Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 39

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 39.

Trương Quyền hỏi:

-Achaxoa đánh Pháp như thế nào?

Pukompo đặt ly xuống và đáp:

-Cũng như nhân dân Nam Kỳ, nhân dân Campuchia kiên quyết nổi dậy chống Pháp xâm lược. Cuộc nổi dậy đầu tiên là của hoàng tử Sivotha, con vua Ang Dương. Người thứ hai là Achaxoa. Achaxoa chỉ là một nô lệ, ông xưng là người trời hay hoàng thân Ang Phôn để vận đông nhân dân. Đầu tiên Achaxoa hoạt động ở vùng Ang Co và Baphuon. Cuối năm 1863 ông dời sang hoạt động ở biên giới giáp Châu Đốc, Hà Tiên của Việt Nam, nơi có đông người Việt gốc Khơ me sinh sống để lập căn cứ. Tại đây ông đã cộng tác với Nguyễn Hữu Huân nên lực lượng càng lớn mạnh. Năm 1864 Achaxoa đã làm chủ được tỉnh Paknhum và Campot, tiến quân tới thủ đô Phnôngpênh. Năm 1864 Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn phải bắt Thủ Khoa Huân và đày ngài đi Cayenne, một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Còn Achaxoa đã bị một tên phản bội bắn trọng thương và  bị nhà Nguyễn bắt năm 1864 và giao cho Pháp, đưa ông đi đày nơi đâu không rõ.

Không khí chùng hẳn xuống, ba người lại uống, Võ Duy Dương đặt ly xuống và hỏi Pukompo:

-Còn ngài khởi sự đánh Pháp vào lúc nào?

Pukompo đặt ly xuống và đáp:

-Thưa ngài Thiên Hộ Dương và ngài Trương Quyền, ba má tôi không nhớ tôi sinh năm nào. Tôi khởi sự đánh Pháp từ tháng 4 năm 1865. Viên chủ tỉnh Tây Ninh Larclause bắt tôi đưa về giam ở Gia Định. Tháng 5 năm 1866 tôi vượt ngục về tiếp tục đánh Pháp ở Tây Ninh, gặp ngài Trương Quyền và cùng phối hợp chiến đấu. Trong nghĩa quân của tôi có người Khơ me, có người Chăm, người Stiêng và người Việt. Tôi và ngài Trương Quyền cùng xây dựng căn cứ ở Tây Ninh và Giao Loan.

Võ Duy Dương trầm ngâm suy nghĩ và nói:

-Ở Campuchia ngài Achaxoa bị tên tùy tùng phản bội mới bị bắt, giống như trường hợp của chủ soái Trương Công Định cũng bị tùy tùng phản bội. Ở đâu cũng không thể tha thứ cho bọn phản bội bán nước cầu vinh. Ngài Trương Quyền này.

-Dạ.

-Ngài lo đánh Pháp nhưng không được quên tên phản bội Huỳnh Công Tấn, tên dẫn đường cho Pháp bao vây và sát hại Bình Tây Đại Nguyên Soái. Tôi mới nghe tin Huỳnh Công Tấn lại đang dẫn đường cho Pháp đánh Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang và Phú Quốc. Tên đó thuộc đường đất Nam Kỳ làu làu, lại gian manh. Không thể để cho nó tự do làm hại các thủ lĩnh và nhân dân, không thể để nó ngồi hưởng vinh hoa phú quý vì sự tận tụy của nó với người Pháp. Ngài phải tìm cách xử lý nó đi.

Trương Quyền nói:

-Đa tạ Thiên Hộ Dương đã nhắc nhở, tại hạ sẽ lo liệu.

Võ Duy Dương lại nói:

-Chúng ta đã đánh hạ đồn Tây Ninh, giết chết chủ tỉnh Larclause và sĩ quan phụ tá Lasege, giết chết hơn chục lính Pháp thực sự làm cho quân Pháp kiếp đảm. Xin chúc mừng chiến thắng của chúng.

Ba người cụng ly, uống cạn vừa đặt ly xuống thì có lính do thám về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, để báo thù cho trận Tây Ninh, Thống đốc De Lagrandiere đã phái đại tá Marchaise đem tàu chiến và bộ binh đang tiến về Tây Ninh đánh chúng ta.

Trương Quyền nói:

-Cho ngươi lui, có gì phải báo ngay.

-Dạ.

Trong khi Trương Quyền, Võ Duy Dương, Pukopo đang nghiên cứu sơ đồ để tác chiến thì Đại tá Marchaise đã tiến gần đến Tây Ninh. Tiến theo đường thủy là chiến thuyền “Longdin” đi từ sông Sài Gòn theo Vàm Cỏ Đông đi lên. Một cánh quân bộ tiến lên Tây Ninh theo đưởng bộ từ Trảng Bàng [1] do quan ba Foromie chỉ huy. Hai cánh quân này cuối cùng đã họp nhau ở đồn Tây Ninh [2]. Từ đồn Tây Ninh, chúng kéo quân đi tìm nghĩa quân ở vùng Song Vịnh[3]. Khi Pháp đang hành quân đến Tây Ninh thì Trương Quyền nói:

-Chúng ta phải đem quân đến mai phục ở Rạch Vịnh dụ quân Pháp vào bờ có sình lầy mà tiêu diệt mới tránh được đại bác của chúng bắn vào chúng ta.

Võ Duy Dương và Pukompo nói:

-Kế hay lắm.

Sau khi nghĩa quân đã ăn uống no say, Trương Quyền hạ lệnh cho liên quân bỏ doanh trại đến mai phục bên bờ Rạch Vịnh có rừng rậm, còn bãi cát chạy ra sông là sình lầy. Marchaise cho quân ăn uống ở Tây Ninh, sau đó cho quân sục sạo tìm kiếm suốt ba ngày khắp rừng núi để tìm nghĩa quân. Tới ngày thứ tư, 14-6-1866, trong  khi đang sục sạo bờ bên này thì quân Pháp phát hiện ra nghĩa quân bờ bên kia sông, một bãi cây rậm rạp và sình lầy lội. Quan ba Foromie nói:

-Thưa Đại tá, nên dùng đại bác trên tàu chiến mà bắn vào quân địch.

Marchaise nói:

-Bắn đại bác thì quân Việt-Khơme lại rút đi, ta không biết đâu mà tìm, có tìm được cũng rất khó khăn. Ta ra lệnh vượt suối sang bờ bên kia bắt họ hoặc là dùng súng bộ binh mà tiêu diệt.

-Quân Pháp được lệnh lội qua rạch sang bờ bên kia đông như kiến cỏ. Nghĩa quân dùng súng, cung tên bắn trả quân Pháp. Quân Pháp lội phơi mình ra hứng tên đạn, chết vô kể, bị lún xuống sình lầy không di chuyển được gục tại chỗ. Quân Pháp còn lại nhằm vào rừng bờ bên kia bắn kịch liệt, súng nổ vang trời, đạn lóe như chớp. Thốt nhiên phía nghĩa quân im tiếng súng và tên đạn. Đại tá Marchaise hô to:

-Alatxô.

Quân Pháp đã thoát khỏi bãi sình lầy đứng dậy xông lên. Thốt nhiên phía nghĩa quân cũng có tiếng thét:

-Xông lên giết.

Phút chốc quân hai bên xáp nhau. Một trận giáp lá cà hỗn chiến bắt đầu, quân Pháp dùng lê cắm ở đầu súng trường đâm, dùng báng súng bổ xuống. Quân Việt và Khơme dùng dao kiếm ngắn gọn hơn đâm chém nên ưu thế đánh gần này thuộc về nghĩa quân. Đầu rơi máu chảy, thây chất đầy bờ vịnh. Bỗng có tiếng la lớn bằng tiếng Pháp và cả bằng tiếng Việt:

-Đại tá Marchaise tử trận rồi!

Tin đến thật là kinh hoàng với quân Pháp và chúng hoảng loạn. Quan ba Foromie hô to bằng tiếng Pháp:

-Rút nhanh, Đại tá đã tử trận rồi.

Quân Pháp xô nhau chạy qua bãi sình lầy, lại bị lún xuống sình lầy không lên được vài chục tên nữa. Nghĩa quân định đuổi theo. Trương Quyền hô to:

-Không được đuổi theo sa xuống sình lầy.

(Còn nữa)

CVL

-----------------

[1] . Nay là đường 782 và 784.

[2] .Sau này là thành Săng Đa, nay là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh.

[3] . Nay là sông Vai, đoạn giữa hai xã An Cơ và Phước Vinh.