Dự án GIC do Chính phủ Đức tài trợ và nguồn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam; cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục tiêu thúc đẩy việc giới thiệu và nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau, góp phần phát triển nông thôn bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long.
Kiên Giang là 1 trong 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ được lựa chọn tham gia dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm – GIC”. Dự án có tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại. UBND tỉnh Kiên Giang cam kết bố trí kinh phí đối ứng khoảng 700.000 Euro (tương đương hơn 1,9 tỷ đồng) để tham gia thực hiện dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm – GIC” tại địa phương.
Vĩnh Thuận là một trong 4 huyện vùng U Minh Thượng có diện tích tôm - lúa đứng thứ hai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Vụ mùa năm 2021 - 2022, diện tích sản xuất lúa trên nền đất tôm của huyện hơn 13.915ha, đạt 139% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 5,66 tấn/ha, trong đó thị trấn Vĩnh Thuận trên 1.211ha lúa - tôm, năng suất bình quân 5,01 tấn/ha. Ngoài kết hợp trồng lúa trên đất ruộng nuôi tôm, mô hình còn có thu nhập từ hoa màu trên bờ ruộng từ 5 - 8 triệu đồng/ha...
Sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm có nhiều lợi thế để áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ và chất lượng lúa gạo được đánh giá cao, tuy nhiên còn một số hạn chế như nông dân chưa quen với phương thức sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, khó áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch nên hạn chế trong việc liên kết tiêu thụ theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Mặt khác, lợi nhuận mang lại từ con tôm làm một số nông dân đã chuyển sang nuôi chuyên canh tôm làm ảnh hưởng đến mô hình sản xuất tôm - lúa...
Tham gia trong mô hình có 10 nông dân, đa số là thành viên của HTX, có sự gắn kết, trao đổi thông tin kỹ thuật và tương trợ lẫn nhau trong đến sản xuất. Với diện tích 10ha, mô hình gieo sạ vụ mùa trên nền đất nuôi tôm năm 2022 sử dụng giống ST24, ST25 cấp xác nhận.
Chi phí sản xuất của mô hình giảm 5,27 triệu đồng/ha so với nông dân ngoài mô hình, trong đó giảm 100% lượng phân bón hóa học và thay thế bằng phân hữu cơ khoáng với chi phí phân bón giảm 44%; giảm 100% chi phí thuốc BVTV (tương đương giảm 1,5 triệu đồng). Ngoài ra, mô hình còn có thu nhập từ hoa màu trên bờ ruộng từ 5 - 8 triệu đồng/ha...
Hiệu quả từ mô hình tôm - lúa kết hợp trồng màu tại tỉnh Kiên Giang cho thấy hiệu quả và tác động xã hội sâu rộng của dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang.
Dự án GIC Việt Nam đưa ra cách tiếp cận mới trong lĩnh vực hợp tác phát song phương phát triển chuỗi giá trị bằng cách tập trung thúc đẩy các đối tác đa bên. Qua đó, dự án dự định lựa chọn, điều chỉnh và nhân rộng các giải pháp đổi mới sáng tạo để đóng góp vào sự phát triển bền vững trên mọi phương diện. Hiện nay, Các giải pháp đổi mới sáng tạo bao gồm: Các giải pháp tạo ra công ăn việc làm, chú trong đến những chủ thể quan trọng cho phát triển nông thôn bền vững là người phụ nữ và thanh niên; Các giải pháp liên quan đến người nông dân và sức khỏe người tiêu dùng, bao gồm các giải pháp bảo vệ môi trường và sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm; Các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán và ngập lụt, tập trung vào các giải pháp canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu...
Theo đó, GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, 20.000 nông hộ có thể nâng cao thu nhập từ 15-20%. 12.000 nông hộ sẽ được đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường. Dự án sẽ chú trọng thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ,các hợp tác xã (HTX) nhằm tạo mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trực tiếp dựa trên những nhu cầu và quan tâm chung của các nhân tố tham gia chuỗi giá trị.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chính là đổi mới về quy trình sản xuất, về tổ chức sản xuất, về kết nối thị trường để nâng cao giá trị của sản phẩm, đặc biệt chú ý đến các hộ sản xuất. Những đối tượng chính của chuỗi giá trị sản phẩm này chính là hộ nông dân, hợp tác và doanh nghiệp. Mô hình tôm - lúa kết hợp trồng màu tại tỉnh Kiên Giang là minh chứng cho hiệu quả của dự án.