Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 30

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ30.

Trương Công Định nói với Đồ Chiểu và Phan Công Trị:

-Thế này thì gay go rồi, thế nào triều đình chả điều ta đi miền Tây hoặc các tỉnh miền Trung trong nay mai để nghĩa quân ta xa hẳn chiến trường miền Đông.

-Còn tình hình gì nữa không?

-Dạ, quân Pháp quá vui mừng bởi hiệp ước 5-6-1862, sai tay sai đi khắp nơi thông báo hiệp ước. Chúng đi đến đâu cũng bị bách tính ném gạch đá vào những tên đi báo tin. Sau khi thông báo dán lên tường thì bách tính xé đi và ném vào sọt rác và la ó: “Cút đi. Cút về nước Pháp của chúng mày đi. Phan-Lâm mãi quốc triều đình khí dân”.

Chợt có lính vào báo:

-Dạ bẩm tướng quân, có quan nội thị của triều đình tới ạ.

-Cho vào.

-Dạ.

Viên quan nội thị bước vào nói to:

-Bình Tây nguyên soái Trương Công Định tiếp chỉ.

Trương Công Định, Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị quỳ xuống. Viên nội thị giở tấm lụa vàng ra đọc: “Phụng  thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết. Nay phong cho Trương Công Định làm Lãnh binh An Giang-Hà Tiên và ngay lập tức phải về An Giang nhậm chức và nhận nhiệm vụ. Lệnh cho Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân về tập trung tại Kiến Hà chờ lệnh. Niên hiệu Tự Đức năm thứ 15 . Khâm thử.”.

Trương Công Định chần chừ một lúc lâu mới đưa tay nhận chiếu và nói:

-Thần Trương Công Định tuân chỉ.

Sau bữa cơm trưa tiếp viên quan nội thị xong, quan nội thị ra về, Trương Công Định ngồi bàn việc với Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị. Trương Công Định nói:

-Như vậy nay Pháp không đánh lại được sức kháng cự của nhân dân ba tỉnh miền Đông nên rất gian manh, ký hòa ước mượn tay triều đình giải giáp chúng ta. Cuộc kháng chiến của chúng ta đang thu thắng lợi, nay chúng thắng lợi một cách dễ dàng như thế ư?

Nguyễn Đình Chiểu hỏi:

-Vậy ý tướng quân thế nào? Ở lại kháng chiến cùng nhân dân hay đi An Giang?

Trương Công Định Đáp:

-Triều đình đã đẩy ta vào thế khó xử, không đi An Giang là chống lại triều đình, là bất trung, là phản loạn, đi thì rời bỏ nhân dân ba tỉnh, rời bỏ quê hương thứ hai của ta, đứng về phe bọn chủ hòa bán nước, trúng vào gian kế của bọn chỉ huy Pháp ở Gia Định

Nguyễn Đình Chiểu nói:

-Tướng quân nói phải lắm, con người ta sống phải có gốc, dân chính là gốc của tướng quân, là đạo lý sống vì dân vì nước của đấng anh hùng. Thần dân chỉ trung với vua khi vua còn vì dân vì nước, khi vua đã bán nước đầu hàng thì thần dân không trung nữa bởi vì lúc này trong lòng vua không có dân có nước. Tướng quân hãy ở lại lãnh đạo nhân dân kháng chiến mới là trung là hiếu với nhân dân, với nước.

Phan Văn Trị nói:

-Ngài Đồ Chiểu nói phải lắm, Khi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký hòa ước năm Nhâm Tuất 1862 trong tâm lý hoảng sợ, mù quáng, hoảng loạn, không thấy được cái thế khó khăn của Pháp đang thất bại và sa lầy trên chiến trường miền Đông. Không thấy được thế mạnh của nhân dân. Chúng ta không thể đi theo một bản hiệp ước đầu hàng, nhục nhã bán nước như vậy được.

Phan Văn Trị vừa dứt lời thì một người lính bước vào nói:

-Dạ bẩm chủ tướng, có thư của Phú hào, Thân sĩ huyện Tân Long, Chợ Lớn gửi cho chủ tướng.

Trương Công Định giở thư đọc. Thư viết: “Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp khi ký hòa ước 1862 đã theo phái chủ hòa, triều đình đã bỏ rơi dân chúng ba tỉnh miền Đông cho Pháp khi đáng lý phải giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân ba tỉnh chống Pháp. Nay Gia Định và toàn thể nhân dân miền Đông nhất trí cử tướng quân Trương Công Định làm chủ soái ba tỉnh miền Đông giết giặc. Nhân dân tôn tướng quân là “Bình Tây Đại Nguyên Soái”. Nay kính mong chủ soái hãy vì dân vì nước mà ở lại, kiên quyết kháng chỉ của triều đình điều động đi các tỉnh khác. Nay kính thư. Thân sĩ, Sĩ phu và toàn thế nhân dân ba tỉnh miền Đông Gia Định, Định Tường, Biên Hòa”.

Trước và sau khi nhận được chiếu chỉ của triều đình, Trương Công Định còn phân vân giữa đi và ở với tâm trạng ở lại là nhiều hơn. Sau khi nghe lời bàn của Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị, ông thấy mối quan hệ giũa trung và hiếu rõ ràng rành mạch hơn, bây giờ lại nhận được thư của phú hào, thân sĩ và bách tính miền Gia Định đại diện cho nhân dân miền Đông. Đọc xong ông đưa thư cho Phan Văn Trị và Nguyễn Đình Chiểu đọc:

-Hai ngài hãy đọc đi.

Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị đọc xong, cả hai cùng nói:

-Tướng quân không thể phụ lòng nhân dân ba tỉnh rồi.

Trương Công Định Nói:

-Hai ngài nói đúng lắm. Chúng ta không thể vào hùa với bọn hèn nhát bán nước. Ta quyết ở lại cùng nhân dân ba tỉnh kháng chiến.

Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị cùng đáp:

-Thay mặt phú hào, thân sĩ và bách tính ba tỉnh cảm ơn Bình Tây Đại Nguyên Soái.

Trương Công Định nói:

Triều đình không nhìn nhận chúng ta nhưng chúng ta cứ bảo vệ đất nước của chúng ta. Chúng ta sẽ quên mình vì Đại Nghĩa. Đại Nghĩa là bảo vệ quê hương Tổ quốc thì không sợ hy sinh, không sợ trái lệnh triều đình.

Ngay ngày hôm sau, lá cờ lớn chữ vàng “Bình Tây Đại Nguyên Soái” viết trên nền cờ màu đỏ chói tung bay trên cây cột cờ cao nhất ở căn cứ Gò Công, trên nóc của trung tâm Tổng hành dinh của Trương Công Định. Cạnh lá cờ đỏ, thấp hơn một chút là lá cờ màu trắng viết chữ màu đen : “Phan-Lâm mãi Quốc, Triều đình khí dân” cũng tung bay trước gió như bố cáo cho thiên hạ biết Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã bán ba tỉnh miền Đông cho Pháp, còn triều đình thì bỏ rơi bách tính. Trong lịch sử Nam Kỳ chưa khi nào lại sa vào tình trạng bị thảm như thế này. Thật là hổ thẹn và nhục nhã. Trương Công Định còn viết hịch kêu gọi thân sĩ, phú hào, võ quan tướng lĩnh ba tỉnh miền Đông đứng dậy tham gia đánh Pháp. Quả nhiên sau đó, một phong trào đánh Pháp nổ ra khắp ba tỉnh miền Đông như phong trào của Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, Phan Tòng  ở Bến Tre, Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Phan Văn Đạt ở Tân An, Trương Công Định ở Gò Công, Tân Hòa, Bùi Quang Diệu, Võ Quang  ở Cần Giuộc.

(Còn nữa)

CVL