Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 27

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 27.

59. Sĩ Quyền tướng quân: Quê quán Đồng Lý, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, quân Giao Chỉ, là người Hán, di cư xuống Giao Chỉ, dạy học.. Một tướng quân họ Lỗ nhận lệnh Trưng Trắc đến xây căn cứ ở Đồng Lý. Tướng quân họ Lỗ mời Sĩ Quyền tham gia Nghĩa binh. Sĩ Quyền hi sinh khi khởi nghĩa Mê Linh chưa bùng nổ.        

60. Phạm Thị Trâm. Người Hán. Gia đình di cư xuống Huyện Tây Châu, thuộc Nam Trực, quận Giao Chỉ. Phạm Thị Trâm vào Hoa Lư khởi nghĩa. Năm 40 đem theo 1.000 nghĩa binh cùng hai phó tướng là Nái Sơn và Quý Lan về Mê Linh, được phong tướng quân.

61. Mai Thị Hồng: Sinh trong một gia đình nông dân ở xã Tân Dân, Huyện Vụ Bản, quận Giao Chỉ, chuyên làm việc thiện, tính tình khảng khái. Chồng là Du Lang bị Tô Định sát hại, Mai Thị Hồng cùng trai tráng luyện tập võ nghệ khởi nghĩa, năm 40 đem nghĩa binh về Mê Linh, được phong là Hồng Nương Tì tướng.

  62. Địch Triết (Đàn Quý Nương) và Cung Cai. Quê Thôn Giáp Nhất, xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, quận Giao Chỉ, chiêu binh tụ nghĩa. Năm 40 chiêu mộ được 500 người về Mê Linh tụ nghĩa.

63.Khởi nghĩa của Nàng Nội quê ở Bạch Hạc, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ, cha là Châu trưởng Đặng Thi Huy, mẹ là Trương Thị Hân đã bị quân Tô Định bắt và giết hại. Nàng Nội đã lập căn cứ ở Bạch Hạc, nhiều lần giao chiến với quân giặc.

64.Khởi nghĩa của nàng Thục Côn, con gái của ông Phạm Khang và bà Trương Thị Đức, quê ở thôn Tráng Kiện, xã Lộc Vượng[1], huyện Câu Lậu, quận Giao Chỉ. Tô Định hỏi Thục Côn làm thiếp không được đã giết ông Phạm Khang. Nàng Thục Côn đã khởi nghĩa ở quê nhà chống lại quân Tô Định, đánh giặc ở vùng Sơn Nam.

65.Khởi nghĩa của Ngài Học, con trai Dương Công và bà Hà Thị Cẩn ở trang Ngô Khê, huyện Long Uyên[2], quận Giao Chỉ. Chỉ vì Tô Định đã giết cả nhà Ngài Học để nhằm chiếm đoạt vợ chưa cưới của Ngài Học là Hồng Nương và Nga Nương, Ngài Học đã khởi nghĩa chống lại chính quyền Tô Định. Ngài Học và vợ  đem quân theo Trưng Vương.

66.Khởi nghĩa của Nguyễn Huyền, tiểu thư, con quan nhà Triệu (Nam Việt), đã xây dựng căn cứ chống Hán ở đồn Sơn Nam, huyện Kê Từ, quận Giao Chỉ, đã đánh cho Tô Định thất bại khốn đốn nhiều phen.

67.Khởi nghĩa của nữ tướng Hồ Đề, em trai là Hồ Hác, con  ông Hồ Công An và bà Bạch Thị Phương. Hồ Công An là Lạc tướng  Đông Cao, xã Tráng Liệt, huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ, bị Tô Định giết hại. Hồ Đề đã lập căn cứ ở 72 động (Thiên Sớ Động), Ninh Phúc, quận Giao Chỉ  để chống Tô Định. Nghĩa quân lên đến 3.000 người, nhiều lần đánh cho Tô Định thua chạy.

68. Khởi nghĩa của nữ tướng Lê Thị Hoa quê ở làng Thượng Linh, huyện Câu Lậu, quận Giao Chỉ, con ông Lê Thái và bà Dương Thị Tạo. Lê Thị Hoa kết duyên cùng ông Mai Tiến, một người yêu nước chống Tô Định nên bị Tô Định giết chết. Thù nhà nợ nước, Lê Thị Hoa có bốn con trai: Mai Viết Đại, Mai Trọng Thỏa, Mai Văn An, Mai Đức Trí. Bà đem bốn con về quê ngoại, trang Thượng Linh, huyện Câu Lậu. Sau bà dời về căn cứ huyện Dư Phát (Nga Sơn), quận Cửu Chân, cùng em chồng là Mai Lan Khởi nghĩa, đã đánh nhiều trận tiêu diệt nhiều tên địch, giết chết tên tướng giặc tàn bạo Lưu Đại Ý, đánh bại cuộc tấn công của tướng giặc Lưu Đại Hải, anh ruột Lưu Đại Ý, đánh bại tướng Tô Long, em trai Tô Định. Lê Thị Hoa còn mở rộng hoạt động ra huyện Câu Lậu. Tính ra từ khi phát động khởi nghĩa ở Thượng Linh đến khi về tụ nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng, Lê Thị Hoa và Mai Lan  đã đánh giặc và cầm cự trong 6 năm. Mai Lan về tụ nghĩa, còn Lê Thị Hoa nhận lệnh Trưng Trắc, đánh  giặc ở  Dư Phát, quận Cửu Chân, tiến ra giải phóng  Luy Lâu.

 Ngoài ra còn 16 tướng lĩnh là phó tướng của 11 Chủ tướng phất cờ khởi nghĩa ở quận Giao chỉ, Cửu Chân. 16 phó tướng đó là Trần Thị Trâm, Tạ Thị Tần, Lê Thị Trâm, Trương Thị Cả, Đề Cắng, An Bình Lý, Đô Dương, ĐôngBảng, Trần Thị Phương Châu, Đặng Văn Phúc, Cao Thị Liên, Thùy Nương, Hàn Đạt,Vũ Thị Thiết (Mỵ Ê), Hồ Hác.

Tổng cộng 83 tướng lĩnh đã về Mê Linh, trong đó khoảng hơn chục tướng lĩnh đàn ông, còn lại đa số  tướng lĩnh là nữ giới giỏi giang xinh đẹp. Theo số liệu  báo lên, toàn Lĩnh Nam có khoảng gần 1.000 tướng nữ, là mỹ nhân hào kiệt anh hùng ở các địa phương đang chờ mệnh lệnh của Mê Linh để cùng vùng dậy lật đổ ách cai trị chiếm đóng tàn bạo của ngoại bang.

Đêm đã về khuya. Trống quân doanh đã điểm canh ba. Trưng Trắc vẫn còn mải mê đọc. Nữ tì đã phải thay ba đĩa dầu lạc, ba bát nước chè lá vối. Qua danh sách các nữ tướng đã về tụ nghĩa hoặc chưa về, Trưng Trắc mới thấy được nổi cực khổ bi thương mà quân xâm lược đã gây ra cho dân Việt. Tầng lớp quý tộc Việt mà còn bị tàn sát oan khuất như vậy thì dân thường không biết bị giết hại bóc lột đến nhường nào. Dân Việt dưới sự thống trị của giặc Hán không khác gì nô lệ và bị đối xử như súc vật, dưới một chế độ không luật pháp, chúng muốn bắt ai thì bắt, muốn giết lúc nào thì giết, Cả Dân tộc đứng trước họa diệt vong. Trưng Trắc biết rằng sự tàn bạo của chúng đã tạo ra sự căm thù không đội trời chung trên toàn cõi Âu Lạc xưa. Hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã tấn công vào quân thù, nhưng Trưng Trắc biết nếu không liên kết tất cả lại sẽ không lật đổ được quân giặc. Trong một năm qua, bà đã cử bà Man Thiện, Trưng Nhị và các tâm phúc làm sứ giả đem thư của bà đến mọi miền có cuộc khởi nghĩa của đất nước để mong liên kết, hẹn ngày bà hiệu triệu thì tất cả đồng loạt nổi dậy và bà đã được mọi thủ lĩnh của các nơi nhiệt liệt hưởng ứng. Thời cơ đã đến. Đêm nay Trưng Trắc ngồi đọc kỹ lực lượng và tài năng của các thủ lĩnh đã về tụ nghĩa để phân chia lực lượng tấn công ở các thành trì quân Hán mà trung tâm là thủ phủ đô hộ Luy Lâu. Đồng thời, bà cũng đã hẹn ước với các thủ lĩnh ở các địa phương hưởng ứng nổi dậy lật đổ chính quyền sở tại, tạo thêm sức mạnh cho cuộc nổi dậy ở Mê Linh và toàn quốc. Ngoài Mê Linh thì ba trung tâm lớn đã hình thành: Trung tâm Chu Diên của Thi Sách, trung tâm của Trưng Nhị và trung tâm của bà Man Thiện. Cho đến gần sáng thì tờ giấy đặt trên bàn của Trưng Trắc đã hình thành xong bức vẽ có các hình mũi tên tấn công vào các thành trì quân Hán. Các mũi tên đã ghi tên các nữ tướng cầm quân, thành trì mà họ tấn công và hướng tấn công. Trưng Trắc cũng đã hình thành những ý chính cho lời “Hiệu triệu” ngày mai trước ba quân để ra lệnh tổng tấn công và nổi dậy.

Trống đã điểm canh tư, Trưng Trắc đang định đứng dậy thì một nữ cận vệ vào báo:

-Thưa chủ tướng, có tin rất xấu của người nhà quan huyện Chu Diên Thi Sách đưa đến.

Trưng Trắc bình tĩnh nói

-Cho vào.

-Dạ

Trưng Trắc nhìn ra thì đó là Thi Bằng, em Thi Sách. Thi Bằng quỳ xuống, vừa khóc vừa nói:

-Thưa chị dâu, huynh trưởng Thi Sách đã bị Tô Định giết chết rồi.

Trưng Trắc như nghe tiếng sét bên tai. Bà cố bình tĩnh hỏi lại:

-Chú bình tĩnh kể lại xem nào.

Thi Bằng vừa kể vừa ngẹn ngào:

-Dạ thưa chị, huynh trưởng đang chuẩn bị để cùng khởi sự  với chị thì có lẽ sự việc bị lộ. Sớm hôm qua, Tô Định xua quân đông như kiến cỏ bất ngờ tiến đánh Chu Diên. Huynh trưởng cùng lính tráng, anh em xông pha giết được nhiều địch, phá được vòng vây chạy đến Nại Tử Xã thì bị phục binh của Tô Định bắn tên giết hại. Tùy tùng đi theo huynh trưởng chỉ một số người sống sót…

Trời đất như tối sầm trước mắt Trưng Trắc nhưng bà cố gắng hết sức bình sinh để ngăn những giọt nước mắt đang chực trào ra trước tin tức đau thương tột cùng. Tình hình khẩn cấp và việc lớn trước mắt không cho phép bà rối loạn tinh thần vào lúc này. Tô Định giết Thi Sách là phá kế hoạch liên minh giữa hai nhà Thi-Trưng chống lại hắn. Thi Sách mất đi là một tổn thất to lớn cho cuộc khởi nghĩa sắp bùng nổ. Vả lại sau khi giết được Thi Sách, Tô Định sẽ nhanh chóng tiến đánh Mê Linh. Để chủ động, Trưng Trắc biết là phải hành động rất gấp, mạnh mẽ quyết liệt thì mới trả được thù nhà nợ nước.

Trưng Trắc hỏi Thi Bằng:                       

-Đã mai táng huynh trưởng và anh em nghĩa binh chưa?

-Dạ, sau khi quân Tô Định rút đi chúng em đã đem thi hài huynh trưởng và các anh em mai táng rồi ạ.

Trưng Trắc nói:

-Vậy được rồi, tạm thời chưa phát tang làm rối loạn lòng quân. Ngay đêm nay phải tập trung các tướng lĩnh ở Đại sảnh đường, tế trời đất tổ tiên, ban bố lệnh khởi nghĩa khắp bốn quận và cử các tướng lĩnh nhanh chóng vùng dậy trong cả nước, tiến đánh Cổ Loa và tấn công trị sở của giặc là Luy Lâu. Nếu không, ngày mai Tô Định đánh tới, ta sẽ bị động, sẽ rất khó khăn.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Nay thuộc Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

[2] . Nay thuộc Bắc Ninh.