Kỳ 42.
Quan nội thị hơi ngỡ ngàng, một lát sau thì hỏi:
-Ngài đã nghĩ kỹ chưa, kháng chỉ là tội khi quân phạm thượng đấy.
Nguyễn Trung Trực đứng lên và nói:
Quan hệ vua tôi đâu phải nói chơi và việc đánh giặc cứu nước cũng đâu phải chuyện nói chơi.
Quan nội thị nói:
-Tùy ngài thôi, ngày xưa tướng quân Trương Công Định cũng kháng chỉ như ngài.
-Vì việc nước cả thôi. Ngài ở lại dùng chén rượu nhạt với chúng tôi. Cũng đã đến bữa trưa rồi. Bay đâu.
-Dạ, chủ tướng.
-Đem rượu ngon lên đây.
-Dạ, chủ tướng.
-Mời quan nội thị vào nhà.
Quan nội thị bước vào hành dinh đơn sơ, mái lợp bằng lá dừa nước, vách cũng che bằng lá dừa nước. Ông ta lấy làm ngạc nhiên khi giữa chốn triều đình các quan đua nhau để được lên chức tước để được hưởng cuộc sống xa hoa thì ở khắp nơi trong nước có nhiều quan lại chỉ lo việc cứu dân cứu nước, chịu nhiều gian khổ chết chóc hiểm nguy. Nguyễn Trung Trực rót rượu và nói:
-Mời quan nội thị. Chúc ngài về Huế may mắn, thượng lộ bình an.
-Đa tạ, chúc ngài và nghĩa quân đánh Pháp thắng lợi
-Đa tạ, đa tạ.
Mãi quá trưa sang chiều, quan nội thị mới từ biệt Nguyễn Trung Trực về lại kinh thành.
Ít lâu sau lại có lính vào báo:
-Dạ bẩm chủ tướng, có bốn người muốn vào gặp chủ tướng để đầu quân.
-Cho vào ngay.
-Dạ.
Bốn người đàn ông khỏe mạnh khôi ngô, mới khoảng từ 25 đến 30 tuổi bước vào khoanh tay:
-Xin chào chủ tướng.
Nguyễn Trung Trực nói:
-Không dám, xin mời ngồi.
Bốn người ngồi. Nguyễn Trung Trực rót bốn ly nước và nói:
-Xin mời bốn vị dùng nước.
-Dạ, đa tạ chủ tướng.
Sau khi cạn ly, một người nói:
-Dạ thưa chủ tướng, chúng tôi muốn đến đầu quân dưới cờ của chủ tướng để giết giặc cứu nước.
Nguyễn Trung Trực hỏi:
-Bốn anh họ tên là gì, quê quán ở đâu?
Một người đáp:
-Dạ thưa tôi là Trịnh Văn Tư, còn anh đây là Hồng Văn Ngàn, còn anh này là Nguyễn Văn Niên, anh này là Ngô Văn Búp, chúng tôi đều quê ở Kiên Giang ạ.
-Tôi sẽ giữ bốn anh trong quân doanh để giúp tôi trong công việc.
-Đa tạ chủ tướng.
Nguyễn Trung Trực nói thêm:
-Bốn anh hãy làm quen với anh đây, đây là anh Lâm Quang Kỳ, người ở Tà Niên - Kiên Giang, cũng là người trong Tổng hành dinh.
Bốn người Tư, Ngàn, Búp và Niên chắp tay chào:
-Xin chào huynh Lâm Quang Kỳ.
-Không dám, xin chào bốn đệ.
Nguyễn Trung Trực gọi:
-Người đâu.
-Dạ, chủ tướng.
-Chiều nay nấu sáu suất cơm rượu ngon vào nha, ta mới tiếp nhận các tướng lĩnh mới.
-Dạ, chủ tướng.
Sau bữa cơm chiều, tối bên ấm trà nước, Nguyễn Trung Trực nói:
-Ta muốn đánh đồn Rạch Giá của Pháp. Các anh là người Kiên Giang, thông thạo địa hình. Theo các anh, nghĩa quân tập kết ở đâu để xuất phát là tốt nhất?
Trịnh Văn Tư nói:
-Bẩm chủ tướng, quân ta chỉ có tập kết ở làng Tà Niên, Kiên Lương là gần Rạch Giá nhất ạ.
Ngô Văn Búp nói:
-Phải lắm, nếu dùng ghe đổ bộ lên bờ Rạch Lăng Ông, Rạch Giá thì rất thuận tiện và bí mật.
Nguyễn Trung Trực nói:
-Vậy thì phải dời căn cứ từ Rừng Chim này về Hòn Chông, thuộc Kiên Lương, Kiên Giang làm căn cứ để tập kết ở Tà Niên cho tiện.
Ngay đêm đó ghĩa quân hành quân từ Rừng Chim về lập căn cứ ở Hòn Chông. Sau khi ổn định căn cứ, Nguyễn Trung Trực nói:
-Nay chia quân làm hai đội, một đội do Lâm Quang Kỳ chỉ huy, hẹn đúng giờ Tý đêm 16-6-1868 phải tập kết ở bờ Rạch Lăng Ông, Rạch Giá.
Lâm Quang Kỳ chắp tay:
-Mạt tướng đã rõ mệnh lệnh, thưa chủ tướng.
-Còn một đạo do ta chỉ huy hành quân đến Tà Niên để đúng giờ Tý đêm 16-6-1868 gặp đạo quân của Lâm Quang Kỳ ở Rạch Lăng Ông cùng đánh đồn Rạch Giá.
Toàn quân hô vang:
-Rõ, tuân lệnh chủ tướng.
Nguyễn Trung Trực nói tiếp:
-Sau khi bao vây đồn, ta giao cho Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp giết lính gác. Quân do Lâm Quang Kỳ chỉ huy vượt tường sau xông vào mở cổng đồn. Cánh quân của ta chỉ huy từ cổng trước xông vào phối hợp chém giết quân Pháp. Nên nhớ bao vây cho chặt, không để tên nào chạy thoát.
-Rõ, tuân lệnh chủ tướng.
(Còn nữa)
CVL