Giấc mơ bình dị
Tại xã Yên Phúc, tỉnh Lạng Sơn, ngôi nhà mới của bà Nông Thị Việt, vợ liệt sĩ Mạc Văn Tăng đang dần hoàn thiện. Đây là niềm mơ ước cả đời của gia đình bà khi nhận mái ấm sau bao năm sống trong căn nhà cấp 4 dột nát, chắp vá.

Bà Nông Thị Việt chia sẻ: “Mơ ước cuộc đời tôi sắp thành hiện thực. Ngoài số tiền 60 triệu hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi nhận được sự chung tay góp sức, góp công của bà con làng xóm… Nhà mới được hoàn thiện đúng dịp 27/7 tới, gia đình vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước…”.
Căn mà mới của ông Lăng Văn Bằng, xã Điềm He, cựu chiến binh cũng vừa mới hoàn thành. Chị Lăng Thị Hoàn, con gái ông Lăng Văn Bằng bày tỏ: “Có nhà mới, bố tôi vui mừng, cảm động, bởi trước đây phải đi ở thuê, tôi cũng có điều kiện về ở cùng để phụng dưỡng, chăm sóc bố…”…
Theo ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn, dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chăm sóc người có công là nhiệm vụ thường xuyên của tỉnh. Khi thực hiện chính quyền 2 cấp, tỉnh đã kiện toàn, phân công cán bộ theo dõi, huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hoàn thành hỗ trợ 104 nhà ở cho người có công, đảm bảo các “mái ấm” hoàn thiện ngay trong dịp 27/7/2025. Tổng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công hơn 8,8 tỷ đồng được tỉnh ứng trước từ ngân sách để sớm hoàn thành mục tiêu…

Công tác xóa nhà tạm cho gia đình chính sách tại tỉnh Tây Ninh cũng đang “chạy nước rút”. Ở ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, căn chòi tạm sập xệ bên dòng kênh từng là nơi ở suốt 20 năm qua của thương binh 60 tuổi Nguyễn Văn Nhượng, hiện đã được thay thế bằng căn nhà mới kiên cố, giúp ông có nơi che mưa che nắng, dưỡng bệnh. Ông Nhượng từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia trong giai đoạn căng thẳng nhất để bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong một lần hành quân, ông bị thương nặng do trúng đạn pháo, vết thương đã để lại di chứng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Với ông, mái nhà vững chãi để trú ngụ khi tuổi xế chiều là giấc mơ không thể nói thành lời… Ngôi nhà mới được xây dựng với kinh phí 70 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh Tây Ninh và Quỹ đền ơn đáp nghĩa địa phương.
Hoàn cảnh của ông Phạm Văn Rô (Tám Rô) xã Vĩnh Hưng, tỉnh Tây Ninh cũng khiến nhiều người xúc động. Ông Rô là thương binh hạng 4/4, từng chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Ông Rô năm nay đã 69 tuổi, sống cùng vợ và các con trong một căn chòi dựng tạm bằng tre nứa, không che được nắng, mưa. Mỗi mùa mưa bão về, cả gia đình ông lại phải thức trắng đêm. Đầu năm 2025, gia đình ông được chính quyền hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng căn nhà mới. Từ khi dọn vào ở, cuộc sống gia đình ông Rô đã ổn định, con cháu an tâm lao động, học hành.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, hàng chục ngôi nhà tình nghĩa tại địa phương đã được trao tặng các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Mỗi ngôi nhà là một lời tri ân đối với những người đã không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc. Không chỉ dừng ở việc hỗ trợ xây nhà, địa phương còn phối hợp các đơn vị liên quan trong việc thăm khám sức khỏe định kỳ, chăm lo đời sống tinh thần, hỗ trợ sinh kế cho các thương, bệnh binh...
Tỉnh Cà Mau cũng đang khẩn trương hoàn tất chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình chính sách, đảm bảo hoàn thành trước ngày 24/7. Trong tổng số hơn 7.200 căn nhà theo chương trình, riêng nhóm gia đình chính sách có trên 2.500 căn, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, các cấp, ngành địa phương đang dồn sức cán đích. Đơn cử, nhà mới của ông Hồ Trung Thanh, xã Phước Long là thương binh 4/4, căn nhà mới hoàn thành vừa để ở, vừa làm nơi thờ cúng 3 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng. Xã Phước Long có 58 căn, đến cuối tháng 6/2025 đã hoàn thành 31 căn, các căn còn lại được chính quyền cam kết hoàn thành theo kế hoạch…
Gấp rút hoàn thành
Theo thống kê của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đến ngày 8/7/2025, cả nước đã xóa được 264.522 nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng hơn 44.600 căn, đạt gần 100%. Để kịp tiến độ, nhiều địa phương tự ứng trước kinh phí để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Tại nhiều cuộc họp sơ kết về công tác xóa nhà tạm, nhà đột nát của các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ phải hoàn thành trước ngày 27/7/2025 để tỏ lòng tri ân sâu sắc tới sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Thủ tướng yêu lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của đảng viên.
“Các địa phương phải bám sát, nắm chắc tình hình từng hộ gia đình, cập nhật số liệu, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nói đi đôi với làm, làm vì nhân dân, vì đất nước với trách nhiệm cao nhất. Trước mắt, rà soát lại để chậm nhất tới ngày 24/7/2025, tất cả gia đình người có công với cách mạng phải được hỗ trợ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát”, Thủ tướng nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội đã tặng 41 nhà cho người có công. Dịp tri ân tháng 7, Hội sẽ tặng 4 nhà cho gia đình chính sách ở Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Trị, mỗi căn nhà xây mới được Hội hỗ trợ trị giá từ 60 - 80 triệu đồng. Hội sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương xác định các gia đình chính sách khó khăn cần hỗ trợ và khi triển khai yêu cầu địa phương hỗ trợ về nhân công. Bên cạnh đó, Hội cũng tặng 190 sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sĩ; tặng 5.819 suất quà cho thân nhân liệt sĩ trong các dịp lễ, Tết; khám bệnh cấp thuốc cho 1.566 lượt đối tượng chính sách…
Nhân dịp Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, dịp để cả nước tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, các địa phương đã nỗ lực để hoàn thành chương trình ý nghĩa nhân văn này. Số nhà tạm, nhà dột nát cần xóa trong chương trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách và từ quỹ đền ơn đáp nghĩa của địa phương. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian qua có sự chung tay của cả cộng đồng, bà con làng xóm tại các địa phương, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… của dân tộc.