Làng nghề mộc: Tinh hoa đất Việt qua từng nét chạm

Chàng Sơn - ngôi làng có tuổi đời hàng nghìn năm nổi tiếng với nghề mộc truyền thống vẫn hiên ngang và phát triển mạnh mẽ, vươn mình đến mọi miền Tổ quốc, khẳng định vị thế làng nghề của mình nhờ những đôi bàn tay của người thợ tài hoa gìn giữ tinh hoa đất Việt.

Chỉ mất chừng 40 phút, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây, chúng tôi tìm về thôn Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ngôi làng nhỏ đã và đang ngày càng mở rộng và vươn xa; các sản phẩm của làng nghề đã chiếm lĩnh các thị trường lớn trên toàn quốc, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mộc của hàng chục làng nghề khác.

Kỳ bí về sử thoại làng Chàng 

Điều đặc biệt mà bất kỳ ai khi đặt chân đến với làng Chàng cũng phải tò mò, họ tò mò về lý do tại sao Chàng Sơn có rất nhiều ngôi Đình nhưng lại chẳng có đến một ngôi Đình thờ Thần Hoàng làm nghề mộc? Và kể cả các bậc cao niên trong làng cũng chẳng ai có thể trả lời chính xác nghề mộc Chàng Sơn xuất hiện từ khi nào. 

Để có thể được tường tận về giai thoại của làng Chàng, chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Tiến Nam (sinh năm 1961), chủ một xưởng mộc cũng là một cao niên trong làng.

p1-1702766313.jpg
Ông Nguyễn Tiến Nam (sinh năm 1961), chủ một xưởng mộc cũng là một cao niên trong làng. 

Đôi tay ông thoăn thoắt và thao tác nhẹ nhàng của ông Nam khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ 

Ông Nam kể: “Từ xa xưa, cái tài hoa của người thợ mộc Chàng Sơn nổi tiếng đến mức đích thân Thánh Tản Viên xuống núi mời ông phó Sần dẫn đầu tốp thợ 6 người trong làng lên để sửa đình thờ. Câu chuyện cụ Phó Sần cũng  đã từng được nhà văn Nguyễn Tuân đề cập trong tác phẩm “Vang bóng một thời” xuất bản lần đầu tiên vào năm 1940”.

Chưa hết bất ngờ vì sử thoại của làng Chàng, ông Nam còn giải thích cho chúng tôi về tên gọi trước kia của Chàng Sơn. Theo tiếng Nôm, Chàng Sơn nghĩa là Nủa Chàng-được bắt nguồn từ một dụng cụ làm mộc cổ đục chàng chảy (chàng) và mãi về sau thì làng được gọi theo âm Hán Việt là Chàng Thôn. Năm 1956 được đổi tên thành Chàng Sơn (làng Chàng) như ngày nay.

Ông Nam cầm trên tay chiếc đục chàng chảy rồi tỉ mỉ giải thích: “Đục chàng chảy (nghĩa cổ tức là đánh) nhằm chỉ thao tác của chiếc đục cổ, nó đóng vai trò là “linh hồn” với làng nghề Chàng Sơn xưa. Thợ trẻ của làng Chàng ngày nay hầu như không còn sử dụng chiếc đục này nữa và cũng hiếm dần, thay vào đó là những máy đục CNC (máy đục gỗ vi tính) công nghiệp nhanh, gọn, tiết kiệm hơn”.

p2-1702766404.jpg
Mỗi một tác phẩm chạm khắc tại làng Chàng đều ẩn chứa một câu chuyện, ý nghĩa đẹp khác nhau.

Đôi tay ông thoăn thoắt và thao tác nhẹ nhàng, ông nói: “Chiếc đục phải được nằm theo chiều ngang, chuyển động của đục được hoạt động giống chiếc bập bênh, dùi đục đánh vào chuôi đục lúc đó mũi đục được “chảy” đi rất sâu mềm mại, hài hoà, khác hẳn so với máy CNC”. 

Tinh hoa đất Việt qua từng nét chạm

Rất nhiều công trình kiến trúc điêu khắc gỗ nổi tiếng trên mảnh đất hình chữ S đều có sự góp sức của đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ Chàng Sơn, một trong số đó có thể nhắc tới chùa Tây Phương (cách làng Chàng Sơn khoảng 5km). 

Kiệt tác của lịch sử mỹ thuật Việt Nam của nghệ nhân làng Chàng được thể hiện qua hơn 70 pho tượng trong chùa. Đặc sắc nhất là 18 pho tượng La Hán, bức tượng nào cũng được tạc vô cùng công phu, tinh xảo và sống động từ nét mặt cho đến cử chỉ, ánh mắt. Thông qua bức tượng, chúng ta không chỉ thấy tinh hoa sáng tạo của cha ông, mà còn thấy sự kết hợp hài hòa trong vật liệu, kết cấu, hình khối, tạo nên đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng đương thời. 

 

Trải qua những hoa văn độc đáo, những nét chạm trổ thủ công mang trong mình hơi thở của sự cổ kính pha lẫn nét hiện đại chính là một trong những yếu tố giúp cho những tác phẩm điêu khắc của làng Chàng khác biệt so với những nơi khác.

“Tượng La Hán của chùa Tây Phương chính là hiện thân của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Khi đất nước rơi vào cảnh Trịnh-Nguyễn phân tranh, những nghệ nhân làng Chàng đã dùng đôi mắt tinh tường, sự đồng cảm với nhân dân để truyền cảm “linh hồn” của hiện thực thời đại vào 18 bức tượng La Hán”, cụ ông Nguyễn Duy Thành cho biết. 

Ở Thế kỷ XXI, lớp lớp thế hệ trẻ của làng Chàng vẫn đang miệt mài sáng tạo và cùng nhau gìn giữ nghề truyền thống của cha ông mình.  Đàn ông làng Chàng trưởng thành hầu như đều theo nghề mộc, trên mọi ngóc ngách của làng Chàng đi đến đâu cũng nhộn nhịp tiếng xẻ gỗ, tiếng đục, tiếng bào. 

p4-1702766514.jpg
Mỗi một tác phẩm chạm khắc tại làng Chàng đều ẩn chứa một câu chuyện, ý nghĩa đẹp khác nhau

Trải qua những hoa văn độc đáo, những nét chạm trổ thủ công mang trong mình hơi thở của sự cổ kính pha lẫn nét hiện đại chính là một trong những yếu tố giúp cho những tác phẩm điêu khắc của làng Chàng khác biệt so với những nơi khác. Mỗi một tác phẩm chạm khắc tại làng Chàng đều ẩn chứa một câu chuyện, ý nghĩa đẹp khác nhau.

Vì những yêu cầu khắt khe về nghệ thuật và sự tỉ mỉ, tinh xảo nên những nghệ nhân tại xứ Đoài (làng Chàng Sơn) luôn cố gắng để thổi hồn vào trong những nét chạm khắc. Những vật tưởng chừng như vô tri vô giác lại rất sống động, có hồn và gần gũi qua bàn tay điêu luyện của những nghệ nhân giàu kinh nghiệm; đặc biệt chú trọng đặc tả phần mặt của con vật, con người, bởi khuôn mặt thể hiện rõ nét nhất thần thái, cái hồn của nhân vật được tả.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, nghề mộc Chàng Sơn là một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội, đã được công nhận là làng nghề truyền thống đã và đang vận dụng tinh thần của Kế hoạch số 67/KH về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 trong việc sản xuất, liên kết, tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ.

---

Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội