Đưa chữ viết K’ho vào trường học
Trường THCS Tân Thượng ẩn mình trong sương sớm của những tháng cuối năm. Ngôi trường nằm trên một khu đồi cao, thoáng đãng, được đầu tư xây dựng khá khang trang, sạch đẹp, quanh năm thông reo vi vút, thuộc địa bàn xã Tân Thượng, huyện Di Linh. Tiếng đọc chữ của các em học sinh đồng bào DTTS vang vang theo dịp đọc của cô. Tiết học diễn ra không phải một lớp học thuần túy như bao buổi học khác, mà là lớp học đặc biệt dành cho các em học sinh là con em đồng bào DTTS hiện đang theo học tại trường. Lớp truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho cho học sinh DTTS tại Trường THCS Tân Thượng.
Chính thức khai giảng vào ngày 27/2/2023, đến nay, lớp truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho đã trải qua gần 2 năm. Qua tìm hiểu, ban đầu, lớp học có 70 học sinh, tài liệu phục vụ cho việc dạy và học tiếng K'Ho tại trường là bộ giáo trình do Sở Nội vụ và Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng phối hợp biên soạn, ấn hành và đưa vào giảng dạy.
Được hỏi về lý do hình thành những lớp học chữ K’ho, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng trường THCS Tân Thượng chia sẻ “Năm học 2021 - 2022 khi tôi bắt đầu về trường THCS Tân Thượng công tác, thời điểm đó, 90% học sinh là người đồng bào K’ho, 10% còn lại là các em thuộc dân tộc khác và người kinh. Từ năm học 2022 đến nay, Trường THCS Tân có tổng số 377 học sinh. Trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 343 em. Từ năm 2022, tại trường đã mở được 2 lớp truyền dạy cồng chiêng (40 học sinh/ lớp), 2 lớp dạy chữ viết K’ho cho học sinh (45 học sinh/ lớp).
Hiện nay, chữ viết của đồng bào K’ho trên địa bàn xã Tân Thượng nói riêng, trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nói chung đang có nguy cơ mai một và càng ngày càng ít được sử dụng. Các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền… chủ yếu thông qua tiếng nói, ít trao đổi bằng chữ viết. Từ thực trạng đó, trường THCS Tân Thượng phối hợp với Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã đã đưa mô hình dạy chữ viết K’ho vào các tiết học cho các em học sinh”.
Thầy Dũng cho biết thêm, qua lớp học, các em trở thành hạt nhân trong việc sử dụng chữ viết của người K’Ho, từ đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mô hình này cũng nhằm thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn huyện Di Linh. K’Kiệt - Học sinh lớp 7A2 Trường THCS Tân Thượng, Di Linh, phấn khởi khi vừa xong tiết học cho hay: “Trước đây, chúng con chỉ biết nói thôi, chứ chưa biết viết cái chữ của đồng bào mình. Bây giờ, các cô truyền dạy chúng con đã biết viết chữ K'ho. Chúng con rất vui và tự hào về chữ viết của đồng bào mình”.
Về quá trình giảng dạy, những niềm vui cũng như giải đáp những vấn đề chữ viết cho các em học sinh, cô Ka Duy’s hiện công tác giảng dạy chữ K’ho 2 năm tại trường chia sẻ. “Chương trình chính của các em tại trường là học tiếng Việt buổi sáng, nhưng buổi chiều, các em vẫn đến lớp học chữ K’ho đầy đủ. Tuy các em đọc đúng, giao tiếp được, nhưng chữ viết K’ho thì không biết, sau quá trình học tập, vẫn còn một số chữ viết nhầm lẫn giữa nhưng các em vẫn cố gắng tập viết, rèn luyện thêm ở nhà. Những em đi học đều đã viết được chữ viết của đồng bào mình, câu chữ rõ ràng và phát âm rất chuẩn. Tôi cũng cảm thấy rất hài lòng và phấn khởi”.
Lưu giữ nét đẹp trang phục truyền thống và vũ điệu cồng chiêng
Cùng với việc truyền dạy chữ viết của đồng bào K'ho cho học sinh DTTS tại Trường THCS Tân Thượng, nơi đây còn phối hợp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 40 học sinh. Lớp truyền dạy cồng chiêng do nghệ nhân: Da Cha Vũ Bảo đảm trách. Các bài học tập trung bao gồm 4 bài chiêng 6 như: Bài chiêng “Đón khách”, “Hái rau”, “Lên rẫy” và “Ru khách” cũng đã và đang được các nghệ nhân lần lượt truyền dạy, tạo niềm say mê, hứng thú thực sự cho các đối tượng học viên. Cùng với các mô hình lớp học, Ban Giám hiệu trường THCS Tân Thượng cũng đặt ra tiêu chí thi đua toàn trường, áp dụng đồng loạt các khối lớp đều mặc đồng phục trang phục dân tộc vào sáng thứ Hai. Từ năm 2022 đến nay, các em học sinh đã thực hiện tốt, các em yêu mến trang phục dân tộc, trân quý và lưu giữ những nét đẹp truyền thống của đồng bào.
Theo thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường THCS Tân Thượng là trường vùng xa với tỷ lệ con em dân tộc thiểu số là chủ yếu, việc quy định mặc trang phục truyền thống dân tộc trong ngày thứ Hai và những ngày lễ lớn trong năm là để các em thêm hiểu về truyền thống của dân tộc mình, đồng thời, tạo nên một không gian văn hoá dân tộc thiểu số đa màu sắc trong môi trường học đường. Không riêng các em học sinh, mà nhà trường còn khuyến khích các thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số cũng mặc trang phục truyền thống mỗi khi lên bục giảng. Điều này sẽ góp phần lan tỏa niềm tự hào về nét đẹp riêng của mỗi dân tộc đến với các em học sinh nhiều hơn. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Cô giáo Ka Duýs, giáo viên dạy văn, Trường THCS Tân Thượng chia sẻ “nhờ trang phục của dân tộc, cô cảm thấy mình duyên dáng hơn, gần gũi hơn với các em. Mỗi khi đến trường với trang phục truyền thống, cô còn cảm thấy tự hào khi đang góp phần giữ gìn truyền thống quý giá của dân tộc, khi mà xã hội hiện đại khiến các trang phục dần bị mai một. Tôi cũng cảm nhận được niềm vui trong đôi mắt của các em học sinh. Các em cũng háo hức tìm hiểu về dân tộc của các bạn xung quanh thông qua bộ trang phục mà các bạn mặc đến lớp”.
Tình yêu dân tộc vượt qua mọi giới hạn
Nói về khó khăn từ những ngày đầu khi áp dụng mô hình học chữ K’ho, lớp cồng chiêng và thực hiện mặc trang phục dân tộc đến trường, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng trường THCS Tân Thượng bồi hồi nhớ lại. Về việc áp dụng cho tất cả các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào sáng thứ Hai hàng tuần cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều bậc phụ huynh người đồng bào kinh tế khó khăn, một bộ trang phục giá từ 300-700 ngàn là vượt mức kinh tế của họ. Để giúp các em có thể mặc trang phục dân tộc đến trường, nhà trường cũng đã động viên, hỗ trợ các gia đình khó khăn. Đến nay, 100% các em đã có trang phục và càng thêm yêu mến, giữ gìn nét đẹp trang phục đồng bào K’ho.
Về lớp học cồng chiêng hiện nay, nhà trường tuy chưa có kinh phí để cung cấp các đạo cụ học tập, trang thiết bị cũng chưa đầy đủ, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường cùng Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Thượng luôn cố gắng tạo điều kiện cho các em có cơ bản những học cụ cần thiết để học tập.
Để thực hiện tốt Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ nền tảng góp phần phát triển toàn diện. Do đó, địa phương tiếp tục Đề án Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đồng bào DTTS với những nhiệm vụ cụ thể như: Phục dựng Lễ hội truyền thống Loh Gùng của người K’ho; Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất. Đồng thời, có kế hoạch lưu giữ và truyền dạy, sử dụng các nhạc cụ truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ cho người dân địa phương, nhất là con em đồng bào DTTS; Tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; Bảo tồn và phát huy giá trị các làng văn hóa truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch; Bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; Hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.