Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm (GIC Việt Nam) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ tại 06 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo và xoài.Tác động của Dự án góp phần đẩy nhanh sự chuyển đổi sang hướng phát triển xanh, bền vững trong ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh và cải thiện vị thế nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ.
PV: Xin bà có thể nêu một số thành công nổi bật của GIC Việt Nam?
Bà Sonja Esche: Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm (GIC Việt Nam) đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tất cả các bên liên quan đều có thể tự hào về điều này. Một trong những yếu tố thành công của dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh là sự tham gia của các bên liên quan, hợp tác với nhau và cùng chung tay triển khai dự án. Nếu không có yếu tố này, chúng ta sẽ không thể có những kết quả như bây giờ. Từ trung ương cho đến địa phương, mọi người đều rất nỗ lực để đạt được những kết quả này.
Thay mặt Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, tôi nhấn mạnh những khía cạnh thành công của Dự án. Thứ nhất, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh đã dành rất nhiều nỗ lực để áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với các đổi mới sáng tạo ở cấp độ sản xuất. Điều này bao gồm việc xây dựng và điều chỉnh tài liệu đào tạo, sau đó triển khai phương pháp tập huấn phù hợp. Chẳng hạn, dự án đã tập huấn cho hơn 500 giảng viên nguồn (TOT), từ đó họ đi tập huấn cho nông dân (TOF), giúp hơn 22.000 nông dân tiếp cận các loại công nghệ và thực hành khác nhau. Việc dự án GIC có thể tiếp cận và lan tỏa tới nhiều người như vậy thực sự rất đáng chú ý và là một thành tựu nổi bật. Thứ hai, mối liên kết không chỉ tập trung ở cấp độ sản xuất mà còn chú trọng đến khía cạnh kinh doanh và tư duy kinh doanh cho cả nông dân lẫn hợp tác xã. Đây cũng là yếu tố góp phần vào thành công của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh. Trong khía cạnh kinh doanh này, có một phương pháp mà tôi nghĩ không thể không đề cập đến, đó là Lớp học Kinh doanh cho Nông dân (Farmer Business School). Phương pháp này thực sự tập trung vào việc nâng cao tư duy kinh doanh cho nông dân.
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh đã đạt được rất nhiều thành công đáng kể. Chúng tôi thực sự hài lòng với việc triển khai tại sáu tỉnh. Sau khi vượt qua một vài khó khăn ban đầu, chúng tôi rất phấn khởi khi thấy các tỉnh, đặc biệt là nông dân, tiếp nhận phương pháp Lớp học Kinh doanh (FBS) một cách nhanh chóng và còn có mong muốn nhân rộng mô hình này. Điều khiến chúng tôi tự hào nhất, và tôi nghĩ cũng là cú hích lớn cho FBS, là mô hình này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm ở cấp trung ương. Việc Bộ đưa phương pháp này vào chương trình đào tạo nghề quốc gia “Kinh doanh Nông nghiệp” thực sự đã tạo ra một khuôn khổ và điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô trên toàn quốc. Tôi tin rằng tiềm năng để thực hiện điều này là rất lớn. Toàn bộ tài liệu tập huấn và các sản phẩm kiến thức liên quan đến FBS hiện đã sẵn sàng, Vì vậy rất dễ dàng để triển khai và nhân rộng phương pháp này vượt ra ngoài các tỉnh dự án, thậm chí trên phạm vi toàn quốc…
PV: Xin bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm và phương pháp hay tư Dự án?
Bà Sonja Esche: Vâng, đã có rất nhiều kinh nghiệm và phương pháp hay từ Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo Xanh mà chắc chắn có thể áp dụng cho đề án Một Triệu Hecta Lúa. Dưới khuôn khổ Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo Xanh, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phát triển các phương pháp nâng cao năng lực khác nhau, bao gồm các sản phẩm tri thức, tài liệu, thông tin, áp dụng và điều chỉnh các giải pháp đổi mới ở cấp độ sản xuất, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, giúp nông dân dễ dàng áp dụng hơn.
Đồng thời, về khía cạnh kinh doanh, nâng cao tư duy kinh doanh cho nông dân và các hợp tác xã, những kinh nghiệm này sẽ rất có ích cho Đề án Một Triệu Hecta Lúa. Vì vậy, điều quan trọng là phải đánh giá những gì đã có sẵn và những gì có thể sử dụng ngay và tận dụng tối đa những nguồn lực đó. Ngoài ra, sáu tỉnh nơi Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh được triển khai đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Vì vậy, việc chia sẻ những kinh nghiệm này với các tỉnh khác cũng là điều nên làm vì chắn chắn có nhiều lợi ích thiết thực.
Và yếu tố thứ ba là rất nhiều bên liên quan đã tham gia vào quá trình triển khai Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh, bao gồm khối tư nhân, các cơ quan nhà nước, cũng như nông dân và hợp tác xã. Đây cũng là điều rất cần thiết cho Đề án Một Triệu hecta lúa để thực sự đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều tham gia đóng góp và phối hợp với nhau vì mọi người đều có những thế mạnh riêng của mình.
PV: Từ kinh nghiệm đã hỗ trợ cho nhiều quốc gia, bà có đề xuất gì cho Việt Nam?
Bà Sonja Esche: Việt Nam đang làm rất tốt và chắc chắn nên tiếp tục phát huy, đó là hợp tác công tư (PPP). Qua những gì tôi quan sát được, các chương trình thành công trong việc chuyển đổi ngành nông nghiệp đều cần vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, và tôi thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong chuỗi giá trị lúa gạo, cũng như các lĩnh vực khác như chuỗi giá trị xoài. Việt Nam có rất nhiều giá trị để chia sẻ và đóng góp, mà các quốc gia khác có thể học hỏi rất nhiều từ Việt Nam. Việt Nam cần thực hiện cách tiếp cận toàn diện, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, chú trọng tới các nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, để tất cả đều có cơ hội tham gia.
Tôi nghĩ rằng đối với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh, ngay từ đầu, việc đảm bảo tất cả các sản phẩm tri thức đều có thể sử dụng được sau khi dự án kết thúc là rất quan trọng trong suốt quá trình thực hiện. Cũng giống như việc tất cả các phương pháp và hệ thống sử dụng đều là các hệ thống đã có sẵn hoặc được điều chỉnh sao cho phù hợp với các hệ thống có sẵn và hướng đi mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD) đang theo đuổi. Vì vậy, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng tất cả các sản phẩm tri thức và thông tin hiện có đều có thể được sử dụng sau triển khai…
PV: Việc áp dụng các đổi mới sáng tạo mà Dự án GIC Việt Nam triển khai sẽ mở ra cơ hội gì cho người nông dân và khuyến nghị của bà về vấn đề này?
Bà Sonja Esche: Ngành nông nghiệp ở Việt Nam đã thay đổi khá nhiều. Nông dân và các hợp tác xã đang đối mặt với những thách thức mới mỗi ngày. Các đổi mới sáng tạo theo một cách nào đó giúp giải quyết một số thách thức này và giúp nông dân nâng cao khả năng chống chịu thông qua điều chỉnh cách thức canh tác sao cho phù hợp với tương lai. Vì vậy, dự án đảm bảo rằng sản xuất vẫn được duy trì, nhưng sau đó cũng hỗ trợ đảm bảo rằng thu nhập của nông dân được giữ nguyên hoặc thậm chí tăng lên thông qua các công nghệ mới, cũng như các thị trường mới.
Thực tế, một bộ phận nông dân bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh mới và các cơ hội thị trường mới. Thị trường xuất khẩu cho ngành xoài chẳng hạn. Còn với lúa gạo, đã xuất hiện các lĩnh vực kinh doanh mới khi nói đến gạo chất lượng cao - những cơ hội kinh doanh mà người nông dân chưa từng có trước đây. Họ có thể tiếp cận với những cơ hội mới này thông qua ứng dụng những đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng có lợi ích trực tiếp cho người nông dân và hợp tác xã khi áp dụng những đổi mới này. Và còn có một lợi ích kèm theo nữa. Ngành nông nghiệp có tác động tới môi trường khá lớn, đặc biệt là việc sử dụng thuốc trừ sâu. Các đổi mới sáng tạo trong Dự án GIC Việt Nam sẽ có tác dụng giúp giảm tác động xấu tới môi trường của các phương pháp canh tác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà Sonja Esche đã giúp cho chúng tôi hiểu rõ hơn về Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm tại Việt Nam.
TRANG TIN VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PTNT.