Hiệu quả từ xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng

Lâm Đồng là địa phương có trên 60% dân số sống tại nông thôn và tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 45% tổng GRDP. Với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua, đã thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho vùng nông thôn nơi đây.
images2464512-bo-cuc-uon-luon-cat-tien-1716193642.jpg
Quang cảnh nông thôn Cát Tiên - Lâm Đồng. Ảnh Báo Lâm Đồng

Là tỉnh có phần lớn người dân sống ở nông thôn, xuất phát điểm để bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), trừ thành phố Đà Lạt, các địa phương còn lại của tỉnh đều có rất nhiều hạn chế về nguồn lực trên nhiều lĩnh vực; nhưng với quyết tâm chính trị cao cùng với sự đồng thuận và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân - chủ thể xây dựng nông thôn mới - nên sau một thời gian nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã có sự thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao.

Giai đoạn đầu, tỉnh tập trung huy động nguồn lực để xây dựng NTM lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn theo hướng hiện đại, phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” được tỉnh phát động nhận được sự tham gia sôi nổi của chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân. Từ đây, nhiều địa phương đã có các cách làm sáng tạo hiệu quả, phát huy được sức mạnh toàn dân. Bằng Nghị quyết số 05 ngày 11/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; mở rộng liên kết sản xuất... Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú. Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh mẽ; cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo đúng định hướng, đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái trong tỉnh; đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung về cây công nghiệp, rau, hoa với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Giai đoạn 2009 - 2020, theo đánh giá của Trung ương, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Ðồng đạt được nhiều thành tựu, trở thành tỉnh duy nhất của Tây Nguyên có 2 huyện là Đơn Dương và Đức Trọng đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Đơn Dương sau đó là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án Mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, hai địa phương là thành phố Ðà Lạt và thành phố Bảo Lộc cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể; từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với tinh thần lấy nông dân làm chủ thể, lấy nông nghiệp công nghệ cao là trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và đạt được nhiều thành tựu đã củng cố thêm niềm tin và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình đều vượt trội so với khu vực và bình quân chung cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM. Hiện nay, Lâm Đồng có trên 100 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có nhiều xã đã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và đạt chuẩn xã NTM nâng cao…

Để xây dựng nông thôn mới bền vững, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp tuyên truyền, nhằm giúp bà con nâng cao nhận thức về những ưu việt mà chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại, các địa phương trong tỉnh luôn coi trọng, đó là đẩy mạnh nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất.

Do tiềm lực đầu tư của phần lớn các hộ đồng bào còn hạn chế nên tỉnh Lâm Đồng đã lồng ghép các nguồn lực của chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều chương trình, dự án trên địa bàn như: Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình 135, 134, 30a, trợ cước trợ giá; Chương trình hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm... Nguồn vốn từ các chương trình nói trên chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao trình độ canh tác, hình thành các liên kết sản xuất - tiêu thụ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, MTTQ các cấp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là xây dựng khu dân cư tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu; vận động vượt chỉ tiêu Quỹ “Vì người nghèo”, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách, những người gặp khó khăn trong xã hội.... Đồng thời, chủ trì, phối hợp tổ chức cho các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh đăng ký xây dựng Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu theo các nội dung, tiêu chí mới. Nhìn lại chặng đường đã qua trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng thật sự rất đáng tự hào. Đó không chỉ là thành quả của sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và còn là sự đoàn kết, vượt khó của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.