Trong cuộc đời binh nghiệp của chiến sĩ ấy có rất nhiều câu chuyện được lưu giữ trong cuốn nhật kí nay đã úa màu thời gian nhưng đó là những năm tháng không thể nào quên. Chiến sĩ liên lạc tên là Bình đã kể lại về những ngày trong quân ngũ, chúng tôi mới biết câu chuyện như huyền thoại về Chính trị viên đại đội Nguyễn Tiến Lịch.
Như một thước phim quay chậm đưa mọi người trở lại thời gian đã xa, đó là năm 1971, sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị đã tới cao nguyên Bô lô ven trên đất bạn Lào. Ai đã từng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa mới biết mức độ tàn khốc của chiến tranh. Hằng ngày, Mỹ liên tục thả bom, chất độc đi -ô -xin thiêu rụi những cánh rừng xanh tươi chuyển màu cỏ úa. Bộ đội ta đi qua thường phải dùng khăn mặt ướt che miệng, mũi. Có những đồng đội hy sinh ngay trên đường hành quân do bom đạn, mìn nhíp của địch, hoặc rắn cắn, sốt rét…
Hôm đó, cả đơn vị được lệnh lên đường chiến đấu. Thời gian gấp gáp, phải nhanh đúng giờ "G" diễn ra trận đánh. Các chiến sĩ vượt bao đoạn dốc hiểm trở, đến đoạn đường độc đạo một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Đây là một đoạn đường rất khó, dốc đá trơn trượt,rất khó đi. Công binh chặn lại, đồng chí giao liên đi trước quay lại thông báo: “Có bom hẹn giờ! Không qua được".
Hàng quân như chững lại trong giây lát. Có đồng chí trượt chân rơi xuống suối ngã rất đau. Quả bom như thần chết, sắc lạnh rợn người. Thời gian nổ là bao lâu thì không xác định. Chính trị viên Nguyễn Tiến Lịch hội ý nhanh, chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp là 3 người phải nhanh chóng vượt qua cửa tử. Không khí căng thẳng tới nghẹt thở.
Người chỉ huy ấy vẫy tay gọi đồng chí liên lạc có gương mặt rất trẻ đang nhìn về phía thủ trưởng của mình:
- Lên đây với anh! Anh Bình vội vã bước lên đứng cạnh người chỉ huy của mình. Rất nhanh, Chính trị viên Tiến Lịch rút trong ba lô chiếc kèn Acmonica đã cũ, ngồi cạnh quả bom thổi bản bản nhạc “Vì nhân dân quên mình”.
Khúc nhạc vang lên, âm thanh hào hùng ấy như tiếp thêm sức mạnh cho những người đồng đội. Từng tốp cứ thế vượt qua nhanh chóng. Sự sống được tính bằng giây. Có những chiến sĩ rơi nước mắt khi thấy người chỉ huy của mình vẫn ngồi lặng lẽ thổi hồn vào bản nhạc, truyền cho họ sự quyết tâm, sức mạnh vượt nguy hiểm để chiến đấu. May mắn cả đơn vị đã vượt qua thần chết một cách an toàn. Đơn vị đã đến đúng giờ quy định, trận đánh hoàn toàn thắng lợi và tiếp tục hành quân tiến sâu vào phía Nam với những trận đánh mới. Đơn vị hy sinh rất nhiều.
Sau ngày chiến thắng, đồng đội cũ đi thủ trưởng của mình. Họ hẹn với nhau: Nếu anh hy sinh phải tìm thấy bàn thờ của anh, nếu anh còn sống thì phải tìm bằng được. Người chiến sĩ liên lạc năm xưa đã kết nối với đồng đội và tìm thấy anh. Niềm vui khôn xiết, mọi người ôm lấy anh, có người bật khóc vì vui. Họa sĩ Vương Trần nghe câu chuyện do CCB Bình kể lại rất xúc động đã vẽ tặng anh bức tranh sơn dầu. Đó là chân dung người lính đang thổi kèn acmonica cạnh quả bom trên tuyến đường Trường Sơn.
Và hôm nay, khi trở lại đời thường, người chiến sĩ năm xưa ấy vẫn cùng đồng đội đi dọc Trường Sơn viếng thăm đồng đội của mình tri ân những người đã khuất.. Có một điều mà ít ai biết đến, đó là năm nào cũng vậy, sáng sớm mùng một Tết, anh đều ra thắp hương cho đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Anh ngồi rất lâu tâm sự với những người đã khuất như một lời tri ân. Anh tâm sự: "Những người đã hy sinh vì đất nước mới là người có công nhiều nhất. Người còn sống nợ người đã khuất nhiều lắm".
Câu chuyện về người Chính trị viên đại đội dũng cảm năm xưa thật đáng tự hào. Dù trong hoàn cảnh nào thì phẩm chất của anh bộ đội luôn ngời sáng!