PV. Xin ông có thể nêu khai quát một số kết quả về kinh tế tập thể trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Chí: Tính đến hết năm 2021, cả nước có 34.871 tổ hợp tác (THT) và 18.340 HTX nông nghiệp, tổng số 3,4 triệu thành viên. Tỷ lệ HTX nông nghiệp xếp loại khá, tốt trên 60%. Doanh thu mỗi HTX nông nghiệp đạt 1,26 tỷ/HTX/năm. Các HTX nông nghiệp cung cấp từ 7-16 dịch vụ ở nông thôn, phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp và phúc lợi xã hội ở nông thôn. Có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX và 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất. Có 6.792 HTX chiếm 37% tổng số HTX nông nghiệp đảm nhận việc bao tiêu sản phẩm. HTX nông nghiệp ngày càng có sự thay đổi quan trọng về chất lượng, là nhân tố chủ chốt trong phát triển chuỗi giá trị, chuỗi đa giá trị và vùng nguyên liệu đạt chuẩn trong cả nước. Phát triển kinh tế tập thể, HTX phải phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương nhưng quan trọng là phải xây dựng được lòng tin và tìm được sự hợp tác, liên kết thực sự của người dân với người dân, và với doanh nghiệp, để tạo nên các chuỗi giá trị bền vững cũng như có được các vùng nguyên liệu đủ lớn, đạt chuẩn trong cả nước.
Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm các THT, HTX, liên hiệp HTX, dự kiến thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia. Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Vai trò của HTX được thể hiện qua nhiều lĩnh vực như: Phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Cung ứng dịch vụ đầu vào (điện nước, phân bón, thức ăn, thú y, BVTV, cung cấp lao động…); Dịch vụ tín dụng (huy động vốn và cho vay); Làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái; du lịch trải nghiệm; du lịch xanh…; HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu hàng hoá (NHHH); Bảo tồn và Phát triển làng nghề; HTX về môi trường; HTX dịch vụ vận tải; HTX phục vụ ẩm thực; HTX về công nghệ thông tin; HTX làm nghiên cứu khoa học và có cả những HTX làm đẹp, chữa bệnh bằng phương pháp đông y… Trong bài viết này chúng tôi giới hạn lại vai trò của HTX nông nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị.
Theo Luật HTX 2012 hiện hành, HTX được hiểu là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. HTX nông nghiệp là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
Khái niệm về chuỗi giá trị: “Chuỗi giá trị là toàn bộ các hoạt động cần thiết để đem lại một sản phẩm hay dịch vụ từ khi còn là ý tưởng, thông qua các công đoạn khác nhau từ sản xuất (bao gồm nhiều khâu của quá trình chuyển hóa về mặt vật chất từ những nguyên liệu đầu vào) cho đến khâu phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng và cả khi loại thải sau quá trình sử dụng” (Raphael Kaplinsky and Mike Morris, 2001).
PV: Theo ông một chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững cần những mối liên kết nào?
Ông Nguyễn Văn Chí: Theo chúng tôi, một chuỗi giá trị nông sản muốn phát triển bền vững cần phải có đa dạng các mối liên kết trong đó quan trọng nhất là các mối liên kết dọc và mối liên kết ngang. Các HTX nông nghiệp mà thành viên thường là các hộ sản xuất sẽ tạo nên mối liên kết ngang bền vững, nông dân tham gia vào các HTX chuyên ngành sẽ tăng vị thế trong các giao dịch, thông qua việc tăng quy mô sản xuất, cùng thực hiện một quy trình tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều, giảm được giá thành sản phẩm, cùng nhau xây dựng được thương hiệu mạnh hơn, dễ dàng tham gia vào các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn như OCOP, nông thôn mới, giảm nghèo và nông thôn miền núi…
Theo Cục kinh tế hợp tác và PTNT thì sau 3 năm thực hiện Nghị định 98/2018/ NĐ-CP (2018-2021) cả nước xây dựng được 2.038 chuỗi giá trị, chiếm 29,43% tổng số chuỗi liên kết nông nghiệp (tổng số có 6975 chuỗi). Trong đó có 1.250 HTX nông nghiệp tham gia các chuỗi giá trị này. Trong đó có 489 HTX làm chủ chuỗi (đứng ra làm chủ dự án, kế hoạch liên kết. Trong nghị định 98 có 7 hình thức liên kết và các HTX có thể lựa chọn để viết dự án hay kế hoạch liên kết đó là: 1) Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 2) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 3) Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 4) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 5) Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 6) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 7) Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các HTX tham gia chuỗi liên giá trị có thể thuộc 1 trong 7 hình thức trên đều được hỗ trợ.
PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn một số nội dung quy định tại Nghị định 98 của Chính phủ về hỗ trợ liên kết chuỗi?
Ông Nguyễn Văn Chí: Để thúc đẩy liên kết, Nghị định 98 xây dựng 03 nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đó là: Về hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Các địa phương đã bố trí kinh phí hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết cho 338 chuỗi với tổng kinh phí hỗ trợ là 26.586 triệu đồng; trong đó ngân sách Trung ương 22.307 triệu đồng và ngân sách địa phương là 4.279 triệu đồng. Tỉnh đã hỗ trợ chi phí tư vấn cho nhiều chuỗi liên kết nhất là: Đắk Lắk (110 chuỗi), Lâm Đồng (34 chuỗi), Nam Định (32 chuỗi), Bắc Kạn (25 chuỗi), Nghệ An (25 chuỗi), Thái Nguyên (17 chuỗi), Kiên Giang (15 chuỗi), Hải Dương (11 chuỗi), Tiền Giang (8 chuỗi), Bắc Giang (3 chuỗi). Các tỉnh hỗ trợ tư vấn liên kết nhiều cũng chính là các tỉnh đã phê duyệt được nhiều dự án, kế hoạch liên kết. Điều đó chứng tỏ chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết rất quan trọng để phát triển liên kết. Chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Đến nay, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho 579 dự án liên kết với tổng kinh phí là 1.921 tỷ đồng, bình quân 3,32 tỷ đồng/ dự án liên kết.
Bên cạnh các tỉnh triển khai được chính sách hỗ trợ theo nghị định 98 thì còn nhiều tỉnh gặp vướng mắc, cụ thể như Hà Nội. Các HTX tại Hà Nội không được giao đất sản xuất nông nghiệp lâu năm, nên các hạng mục đầu tư xây dựng trên đất không thực hiện được. Trực tiếp tư vấn cho các HTX, doanh nghiệp tại Hà Nội hoàn thiện hồ sơ dự án và kế hoạch liên kết cho gần 10 HTX và Doanh nghiệp tuy nhiên tới nay chưa dự án nào được phê duyệt, đó là một nút thắt lớn trong công tác thực hiện chính sách của nhà nước. Các bước làm ở Hà Nội đúng lộ trình và rất rõ ràng các bước như tập huấn, hướng dẫn về nghị định 98 và Nghị quyết 10 của thành phố. Sau đó các HTX, Doanh nghiệp tự đề xuất và Chi cục PTNT đã lựa chọn các đề xuất khả thi, sau đó tư vấn đã đi khảo sát cùng các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ nộp về Chi cục PTNT. Hồ sơ chuẩn bị đúng các hướng dẫn trong Nghị định 98 và phải nói rất cụ thể chi tiết và đày đủ. Sở NN và PTNT cũng đã tổ chức tổ thẩm định và hội đồng (một lần 4 dự án bò thịt, gạo chất lượng cao Khu cháy, rau hữu cơ Thanh Xuân, rau an toàn An Phát vào ngày 23/12/2020) tuy nhiên cả 4 dự án chưa được hội đồng thông qua. Lý do hôm đó thiếu vắng sự tham gia của các sở ban ngành của thành phố. Nhìn ra một số tỉnh họ đã duyệt các dự án và kế hoạch liên kết rất thuận lợi và nhanh chóng, vì các hỗ trợ đều là hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn.
PV: Về các nội dung hỗ trợ này, thành phố Hà Nội có những chính sách gì cụ thể?
Ông Nguyễn Văn Chí: Trong Nghị Quyết 10 của thành phố Hà Nội chưa làm rõ được các điểm cần đầu tư, như: xác định các sản phẩm chính, chủ lực cần đầu tư; hạn mức đầu tư cụ thể trong điều 9 của Nghị định 98 dẫn đến sự hiểu chưa đúng của các HTX và Doanh nghiệp, nên có dự án đề nghị hỗ trợ phần kinh phí cho mục này rất cao, làm cho hội đồng gặp nhiều khó khăn trong thẩm định và phê duyệt. Theo kinh nghiệm của thì Hà Nội cần cụ thể hóa các điều 8 và 9 trong có mức đầu tư, hạng mục đầu tư và đặc biệt là giới hạn kinh phí cho một dự án ở điều 9 của Nghị định.
Cũng giống như Hà Nội, hiện nay tại nhiều tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể các hạng mục đầu tư, thanh quyết toán… họ đang mong đợi có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn từ các Bộ ban ngành để thực hiện nghị định được thuận lợi hơn. Trên thực tế nhiều tỉnh không có nguồn kinh phí để phân bổ triển khai nên các HTX và doanh nghiệp khó tiếp cận để thực hiện dự án hay kế hoạch liên kết.
HTX vẫn còn nhiều khó khăn như quy mô của HTX nông nghiệp còn hạn chế, nhiều HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít. Quá trình mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản diễn ra chậm. Năng lực quản lý, quản trị, công tác kế toán HTX còn yếu, hiểu biết về luật HTX rất hạn chế. Sự tham gia vào chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế, tỉ lệ HTX có hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thấp.
Nhiều HTX vẫn dựa vào sự hỗ trợ quan tâm đầu tư từ Nhà nước, dự án, thiếu chủ động trong tiếp cận thông tin, thị trường, thiếu định hướng và kế hoạch kinh doanh cụ thể trong từng giai đoạn, nhiều HTX còn thiếu hạ tầng phục vụ sản xuất theo chuỗi, các khu sơ chế, chế biến sâu, đảm bảo ATTP chưa đạt yêu cầu. Nhiều HTX thiếu quỹ đất ổn định để đầu tư sản xuất, chế biến. Thiếu kho bảo quản, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng (xe lạnh…). Thiếu trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm (máy tính, internet, website).
PV: Vậy theo ông cần có những giải pháp phát huy vai trò của Hợp tác xã Nông nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông sản trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Chí: Phát triển HTX cần lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó cần phối hợp huy động các nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp mong muốn phát triển các chuỗi giá trị có tổ chức sản xuất và đầu mối là các HTX. Cụ thể giai đoạn tới cần ưu tiên một số giải pháp sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò của HTX trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia (thông qua các video ngắn trên các trang website chính thức, youtube và mạng xã hội gắn với câu chuyện các sản phẩm); Công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho HTX (Chủ tịch, GĐ HTX, kế toán HTX); Hỗ trợ HTX ứng dụng KHCN, công nghệ thông tin (CN số) trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.
- Cần giao cho một số trường, viện, học viện đào tạo sơ cấp nghề lãnh đạo HTX nông nghiệp (Chủ tịch HĐQT; Giám đốc; Kế toán, Kiểm soát…), xác định nhu cầu từ địa phương gửi lên và theo kênh tự nguyện (các đơn vị thông báo tuyển sinh, như tuyển sinh đại học). Thí điểm đưa thêm môn học Quản lý, quản trị HTX vào các trường đại học, dạy nghề coi như một môn học tự chọn để các sinh viên hiểu biết hơn khi ra trường.- Cần có chính sách riêng (Nghị định về phát triển HTX nông nghiệp) gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới. Trong đó nên tập trung vào các điểm sau: (1) Có tiền tư vấn (thuê khoán chuyên môn) hỗ trợ thành lập và giúp HTX vận hành hiệu quả trong 3 năm đầu (gắn với đề tài dự án cụ thể của cấp bộ, địa phương), kinh phí thuê khoán chuyên môn và đi lại không quá 600 triệu đồng trong 3 năm, cho ít nhất 03 HTX được thành lập mới hoặc củng cố lại từ các HTX đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả. (2). Hỗ trợ các HTX xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn đáp ứng thị trường đích đã được HTX xác định thông qua phân tích thị trường và ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. (3). Hỗ trợ HTX lựa chọn và hoàn thiện sản phẩm chủ lực để có thể tham gia chương trình OCOP quốc gia và hướng tới quốc tế (nếu có). (4). Ưu tiên hỗ trợ các HTX phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái (giảm lượng phát thải khí nhà kính làm trái đất nóng lên, tạo ra nhiều cây xanh, có giải pháp bảo vệ môi trường, nông nghiệp tuần hoàn…), tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm, phụ phẩm thông qua đầu tư về phần mềm (công nghệ thông tin) cùng các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. (5). Cần hỗ trợ HTX các thiết bị chuyên dụng (xe bán tải, xe tải, xe lạnh, tủ bảo ôn…) để vận chuyển và thương mại sản phẩm. (6). Cần có các dự án khởi nghiệp trong các HTX nông nghiệp trong những năm đầu mới thành lập, các chuyên gia tư vấn sẽ cùng hỗ trợ việc viết và bảo vệ các dự án này trước hội đồng các cấp và các nhà tài trợ, cùng tư vấn cho HTX thực hiện dự án hiệu quả. (7). Cần có cơ chế, chính sách về tín dụng cho các HTX nông nghiệp khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái, hướng tới xuất khẩu, HTX có vùng nguyên liệu đạt chuẩn. (8). Hỗ trợ HTX xây dựng, quản lý và khai thác các loại hình nhãn hiệu cộng đồng (CDĐL, NHCN, NHTT) và thương hiệu sản phẩm.
PV: Trân trọng cảm ơn!
---
BÀI VIẾT ĐƯỢC SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI