Hạn hán ở Gia Lai kéo dài khiến cây trồng bị thiệt hại nghiêm trọng

Trong nhiều tháng qua tại Gia Lai không có mưa. Hạn hán đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực, khốc liệt. Hiện nhiều sông, suối, hồ đập đã khô cạn dẫn đến khó khăn về nguồn nước tưới, sinh hoạt. Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.
z5270972665960-441265ae073e39fedcee7d177ca5acc7-1714621447.jpg

Cây cà phê thiếu nước dẫn đến khô héo, vàng lá.

Gia Lai là một trong các tỉnh có diện tích cây trồng các loại lớn, với các loại cây như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây… và các loại cây ăn quả khác. Những loại cây này đòi hỏi lượng nước tưới không nhỏ, hạn hán kéo dài trong những tháng qua khiến nguồn nước tưới ở Gia Lai bị sụt giảm, thiếu hụt nghiêm trọng. Người dân đã phải tìm kiếm nhân công nạo giếng, vét hồ tìm nước tưới.

z53727443628883503fc3c48d4041742328fff4a162606-eubk-1714621447.jpg

Hiện nhiều sông, suối, hồ đập đã khô cạn dẫn đến khó khăn về nguồn nước tưới, sinh hoạt. Ảnh Báo Văn hóa

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán. Cụ thể, gần 120ha cây trồng bị thiệt hại trên 70%; hơn 160ha cây trồng thiệt hại từ 50-70%; hơn 55ha cây trồng thiệt hại từ 30-50%. Cây trồng bị thiệt hại chủ yếu là lúa với diện tích gần 270ha. Theo đó, ước giá trị thiệt hại khoảng gần 10 tỷ đồng.

Một số diện tích bị hạn hán chưa thống kê được mức độ thiệt hại gồm: 364ha cà phê tại huyện Đức Cơ, 15ha rau màu tại TP. Pleiku, hơn 95ha cây lâu năm (hồ tiêu, cà phê) và 75ha cây ăn quả tại huyện Chư Pưh. Diện tích các loại cây trồng này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước tưới.

Ngoài ra, Gia Lai hiện có khoảng 500.000 con trâu, bò các loại đòi hỏi lượng nước, thức ăn lớn. Với tình trạng khô hạn như hiện nay, tình trạng thiếu thức ăn cũng xảy ra khiến người dân khổ càng thêm khổ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay khắc nghiệt hơn so với trung bình nhiều năm, nắng nóng kéo dài từ 15 đến 20 ngày, nền nhiệt cao hơn từ 0,8 đến 1,3 độ C, lượng mưa thâm hụt 10-25%, mùa mưa đến chậm hơn 15-20 ngày so với những năm trước.

Trước nguy cơ hạn hán trên diện rộng tại nhiều địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra. Ngày 17/4 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai chủ trì tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn, thiếu nước và đề xuất các phương án xả nước về hạ du của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, nền nhiệt độ những tháng tới nhiều khả năng còn vượt ngưỡng lịch sử năm 2020, tại thị xã Ayun Pa là 41,5 độ C, tại thị xã An Khê là 40 độ C sẽ rất nguy hiểm dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa giông, lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng người dân.

“Theo dự báo, mùa mưa năm 2024 ở Gia Lai sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-20 ngày. Tuy nhiên, trong những tháng mùa mưa (tháng 6 và 7), lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng trong tháng 6 và 7, số ngày mưa sẽ bị gián đoạn (do hạn bà Chằn) cho nên khả năng thiếu nước tưới cho cây trồng trong những tháng đầu mùa mưa là rất lớn. Các ngành, địa phương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện cần xây dựng phương án cân đối nguồn nước để tích trữ, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo đảm cung ứng điện sinh hoạt, sản xuất”, ông Huấn cảnh báo.

Theo Công văn số 824/UBND-NL về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện… theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán; các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền ban hành. Xây dựng phương án phòng chống hạn cụ thể cho từng công trình, ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt. Trong quá trình vận hành, trường hợp phát sinh thêm nhu cầu sử dụng nước ở hạ du, phải chủ động xả nước để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước ở hạ du phục vụ sản xuất và nước cấp cho sinh hoạt của người dân.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Trước mắt, Sở đề nghị các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước; theo dõi và bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy điện để bố trí lấy nước cho phù hợp, điều hòa lượng nước bơm, tưới giữa cây cà-phê và cây lúa nước; tổ chức bơm tưới cả ngày đêm khi có nước để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, tiếp tục cân đối, sử dụng hợp lý nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa, cây trồng cạn; huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ để tích nước chống hạn nhằm phát huy hiệu quả, hạn chế thất thoát nước tưới…

“Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn để phục vụ tưới và cắt lũ trên hệ thống sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng mới các hồ chứa để chuyển nước tưới cho các vùng thường xuyên bị hạn trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, mở rộng diện tích được phục vụ nước tưới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi, dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu CAMIS - ADB9 để nâng cao hiệu quả khai thác, mở rộng diện tích tưới ở các hệ thống thủy lợi”…, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm.