Lâm Đồng có trận mưa lớn sau nhiều tháng nắng nóng kéo dài

Sau gần hơn 4 tháng Lâm Đồng hầu như không có một cơn mưa nào, khoảng 13h20 ngày 31/3 có cơn mưa lớn kéo dài khoảng hơn một giờ đồng hồ, một số nơi còn có mưa đá, phần nào đã "giải nhiệt" cho nhiều địa phương tại tỉnh Lâm Đồng.
434996373-815782547243657-8309591160960789650-n-1711938543.jpg

Mưa lớn kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ sau gần hơn 4 tháng nắng hạn kéo dài

Đối với nhiều nông dân tại Lâm Đồng, trận mưa chiều 31/3 thực sự quý giá bởi từ tháng 11/2023 tới nay, nhiều khu vực của địa phương này không có mưa.  Cơn mưa kéo dài gần 1 tiếng được người dân ví như “cơn mưa vàng” vì nhiều tháng nay tỉnh Lâm Đồng không có mưa, hoa màu của người dân bị khô hạn nghiêm trọng.

Đồng thời, trận mưa lớn giúp tưới mát cây trồng trong lúc nắng nóng gay gắt. Đặc biệt, hiện đang trong giai đoạn xuống giống vụ lúa Hè Thu rất cần nước tưới, cơn mưa này đã phần nào bù được lượng nước cạn kiệt sau thời gian nắng nóng, giảm được chi phí bơm tưới và công lao động.

Một số khu vực tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương còn xuất hiện mưa đá, viên đá có kích thước khoảng 0,5-1cm.

434214815-441723305037755-934154582048421193-n-1711938543.jpg

Một số khu vực còn có mưa đá

So với những năm trước, mưa đầu mùa tại Lâm Đồng đã tới trễ hơn. Tại một số địa phương, mực nước các ao hồ đã giảm sâu, có nơi xuất hiện thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Trong khi các công trình hồ chứa thủy lợi có quy mô lớn, vừa có mực nước giảm trung bình từ 0,5 đến 3,5m, dung tích tích trữ còn lại so với tổng dung tích hồ đạt trung bình khoảng 65%.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, do tình trạng hạn hán kéo dài, hơn 2.100 ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng bình thường.

Cụ thể, phần lớn diện tích cây trồng trên thuộc các khu vực không có công trình thuỷ lợi, xa sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm. Trong đó huyện Lâm Hà là địa phương có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 1.500 ha; tiếp đến là huyện Đạ Tẻh với 380 ha, huyện Cát Tiên 95 ha, huyện Bảo Lâm 35 ha và huyện Di Linh có 20 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận tình trạng cây trồng bị chết khô do thiếu nước tưới.

Cùng đó, diễn biến thời tiết nắng hạn đang diễn ra nên cần đặc biệt quan tâm đến nguy cơ cháy rừng rất cao trên toàn tỉnh, hiện đang ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Về tình hình thiếu nước sinh hoạt, đã xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện tại đã thống kê có 1.086 số hộ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo thời gian tới có khoảng 4.000 hộ dân trong tỉnh Lâm Đồng sẽ thiếu nước sinh hoạt, nguyên nhân chính là các hệ thống nước tự chảy không còn nguồn cung cấp.