Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 31

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 31.

Một sáng Trương Công Định đang ngồi trong hành dinh ở Gò Công thì có lính vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, có quan nội thị của triều đình tới.

-Cho vào.

-Dạ.

Quan nội thị bước vào nói:

-Bình tây Đại Nguyên Soái nghe chỉ.

Trương Công Định cùng các tùy tướng quỳ xuống. Viên nội thị giở tấm lụa vàng ra đọc: “Phụng thiên thừa vận hoàng đế chiếu viết: Nay theo yêu cầu của người Pháp, Bình Tây Đại Nguyên soái phải lập tức bãi binh để người Pháp trao lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình, thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước của Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Tự Đức năm thứ 15. Khâm thử”.

Trương Công Định nói:

-Thần không thể nhận chỉ vì trong hòa ước Nhâm Tuất không có điều nào nói thần phải bãi binh Pháp mới trả tỉnh Vĩnh Long. Điều ước ghi, khi Pháp chiếm giữ ba tỉnh miền Đông thì phả trả lại Vĩnh Long. Nay Pháp đã chiếm đóng ba tỉnh miền Đông rồi mà không trả lại Vĩnh Long, như vậy Pháp đã vi phạm hiệp ước.

Quan nội thị nói:

-Tướng quân nói rất đúng nhưng như vậy thì làm khó cho triều đình. Vả lại không nhận chỉ là tướng quân kháng chỉ, tội bị chém đầu.

-Thần không làm khó cho triều đình mà triều đình đang làm khó cho bách tính chúng tôi. Chính triều đình đã khiến cho họ muốn trung với hoàng thượng, muốn làm dân của hoàng thượng mà không được, lại đẩy chúng tôi sang làm dân của Pháp, cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp là đã bỏ rơi chúng tôi, lại  đẩy chúng tôi sang làm dân của nước Pháp của ngoại bang. Chúng tôi đang chiến đấu để làm dân của Đại Nam, của hoàng thượng, ngài thấy sai ở chỗ nào?

Viên quan nội thị đuối lý, đành nói:

-Thôi tướng quân đứng dậy đi.

-Đa tạ quan nội thị. Bay đâu.

-Dạ.

-Chuẩn bị cơm trưa, ta cùng nâng chén rượu nhạt với quan nội thị.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Quan nội thị nói:

-Đa tạ tướng quân, đa tạ.

Quan nội thị rời được vài ngày thì Phan Thanh Giản đến Gò Công gặp Trương Công Định. Một sáng lính vào báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, có Khâm sai Đại Thần Phan Thanh Giản muốn vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Phan Thanh Giản bước vào, đó là một quan văn, mặt hơi dài, hơi gầy, đội mũ cánh chuồn nhung đen, áo gấm xanh. Trương Công Định đứng dậy vòng tay cúi chào:

-Kính chào ngài Khâm sai đại thần.

-Không dám, không dám, chào tướng quân.

-Xin mời Khâm sai đại thần an tọa. Bay đâu.

-Dạ.

-Pha trà.

-Dạ.

Hai người uống cạn cốc trà đầu tiên, Phan Thanh Giản đặt ly xuống và nói:

-Theo hòa ước Nhâm Tuất 1862 Pháp phải trả lại tỉnh Vĩnh Long cho ta nhưng họ lấy cớ nếu tướng quân không bãi binh thì họ không trả. Tướng quân hãy nể mặt triều đình lui về An Giang để triều đình lấy lại Vĩnh Long và để mang lại hòa bình cho Nam Kỳ và cho Đại Nam.

Trương Công Định nghiêm giọng đáp:

-Ngài và triều đình sai rồi. Cái sai thứ nhất là không xem thế cuộc trong nước và Nam Kỳ. Ở ba tỉnh miền Đông quân Pháp bị nghĩa quân của nhân dân đánh cho tơi bời, quân lính bị tiêu diệt. Tàu thủy bị đốt cháy, những vùng ở ba tỉnh bị Pháp chiếm đã rút bỏ gần hết, chỉ còn lẻ tẻ vài trung tâm và vài chiếc đồn và đang rất khiếp sợ. Các ngài thấy quan quân triều đình rút chạy ở vài tỉnh lỵ ở miền Đông đã khiếp sợ Pháp, đã nẩy sinh ra một phái với tư tưởng đầu hàng bán nước dưới danh nghĩa giảng hòa. Khi đi hòa nghị không nhìn rõ thực lực của nhân dân, đã ký một văn bản bán nước, nộp đất, nộp tiền nhưng điều nguy hại là đứng về phía kẻ xâm lược, quay lại đàn áp nhân dân. Nếu các ngài đứng về phía nhân dân giúp đỡ nhân dân đánh Pháp thì nay Pháp đã cút đi từ lâu rồi, nếu không đã bị tiêu diết hết rồi. Như vậy, các ngài và triều đình đã đứng về phía kẻ xâm lược, chống lại nhân dân, chống lại Nam Kỳ, chống lại đất nước.

Trương Công Định bê ly nước uống xong nói tiếp;

-Cai sai thứ hai là các ngài và triều đình không nhìn ra thế giới, không nhìn ra dã tâm của quân xâm lược Pháp. Ngay giáp với nước ta, các ngài có thấy Pháp cùng các nước Anh, Mỹ...xâu xé Trung Quốc không. Trung Quốc hèn nhát cũng đã đầu hàng, đã cắt đất, đã bồi thường hàng triệu lạng vàng bạc nhưng chúng vẫn đẩy mạnh chiến tranh, chiếm đất đai, chiếm khu vực để buôn bán, vơ vét cướp bóc của cải. Các ngài tưởng chúng chiếm ba tỉnh miền Đông là để các ngài yên ổn sao? Chúng sẽ chiếm ba tỉnh miền Tây và chiếm toàn bộ Đại Nam để thỏa tham vọng làm chủ thế giới và làm giàu. Ngài hãy nhớ lấy lời tôi xem có đúng không. Các ngài đã thành tội đồ của lịch sử dân tộc ngay cả khi còn đang sống. Cái câu “Phan- Lâm mãi quốc triều đình khí dân” trên lá cờ kia không phải là do tôi nghĩ ra đâu mà đó là của bách tính miền Đông. Ngài thử đi xuống nông thôn, thị thành mà hỏi xem.

-Các ngài ký hòa ước là để mang lại hòa bình. Đó là cách nói của những kẻ hèn nhát, tự an ủi lừa bịp để đầu hàng quân xâm lược. Theo cách lý giải hai điều sai ở trên thì khi có chỗ đứng chân yên ổn ở ba tỉnh miền Đông, chúng sẽ đánh ba tỉnh miền Tây và cả Đại Nam, vậy hòa bình ở chỗ nào?

Phan Thanh Giản đuối lý nói:

-Nhưng khi ngài đã chống lại triều đình thì ngài mang tội phản nghịch.

Trương Công Định nén cơn giận giữ cố nói cho mềm  mỏng:

-Tôi và bách tính không thể trung với một triều đình đã bán nước, đã bỏ rơi dân chúng, đứng về phía kẻ thù mà chống lại họ. Khi các ngài ký Hòa ước bán nước thì trong mắt chúng tôi không có triều đình nữa. Bây giờ chúng tôi chỉ có trung với nước với dân mà thôi. Vả lại nhân dân ba tỉnh muốn như xưa nên đã suy tôn tôi đứng đầu. Chúng tôi không thể làm khác hơn điều mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi đã sẵn sàng đánh địch cả ở miền Đông và miền Tây. Nếu ngài còn nói tới hòa ước thì chúng tôi phản đối những mệnh lệnh của triều đình. Hòa ước năm Nhâm Tuất không có giá trị với chúng tôi, đó là Hòa ước đáng hổ thẹn, hòa ước bán nước.

(Còn nữa)

CVL