Ngành nông nghiệp Việt: Đột phá chất lượng, hướng tới tăng trưởng bền vững

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 đạt 6,93%, và tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành kinh tế đều tăng trưởng tốt, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn duy trì đà tăng trưởng cao trong xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 7 sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái, với sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn nhất với 1,5 tỷ USD.

nangcaochatluong-1721709628.jpg

Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng để phát triển bền vững

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%. Năm mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm gỗ và sản phẩm gỗ (6,16 tỷ USD, tăng 22,5%), cà phê (3,14 tỷ USD, tăng 36,2%), rau quả và trái cây (2,42 tỷ USD, tăng 35,3%), gạo (2,31 tỷ USD, tăng 27%) và tôm (1,43 tỷ USD, tăng 13,3%).

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, ngành nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức về tính bền vững. Chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, quá trình sản xuất chưa được minh bạch, sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, sản xuất nhỏ lẻ vẫn chủ đạo dẫn đến thiếu vốn đầu tư và khó tiếp cận thông tin thị trường. Trình độ nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp công nghệ cao, và số lượng nông sản có giấy thông hành vào thị trường lớn như Trung Quốc vẫn còn hạn chế.

Các chuyên gia nhận định, cần nâng cao chất lượng nông sản để cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Việc xây dựng mã số vùng trồng là cơ sở đầu tiên để đảm bảo chất lượng đồng nhất. Các hộ sản xuất cần liên kết trong hợp tác xã và có sự hướng dẫn của doanh nghiệp, đầu tư công nghệ và bao tiêu sản phẩm theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhờ vào vị trí địa lý, khí hậu đa dạng và người dân cần cù, sáng tạo. Với 16 FTA thế hệ mới đã ký kết, thị trường của Việt Nam mở rộng với hơn 60 đối tác, chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Sự phát triển của khoa học nông nghiệp thời kỳ công nghệ 4.0, cùng với các chính sách phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, sẽ tạo động lực cho nông nghiệp phát triển bền vững.

Nếu khắc phục được những hạn chế và phát huy mạnh mẽ lợi thế, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao kim ngạch xuất khẩu, trở thành “bếp ăn của thế giới”.