Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 41

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 41.

6 giờ sáng, quân tiếp viện Pháp đến, Trương Quyền đã từ Thuận Kiều rút về Bà Hom và tấn công Trảng Bàng. Trong khi đó Pukompo đem quân uy hiếp Tây Ninh. Tháng 7 năm 1866 Pháp chia quân thành 4 mũi có kỵ binh, phiêu binh và bộ binh tấn công Rạch Vui, tổng hành dinh của nghĩa quân. Tổng hành dinh trúng đạn, nghĩa quân thiệt hại lớn. Pukompo đem quân về Nam Vang, Trương Quyền đem quân về Biên Hòa. Trong một trận kịch chiến ở Nam Vang, Pukompo bị thương và bị bắt. Ngày 13-12-1867, Pukompo bị Pháp chém.

Cuối tháng 6 năm 1866, Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên gây bất lợi cho Trương Quyền. Trương Quyền phải đưa quân về rừng sâu Suối Giây, nơi nghèo nàn, hoang vu, dân cư thưa thớt. Ngày 28-7-1867, quân Pháp dùng toàn lực kiên quyết tiêu diệt dứt điểm nghĩa quân Trương Quyền. Pháp dùng một lực lượng lớn tấn công Suối Giây. Trương Quyền chia quân thành từng toán nhỏ vừa đánh vừa rút về Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, nhập vào với nghĩa quân Phan Tôn, Phan Liêm. Còn Trương Quyền đi đâu không rõ tăm tích.

Lagrandiere đọc xong bản báo cáo, rót thêm một ly vang nữa vừa uống vừa suy nghĩ: “Cha là Trương Công Định, là lá cờ đầu chống Pháp ở Nam Kỳ từ 1859 đến năm 1864, đến con là Trương Quyền 17 tuổi đa tham gia đánh Pháp trong nghĩa quân của cha và sau đó từ 1864 đến 1867 tiếp tục lãnh đạo phong trào đã đánh cho Pháp nhiều trận kinh hoàng. Đến nay nghĩa quân Trương Quyền không còn tồn tại nhưng Trương Quyền đi đâu không rõ, ẩn chứa một nguy cơ cho quân Pháp sau này”. Nghĩ tới đó Lagranduere gọi:

-Người đâu.

-Dạ, Thống đốc.

-Gọi người của Phòng mật thám lên đây.

-Dạ.

Một thiểu úy Pháp đi vào:

-Dạ, Thống đốc cho gọi.

-Trương Quyền có còn hay là đã tử trận, các anh có biết không?

-Dạ một nguồn tin thì nói Trương Quyền đã tử trận, tin tức khác báo về thì Trương Quyền mất tích không rõ đi đâu.

-Điều tra xem Trương Quyền mất tích hay tử trận, rõ chưa?

-Dạ.

-Thế còn Pukompo.

-Dạ chính xác, Pukompo đã bị Pháp chém đầu rồi ạ.

-Thế còn Nguyễn Trung Trực?

-Dạ, Nguyễn Trung Trực sau khi Trương Công Định tự sát đã đem nghĩa quân về Kiên Lương, Kiên Giang rồi ạ.

-Thế còn Võ Duy Dương thế nào rồi?

-Dạ, sau khi nghĩa quân Trương Quyền tan rã, Võ Duy Dương đem quân về Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tháng 10 năm 1866 Triều đình Huế điều Võ Duy Dương ra Bình Thuận, khi thuyền đến biển Thuận Mẫn thì gặp gió bão lớn, thuyền đắm, Võ Duy Dương tử nạn, đã tìm được thi hài đem về mai táng. Triều đình chu cấp cho mẹ Võ Duy Dương 1 tháng 5 quan tiền và 1 phương gạo ạ.

-Thế còn Phan Tôn, Phan Liêm?

-Dạ, sau khi Phan Thanh Giản làm mất ba tỉnh miền Đông và Vĩnh Long, uống thuốc độc tự sát, hai con là Phan Tôn, Phan Liêm đã khởi nghĩa đánh Pháp ở Bến Tre.

-Thế còn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu?

-Dạ, sau khi Trương Công Định mất, ông đem gia đình về huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để tránh xa người Pháp ở miền Đông, vì khi đó ba tỉnh miền Tây còn là của nhà Nguyễn.

-Cho ngươi lui, có gì khẩn cấp phải báo ngay.

-Dạ, Thống đốc.

Lagrandiere rót một ly rượu vang nữa, suy nghĩ về cách đối phó với Nguyễn Trung Trực và Phan Tôn, Phan Liêm.

     

XIII.

Tháng 5 năm 1867, nắng chói chang rải xuống khắp miền An Giang và huyện An Biên. Gió thổi làm cây lá lung lay khua xào xạc. Một sáng, Nguyễn Trung Trực đang ngồi trong hành dinh ở Sân Chim, tả ngạn sông Cái Hậu Giang. Gió từ sông thổi vào mát rợi. Nguyễn Trung Trực bê ly nước uống nghĩ lại những sự kiện đau buồn vừa qua. “Năm 1864 Trương Công Định, lá cờ đầu của phong trào kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ đã ra đi. Sự liên minh giữa các tướng lĩnh chống pháp lỏng lẻo không còn tồn tại. Tiếp đó Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây như đã dự đoán. Phan Thanh Giản uất hận do sự bội ước của Pháp mà chết. Đầu năm 1867, triều đình phong Nguyễn Trung Trực chức Hà Tiên Thành Thủ Úy, trấn giữ đất Hà Tiên. Nhưng khi Nguyễn Trung Trực chưa đến thì Hà Tiên đã bị quân Pháp chiếm hôm 24-6-1867. Nguyễn Trung Trực phải về An Giang, lấy Sân Chim làm căn cứ, làm tổng hành dinh”.

Chợt có lính đi vào làm đứt dòng suy nghĩ của Nguyễn Trung Trực:

-Dạ bẩm chủ tướng, có quan nội thị của triều đình vào tuyên chỉ.

Nguyễn Trung Trực sửa sang lại khăn áo bước ra thì quan nội thị đã vào sân của hành dinh. Quan nội thị nói:

-Hà Tiên Thành Thủ Úy Nguyễn Văn Lịch tiếp chỉ.

Nguyễn Trung Trực và các tùy tướng quỳ xuống. Quan nội thị giở tấm lụa vàng ra đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nay phong cho Nguyễn Văn Lịch làm Lãnh binh, đem quân ra trấn giữ tỉnh Bình Thuận. Tự Đức năm thứ 20. Khâm thử”.

Quan nội thị đọc xong, chờ Nguyễn Trung Trực nhận chỉ tạ ơn. Lâu lâu mới thấy Nguyễn Trung Trực đáp:

-Thần tạ ơn hoàng thượng nhưng thần không thể nhận chỉ vì thần còn bận đánh giặc Pháp xâm lược lục tỉnh Nam Kỳ. Thần không thể bỏ mặc cho dân trong hoạn nạn mà đi. Thần không còn tên là Nguyễn Văn Lịch nữa, đến Sân Chim này năm 1864 thần đã đổi tên là Nguyễn Trung Trực ạ. Thần đổi tên để từ nay trở đi đoạn tuyệt với triều đình, thần tự do đánh Pháp.

(Cỏn nữa)

CVL