Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 35

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 35.

Sau khi được tin thám báo chính xác là Trương Công Định đang ở Gò Công, ngày 19-8-1864 Lagradiere ra lệnh bao vây tấn công Gò Công bằng cả thủy quân và bộ binh, tàu chiến đại bác. Quân Pháp chia làm ba mũi bộ binh, mỗi mũi gồm 1.000 lính. Mũi thứ nhất từ Mỹ Tho tiến xuống do Đại úy Lepes chỉ huy, mũi thứ hai 1.000 do Đại úy Gougead chỉ huy từ Cần Giuộc tiến sang, mũi thứ ba cũng 1.000 lính do Đại Úy Belic chỉ huy theo Cửa Tiền tiến vào. Ngoài biển phía đông 15 tàu chiến, rạch Gò Công 10 tàu chiến, mỗi tàu 4 đại bác tất cả chĩa nòng về Gò Công. Ngoài ra một đại đội đặc biệt tinh nhuệ do Thiếu tá Leopolo Pally chỉ huy có Huỳnh Công Tấn dẫn đầu, bất chấp súng đạn, nơi nào có Trương Công Định thì tiến thẳng vào bao vây tiêu diệt. Đúng 7 giờ sáng ngày 19-8-1864 Lagrandiere ra lệnh cho  đại bác trên các tàu chiến ở biển phía đông, ở rạch Gò Công, ở sông Mỹ Tho nã không tiếc đạn vào căn cứ Gò Công. Từng đợt lửa đạn dày đặc rơi xuống, tàn phá, đốt cháy cây rừng, phá tan hầm hào công sự. Tiếng nổ bốn phía như sấm, đạn đỏ lừ như bắp chuối bay ngang dọc vào mục tiêu và nổ, công phá tất cả công sự, pháo đài, đồn lũy, cây cối trong rừng và lán trại bốc cháy. Căn cứ Gò Công đã bị tàn phá cách đây một năm, nghĩa quân mới sửa chữa lại nên hầm hào chiến lũy không được như trước. Nghĩa quân gần như phơi trần trên mặt đất trước những làn đạn đại bác khốc liệt dữ dội. Sau một giờ bắn phá, Lagrandiere ra lệnh ba mũi bộ binh tấn công. Quân Pháp bất đầu dùng súng trường bắn nhanh vừa bắn vừa chạy khom khom xông vào căn cứ. Nghĩa quân cũng dùng súng bắn vào quân Pháp. Xác đổ máu tuôn. Chỉ 2 giờ sau nghĩa quân núng thế vì không còn trận địa hào lũy che chắn, đạn cũng hết dần. Nghĩa quân vừa đánh vừa lùi về căn cứ cuối cùng là Đám Lá Tối Trời thuộc hai làng Tân Phước và Kẻng Phước. Quân Pháp vẫn bốn phía tiếp tục truy kích, siết chặt vòng vây. Huỳnh Công Tấn dẫn đường cho nên đại đội đặc biệt Leopolo Pally chỉ huy tiến rất nhanh vì không phải mò mẫm tìm đường, không bị lạc đường. Huỳnh Công Tấn dẫn đại đội tinh nhuệ Pháp xông vào Sơn Quy, nơi đặt tổng hành dinh của Trương Công Định. Không thấy Bình Tây Đại Nguyên Soái ở đây, Huỳnh Công Tấn nói:

-Tiến tới Đám Lá Tối Trời nhanh, Trương Công Định đã rút về đó.

Đại đội Leopalo Pollu chạy như bay bất chấp hàng loạt lính trúng đạn ngã gục do nghĩa quân bắn ra. Khi đến Đám Lá tối Trời, Đại đội Pháp triển khai thế trận bao vây. Một trận kịch chiến diễn ra khốc liệt. Hàng trăm quân Pháp ngã xuống, hàng trăm nghĩa quân hy sinh nhưng quân Pháp càng đông như kiến cỏ vì ba mũi bộ binh của Pháp cũng đã tới và dồn vào bao vây Đám Lá Tối Trời. Trương Công Định cùng Nghĩa quân chiến đấu kiên cường, cây súng của ông đã hạ sát hàng chục tên Pháp. Thốt nhiên khi trong tư thế nhô cao để bắn, ông thấy xương sống của mình đau nhói khiến súng văng ra khỏi tay. Huynh Công Tấn cách đó không xa nói to:

-Bẩm quan lớn, tôi đem quan lớn về đầu Tây. Gió chiều nào che chiều đó. Quan lớn đầu hay không tôi vẫn bắt. Quan lớn không thể chạy được đâu. Tôi đã bắn gãy xương lưng của tướng quân rồi.

Trương Công Định biết là mình bị phản bội, nếu không quân Pháp làm sao mà xông vào được căn cứ Đám Lá Tối Trời, ông căm giận nói:

-Thằng sức sinh phản bội, mày coi tao đầu nè, Tấn.

Rồi ông rút gươm tự đâm vào bụng, máu phun lên trời đỏ rực. Ông chết uy nghi như một bậc anh hùng. Quân Pháp hoảng sợ không dám bắn nữa, còn quân Việt thì kêu lên đau xót.

-Chủ soái, chủ soái, ngài không được chết.

Và họ căm thù nổ súng vào quân Pháp, hết đạn thì xông lên dùng gươm hỗn chiến cho đến người cuối cùng. Các đơn vị nghĩa quân và các tướng ngoài vòng vây cố kìm chân quân Pháp, bộ phận còn lại bảo vệ, hộ tống cho Trương Quyền, con trai Trương Công Định rút về Châu Đốc, tiếp tục lãnh đạo đánh Pháp thêm 6 năm nữa. Trương Công Định hy sinh năm 44 tuổi. Thi hài được bà Trần Thị Sanh, vợ thứ hai của ông đấu tranh với giặc Pháp, giành về mai táng ở Gò Công, trên mộ có bia khắc dòng chữ: “Đại Nam Lãnh Binh kiêm bình Tây Đại tướng quân chi mộ”. Nhân dân 6 tỉnh miền Đông và miền Tây nghe tin đều tiếc thương đau xót. Nguyễn Đình Chiểu, người mưu sĩ của ông thay mặt nhân dân Nam Kỳ viết một bài văn tế khóc thương:

Hỡi ơi!
Giặc cỏ bò lan;
Tướng-quân mắc hại.

Ngọn khói Tây-bang đóng đó, cõi biên còn trống đánh sơn-lâm;
Bóng sao Võ-khúc về đâu, đêm thu vắng tiếng canh dinh-trại.

Nhớ tướng quân xưa:
Gặp thuở bình cư;
Làm người chí đại.

Từ thuở ở hàng viên lữ, pháp-binh trăm trận đã làu;
Đến khi ra quản đồn-điền, võ-nghệ mấy ban cũng trải.

Lối giặc đánh, tới theo quan tổng, trường thi, mô súng, trọn mấy năm ra sức tranh tiên;
Lúc cuộc tan, về huyện Tân-Hòa, đắp lũy đồn binh, giữ một góc bày lòng địch khái.

Chợt thấy cánh buồm lai sứ, việc giảng-hòa những tưởng rằng xong;
Đã đành tấm giấy tựu phong, phận thần-tử há đâu dám cãi.

Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên-tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;
Theo bụng dân phải chịu tướng-quân-phù, gánh-vác một vai khổn ngoại.

Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ-phu lắm kẻ xui theo;
Tóm muôn dân gầy sổ mộ binh, luật-lệnh mấy ai dám trái.

Văn thì nhờ tham-biện, thương-biện, giúp các cơ bàn-bạc nhung-công;
Võ thì dùng tổng-binh, đốc-binh, coi các đạo sửa-sang khí-giái.

Khá thương ôi!
Tiền vàng ơn chúa, trót đã rỡ-ràng;
An bạc mưu binh,nào từng trễ-nải.

Chí lăm dốc cờ xuê lộ bố, chói sắc giữa trào;
Ai muốn đem gươm báu Can-tương chôn hơi ngoài ải.

Há chẳng thấy:
Sức giặc Lang-sa;
Nhiều phương quỷ-quái.

Giăng dưới nước tàu đồng tàu sắt, súng nổ quá bắp rang;
Kéo trên bờ ma-ní, mã-tà, đạn bắn như mưa vãi.

Dầu những đại đồn thuở trước, cũng khó toan đè trứng nghìn cân;
Huống chi cô lũy ngày nay, đâu dám chắc treo mành một giải.

(Còn nữa)

CVL