Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 32

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 32.

Phan Thanh Giản đuối lý, phần thì hổ thẹn đứng dậy nói:

-Vậy thì lão phu không còn gì để nói nữa, xin cáo biệt.

-Cáo biệt, cáo biệt. Bay đâu.

-Dạ.

-Tiễn ngài Khâm sai ra khỏi căn cứ kẻo ngài lạc đường.

-Dạ, chủ tướng...

          

X.

Tháng 3 năm 1863, Bonard, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Nam Kỳ đang ngồi trong hành dinh ở Gia Định bàn chiến sự với Đại tá Palanha và các sĩ quan tùy tùng. Mỗi người đã cạn một ly rượu vang, sau khi đặt ly xuống, Bonard hỏi Palanca:

-Hiện nay cuộc chiến mạnh nhất của bách tính Nam Kỳ là Trương Công Định, triều đình Huế đã một lần ra chiếu chỉ điều ông ta về An Giang không được, lần thứ hai triều đình ra chiểu chỉ điều ông ta đi Bình Thuận, ông ta kiên quyết kháng chỉ, lần thứ ba chính Khâm sai Phan Thanh Giản đến truyền chỉ giải binh còn bị ông ta mắng cho hổ thẹn ôm hận mà về. Vừa rồi ta cùng gửi một bức thư dụ hàng Trương Công Định mà chưa thấy trả lời. Ta cũng đã gửi thư đề đạt hoàng thượng Napoleon III gửi quân tiếp viện nhanh chóng nếu không tình hình của quân ta ở Nam Kỳ thật là gay go, có nguy cơ bị tiêu diệt bởi nghĩa quân. Cho đến nay vẫn chưa thấy hoàng thượng trả lời.

Chợt có lính do thám về báo:

-Dạ, bẩm Đô đốc có thư trả lời của Trương Công Định ạ.

Bonard mừng rỡ:

-Đưa ta xem nhanh.

Bonard bóc thư đọc. Thư viết: “Ngươi đừng có dụ hàng ta vô ích. Triều đình không nhìn nhận chúng ta nhưng chúng ta cứ bảo vệ đất nước của chúng ta. Đại nghĩa nhất định chiến thắng”.

Bonard đọc xong tức giận mặt đỏ gay, cầm chai vang rót và bê uống cố nút trôi cục tức. Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đô đốc, ngày 17-3-1863 Trương Công Định từ căn cứ Gò Công đã khẳng định kiên quyết đánh Pháp và kêu gọi dân chúng hưởng ứng và sau đó...

Bonard vội hỏi:

-Sau đó thì sao?

-Dạ, dân chúng Nam Kỳ hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Công Định, khắp nơi ở Gò Công, Bà Rịa, Cần Giờ, Chợ Lớn, Hóc Môn, Gia Định, Tân An, Đồng Tháp Mười đều nổi dậy tấn công quân ta. Chúng ta bị tiêu diệt và bị bao vây khắp nơi rồi ạ. Tình thế rất nguy khốn ạ.

-Nguy rồi. Đại tá Palanca.

-Có mạt tướng.

-Đại ta ra lệnh cho các đồn phải cố gắng cầm cự cho đến khi viện binh từ Pháp tới.

-Tuân lệnh Đô đốc.

-Còn nữa, theo dõi sát sao diễn biến của triều đình Huế, bây giờ mà phe chủ chiến chiếm ưu thế kêu gọi cùng nhân dân chống pháp thì ta hoàn toàn thất bại.

Palancan nói:

-Đô đốc yên tâm, không có chuyện đó đâu ạ. Tự Đức và phe giảng hòa mù quáng và hèn nhát không thấy được điều cơ bản đó đâu ạ. Họ đang say sưa trong giấc mộng hòa bình mà vẫn được ta trả lại đất đai ạ.

Bonard nói:

-Nước Nam trong sử sách thì nghe nói ngày xưa giỏi đánh nước ngoài đến xâm phạm lắm cơ mà, sao bây giờ lại sinh ra một triều đình đổ đốn như vậy? Thật là may lớn cho ta, kẻ kia mà biết lợi dụng cơ hội thì ta chết mất ngáp từ lâu rồi.

-Dạ, thế nước có lúc thịnh lúc suy. Đại Nam lúc này đang là thời kỳ suy vong cực độ ạ.

-Phải rồi các tướng lĩnh của ta cần phải học và hiểu lịch sử Việt Nam, cuộc chiến xâm lược toàn bộ Đại Nam còn dài, còn cần dùng đến.

-Dạ.

Bonard đang mỏi mắt trông chờ viện binh thì tháng 3 năm đó có nhân viên Phòng tham mưu vào báo:

-Dạ bẩm Đô đốc.

-Có gì mới không?

-Có tin vui ạ.

-Tin vui gì? Viện binh tới à?

-Dạ đúng ạ. Trong tháng 3 năm 1863 này Chính phủ Pháp sẽ gửi sang  Nam Kỳ 2 viễn đoàn thủy quân lục chiến ạ. Cũng trong tháng này Đô đốc Jaures sẽ đem từ Thượng Hải 2 tiểu đoàn viễn chinh Bắc Phi, nửa tiểu đoàn bộ binh Algerie, nửa đại đội pháo binh. Chính phủ Tây Ban Nha cũng đưa 800 lính Tagal từ Philipspin tới hỗ trợ cho quân Pháp.

Bonard hỏi:

-Nhưng quân viễn chinh này bao giờ thì tới được Gia Định?

-Dạ bẩm Đô đốc, khoảng 20 tháng 3 năm 1863 ạ.

-Tốt.

Qua những ngày phấp phỏng lo âu đợi chờ, hôm nay 20-3-1863, Bonard ngồi trong hành dinh phấn khởi thông báo:

-Tôi báo cho các ngài biết tin vui, các đạo viện binh, vũ khí  từ Pháp, từ Thượng Hải, từ Philippin đã đến Gia Định đầy đủ. Nào xin nâng ly để chúc mừng.

Đại tá Palanca và các sĩ quan tùy tùng đứng dậy nâng ly và nói:

-Xin chúc mừng ngài Đô đốc.

Sau khi mọi người cạn ly và ngồi xuống, Palanca hỏi:

-Có lực lượng hùng mạnh rồi, chúng ta tấn công vào Gò Công để tiêu diệt Trương Công Định chứ ạ?

Bonardđáp;
-Tất nhiên. Bây giờ xin mời quý vị nghe kế hoạch tấn công căn cứ Gò Công lần thứ hai để tiêu diệt Trương Công Định. Trong trận Gò Công lần một diễn ra vào tháng 2 năm 1862, các vị hẳn còn nhớ, Gò Công được Trương Công Định xây dựng thành một trận địa phức tạp, nhiều chiến lũy, nhiều chiến hào giao thông, nhiều cây cối rậm rạp, nhiều sình lầy cạm bẫy, nhiều ụ súng, lỗ châu mai. Trong cuộc tấn công lần một, Trương Công Định đã dụ quân ta vào sình lầy, vào các lỗ châu mai và tiêu diệt một lực lượng lớn quân lực của chúng ta. Cả lính Pháp và lính Việt lên đến 200 thi hài nằm lại. Chỉ nhờ có đại bác ở các tàu chiến chúng ta mới chống đỡ được và cũng nhờ đại bác, lực lượng của nghĩa quân bị tiêu diệt cũng không phải là ít, hàng trăm nghĩa quân cũng đã nằm xuống, cũng nhờ đại bác mới làm cho chiến lũy Gò Công tan nát. Nhưng vì không có vòng vây nên Trương Công Định và tàn quân mới chạy thoát.

(Còn nữa)

CVL