Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 40

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 40.

Nghĩa quân dừng lại, khi thế hừng hực tiếc rẻ khi máu chiến trận còn đang hăng. Trương Quyền ra lệnh cho nghĩa quân chôn cất 20 nghĩa quân đã hy sinh trong đánh giáp lá cà với quân Pháp, chôn cất cả những lính Pháp tử trận. Phía quân Pháp khoảng 300 tên bỏ mạng. Thiệt hại nhất là chủ tướng Đại tá Marchaise một tên thực dân khét tiếng tàn ác trong xâm lược Nam Kỳ đền tội. Trận Rạch Vịnh làm chấn động quân Pháp ở Nam Kỳ, chấn động nước Pháp. Nhân dân Nam Kỳ và các đạo quân khởi nghĩa càng hưng phấn, họ tham gia khởi nghĩa và lăn xả vào giết giặc noi theo tấm gương những nghĩa sĩ Rạch Vịnh.

Gần một tháng sau, khi Trương Quyền, Pukompo, Võ Duy Dương đang ngồi uống trà trong hành dinh thì có lính do thám về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, 1.000 tên Pháp có cả đại bác do ngựa kéo đang theo đường Trảng Bàng hành quân lên Tây Ninh đánh chúng ta ạ.

Trương Quyền nói:

-Do thám tốt lắm, thưởng cho anh một ly rượu nè.

-Dạ, đa tạ, cảm ơn chủ tướng.

Người lính uống cạn ly rượu và cúi đầu:

-Đa tạ chủ tướng.

-Có tình hình gì phải báo ngay.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Trương Quyền, Võ Duy Dương, Pukompo giở bản đồ ra và nhìn con đường từ Trảng Bàng lên Tây Ninh. Trương Quyền nói:

-Từ Trảng Bàng lên Tây Ninh phải qua Trà Vang, một nơi địa thế rất hiểm trở. Ta có thể mai phục đánh quân Pháp ở đó.

Võ Duy Dương và Pukombo gật gù:

-Tướng quân nói phải lắm.

-Vậy cho nghĩa quân ăn no và hành quân ngay.

7 giờ tối liên quân Việt-Khơme hành quân, mãi gần sáng mới tới Trà Vang. Đây là con đường nhỏ chỉ đủ cho chiếc xe bò đi. Hai bên có những dãy đồi đất kéo dài nhưng vách đồi thẳng đứng. Hai bên đồi cây dầu, cây vên vên, cây quéo, cây đa vươn cao 20-30m, đường kính bằng bánh xe bò, tán lá vươn cao hùng dũng tỏa bóng mát rợp trời. Khu rừng âm u còn bởi cây không tên thấp nhỏ, cây dây leo um tùm, đồi núi càng thêm huyền bí. Trương Quyền cho quân mai phục trên đồi, chĩa súng xuống mặt đường. Pukompo chỉ huy cánh bên phải, Trương Quyền chỉ huy cánh bên trái, Võ Duy Dương tổng chỉ huy trận đánh. Nghĩa quân nằm chờ quân Pháp. Cách xa 200m từ hướng Trảng Bàng lên có quân thám báo, thấy Pháp đến là phải phi ngựa về báo tin. Đến mãi 9 giờ sáng mới thấy thám mã phi ngựa về phất cờ báo hiệu giặc đã đến. Lần này có lẽ quân Pháp quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân nên quân số đông đến 1.000, đi đầu là tên Trung úy Pháp Eumarrd cưỡi trên lưng con ngựa đen, trên cao là lá cờ tam tài xanh đỏ trắng phấp phới bay. Theo sau là Thiếu úy Remot Lerbueri. Theo sau là quân lính quân phục kaki xanh nhạt, đội mũ sắt như cái nồi úp xuống, lưng đeo đầy đạn, tay cầm súng trường bắn nhanh có gắn lê. Có hai dàn trọng pháo, do ngựa kéo, mỗi dàn 4 khẩu đại bác, một dàn đi đầu, một dàn đi giữa hàng quân. Khi quân Pháp lọt vào đoạn đường mai phục, một phát súng hỏa mai bắn xuống. Quân Pháp còn bất ngờ thì từ hai bên sườn đồi tên đạn trút xuống như mưa. Quân Pháp hết lớp này đến lớp khác ngã gục xuống, chồng lên nhau, máu tuôn xối xả. Quân Pháp cũng bắn trả vu vơ, tiếng kêu thét loạn xạ. 2/3 quân Pháp lọt vào trận địa mai phục, còn 1/3 đi sau quay đầu bỏ chạy, không tiếp cứu cho quân đi trước. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt một giờ đồng hồ, nghĩa quân tiến xuống bao vây tiêu diệt những tên còn sống sót. Trận Trà Vang thắng lợi rực rỡ, còn hơn cả trận Rạch Vịnh. Tên Trung tá Pháp đi đầu tử trận, lính Pháp có 600 tên bị giết. Nghĩa quân thu một dàn đại bác, thu súng đạn của lính Pháp tử trận nhiều không kể xiết. Trận Trà Vang làm kinh hoàng, bạt vía quân Pháp, làm chấn động Nam Kỳ, chấn động nước Pháp. Nhân dân Nam Kỳ vui mừng, coi như trả được mối thù cho nguyên soái Trương Công Định và các tướng sĩ hy sinh trong trận Đám Lá Tối Trời. Trong một quán nhậu, mấy cụ già ngồi uống rượu và gật gù:

-Cậu Hai khá lắm, xứng đáng là con trai của Bình Tây Đại Nguyên soái. Nhị Lang Quân như vậy là đã trả được hận cho cha rồi. Đúng là “Hậu sinh khả úy".

Một cụ già nói:

-Chưa đủ, Nhị Lang Quân phải tìm tên Huỳnh Công Tấn thì mới xong món nợ này.

Các cụ khác lại gật gù:

-Cụ nói phải lắm. Chắc là nay mai thôi.

 Năm 1866, nắng mùa hạ ở Nam Kỳ chan hòa. Nắng rải xuống dinh Thống đốc Nam Kỳ ở Gia Định, các cây cổ thụ ngợp nắng phủ lá xanh tươi xuống khuôn viên và biệt thự. Tuy vậy ngồi trong phủ, Thống đốc Pierr Paul De Lagrandiere vẫn cảm thấy nóng nực, uống không biết bao nhiêu là nước đun sôi để nguội, sau cùng y rót một ly rượu vang vừa nhâm nhi vừa đọc báo cáo về chiến sự giữa quân Pháp và Liên quân Việt-Khơme ở Tây Ninh. Báo cáo viết: “Ngày 7-6-1866 nghĩa quân đánh Tây Ninh, giết chủ tỉnh Larclause, một sĩ quan phụ tá Lasage và 11 lính Pháp. Ngày 14-6-1866 quân Pháp do Đại tá Marchai đem theo 1000 lính, tàu chiến, hai đại bác hành quân lên Tây Ninh. Trong cuộc tấn công Rạch Vịnh, bị liên quân Việt-Khơme mai phục giết chết 300 lính. Đại Tá Marchai tử trận. Trận này là một đòn choáng váng đối với quân Pháp. Ngày 2-7-1886, Trung úy Eumarrd dẫn 1.000 lính hành quân từ Trảng Bàng lên Tây Ninh bị liên quân Việt-Khơme mai phục ở Trà Vang tiêu diệt gần hết. Thiếu úy Remmot Lerbner tử trận. Ngày 3-7-1866 Trương Quyền đánh vào Tây Ninh, đốt phá dinh thự của Pháp và của Nam Triều. Ngày 7-7-1866, Trương Quyền chỉ huy nghĩa quân đánh đồn Pháp ở Củ Chi, Hóc Môn, Trảng Bàng, lấy được nhiều trang bị, vũ khí. Trong khi Pháp đang dồn quân lên Tây Ninh thì bất ngờ Trương Quyền đánh Thuận Kiều, trên đường Sài Gòn Tây Ninh. Ngày 23-7-1866, Trương Quyền xuất quân từ cầu An Hạ, nằm giữa sông Vàm Cỏ Đông tiếp với Bình Biên, đột nhập Chợ Lớn, tấn công đồn Thuận Kiều, cách Đại Đồn Chí Hòa 10km. Nghĩa quân đánh giáp lá cà với kỵ binh Spalus, ác chiến nhiều giờ, Trương Quyền chiếm được đồn, giết chết đồn trưởng, nhiều lính Pháp và nhiều lính Việt, chỉ còn vài tên sống sót bỏ chạy.

(còn nữa)

CVL