Kỳ 28.
Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp mặc triều phục Đại Nam bước vào. Khoảng năm sĩ quan Pháp quân hàm quân hiệu vàng chóe trên quân phục màu xám, khác xa với quân phục võ tướng Đại Nam mà lần đầu tiên Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp trông thấy. Cuộc hòa đàm do Trương Vĩnh Ký (1837-1896), một người Việt ở phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long[1] (Chợ Lách, Bến Tre), theo công giáo, được Pháp đưa sang châu Âu đào tạo khi còn niên thiếu, thông thạo hơn 20 ngoại ngữ, người duy nhất của xứ Đông Dương ăn lương của Hội đồng bác học thế giới làm phiên dịch. Bonard qua phiện dịch mời Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và phái bộ của triều đình Huế ngồi. Trên bàn đã rót champagne đầy vào bảy cốc thủy tinh. Rượu màu đỏ sóng sánh bốc mùi thơm nức. Bonard nói:
-Xin mời hai đại thần Phan-Lâm và tùy tùng, xin mời các ngài sĩ quan của quân đội viễn chinh Pháp nâng cốc mừng cuộc hội ngộ của chúng ta với hai ngài chánh phó sứ của triều đình Đại Nam.
-Xin mời…
-Xin mời…
Mọi người đứng dậy cạn ly, đặt cốc xuống bàn và ngồi xuống. Bonard nói:
-Nghe nói hoàng đế Tự Đức cử hai ngài tới gặp chúng tôi là để hòa đàm chấm dứt chiến tranh?
Phan Thanh Giản nói:
-Đúng vậy, vâng theo ý chỉ của hoàng thượng Tự Đức, chúng tôi tới đây xin các ngài trả lại các tỉnh mà các ngài đã chiếm đóng.
Bonard hỏi:
-Đáp lại điều kiện các ngài đòi hỏi, chúng tôi được gì?
Lâm Duy Hiệp đáp:
-Các ngài sẽ được tự do truyền đạo Thiên Chúa khắp Đại Nam, các giáo sĩ được tự do đi lại, không bị bắt, không bị kết tội như trước đây. Các ngài sẽ được tự do thông thương ở xứ Nam Kỳ.
Bonard suy nghĩ: “Hiện nay quân Pháp đang gặp khó khăn, thậm chí nguy ngập bởi các đội quân ứng nghĩa. Sứ thần của triều đình đến đàm phán là vô tình đang cứu quân đội Pháp. Cần phải có một hiệp định để buộc triều đình quay lưng lại với những đội quân ứng nghĩa, vô hình chung đứng về phía Pháp bởi ràng buộc của hiệp định, chính triều đình lại giúp Pháp đánh tan các đội quân ứng nghĩa bằng các chỉ dụ của vua, vì ở Đại Việt, chống lại chỉ dụ của vua là phản nghịch”. Nghĩ như vậy nên Luis Bonard nói:
-Thôi được, trả lại tất cả các tỉnh cho các ngài thì không được, nhưng chúng tôi sẽ trả lại cho các ngài tỉnh Vĩnh Long. Thứ hai chúng tôi sẽ không đánh chiếm các vùng còn lại như là An Giang, Hà Tiên và các tỉnh Nam Trung Bộ. Bù lại, các ngài thứ nhất, phải để cho chúng tôi quyền bảo hộ ở ba tỉnh miền Đông vì chúng tôi cũng phải có chỗ đứng chân, thứ hai các ngài phải ra lệnh cho các đội quân ứng nghĩa chấm dứt hoạt động. Nếu không đáp ứng những điều kiện đó, chúng tôi sẽ tấn công An Giang, Hà Tiên và Nam Trung Bộ.
Lâm Duy Hiệp và Phan Thanh Giản quá bất ngờ khi được trả lại Vĩnh Long, các tỉnh khác lại không bị Pháp tấn công, sẽ vĩnh viễn không mất. Quá choáng ngợp trước kết quả của đàm phán, Lâm Duy Hiệp hứng khởi nói:
-Quân ứng nghĩa là thần dân của triều đình, họ sẽ tuân theo chỉ dụ của triều đình mà không đánh Pháp nữa.
Phan Thanh Giản nói thêm:
-Chỉ mong các ngài giữ lời hứa, trả lại Vĩnh Long và không đánh chiếm An Giang, Hà Tiên và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Luis Bonard đập bàn nói gay gắt:
-Các ngài xem thường danh dự và chữ ký của chúng tôi chăng?
Phan Thanh Giản vội nói:
-Không dám, không dám.
Bonard dịu giọng:
-Không sao, không sao, tôi biết các ngài rất tin tưởng và tôn trọng chúng tôi thì mới tới đây đàm phán. Người đâu:
-Dạ.
-Đem giấy mực ra đây.
-Dạ.
Khi có giấy mực, Bonard nói:
-Ngài Lâm Duy Hiệp cùng với ngài đại tá Lebơri thảo ra bản hòa ước, sớm mai tại đây xin các ngài có mặt để chứng kiến sự ký kết của hai bên vào văn bản.
Lâm Duy Hiệp nói:
-Thôi, chúng tôi tin cậy ở các ngài, cứ theo nội dung của nghị sự chiều nay, ngài đại tá Lebơri cứ thế mà chấp bút.
Bonard rót rượu ra đầy các cốc và nói:
-Cảm ơn các ngài đã tin cậy chúng tôi. Nào xin mời các ngài nâng cốc chúc cuộc hòa đàm thành công tốt đẹp.
Sớm hôm sau, ngày 5 tháng 6 năm 1862, tại căn phòng của con tàu Pháp, hai ông chánh sứ Phan Thanh Giản và Phó sứ Lâm Duy Hiêp cùng Đô đốc Luis Bonard đặt bút ký vào văn bản cái gọi là "Hòa ước Nhâm Thân (1862)". Đó là hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên, mở đầu cho quá trình đầu hàng bán nước của nhà Nguyễn. Ký xong, hai ông Giản và Hiệp phấn khởi mà không biết rằng đã trúng vào quỷ kế gian tà của tên thực dân cáo già Bbnard. Hiệp định đã cắt đứt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, thừa nhận người phương Tây được tự do truyền bá đạo Thiên chúa giáo, người Pháp được tự do buôn bán ở Nam kỳ, tự do đi lại trên các con sông ở xứ này, kể các lưu vực các sông. Đại Nam phải mở các cửa biển Đà Nẳng, Ba Lát, Quảng Yên. Hoàng đế Đại Nam phải bồi thường chiến phí 4 triệu Piaste, 72 % của 4 triệu Piaste được trả bằng bạc. Triều đình Huế bước đầu mất chủ quyền ngoại giao. Triều đình Huế phải cùng Pháp đàn áp quân “nổi loạn” (quân khởi nghĩa chống pháp)". Triều đình đã cứu nguy cho Pháp, đã đứng về phía quân Pháp để chống lại phong trào kháng chiến của nhân dân đang làm cho quân Pháp nguy khốn. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã trở thành tội đồ không thể tha thứ được của lịch sử dân tộc.
Để tiếp tục đánh lừa triều đình Huế, ngày 25 tháng 5 năm 1862, Bonard trả lại tỉnh Vĩnh Long cho Đại Nam, gây thêm sự tin tưởng mù quáng vào quân xâm lược của triều đình Tự Đức. Triều đình đã gọi những người khởi nghĩa cứu nước là quân “Phiến loạn” và ra lệnh đàn áp, tiếp tay và cứu nguy cho Pháp xâm lược.
(Còn nữa)
CVL
[1].Nay là Chợ Lách, Bến Tre.