Người tiên phong ứng dụng công nghệ số vào trồng thanh long ruột đỏ

25/11/2023 17:04

Nhanh nhạy, chủ động tiếp cận với xu thế mới, anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa (Lập Thạch) đã tiên phong ứng dụng công nghệ số vào trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ giàn của Đài Loan (Trung Quốc), bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ giàn Đài Loan của gia đình anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa (Lập Thạch) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ lắp đặt hệ thống tưới phun gốc tự động theo công nghệ Đài Loan, giờ đây anh Nguyễn Đắc Thành chỉ cần bật nút vận hành là 10 ha cây thanh long của gia đình được cấp đầy đủ lượng nước phù hợp với nhu cầu. 

Theo anh Thành, khác với các loại cây trồng khác, cây thanh long ruột đỏ là loại cây trồng lâu năm, vòng đời khoảng 20 - 25 năm khai thác mới phải đầu tư trồng lại. Sau gần 2 năm trồng, chăm sóc, các gốc thanh long đã cho những quả bói đầu tiên. Từ năm thứ 3 trở đi, thanh long cho thu hoạch gấp 3 lần năm thứ nhất và bắt đầu ổn định về sản lượng nên khi đầu tư, gia đình đã tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ theo công nghệ giàn của Đài Loan. 

Ưu điểm của công nghệ này là tăng mật độ trồng và sản lượng; lượng nước được phân bố đồng đều ở các vị trí gốc cây, điều tiết được độ ẩm giữa các hàng cây giúp hệ thống rễ của cây phát triển mạnh, được cung cấp vừa đủ nước, tiết kiệm được 50% lượng nước so với cách tưới truyền thống; không làm cho các tia nước văng ra khu vực xung quanh nên hạn chế được cỏ dại mọc và sâu bệnh lây lan. 

Nếu như trước đây, 1ha thanh long ruột đỏ, gia đình cần tới 4 người chăm sóc thì nay chỉ cần 1 người; tiết kiệm được khoảng 30% phân bón vì phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới nên không bị bốc hơi, rửa trôi. Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật trồng thanh long theo công nghệ giàn tận dụng được không gian ánh sáng, tăng mật độ trồng gấp 2 lần khoảng 2.000 nghìn trụ/ha (trước đây 700 - 1.000 trụ/ha), năng suất quả gấp 2,5 lần; chất lượng quả ngon, ngọt, mẫu mã sáng đẹp.

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn thanh long ruột đỏ đang cho quả, cả vùng đồi rộng hơn 10ha được phủ một màu xanh mướt. Anh Thành giới thiệu cho biết, chất đất đồi và khí hậu ở Lập Thạch rất phù hợp, tạo cho quả thanh long ruột đỏ có độ ngọt và hương vị rất riêng. 

Trước đây, đồi này là đồi trọc, đất cằn cỗi, năm 2021, sau khi trúng thầu gia đình tôi đã cải tạo, đầu tư trụ bê tông trồng 20 nghìn gốc thanh long. Để cây thanh long ruột đỏ phát triển tốt, gia đình đã trải đều lớp đất đỏ trên bề mặt của cây thanh long; dùng phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Toàn bộ hệ thống giao thông, độ dốc được cải tạo, thuận tiện cho việc tưới tiêu, chăm bón, thu hoạch quả.

Theo kinh nghiệm của anh Thành, thanh long ruột đỏ là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất nhưng muốn đảm bảo năng suất, chất lượng thanh long ruột đỏ, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, quy trình bón phân, tưới nước và cách chăm sóc. 

Cây thanh long ruột đỏ ra quả quanh năm, nhưng rộ nhất từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, một năm cho từ 8 - 10 đợt thu hoạch. Khi quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái cũng để được từ 20 - 25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. 

Với 20 nghìn gốc thanh long ruột đỏ, năm 2023, cho sản lượng ước đạt 40 - 45 tấn quả/năm với giá bán 20 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình.

Cùng với tiên phong ứng dụng công nghệ số trong trồng thanh long ruột đỏ, hiện, anh Thành đã đầu tư nhà xưởng để sản xuất phân bón hữu cơ, trước mắt phục vụ việc chăm sóc hơn 20 nghìn gốc thanh long ruột đỏ của gia đình và sau đó sẽ mở rộng cung ứng phân bón hữu cơ cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. 

Để nâng cao chất lượng quả thanh long ruột đỏ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, cuối tháng 11 này anh Thành sẽ phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình ứng dụng công nghệ số điều khiển tưới và bón phân tự động cho cây thanh long.

Đồng thời tiếp tục áp dụng phương pháp sử dụng đèn điện kích thích thanh long ra quả trái vụ từ tháng 10 đến tháng 12 nhằm tăng số lần thu hoạch lên 15 - 16 đợt/năm và giá bán cao từ thu trái vụ, cũng như tránh được tình trạng được mùa mất giá.

Sự chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Thành đã và đang mở hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lập Thạch, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.

Mai Liên
Bạn đang đọc bài viết "Người tiên phong ứng dụng công nghệ số vào trồng thanh long ruột đỏ" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309