Hà Nội: Đề xuất giải pháp đưa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đi vào cuộc sống

TH
Sau 4 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn khó tiếp cận được chính sách hỗ trợ theo quy định. Hiện, ngành Nông nghiệp và các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp của Thủ đô đang triển khai nhiều giải pháp để Nghị định số 98/2018/NĐ-CP phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn.

Nhiều bất cập phát sinh

Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, hợp tác xã có thể được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (tối đa là 300 triệu đồng) bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường… Đây là những hỗ trợ thiết thực, giúp hợp tác xã hoàn thiện các bước sau thu hoạch, đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng liên kết lỏng lẻo, giá cả bấp bênh...

Theo Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nông thôn (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội) Phạm Thị Mỹ Dung, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu được hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết cũng như xác định nguồn vốn đối ứng được hỗ trợ. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, hầu như chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã nào tiếp cận được nguồn vốn vay từ chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển chuỗi liên kết theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

637472487944489283-rau-van-1658278783.jpg
Chú thích ảnh

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, thời gian qua, hợp tác xã đã tìm cách tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nhưng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, để được hỗ trợ, các nội dung liên kết chuỗi cần phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường... Trong khi đó, trên thực tế, nhiều thủ tục lại khó thực hiện nên việc xây dựng phương án đề nghị được hỗ trợ bị vướng.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn Nguyễn Thái Hoàng cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện liên kết với nhiều hợp tác xã để thu mua nông sản nhưng việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP để xây dựng cơ sở chế biến gặp không ít khó khăn. Hiện tại, công ty vẫn phải huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng khu chế biến, kho bảo quản thực phẩm…

Tập trung giải pháp tháo gỡ

Nhận thức rõ hiệu quả hỗ trợ phát triển ngành Nông nghiệp Thủ đô của các chính sách quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, song theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện tại, phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã của thành phố vẫn chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, bởi các dự án liên kết thường thực hiện theo giai đoạn 3-5 năm. Trong khi đó, việc quy định chi, hình thức chi và nguồn vốn dành cho việc hỗ trợ thường được đăng ký, phân bổ từng năm dẫn đến việc giải ngân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai hay giá cả thị trường biến động… nên các doanh nghiệp, hợp tác xã "ngại" ký hợp đồng lâu dài với nông dân.

Đề xuất giải pháp để Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đi vào cuộc sống, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám kiến nghị ngành Nông nghiệp Hà Nội và các cơ quan chức năng của thành phố hỗ trợ hợp tác xã trong khâu hoàn thành các thủ tục để sớm được hưởng chính sách. Còn Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ xem xét giảm quy định thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm xuống còn 3 năm; có hướng dẫn cụ thể về công tác giải ngân từng danh mục hỗ trợ và bố trí nguồn kinh phí riêng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Cũng về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP hiệu quả hơn trong thời gian tới, Sở sẽ từng bước hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuỗi giá trị một cách đồng bộ, tạo cơ chế, chính sách theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân trong liên kết tiêu thụ nông sản; đồng thời hoàn thiện, triển khai các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thì sản phẩm nông nghiệp sẽ rất yếu thế, khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. "Để các chính sách quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đi vào thực tiễn, cùng với sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương..., các doanh nghiệp, hợp tác xã cần bảo đảm sản xuất hoặc có kế hoạch sản xuất rõ ràng theo chuỗi giá trị để được hỗ trợ", Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Tiến Định cho biết.