại địa bàn nhiều khu dân cư, duy trì hiệu quả "Đội hình 3+", "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh", "Thả cá không thả túi nilon" hàng tuần nhằm xóa điểm đen về rác, bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, tích cực triển khai các mô hình làm đẹp môi trường, cảnh quan đô thị, xây dựng văn hóa trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đối tượng thanh niên.

Thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, Hà Nội nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2022-2025; tổ chức thành công Hội thi "Trưởng thôn thân thiện" thành phố Hà Nội lần thứ 3. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện phân cấp công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Thành phố cũng định hướng cụ thể quy hoạch cây xanh đô thị trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với khu vực nội đô lịch sử qua việc nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có, triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công viên, cây xanh theo quy hoạch các quận, huyện và các dự án phê duyệt phù hợp với quy hoạch chung.

Đối với Khu vực nội đô mở rộng, thực hiện xây mới kết hợp với nâng cấp các công viên hiện có, hình thành 3 điểm trọng tâm Hồ Tây và phụ cận, Mỹ Đình, Yên Sở. Quận, huyện, thị xã tích cực xây dựng không gian văn hóa, không gian mang tính cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi cuối tuần, điển hình như: tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây) và tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng).

Hà Nội đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá, đô thị văn minh - Ảnh 2.

Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thu hút du lịch - Ảnh: VGP/Gia Huy

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút du lịch

Trong 2 năm qua, Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: Xây dựng và triển khai kế hoạch bảo tồn Ca trù, báo cáo UNESCO về công tác bảo vệ và phát huy Hội Gióng, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một trên địa bàn Thành phố, kịch bản lễ hội Ngô Quyền xưng vương; khảo sát hiện trạng các di sản đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các cơ quan đã khảo sát, tổng hợp thông tin về 06 di sản phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ gồm: Nghề nặn tò he (Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên); Nghề làm bánh tẻ (làng Phú Nhi, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây); Nghề làm đàn (Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa); Nghề làm bún Phú Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm); Hát Dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai); Mo Mường.

Từ bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã góp phần thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Tính riêng năm 2022, di tích Đền Ngọc Sơn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mở cửa đón du khách tham quan với đón trên 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 41 tỷ đồng, vượt kế hoạch thu được giao.

Hà Nội hiện đang tập trung thực hiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội: Xây dựng kế hoạch tổng thể dự án, bổ sung nhân sự, kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học, xây dựng kế hoạch thi công, Thành lập tổ công tác, kiện toàn Ban Quản lý dự án Bảo tàng, rà soát hạng mục, xây dựng tiến độ chi tiết triển khai thực hiện dự án đảm bảo sát thực tế, triển khai thi công một số hạng mục, đề xuất cơ chế triển khai sưu tầm, bổ sung hiện vật, dự kiến khởi công dự án trong Quý I/2023, hoàn thành trưng bày tổng thể trong Quý III/2024.

Thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới về thống nhất quản lý di sản về di tích và di vật, TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác bàn giao tiếp nhận Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, giải phóng mặt bằng khu vực xung quanh di tích, tiếp nhận hiện vật để bảo quản, triển khai Chương trình giáo dục di sản và nâng cao chất lượng điểm đến khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Hà Nội cũng phê duyệt đề án Mã hóa dữ liệu Địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, sinh hoạt chuyên đề tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử; triển khai mã hóa, đặt điểm QR code tuyên truyền tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho một số di tích lịch sử tại các quận, huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Đình, Tây Hồ…; ra quân các đội hình tuyên truyền Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô.

Sau dịch COVID-19, phát triển du lịch được đẩy mạnh bằng tổ chức chuỗi các hoạt động quảng bá du lịch gắn với giao lưu văn hóa, các hội nghị, hội thảo, hội chợ, các giải thi đấu thể thao quốc tế, gắn với giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô nhằm thu hút đối tượng khách du lịch lưu trú dài ngày như: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội, Hành trình Hữu nghị năm, Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài…

Tuyên truyền quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội với nhiều hình thức: Kênh truyền hình VTV, HanoiTV, kênh CNN quốc tế, FM du lịch Hà Nội, trang tin, báo điện tử, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook); Chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch "Hà Nội - Đến để yêu"... nhằm quảng bá hình ảnh Hà Nội - Việt Nam…

Ngoài ra, thực hiện nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề. Tổ chức các cuộc thi tay nghề sáng tạo mẫu sản phẩm quà tặng phục vụ hoạt động du lịch Thủ đô. Tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm "Giải pháp nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Làng nghề Bát Tràng" tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Triển khai nhiều các sản phẩm du lịch để tập trung thu hút khách như: tour Du lịch Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chương trình Chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; tổ chức 20 Hội nghị trao đổi kỹ năng ứng xử văn minh du lịch tại khu vực trọng điểm về du lịch.

Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và phát triển du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu, vị thế của du lịch Thủ đô: Cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về du lịch Hà Nội website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách, tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch của Chương trình 06 Thành ủy Hà Nội:

(1) Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 72%, vượt 0,1%.

(2) Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hoá hàng năm (tính trên tổng số đăng ký): 71,8%, vượt 0,6%;

(3) Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa đạt 97,5%, vượt 3%;

(4) Tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 42,5% vượt 0,5%;

(5) Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao đạt 30,5%, vượt 0,5%;

(6) Đóng góp lực lượng HLV, VĐV và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực (SEA GAMES, ASIAD…): đạt 30,24%, vượt 0,24%;

(7) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 0,3%;

(8) Số lao động được đào tạo nghề hàng năm đạt 251,500 lượt người, đạt 112% kế hoạch, tăng 13,23%.

(9) Số lượt khách du lịch đón và phục vụ hàng năm: 18,7 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Số lượt khách du lịch quốc tế đón và phục vụ hàng năm đạt 1,5 triệu lượt khách, vượt 0,3%.