Người nông dân là trung tâm và động lực phát triển trong chuyển đổi số nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc, với phương châm "Lấy người nông dân là trung tâm và động lực phát triển", đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, khẳng định vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế.

Với phương châm "Lấy người nông dân là trung tâm và động lực phát triển", ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, khẳng định vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế. Nhận thấy chuyển đổi số (CĐS) quan trọng trong tái cơ cấu ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đào tạo, tập huấn CĐS, hướng dẫn sử dụng phần mềm và chọn hộ sản xuất tham gia mô hình điểm áp dụng công nghệ số.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp đã xây dựng 40 mã số vùng trồng nội địa, 2 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu; giám sát và duy trì 24 mã số vùng trồng và 2 mã số cơ sở đóng gói thạch đen, ớt xuất khẩu từ năm 2020-2022. Thí điểm áp dụng công nghệ số trong sản xuất thanh long tại thôn Hồng Thái, xã Xuân Hòa (Lập Thạch) và chăn nuôi lợn thịt tại thôn Cao Quang, xã Cao Minh (Phúc Yên).

vinh-phuc-1132-1718618755.jpg

Người nông dân ứng dụng công nghệ số trong kiểm soát sự phát triển của các cây trồng

Ứng dụng công nghệ số giúp nông dân nâng cao hiệu quả quản lý cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và tạo ra nguồn thực phẩm an toàn. Trong lâm nghiệp, hệ thống giám sát rừng ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm đã nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ rừng.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với CĐS, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc tăng trưởng mạnh, tổng giá trị sản xuất năm 2023 tăng gần 5,3% và quý I/2024 tăng 2,7%. Toàn tỉnh có hơn 90% hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số; gần 13% nông dân được tập huấn ứng dụng công nghệ số và 20% hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử.

Tiếp tục thực hiện Đề án CĐS giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, năm 2024, ngành Nông nghiệp đã xây dựng 6 danh mục, dự án, nhiệm vụ CĐS với tổng kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý cấp nước, với tỷ lệ thanh toán tiền nước trực tuyến đạt hơn 50%.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức như nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ của người sản xuất còn hạn chế; kết nối và chia sẻ thông tin chưa chặt chẽ, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều. Tuy nhiên, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh CĐS, xây dựng nền nông nghiệp "sinh thái, hiện đại, văn minh", đẩy nhanh các chương trình, dự án CĐS trên cây trồng, vật nuôi chủ lực, giúp người sản xuất mở rộng mô hình, quảng bá sản phẩm và chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại.

Ngành cũng tập trung số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành dưới dạng dữ liệu mở, tổ chức các lớp tập huấn CĐS cho cán bộ và nông dân, hỗ trợ các hợp tác xã và hộ kinh doanh quảng bá, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất.