Người nông dân "giật mình" khi nhận được điện thoại của Bộ trưởng

Nghệ nhân Cây cảnh Phạm Ngọc Danh là một trong 04 đại biểu Nông dân làm kinh tế giỏi của tỉnh Bình Phước tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức vào 02 ngày 12 - 13/9/2022 tại Hà Nội.

Tham dự Diễn đàn với chủ đề "Nông dân chuyên nghiệp" có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, Nghệ nhân Phạm Ngọc Danh mang tới câu chuyện làm giàu của ông từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh và mô hình Hội quán để liên kết nông dân cùng chí hướng làm giàu chính đáng từ nghề nông.

Dù chưa đến phần trình bày của mình, những giữa giờ giải lao sáng ngày 12/9, Nghệ nhân Phạm Ngọc Danh bất ngờ đã nhận được cuộc điện thoại của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan. Cả đời làm nông dân cần mẫn, ông chưa bao giờ dám nghĩ mình lại có niềm vinh dự lớn lao khi có cơ hội tiếp xúc, gần gũi và nói chuyện thân mật về chủ đề "Hội quán Mai vàng" với vị "tư lệnh" ngành Nông nghiệp.

bt123-1663049797.jpg
Nghệ nhân Phạm Ngọc Danh lưu niệm cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Diễn đàn

Chia sẻ với PV Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Danh tâm sự, từ năm 1979, ông đến huyện Chơn Thành tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) để lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Ông bắt đầu khởi nghiệp với nghề cơ khí và sửa chữa máy móc nông nghiệp bằng số vốn ít ỏi vay mượn của bạn bè, người thân. Từ nguồn thu nhập tích lũy làm các dịch vụ máy nông nghiệp đến năm 1989 gia đình ông đã thu mua và trồng được 14 ha cao su.

Với sự giúp đỡ về kỹ thuật của Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân các cấp và học hỏi kinh nghiệm của bà con nông dân đi trước, gia đình ông Danh đã chuyển đổi dần diện tích trồng cao si sang trồng các loại cây trồng khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn., nhất là giai đoạn giá cao su giảm và khó xuất cho thương lái.

Dù rất cần mẫn lao động và học tập, tiếp cận các tiến bộ khoa học nhưng việc chưa tạo dựng cho mình được thương hiệu và giá trị cốt lõi, cũng như việc chưa tìm cho mình một loại cây trồng phù hợp với trình độ, kỹ năng tay nghề và thị hiếu của người tiêu dùng, nên kinh tế gia đình ông tuy đã được cải thiện nhưng chưa thực sự tương xứng với công sức và giá trị bỏ ra.

Không bằng lòng với kết quả khiêm tốn đó, năm 1998, ông Danh đã đi khảo sát nhiều địa phương, gặp gỡ nhiều nông dân giỏi để học hỏi và tìm ra lời giải cho một hướng đi mới. Từ kiến thức và những kinh nghiệm học được, ông quyết định mua thêm 05 ha để trồng các loại cây ăn quả, hoa cây cảnh, nhất là cây Mai vàng.

Tuy nhiên, không phải cứ quyết tâm học tập và đẩy mạnh đầu tư là thành công. Ông Danh phải mất gần 10 năm nữa để để thuần hóa cây Mai vàng trên đất Chơn Thành, Bình Phước. Cùng với làm chủ được kỹ thuật, ông tập trung xây dưng thương hiệu, thị trường và mạng lưới khách hàng khắp cả nước.

Để tạo ra cộng đồng những người cùng chí hướng, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, ông cùng với những nông dân khác tại Bình Phước thành lập CLB Mai Vàng và CLB Bonsai.

Hàng năm, ngoài việc giúp đỡ cho trên 90 hội viên ở các CLB trên được tiếp cận các chương trì đào tạo, tập huấn, đào tạo kỹ năng tay nghề, trao đổi kỹ thuật và kiến thức về thị trường, gia đình ông Phạm Ngọc Danh còn trực tiếp tạo công ăn việc làm cho 60 lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 8 - 15 triệu đồng/tháng. Bản thân gia đình ông Danh đạt mức thu nhập bình quân (sau khi đã trừ chi phí) là 2.500.000.000 đồng/năm.

ab111-1663050358.jpg
Hội quán Nông dân là mô hình từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương

Từ những thành công của gia đình mình, ông Danh mong muốn được nhận rộng mô hình phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh. Đầu tháng 6 năm 2022, ông đề nghị chính quyền và các đoàn thể cho phép thành lập "Hội quán Mai Vàng huyện Chơn Thành - Bình Phước" với 5 tiêu chí: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Sinh Vật Cảnh, trọng tâm là cây Mai vàng; cùng mối quan tâm; cùng sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.

Nghệ nhân Phạm Ngọc Danh chia sẻ, Hội quán là mô hình liên kết hợp tác giúp các thành viên thắt chặt mối quan hệ, đoàn kết, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và nông dân kết nối chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội; liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ và xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

"Qua các hoạt động của Hội quán góp phần giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất. Đây là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của Nông nghiệp đô thị, hướng đến xây dựng thương hiệu mai vàng Bình Phước, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng..., Nghệ nhân Phạm Ngọc Danh chia sẻ.

Gặp chúng tôi vào cuối buổi chiều sau khi kết thúc hội nghị đã lâu, Nghệ nhân Phạm Ngọc Danh vẫn còn hồi hộp kể về những phút giây giật mình và có phần lúng túng khi nhận được cuộc điện thoại của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ông Danh đặc biệt ấn tượng về phong cách gần gũi của Bộ trưởng, thay vì giờ giải lao vào phòng VIP, ngồi máy lạnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đi bắt tay và trò chuyện thân mật với những người nông dân như ông.