Kỳ 36.
Nhưng vậy mà:
Vì nước tấm thân đã nấy, còn mất cũng cam;
Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại.
Rạch-lá, Gò-công mấy trận, người thấy đã kinh;
Cửa Khâu, Trại Cá khắp nơi, ai nghe chẳng hãi.
Nào nhọc sức họ tào biên sổ, lương tiền nhà ruộng, cho một câu háo nghĩa lạc quyên;
Nào nhọc quan võ khố bình cân, thuốc đạn ghe buôn, quyền bốn chữ giao thương đạo tải.
Núi đất nửa năm ngăn giặc, nào thành đồng lũy sắt các nơi;
Giáo tre ngàn dặm đánh Tây, là ngựa giáp xe nhung mấy cái.
Ôi!
Chí dốc đem về non nước cũ, ghe phen hoạn-nạn, cây thương phá lỗ chưa lìa;
Nào hay trở lại cảnh quê xưa, nhắm mắt lâm chung, tấm bảng phong thần vội quải.
Chạnh lòng tướng-sĩ, thương quan-tướng, nhắc quan-tướng, chiu-chít như gà;
Bậc trí, nhân dân, giận thằng tà, mắng thằng tà, om sòm như nhái.
Ôi!
Sự thế hỡi bên Hồ bên Hán, bao giờ về một mối xa thư?
Phong cương còn nửa Tống nửa Liêu, đâu nỡ hại một tay tướng-soái.
Nào phải kẻ tán sư đầu giặc, mà để nhục miễu-đường;
Nào phải người kiểu chiếu đánh phiên, mà gây thù biên tái.
Hoặc là chuộng một lời hòa-nghị, giận Nam-phiên phải bắt Nhạc Phi về;
Hoặc là do trăm họ hoành la, hờn U địa chẳng cho Dương Nghiệp lại.
Vì ai khiến dưa chia khăn xé, nhìn giang-san ba tỉnh luống thêm buồn;
Biết thuở nào cờ phất trống rung, hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái.
Còn chi nữa! cõi cô-thế riêng than người khóc tượng, nhắm mắt rồi, may rủi một trường không;
Thôi đã đành! bóng tà-dương gấm-ghé kẻ day đòng, quày gót lại, hơn thua trăm trận bãi.
Ôi!
Làm ra cớ ấy,tạo-hóa ghét nhau chi?
Nhắc tới đoạn nào, anh-hùng rơi lụy mãi.
Cuộc trung-nghĩa hai năm làm đại-tướng, nhọc-nhằn vì nước, nào hờn tiếng thị tiếng phi;
Cõi Yên-hà một chức chịu lãnh-binh, lây-lất theo thời, chưa chắc đâu thành đâu bại!.
Khóc là khóc nước nhà cơn bấn-loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc-nôi;
Than là than bờ-cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ-ngẩn mộ thương tớ dại.
Tướng-quân còn đó, các nơi đạo-tặc thảy kiêng dè;
Tướng-quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái.
Nào đã đặng mấy hồi nơi thích-lý, màn hùm che mặt rằng xuê;
Thà chẳng may một giấc chốn trường sa, da ngựa bọc thây mới phải.
Ôi!
Trời Bến-nghé mây mưa sùi-sụt, thương đấng anh-hùng gặp lúc gian-truân;
Đất Gò-công cây cỏ ủ-ê, cám niềm thần-tử hết lòng trung-ái.
Xưa còn làm tướng, dốc rạng giồi hai chữ bình Tây;
Nay thác theo thần, nên dâng hộ một câu phúc thái.
Tự Đức hay tin Trương Công Định đã tuẫn tiết, bèn xuống chỉ truy tặng phẩm hàm cho Trương Công Định: “Phân Dũng Đại Tướng Quân, Ngũ quân Quận Công”. Câu này ghi trên bài vị tại bàn thờ ông tại nhà bà Trần Thị Sanh (Gò Công). Tự Đức cũng cho lập đền thờ Trương Công Định ở Quảng Ngãi quê hương ông và chu cấp cho bà Lê Thị Thưởng vợ đầu của ông. Sau khi Trương Công Định mất, bà Lê Thị Thưởng về Sống tại Quảng Ngãi trong cảnh nghèo khó. Năm 1784, Tự Đức xuống chỉ chu cấp cho bà mỗi tháng 20 quan tiền (Năm 1881 tăng thêm mỗi tháng 10 quan) và 2 phương gạo. Sau khi bà mất, vua ban cho 100 quan để dân làng mai táng. Phu nhân thứ hai của Trương Công Định là bà Trần Thị Sanh (1820-1882). Thân mẫu của bà Trần Thị Sanh là bà Phạm Thị Phụng, em gái của ông Phạm Đăng Hưng. Phạm Đăng Hưng là thân phụ của Hoàng Thái hậu Từ Dụ (Phạm Thị Hằng). Trong khi tham gia khởi nghĩa của Trương Công Định, bà Trần Thị Sanh lo việc rèn vũ khí, tích trữ lương thực cho nghĩa quân.
XI.
Sau trận Gò Công ngày 19-8-1864 và sát hại được tướng Trương Công Định, ngày 20 tháng 8 nam 1864, Thống đốc Lagrandiere ngồi trong Tổng hành dinh ở Gia Định cầm trong tay chai rượu vang, rót uống và suy nghĩ tới những trận đánh sắp tới. Lagrandiere dốc cạn ly, đặt xuống bàn và gọi:
-Người đâu
-Dạ, Thống đốc.
-Hãy đem lên đây bản báo cáo về các tướng lĩnh của Trương Công Định sau trận Đám Lá Tối Trời.
-Dạ, tuân lệnh.
Báo cáo được đưa lên, Lagandiere rót thêm một ly nữa uống và đặt ly xuống, đôi mắt xanh lè của y nhìn và đọc. Báo cáo viết: “Sau khi Trương Công Định bị tử trận, nhiều tướng lĩnh bị bắt hoặc hy sinh, một số theo Đề đốc Trương Công Luận về Rạch Bùn (Tân Bình Điền) là nơi rừng sâu, thông lên tận Rạch Cùng (Tân Thành) lập căn cứ, chiêu mộ thêm quân chống Pháp. Nghĩa quân đã phục kích đánh quân Pháp nhiều trận làm Pháp thiệt hại nặng. Pháp phải nhờ bọn Việt gian dẫn đường bất ngờ bao vây bắt được Đề đốc Trương Công Luận và nhiều nghĩa quân đem về xử chém ở Bến Ghe, Gò Công[1]. Nhân dân Gò Công đã thu nhặt thi hài Đề đốc Trương Công Luận và các tướng sĩ đem về mai táng ở xóm Gò, làng Tăng Hòa. Các ngôi mộ này gần đường đi Tân Thành. Dân làng đã dựng lên ngôi miếu và đốt hương cho họ vào ngày 7 tháng 6 âm lịch. Tại chợ Giồng quân Pháp cũng đã xử bắn Đốc binh Tình, người làng Vĩnh Hựu (Gò Công), Đốc binh Chung là những tướng lĩnh của Trương Công Định. Pháp cũng đã bỏ tù ông Đội Lang (Gia Thuận), ông Hòa và ông Quới ở Tân Niên Trung Gò Công
(Còn nữa)
CVL
----------------
[1] .Nay là đường Bạch Đằng.