Kỳ 38.
XII
Bấy giờ là một ngày tháng 6 năm 1868, núi rừng Tây Ninh chan hòa ánh nắng. Gió đưa những rừng cây loang lổ, ánh sáng vỡ tan rơi xuống khắp nơi, lá đung đua xào xạc, lá vàng rụng theo gió rải đầy mặt đất. Những cây dầu, cây khộp, cây quéo, cây sao cổ thụ vươn cao đến 20-30m, vòng tròn cây phải một, hai người ôm. Ngoài những cây to còn vô số những cây leo làm rừng um tùm, huyền bí. Trong đại bản doanh, Trương Quyền đang ngồi cùng các thủ lĩnh nghĩa quân như Võ Duy Dương đang đánh Pháp ở Đồng Tháp Mười, một số phó tướng của Trương Quyền, còn có thủ lĩnh của nghĩa quân Campuchia Pukompo và các phó tướng của Pukompo.
Số là sau trận Đám Lá Tối Trời ngày 19-8-1864, Trương Công Định hy sinh, nhờ các tướng che chở, Trương Quyền thoát khỏi vòng vây của Pháp, đem quân về Mười Tám Thôn Vườn Trầu, sau đó rút lên Tây Ninh, Võ Duy Dương rút về Đồng Tháp Mười. Đến Tây Ninh, Trương Quyền liên kết với Pukompo, một thủ lĩnh của Campuchia đang chống Pháp xâm lược Campuchia. Triều đình Nô rô đôm đã đầu hàng Pháp và ký hiệp ước bán nước năm 1863, thừa nhận sự bảo hộ của Pháp ở Campuchia. Vào ngày 7-6-1866 liên quân Việt-Khơ me đã tấn công đồn Tây Ninh, giết chết chủ tỉnh Larclause và sĩ quan phụ tá của y là Lasage cùng 11 tên lính Pháp. Sau khi các ly đã được rót đầy rượu, Trương Quyền nâng ly nói:
-Kính mời thủ lĩnh Pukompo và thủ lĩnh Võ Duy Dương, chúc mừng thắng lợi của quân ta ở Tây Ninh. Pukompo và Võ Duy Dương cùng nâng ly:
-Nào, xin mời Nhị Lang tướng quân. Chúc sự liên minh giữa chúng ta bền chặt cùng chống Pháp là kẻ thù chung của hai dân tộc Việt-Khơ me, chúc cuộc chiến của chúng ta thắng lợi.
Trương Quyền nói:
-Việt Nam và Campuchia phải liên minh với nhau chống Pháp xâm lược. Chúng ta có một kẻ thù chung. Cách đây không lâu, ngài Nguyễn Hữu Huân cũng đã liên kết với thủ lĩnh Cam puchia là ngài Achaxoa và đã đánh thắng Pháp nhiều trận.
Pukompo cạn ly đặt xuống và hỏi:
-Ngài Nguyễn Hữu Huân nay đang ở đâu?
Võ Duy Dương đáp:
-Nguyễn Hữu Huân năm 20 tuổi thi hương đỗ thủ khoa nên dân gian gọi là Thủ Khoa Huân, khởi nghĩa đánh Pháp từ năm 1861 và được triều đình phong là Phó quản đạo, từng liên kết với Âu Dương Lân và với tôi, đánh pháp ở một vùng rộng lớn từ Tân An đến Mỹ Tho. Năm 1864 bị triều đình bắt ở Châu Đốc, Pháp mua chuộc nhưng ngài nhất quyết không hàng. Pháp đã đày ngài đi Côn Đảo, sau đó đày sang tận Reunlon.
Pukompo hỏi tiếp:
-Ngài Võ Duy Dương đánh Pháp từ năm nào?
Võ Duy Dương bê ly rượu uống xong đặt xuống và trả lời:
-Thưa ngài Pukompo, quê tôi ở thôn Cù Lâm Nam, xã Nhơn Tân, Huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1859 Pháp đánh Gia Định, tôi chiêu mộ quân chống Pháp, được triều đình phong là Chánh Quản Đạo. Ngày 12-4-1861 thành Định Tường thất thủ, tôi đi theo đoàn của Khâm Phái quân vụ Đỗ Thúc Tĩnh vào Nam Kỳ, được phong làm Bát Phẩm Thiên Hộ nên dân gian gọi tôi là Thiên Hộ Dương. Lúc này tôi đã có 1.000 quân, triều đình phong làm Quản cơ. Khi Trương Công Định, thân phụ của tướng quân Trương Quyền đánh pháp, tôi cùng với Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Đạt cùng liên kết với nghĩa quân của nguyên soái Trương Công Định đánh Pháp. Tháng 11 năm 1861, tôi đắp đồn Tân Thành và giao cho Trần Xuân Hòa (Phủ Cậu) trấn giữ nhưng Pháp tấn công, thành vỡ, Trần Xuân Hòa bị bắt và đã cắn lưỡi tự sát tháng 6 năm 1862.
Sau khi căn cứ Gò Công thất thủ và Trương Công Định hy sinh ngày 19-8-1864, tôi lui về đánh Pháp ở căn cứ Đồng Tháp Mười (Định Tường). Chúng tôi thường đánh các đồn binh, lỵ sở của quân Pháp và Việt gian, đánh các đoàn xe, thuyền chở lương thực của quân Pháp. Tháng 4 năm 1866, Pháp điều động một đạo quân lớn tấn công Đồng Tháp Mười. Đạo thứ nhất do Buphe chỉ huy bị nghĩa quân chặn đánh chết khá nhiều mới chiếm được đồn Sa Tiền. Đạo thứ hai do Deromo phải bỏ nhiều xác lính trên đường hành quân mới đến được đồn Ấp Lý và bị chặn lại ở đồn Tiền. Đạo thứ ba do Ganly Patso Bogio bị thương vong nặng nề nhất mới chiếm được đồn Gò Bắc. Tên chỉ huy phải xin thêm viện binh mới đủ lực lượng tấn công đồn Tả. Đồn này xây dựng kiên cố, có 350 nghĩa quân cùng các hàng binh người Pháp, người Philippin, đồn trang bị 40 đại bác. Trận đồn Tả diễn ra từ ngày 16-4-1866 là trận đánh quyết liệt nhất, hai tiểu đội địch chết và bị thương. Quân ta núng thế, tại hạ cho rút khỏi Đồng Tháp Mười. Ngày 24-4-1866 quân Pháp truy kích tấn công Cái Thia, Mỹ Tho, bắt được nghĩa quân người Pháp là Linquet. Sau đó tại hạ đem quân về với Tướng quân Trương Quyền, cộng tác với thủ lĩnh Khơ me là ngài tấn công quân Pháp nhiều trận. Điển hình như trận ngày 7-6-1866 vừa qua. Liên quân Việt-Khơme tấn công quân Pháp ở đồn Tây Ninh, tiêu diệt nhiều địch, trong đó có 2 sĩ quan Pháp. Quân Pháp trong đồn cố thủ chờ viện binh. Cho đến ngày 14-6-1866 chúng ta đã đánh lui nhiều cuộc tấn công của Pháp đến cứu viện cho đồn. Tên quan tư lính thủy Marchaisse bị giết tại trận.
Võ Duy Dương nói xong, bê một ly rượu uống tiếp và hỏi Pukompo:
-Thưa ngài, Pháp xâm lược Campuchia như thế nào?
Pukopo đặt ly rượu đã cạn và trả lời:
-Thưa ngài Thiên Hộ Dương, trong khi Pháp tiến hành xâm lược Nam Kỳ của Việt Nam thì đồng thời cũng xâm lược Cam Puchia. Năm 1863, De Lagradiere đến kinh đô U Don đe dọa tiến đánh Campuchia. Ngày 11-8-1863 De Lagrandiere buộc vua Nô rô đôm ký hiệp ước, thiết lập chế độ bảo hộ của Pháp ở Campuchia. Theo hiệp ước này, Pháp sẽ cử một viên Khâm sứ Pháp bên cạnh nhà vua Campuchia để thực hiện chức năng bảo hộ. Campuchia bị tước quyền ngoại giao với các nước khác. Campuchia ký kết ngoại giao với một nước nào đó phải được Pháp đồng ý. Campuchia thừa nhận quyền Lãnh sự tài Phán của Pháp trên đất Campuchia, có nghĩa là người Pháp phạm tội ở Campuchia nhưng phải giao thủ phạm cho Pháp, Campuchia không có quyền xét xử. Hàng hóa của Pháp tự do vào Campuchia và được miễn thuế. Pháp được tự do truyền bá Đạo Thiên chúa.
(Còn nữa)
CVL