Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 33

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 33.

Bonard dừng lại uống một ly rượu vang và nói tiếp:

-Kế hoạch tấn công lần hai này rút kinh nghiệm lần một phải vây bọc kín Gò Công không cho Trương Công Định rút chạy. Trên bộ phải có các đạo bộ binh và tấn công gồm:

-Đạo thứ nhất do Đại tá Palanca chỉ huy 1.000 quân theo đường Mỹ Tho tiến vào đánh vào phòng tuyến Đông Sơn của Gò Công.

-Đạo thứ hai do do Đại tá Chirb chỉ huy 1.000 quân từ Gia Định tiến đánh Gò Công, đánh vào  phòng Tuyến bắc.

-Đạo thứ ba do Đại tá Delaged chỉ huy 1.000 quân từ Cửa Tiểu tiến quân bao vây Gò Công, đánh vào phòng tuyến Vĩnh Lợi.

-Ngoài bộ binh còn huy động đại bác trên các tàu chiến bắn phá dữ dội, không tiếc đạn để phá tan các căn cứ của Gò Công. Tham chiến gồm các tàu Lfuropeen từ Rách Giá đi lên, tàu Slame tiến vào rạch Gò Công (tàu có 1 đại bác), tàu Circe tiến vào sông Vàm Láng, sông Xoài Rạp, tàu Forbm phong tỏa sông Vàm Cỏ. Ngoài ra còn huy động đại bác đặt trên xe do ngựa kéo bắn vào Gò Công. Còn tăng cường bộ binh ở hai đồn Chợ Gạo và đồn Mỹ Tho tham chiến. Tàu Cosmao, pháo thuyền 20, chiến thuyền Saint Joseph và 15 chiếc ghe bao vây phía tây căn cứ. Công binh phải chuẩn bị 30 chiến thuyền bọc sắt sẵn sàng ghép thành cầu để binh sĩ vượt qua bãi sình lầy.

Bonard nói tiếp:

-Ngày 22 tháng 3 năm 1863, các lược lượng thủy bộ phải bao vây bên ngoài Gò Công. Ngày tấn công vào căn cứ là ngày 26-3-1863. Chỉ huy toàn bộ cuộc tấn công do tướng  Chaumot, bản Đô đốc sẽ ở trên chiến hạm Ondme thị sát chiến trường và ra những mệnh lệnh khi cần thiết. Trong chiến dịch này ta treo giải thưởng 10.000 Frang cho ai giết được Trương Công Định.

Sáng 26 tháng 3 năm 1863 quân Pháp do tướng Chamot bắt đầu tấn công vào căn căn cứ Gò Công sau khi đã triển khai thế trận bộ binh, thủy quân. Đô đốc Bonard trên chiến hạm Onđine quan sát chiến trường. Chamot ra lệnh cho đại bác từ tàu chiến ngoài biển, từ Cửa Tiểu, từ rạch Gò Công và các pháo đặt trên xe do ngựa kéo cứ nhằm căn cứ Gò Công mà trút đạn. Những viên đạn lửa to như bắp chuối đỏ lừ từ các nòng pháo vọt ra nhằm mục tiêu rơi xuống, lại nổ tiếp mang sức tàn phá, mọi vật tan hoang, bốc cháy. Rừng cây biến thành biển lửa. Những tiếng vang rền như sấm sét chuyển rung toàn bộ không gian rộng lớn của Gò Công, Tân Hòa, Định Tường, vang vọng cả về Mỹ Tho và Gia Định. Những doanh trại của nghĩa quân theo cây rừng bốc cháy. Căn cứ gò Công biến thành biển lửa. Ở hướng bắc, các tướng Nguyễn Nhựt Chi, Đỗ Quang, Lưu Tấn Thiện chỉ huy. Ở hướng nam chỉ huy là các tướng Lê Quang Quyền, Đặng Văn Duy. Ở hướng đông chỉ huy là các tướng Phạm Tiến, Đốc binh Tình. Ở hướng tây chỉ huy là các tướng Phan Văn Dũng, La Văn Bản. Các tướng đều ra lệnh cho nghĩa quân nằm xuống tránh đại bác của địch. Đạn đại bác trút lửa xuống Gò Công suốt một giờ đồng hồ. Sau khi ước đoán nghĩa quân đã bị tiêu diệt, tướng Chaumot và Bonart ra lệnh:

-Tất cả bộ binh ba hướng tấn công.

Quân pháp đông như kiến cỏ vừa bắn vừa tiến vào căn cứ. Trương Công Định trên đài chỉ huy ra lệnh:

-Các nghĩa sĩ vùng dậy nhằm quân thù mà bắn.

Nghĩa quân từ các chiến hào vùng dậy reo hò nhằm quân Pháp nã đạn. Hàng chục tên Pháp gục xuống và không bao giờ dậy được nữa. Cùng với tiếng hò reo, tiếng súng nổ, thì tiếng trống thúc giục vang rền, cùng với đó là máu phun, thây đổ, lửa khói ngút trời. Đây là trận đánh khốc liệt nhất giữa nghĩa quân và quân Pháp kể từ năm 1859 cho đến lúc đó, có thể so sánh với trận Đại Đồn Chí Hòa năm 1861.

Trước hỏa lực mạnh của Pháp, không thể để trúng vào ý đồ của Bonard là tiêu diệt bằng được nghĩa quân, Trương Công Định ra lệnh cho nghĩa quân lui về căn cứ Đám Lá Tối Trời. Từ đây nghĩa quân rút về rừng Lý Nhơn Cần Giờ (Gia Định). Quân Pháp bủa vây cả thủy bộ nhưng thất bại trong việc tiêu diệt nghĩa quân, trong việc bắt sống hoặc giết chết Trương Công Định vì không thông thạo đường đất trong căn cứ. Từ Lý Nhơn, Trương Công Định lại mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển lực lượng, hoạt động khắp vùng Gò Công, Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho, Tân An, Tây Ninh.

Sau chiến dịch, một sáng Bonard ngồi trong hành dinh ở Gia Định nhâm nhi ly rượu vang nhưng rượu quá đắng vì sự thất bại trong chiến dịch Gò Công lần hai. Bonard gọi:

-Người đâu.

-Dạ, Đô đốc.

-Lệnh cho Phòng Tham mưu đem báo cáo tổng kết chiến dịch Gò Công lần hai lên đây.

-Dạ.

Một lát sau nhân viên phòng tham mưu bước vào:

-Dạ, trình Đô đốc bản báo cáo tổng kết chiến dịch Gò Công lần hai ạ.

Bonard cầm báo cáo đọc. Bonard không tin vào mắt mình. Trong chiến dịch số lính Pháp tử trận 400 người. Đây là một thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi xâm lược Việt Nam. Chưa tính trước đó cứ mỗi trận phục kích, nghĩa quân đã tiêu diệt từ 10 đến vài chục lính Pháp.

Không lâu sau, do thất bại trong cuộc xâm lược Nam kỳ, ngày 1 tháng 9 năm 1863 Đô đốc Bonard bị hoàng đế Napoleon III triệu hồi về Pháp, Tướng Pierre Paui De La Gagrandiere sang thay.

                            *

*      *

      Tháng 11 năm 1863 mùa đông ở Gia Định và Nam Kỳ là mùa khô, gió hơi se lạnh, nắng không gay gắt vẫn chan hòa, gió cuốn lá rơi gió bụi. Đã ba tháng tướng La Gagrandiere thay Đô đốc Bonard điều hành cuộc xâm lược Nam Kỳ nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Gagrandiere uống xong ly rượu vang rồi gọi:

-Người đâu.

-Da.

-Bảo phòng tham mưu phủ Thống Sứ gửi báo cáo tình chiến sự ba tháng cuối năm 1863 lên đây.

-Dạ.

Một lát nhân viên tổng hợp Phòng tình báo bước vào:

-Dạ, thưa Thống đốc, đây là báo cáo tình hình chiến sự cuối năm ạ.

-Cảm ơn.

-Dạ, không dám.

(Còn nữa)

CVL