Họa sĩ "chân quê"

Tôi và Lê Anh Thanh quen nhau vào hai ngày Hội sách “CHUYỆN LÀNG QUÊ” tại nhà hàng Cây Sứ, thành phố Hồ Chí Minh, 18 - 19/11/2022. Đã gần hai năm trôi qua, và đã thêm một lần gặp nhau ở thành phố Hồ Chí Minh. Vậy mà tôi với họa sỹ có bộ râu già hơn tuổi, Lê Anh Thanh mới kết bạn phây búc chưa đầy tháng.

Lỗi là tại tôi không chủ động đề nghị kết bạn với ai trên mạng, còn anh chàng họa sỹ chắc cũng vì mải mê với nghề nên ít thời gian để ý đến các trang mạng. Thỉnh thoảng tôi muốn sử dụng tranh của họa sỹ để minh họa cho bài viết của mình thì tôi và họa sỹ chỉ trao đổi qua tin nhắn. Sau khi kết bạn phây búc với Lê Anh Thanh, tôi được thấy nhiều hơn các tranh vẽ của họa sỹ đăng trên trang cá nhân. Tôi thật sự nể phục tài năng và trân trọng thành quả sáng tác hội họa của một họa sỹ còn rất trẻ nhưng có lẽ đã già nghề của thành phố Hồ Chí Minh – Lê Anh Thanh.

dt1noi-1720237458.jpg

Tác phẩm của Họa sĩ Lê Anh Thanh.

 

Lê Anh Thanh, tên thật là Lê Duy Cường, quê Thanh Hóa. Một vùng quê mà trước năm 1975 thường được ví von là “khu bốn đẩy ra, khu ba đẩy vào”. Tuổi thơ của Lê Anh Thanh đã chứng kiến nỗi vất vả của bố anh, của nông dân miền Bắc một thời gian khó. “Nhớ cái thuở tôi mười bảy mười tám tuổi còn là một trang nam tử đầy sức xuân, kinh tế gia đình lận đận lắm. Bố đã làm đủ thứ nghề mà cuộc sống gia đình cũng chưa lấy gì làm dư dả, nào sản xuất bia hơi thủ công, nào là bán cháo lòng tiết canh…Bố xoay đủ thứ nghề thế nhưng kết quả chẳng đâu vào đâu…” – trích đoạn trong bài viết “CÁI LỀU VỊT CỦA BỐ” của Thanh Leanh. Cả cánh đồng lúa đang vào vụ của nông dân Thanh Hóa đã bị thiên tai, bão lũ cướp sạch. Đàn vịt hơn hai trăm con của bố con họa sỹ Lê Anh Thanh cũng chỉ còn phân nửa. Có lẽ vì vậy, mấy chục năm sống ở thành phố Hồ Chí Minh mà tranh vẽ của họa sỹ phần lớn là vẽ cảnh quê. Trong các tranh vẽ của Lê Anh Thanh, tôi có thấy một bức vẽ lễ hội trên đường phố. Một bức vẽ phố chắc là duy nhất, vẽ khá công phu nhưng chủ đề lại thiên về lễ hội – rất quê, theo cảm nhận của tôi.

Xem tranh do Lê Anh Thanh vẽ tôi có cảm nhận anh vẽ theo trí nhớ, sự cảm nhận pha chút tưởng tượng nhiều hơn là vẽ khung cảnh thật. Ai đó từng ở quê khi xem tranh của họa sỹ sẽ thấy bờ tre ấy, rặng dừa ấy, ngôi nhà ấy, cái sân gạch và đụn rơm ấy sao thân quen mà chẳng thể chỉ ra cảnh ấy ở nơi đâu. Các bức tranh quê của họa sỹ Lê Anh Thanh thường được phối màu hài hòa, không quá nóng và không quá lạnh. Trong tranh của họa sỹ không mấy khi xuất hiện hình ảnh con người mà chỉ đôi khi xuất hiện đàn gà, đàn vịt, trâu, bò. Tranh khung cảnh đồng quê của họa sỹ chắc nhờ vậy mà trở nên thanh bình hơn, ảo diệu hơn. Tuy nhiên có một bức tranh của họa sỹ có một người phụ nữ, một tay giữ chiếc thúng trên đầu, một tay dắt đứa trẻ đi bên cạnh đi trên đường làng lại làm cho tôi và chắc nhiều bạn xem tranh thấy xốn xang. Giá trị hội họa của bức tranh được tăng lên nhiều khi họa sỹ chỉ cho người xem thấy hình ảnh sau lưng của người phụ nữ và đứa trẻ. Tranh của Lê Anh Thanh không có thiên tai, bão lũ; chỉ có bình yên và hạnh phúc. Tranh của Lê Anh Thanh không có sự giàu sang nhưng đầy ắp ấm no. Đặc biệt nhất là tranh của Lê Anh Thanh luôn trong lành cho người xem, môi trường không bị nhiễm bẩn. Tranh của Lê Anh Thanh theo tôi có chút gì đó giống tranh “Mùa Thu vàng” của họa sỹ Levitan hoặc bức tranh ”những người kéo thuyền trên sông Volga” của họa sỹ Repin.

Cố họa sỹ Bùi Xuân Phái, đắm đuối với Hà Nội nên ông vẽ nhiều về Hà Nội. Các góc phố, các căn nhà, và ngay cả các cột điện xuất hiện trong tranh của ông thường được các công dân phố cổ Hà Nội chỉ ngay ra địa danh. Ông Bùi Xuân Phái chắc phải mất nhiều giờ, nhiều ngày để lên phác thảo, để hoàn thiện những bức tranh phố cổ Hà Nội đẹp và thật đến vậy. Người Hà Nội, người yêu hội họa Việt Nam và người yêu hội họa trên thế giới gọi ông là “PHỐ PHÁI”. Ông đã lưu giữ phố cổ Hà Nội trong tranh của mình, để rồi giờ đây chúng ta mãi tiếc phố cổ Hà Nội mỗi khi xem tranh “PHỐ PHÁI”.

Tôi không có ý định so sánh họa sỹ Lê Anh Thanh với cố họa sỹ Bùi Xuân Phái bởi vì “PHỐ PHÁI” đã là một trong tượng đài trong hội họa Việt Nam. Tôi nhắc đến họa sỹ Bùi Xuân Phái với mong muốn họa sỹ Lê Anh Thanh hãy học tập Ông để đắm đuối với mảng tranh “CHÂN QUÊ” của mình. Lê Anh Thanh hãy đi nhiều hơn về các vùng quê Việt Nam, nhất là miền núi phía Bắc Việt Nam để cảm nhận vẻ đẹp của những miền quê ấy. Tôi hy vọng những thửa ruộng bậc thang, với mây vờn gió núi; những lũy tre làng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tranh của họa sỹ.

Họa sỹ Lê Anh Thanh đã được biết đến trong giới hội họa thành phố Hồ Chí Minh. Anh có thể chưa được biết nhiều trong nền hội họa Việt Nam, nhưng anh đã được nhiều bạn viết trên mạng xã hội sử dụng ảnh tranh của mình để minh họa cho bài viết của họ. Tôi có niềm tin là họa sỹ Lê Anh Thanh sớm hữu danh trong hội họa Việt Nam và xa hơn là hữu danh trong hội họa thế giới với mảng tranh “CHÂN QUÊ” của mình - mơ mà! Sao lại không nhỉ.

Hà Nội, 5/7/2024

N.V.N.