Kết quả phát triển liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

25/08/2022 23:17

Nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội luôn khuyến khích và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để rõ hơn về nội dung nay, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội.

PV: Xin ông có thể chia sẻ về một số cơ sở để phát triển liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội?

Ông Nguyễn Văn Chí: Ngày 05/7/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngày 26/11/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4660/QĐ-BNN-KTHT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thay thế, bị bãi bỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Ngày 05/12/2018 Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội;

Trên cơ sở đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các Quyết định: số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 quy định về phân cấp phê duyệt hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp Thành phố; các ngành hàng, sản phẩm quan trọng nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội; số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 về việc ban hành Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội; số 4628/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội; số 2085/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 về việc ban hành kế hoạch Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025.

Ngày 19/4/2022, Chính Phủ ban hành Nghị định 27/2022/NĐ-CP về Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngày 12/8/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2022/TT-BTC về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Với Hà Nội, sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội trình UBND Thành phố ban hành hướng dẫn Quy trình thực hiện Kế hoạch Phát triển nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025 và tổ chức triển khai.

Đây chính là những cơ sở pháp lý để triển khai phát triển liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua. 

chi-1670254806.jpg
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội. 

PV: Xin ông có thể nêu những kết quả phát triển liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Chí: Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng và phát triển nông nghiệp theo chuỗi. Với thị trường tiêu thụ rộng mở, nhu cầu thực phẩm, sản phẩm nông sản giá trị cao ngày càng gia tăng… đã thúc đẩy kết nối các chuỗi sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi cho Thành phố kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Thủ đô.

Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Thành phố xây dựng được 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc chăn nuôi, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc trồng trọt, các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng và phát triển, đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các bên tham gia liên kết; tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, có 13 chuỗi ngừng hoạt động; số chuỗi được thành lập mới năm 2021 là 17 chuỗi.

Tổng số chuỗi đang hoạt động tính đến hết tháng 12/2021 là: 145 chuỗi, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt . Về hình thức liên kết trong 145 chuỗi có 14 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 01 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 46 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 02 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 54 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 07 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 21 chuỗi Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có nhiều mô hình điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; Chuỗi gạo hữu cơ và Bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; Chuỗi Thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; Chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; Chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen; Chuỗi rau của hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, Chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn …

rau1-1670255870.jpg
Hơn 5 năm trước, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn khi đó chỉ có vài thành viên, sản xuất trên diện tích 5ha, là tập hợp một nhóm hộ nông dân tâm huyết, cùng đam mê với nghề trồng rau sạch.

PV: Vâng ông có thể chỉ ra một vài lợi tích thiết thực từ việc phát triển liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Chí: Giai đoạn 2016-2020 được xem là giai đoạn khởi đầu cho phát triển nông nghiệp theo chuỗi, song đã tạo ra diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, tạo bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế. Liên kết chuỗi đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Nhóm chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực Thành phố, chuỗi sản phẩm đặc sản địa phương đã dần hình thành với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành để thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia liên kết hợp tác xây dựng. 

PV: Vậy những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong thực tiễn triển khai mô hình là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Công tác tuyên truyền mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chưa đủ mạnh để làm thay đổi nhận thức của một số bộ phận Doanh nghiệp, Hợp tác xã và các hộ nông dân dịch chuyển từ sản xuất đơn lẻ truyền thống sang sản xuất theo liên kết chuỗi. Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm biến động các thị trường nông sản, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến người sản xuất. Vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ các tác nhân tham gia xây dựng và phát triển chuỗi liên kết đầu tư và quy trình sản xuất mới, sản xuất an toàn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP, có 46 liên kết theo hình thức (3) “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, kiểu liên kết này không bền vững, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ - Lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho Doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường - lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì Doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Từ cuối năm 2020 đến cuối 2021, đã có 13 liên kết bị ngừng hoạt động đều rơi vào hình thức liên kết này.

Diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều diện tích đất xen kẹt, gây khó khăn cho việc thực hiện quy trình sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng. Đảng ủy chính quyền cấp xã ở một số địa phương chưa thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn về quản lý quy hoạch, vẫn buông lỏng, tự phát, dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra không ai mua phải kêu gọi giải cứu. Đơn vị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng còn nhiều mô hình đưa vào ứng dụng không gắn kết, ràng buộc theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nên kết thúc mô hình không nhân rộng được trong thực tế, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

organic-green-1670256929.jpg
Chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen

PV: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô phải làm gì để khắc phục những bất cập nêu trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Nhằm thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố tại Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về việc Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2085/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 về việc ban hành kế hoạch Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025, cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân, người tham gia sản xuất nông nghiệp. Từ đó tạo sự thống nhất các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về: Vai trò quan trọng, tính tất yếu của phát triển nông nghiệp theo chuỗi; trách nhiệm của các cấp, các ngành; chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với phát triển chuỗi liên kết; về sự cần thiết và yêu cầu khách quan cần phải tiếp tục củng cố, đổi mới, phương thức phát triển nông nghiệp theo chuỗi trong thời gian tới. Tăng cường công tác truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tấn, báo chí, truyền hình của Trung ương và Thành phố về gương điển hình tiên tiến các mô hình làm tốt để Doanh nghiệp, Hợp tác xã, người sản xuất, người tiêu thụ và các tầng lớp nhân dân tham quan học tập.

- Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đề xuất Trung ương và Hội đồng nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và những nội dung chưa phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt là Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Rà soát quy hoạch đã được được quy định theo Quyết định 3215/QĐ-UBND vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung hàng năm và điều chỉnh kịp thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung vùng huyện, quy hoạch nông thôn mới để phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên toàn Thành phố bền vững. Đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất để đảm bảo tiêu chí  của các thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ Nano, kinh tế tuần hoàn... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất. Phát triển sản xuất theo hướng an toàn, GAP, hữu cơ. Từng bước hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho một số vùng sản xuất nông sản chất lượng trọng điểm tại các huyện, nhằm đẩy mạnh cơ giới hoá, hiện đại hoá các khâu trọng yếu trong quá trình: Sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất tại các vùng sản xuất nông sản chủ lực.

- Cấp ủy, chính quyền cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, vận động và tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất tập trung theo quy hoạch. Phát huy vai trò của Hợp tác xã nông nghiệp (Hợp tác xã chuyên ngành) để làm đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các thành viên. Đơn vị chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật: là mắt xích không thể tách rời trong chuỗi liên kết, chịu trách nhiệm cùng hợp tác xã hướng dẫn thành viên trong sản xuất, thu hoạch sơ chế chế biến và bảo quản để có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phân phối. 

Với trách nhiệm của mình, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tham mưu trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết; Quản trị hệ thống thông tin nhu cầu của các huyện cần liên kết, các đơn vị ứng dụng chuyển giao TBKT, các đơn vị phân phối và tiêu thụ; Phối hợp với đơn vị tư vấn có đủ kinh nghiệm để tích hợp và kết nối chuỗi giá trị đảm bảo tính tương thích của công nghệ với khả năng tiếp thu thực hiện của người dân và cho ra sản phẩm đạt yêu cầu của nhà phân phối với giá thành hợp lý và hiệu quả nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

---

BÀI VIẾT CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI

Quyết Tuấn (thực hiện)