Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước: Dấn thân của phóng viên chiến trường GP10 Vũ Xuân Bân

Nửa thế kỷ trôi qua, nay bước sang tuổi 76, cựu phóng viên GP10 của TTXVN Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng ban Biên tập tin Trong nước, TTXVN đã về nghỉ hưu 15 năm trông vẫn khoẻ mạnh, vẫn vẹn nguyên những hồi ức sống động về một thời làm phóng viên chiến trường.

Vượt Trường Sơn vào chiến trường

Nhà báo Vũ Xuân Bân sinh năm 1950 quê Thanh Hoá. Khi bước vào Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) học Khoa Sử khoá 13 (1968- 1972), ông tâm sự: Sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi không biết chữ. Khi vào đại học, biết mình phải cố gắng rất nhiều để tiếp cận với tri thức. Khát khao ấy giúp ông vượt khó khăn, thử thách của thời cuộc bấy giờ để vươn lên.

95260-1745999012.jpg

Cựu phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân (thứ 4 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp GP10 tại căn cứ Thông tấn xã Giải phóng khi mới hành quân vượt Trường Sơn vào 

tới R (Tây Ninh) giáp biên giới Campuchia giữa năm 1973

 

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, Vũ Xuân Bân vừa học hết năm cuối Đại học, vừa viết xong Luận văn tốt nghiệp chuyên đề Dân tộc học về “Chế độ Quằng (quan) của người Tày ở Mường Giàng (Chiêm Hoá - Tuyên Quang) chưa kịp trình bày, được cấp Bằng tốt nghiệp Đại học, được tuyển về TTXVN đi học tiếp Lớp phóng viên chiến trường GP10. Ngày 16/3/1973, ông cùng với gần 150 phóng viên, kỹ thuật viên lớp GP10 lên đường tác nghiệp báo chí rải khắp các tỉnh miền Nam.           

Từ ga Thường Tín, Hà Nội, đoàn tàu hoả đưa ông cùng đồng đội tới ga Nghĩa Trang (Hoằng Hóa - Thanh hoá) thì Cầu Tào đã bị bom Mỹ đánh sập chưa khôi phục được, phải đi bộ hơn 10km để đến ga Thanh Hóa. Từ đó, lớp PV viên GP10 đi tàu hoả vào Vinh, đi ô tô vào sông Gianh, đi xà lan xuyên đêm ngược sông Gianh đến binh trạm phía Tây Quảng Bình, ngày hôm sau đi ô tô mui trần đến Khăm Muộn (Lào). Thật không may, sáng 2/4/1973, ô tô chở Chi đội ông gặp nạn tại gần thị xã Mường Mày (A Tô Pơ, Lào), khiến 3 người hy sinh, trong đó có 2 Liệt sĩ lớp phóng viên GP10 là Phạm Thị Kim Oanh, Trần Viết Thuyên; chú Trần Văn Bang, cán bộ tập kết, quê Bến Tre, thuộc Bộ Công thương, cùng 8 người khác bị thương nặng. Phóng viên Vũ Xuân Bân chỉ bị thương nhẹ, sau 10 ngày điều trị tại ngã ba Đông Dương, lại hành quân tiếp về TTXGP ở R để nhận nhiệm vụ.

dt1ban3042015-1745999544.jpg

Cựu phóng viên chiến trường GP10 của TTXVN Vũ Xuân Bân bên cạnh xe tăng mang số hiệu 390 là bảo vật Quốc gia hiện trưng bày phía phải trong cổng chính Dinh Độc Lập.

 

Một kỷ niệm rất đáng nhớ mà Vũ Xuân Bân không bao giờ quên khi mới làm biên tập được ít ngày, được Ban biên tập tin (B7/3) TTXGP giao viết bài bình luận thời sự “Chiến thắng vang dội chống lấn chiếm vùng giải phóng của quân dân Bến Tre” sau khi “Tiêu diệt một tiểu đoàn nguỵ trên sông Hàm Luông”. Bài bình luận đã biểu dương chiến đấu của quê hương Đồng khởi, cảnh báo Quân Giải phóng miền Nam không chỉ đánh tiêu diệt quân lấn chiếm mà sẵn sàng đánh thẳng vào đầu não ra lệnh lấn chiếm vùng giải phóng, được Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam đọc đi đọc lại nhiều lần, góp phần củng cố niềm tin nghiệp vụ của phóng viên trẻ mới bước vào nghề.

Đầu năm 1974, Vũ Xuân Bân cùng nhóm phóng viên GP10 được cử đi chiến trường miền Đông Nam Bộ với những kỷ niệm khó quên với đồng đội về mảnh đất “gian lao mà anh dũng”. Khi đó, Vũ Xuân Bân mới 24 tuổi đã có dịp hành quân qua vùng đất “Mã Đà” - chiếc nôi sốt rét của “Chiến khu Đ”, nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, đi về Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả lúc đi và lúc về đến Mã Đà, Vũ Xuân Bân đều bị sốt rét, mỗi lần phải nằm lại điều trị tại trạm giao liên hơn chục ngày. Thương phóng viên trẻ bị sốt rét gầy yếu, da xanh như tàu lá, cán bộ trạm giao liên đã dùng thuốc nổ chất dẻo C4 bỏ vào vỏ lon sữa bò, cắm ngòi nổ ném xuống suối cá chết nổi vớt lên đem về nấu canh chua với ngọn non lá bứa bồi dưỡng chúng tôi sau khi cắt cơn sốt rét mau lại sức. Vũ Xuân Bân cùng một số đồng đội bị sốt rét sau vài đợt điều trị tiêm thuốc quinin  vào mông đều cắt cơn, coi như đã “nộp thuế rừng” vượt qua thử thách gian lao ở Mã Đà để hành quân tiếp về đơn vị công tác.

dt1-hn244025-1745999924.jpg

Giao lưu tại Gặp mặt & Toạ đàm các thế hệ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam chiều 24/4/2025 nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội với chủ đề "Viết tiếp bản hùng ca" (Cựu Phóng viên chiến trường GP10 Vũ Xuân Bân thứ hai từ phải sang) 

 

Cựu phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân kể khá tường tận trong một lần du kích thị xã Long Khánh đưa đi tiếp xúc với dân làm rẫy vùng ven thị xã này sáng 19/5/1974 là kỷ niệm lần thứ 84 Ngày sinh của Bác Hồ. Theo lịch hẹn, 8 giờ sáng sẽ đi bộ từ trong cứ, nhưng vì là Ngày sinh Bác Hồ, anh em du kích và cán bộ địa phương pha trà B’Lao nhấm nháp kẹo lạc nên phải hơn 9 giờ mới xuất phát. Đi được được hơn 1 km trong ruộng ngô tốt ngang đầu gần sát bìa rừng thì tiếng súng AR15 và M79 nổ dồn dập phía suối gần núi Gia Ray, là nơi có trạm giao liên của ta, cách chúng tôi không xa. Nhờ có ngô tốt, biệt kích nguỵ không phát hiện ra chúng tôi. Ông cùng mấy du kích ngồi yên một lúc thì chúng rút. Dân thị xã Long Khánh đi làm rẫy nháo nhác. Cựu phóng viên Vũ Xuân Bân bị một phen húa vía, thầm nghĩ thật là may mắn hôm đó là ngày sinh Bác Hồ, du kích liên hoan tiệc trà xuất phát muộn nên không đi vào ổ phục kích. Một bộ đội tên là Dung, cán bộ tập kết cho biết quê Vĩnh Long bị thương vào chân trái không đi được bò lết đến chỗ chúng tôi đang tránh trú yêu cầu giúp đỡ, được đưa về cứ để cấp cứu. Dân làm rẫy vùng ven thị xã Long Khánh cho biết có kẻ chiều hồi khai báo, Chi khu quân sự Long Khánh dùng 3 xe reo chở lính biệt kích tập kích vào trạm giao liên. Đó cũng là chất liệu để Vũ Xuân Bân viết bài "cuộc sống chiến đấu ở vùng ven Long Khánh" được phát trên Bản tin thời sự của TTXGP, được Đài phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại nhiều lần.

dt1-12-1-2020-gp10a-1746000614.jpg

Năm Cựu Phóng viên GP10 đi chiến trường miền Đông Nam Bộ "gian lao mà anh dũng" đầu năm 1974 gặp mặt tại TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm thành lập TTXGP, đón nhận danh hiệu Anh hùng ngày 12/10/2020 (Từ trái sang: Vũ Kim Sơn, Trần Quang Minh, Vũ Xuân Bân, Nguyễn Sỹ Thuỷ, Lý Văn Tích)

 

Tại chiến khu Minh Đạm (Bà Rịa - Vũng Tàu), phóng viên Vũ Xuân Bân đã có những trải nghiệm sâu sắc cả tháng trời cùng cán bộ, chiến sĩ du kịch nơi đây ngủ trong hang đá để tránh bom pháo địch, không có gạo, phải ăn ngô, đỗ xanh cả tuần. Một trong những bài viết đáng nhớ của phóng viên Vũ Xuân Bân chính là bài "Dưới chân núi Minh Đạm" và "Trên vành đai Úc hôm nay". Bài viết ghi lại những hình ảnh sống động của cuộc sống, chiến đấu, sự kiên cường của quân và dân Bà Rịa – Long Khánh.

Không thể lãng quên

Phóng viên Vũ Xuân Bân đã trưởng thành qua mỗi dòng tin, bài viết chuyển tải đến bạn đọc và công chúng. Nhớ lại những ngày tháng gian lao kháng chiến, Vũ Xuân Bân không chỉ tự hào về công việc đã làm mà còn vinh dự vì góp phần nhỏ bé vào dòng thông tin thời sự nguồn chính thống, góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang của TTXVN.

dt1-ttgp1-1746001129.jpg

Gặp mặt trong ngày vui kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chiều 24.4.2025 tại 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội "Viết tiếp Bản hùng ca" TTXVN (Vũ Xuân Bân đứng ngoài cùng bên trái)

 

 Những bài tường thuật, bình luận sâu sắc về những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bào vệ chủ quyền biên giới, lãnh hải; bác bỏ luận điệu sai trái của địch do Vũ Xuân Bân viết đã cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Những tác phẩm được ông viết dưới hang đá chiến khu Minh Đạm, không chỉ là những dòng tin thời sự, mà còn là dòng chảy của nhiệt huyết, khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, lớp PV GP.10 có 2 liệt sĩ và đến nay gần 30 người cao niên bị bênh hiểm nghèo về cõi vĩnh hằng. Cựu phóng viên GP 10 Vũ Xuân Bân khi làm lãnh đạo Ban biên tập Tin trong nước đã đoạt Giải A Giải Báo chí toàn quốc (nay là giải báo chí Quốc gia) với chùm tin, bài do ông chấp bút về “Sự kiện Tây Nguyên năm 2004”. Nghỉ hưu ông vẫn làm công tác chuyên môn cho Tạp chỉ điện tử nongthonvaphattrien.vn, đã được NXB Hội Nhà văn xuất bản hai tiểu thuyết TƠ VÒ và CÂY THAY LÁ viết về đề tài thời sự hot chống tiêu cực, tham nhũng quyền lực và Tập truyện ký  ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT cũng do NXB Hội Nhà văn ấn hành, được bạn đọc và công chúng tìm đọc, mến mộ.

50 năm đã trôi qua, câu chuyện về những phóng viên chiến trường GP 10 như nhà báo Vũ Xuân Bân vẫn cần được kể lại, được khắc ghi những Nhà báo chiến sĩ  không thể lãng quên, bởi sự dấn thân quả cảm, đóng góp  vào truyền thống anh hùng của TTXVN.

P.T