Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 34

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 34.

Sĩ quan nhân viên lui ra, Lagrandiere rót một ly rượu nữa vừa nhâm nhi vừa đọc. Báo cáo viết: “Trận Lý Nhơn: Trận Lý Nhơn diễn ra ngày 25 tháng 9 năm 1863. Trận này quân Pháp do Gonelad và Belic chỉ huy chủ động tấn công nghĩa quân Trương Công Định đang đóng ở Lý Nhơn. Nghĩa quân đã đột phá vòng vây trở về xây dựng lại căn cứ Gò Công lần ba, trong đó có mở rộng và xây dựng thêm căn cứ Đám Lá Tối Trời, khu vực gần đồn điền Gia Thuận của Trương Công Định . Trận Trại Cá: Cuối năm 1863, nghĩa quân do Trương Công Định lãnh đạo càng đẩy mạnh hoạt động ví như các trận ở Trại Cá. Ở Trại cá có Rạch Bùn chạy dài đến Rạch Cùng (Tân Thành) được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tôm cá, cua, sò, ốc, hến, nhiều nhà quy tụ về đây sinh sống làm ăn nên gọi là xóm Trại Cá. Lính hậu cần của Pháp thường đến đây mua thức ăn cho lính Pháp. Tháng 11 năm 1863, Trương Công Định dùng hai chiếc thuyền buồm, 100 nghĩa binh, do cấp đội chỉ huy, xuất phá từ rừng Gia Thuận đi theo ngã biển Vàm Sáng, lên Rạch Cung, lên phía trong rừng Trại Cá mai phục. Lính Pháp như thường lệ vào mua bán, khi trở về nghĩa quân mai phục nổ súng, sau đó xáp vào chém giết. Một tiểu đội lính Pháp bị tiêu diệt, chỉ 3 lính chạy thoát. Nghĩa quân thu 12 súng, hàng chục viên đạn cùng nhiều quân trang.

Trận Gò Bầu: Ở đây có các gò cao nối tiếp nhau kéo dài từ Bình Phúc Nhì đến Bình Phú thành vùng đất rậm rạp, cây trâm bầu mọc lên dày đặc gọi là Gò Bầu. Quân Pháp chiếm Định Tường, thường hành quân từ Chợ Gạo tới Thanh Nhựt rồi xuống Gò Bầu. Trương Công Định đã dựa vào địa thế hiểm yếu, nhiều gò đất ngang dọc, quân Pháp không thuộc đường để mai phúc tấn công tiêu diệt Pháp nhiều trận như trận chiến tháng 12 năm 1863. Pháp đã sử dụng tên bá hộ Huy dẫn đường cho Pháp  đánh sâu vào Gò Công, chiếm được các nơi hiểm yếu, chiếm được thành lũy. Lúc này Gò Công do Tướng Nguyễn Nhựt Chi là Phó tướng của Trương Công Định chấn giữ. Hay tin, Trương Công Định kéo quân về đánh chiếm lại Gò Công, bắt giết bá hộ Huy. Quân Pháp từ Gò Công tháo chạy theo Gò Bầu, bị Trương Công Định mai phục tiêu diệt hàng trăm lính Pháp”.

Đọc xong báo cáo, Lagrandiere ngồi nhâm nhi ly rượu và đau đầu suy nghĩ làm thế nào để tấn công bắt được Trương Công Định. Trương Cộng Định là đầu não, là trung tâm của mọi cuộc kháng chiến ở miền Đông. Phá được căn cứ Gò Công nhưng ông ta chạy thoát ra vùng khác, vẫn tồn tại phát triển phong trào kháng chiến. Chỉ có bắt hoặc giết được Trương Công Định thì công việc chinh phục ba tỉnh miền Đông và ba tỉnh miền Tây mới thành công. Lần thứ ba Trương Công Định lại về Gò Công, quân số đã lên gần 1 vạn. Thời Bonard cũng đã suy nghĩ như vậy nhưng tại sao cả hai cuộc tấn công Gò Công, đã huy động hết tàu chiến, hỏa lực đại bác, quân số thủy quân và bộ binh, bắn phá dữ dội vậy mà nghĩa quân vẫn tồn tại, gây thiệt hại cho quân Pháp nặng nề. Khi Quân Pháp truy kích, nghĩa quân vẫn rút lui an toàn và Trương Công Định vẫn chạy thoát? Lagrandiere giở lại bản báo cáo vừa đọc, cầm bút gạch vào đoạn viết do dùng Việt gian là bá hộ Huy dẫn đường mà quân pháp cũng đỡ thiệt hại khi tấn công Gò Công tháng 12-1863. Vấn đề đã được Lagrandiere giải mã: Quân pháp tấn công Gò Công thiệt hại nặng vì không biết đường, loanh quanh mất nhiều thời gian, đã sa vào những tử địa của nghĩa quân, bị nghĩa quân bắn tỉa. Thứ hai Trương Công Định nhiều lần chạy thoát vì quân Pháp không biết đường truy kích, không biết đường bao vây, nhất là khi ông ta đã vào Đám Lá Tối Trời và thoát sang Lý Nhơn, Biên Hòa. Như vậy trong cuộc tấn công Gò Công lần thứ ba phải khắc phục những nhược điểm trên như thế nào? Phải tìm một bá hộ Huy khác thay thế, một Việt gian thuộc đường đất, thân cận Trương Công Định để bám đuổi bao vây và tiêu diệt, đặc biệt khi ông rút về Đám Lá Tối Trời. Nghĩ tới đó Lagrandiere nhớ lại khi bàn giao Bonard đã nói trong cuộc tấn công Gò Công lần hai đã bắt được một số tù binh trong đó có tên Huỳnh Công Tấn là một trong những trợ thủ thân cận của Trương Công Định. Qua dụ dỗ mua chuộc, Tấn đã đầu hàng và hứa sẽ cộng tác với người Pháp khi cần. Nghĩ tới đó Lagrandiere gọi:

-Người đâu.

-Dạ, Thống đốc.

-Bảo Phòng tư liệu đem tài liệu về tên Huỳnh Công Tấn, tướng của Trương Công Định bị bắt trong cuộc tấn công lần hai lên đây,

-Dạ, Thống đốc.

Một lát sau nhân viên Phòng tư liệu đã đem tài liệu bước vào phòng:

-Dạ, Thống đốc, đây là tài liệu ngài cần.

-Cảm ơn.

-Dạ, không dám.

Khi viên Thiếu úy nhân viên lui ra Lagrandiere đọc tiểu sử của Huỳnh Công Tấn: “Huỳnh Công Tấn sinh năm 1837 ở thôn An Long (Yên Luông Nhị thôn), huyện Tân Hòa (Gò Công), tỉnh Định Tường. Tấn là một nghĩa quân của thủ lĩnh Trương Công Định, bị Pháp bắt năm 1863 và đã đầu hàng, hứa với Bonard sẵn sàng dẫn đường vào Gò Công để bắt Trương Công Định nếu Pháp tấn công Gò Công lần ba”.

Lagrandiere gọi:

-Người đâu.

-Dạ, Thống đốc.

-Cho mời ngài Huỳnh Công Tấn vào gặp ta.

-Dạ, Thống đốc.

Một lát sau thì Huỳnh Công Tấn bước vào. Tấn khoảng 27 tuổi, người cao, mặt choắt, đôi mắt nom rất gian manh. Tấn trông thấy Lagandiere vội vã cúi chào:

-Xin chào ngài Thống đốc, tại hạ là Huỳnh Công Tấn, ngài cần gặp tôi.

Lagrandiere đáp lễ:

-Xin chào ngài Đốc binh, xin mời ngài ngồi.

Huỳnh Công Tấn ngồi xuống đối diện với Lagrandiere. Lagrandiere rót rượu vang đầy hai ly, loại rượu vang thượng hảo hạng mùi thơm nức. Lagrandiere mời:

-Xin mời ngài Đốc binh.

-Dạ, không dám, xin mời ngài Thống đốc.

Hai người cụng ly, sau khi cạn đặt ly xuống bàn, Lagrandiere nói:

-Không biết ngài Đốc binh có còn nhớ lời hứa trước đây của ngài với Đô đốc Bonard không?

Huỳnh Công Tấn đáp:

-Tôi còn nhớ thưa ngài nhưng chưa có thời cơ để thực hiện.

Lagrandiere nói:

-Rất tiếc, rất tiếc, khoản tiền lớn 1 vạn F.răng vẫn còn đó, chức Lãnh binh vẫn còn đó chưa phong cho ai được. Nay sẽ là thời cơ lớn cho ngài thực hiện. Chúng tôi dự định ngày 19-8-1864 này sẽ mở cuộc tấn công Gò Công lần thứ ba. Chúng tôi sẽ dùng một đại đội đặc biệt tinh nhuệ do ngài dẫn đường, bao vây nơi Trương Công Định có mặt và ngài có thể bắt sống, nếu không được thì hạ sát ông ta cũng được. Bắt sống hay hạ sát thì ngài vẫn được lĩnh thưởng 1 vạn F.răng như chúng tôi đã hứa và phong chức Lãnh binh cùng nhiều huân chương của Chính phủ Pháp. Đây là bản đồ Gò Công, ngài về nghiên cưu kỹ, cộng với trí nhớ ngài là người địa phương, lại có mấy năm sống trong căn cứ đó, tin rằng ngài sẽ thực thi tốt nhiện vụ.

-Xin tuân lệnh ngài Thống đốc, tôi là người địa phương đó, lại có mấy năm sống trong căn cứ đó, căn cứ Gò Công tôi thuộc lòng trong bàn tay. Có cái là ngài điều quân bao vây cho tốt phối hợp với đại đội lùng sục truy bắt của tôi, nhất là ở căn cứ cuối cùng Đám Lá Tối Trời.

-Tôi sẽ làm tốt yêu cầu của ngài.

Hai tên lại nâng hai ly rượu:

-Chúc ngài Lãnh binh thành công.

-Đa ta ngài Thống đốc. Tôi sẽ cố gắng.

(Còn nữa)

CVL