Cố đồng môn Nguyễn Văn Tịnh sinh ngày 8/4/1950, mất ngày 2/10/1968 âm lịch, khi mới 18 tuổi, là tân sinh viên lớp Sử khoá 13. Sau hai tháng tập trung vừa tự làm nhà ở và học quân sự, mới bước vào học được ít ngày, Nguyễn Văn Tịnh đã đột ngột qua đời tại nơi học sơ tán ở xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là người đầu tiên của Lớp về với tiên tổ. Do đó, mọi thành viên của Lớp rất tiếc thương bạn đồng môn Nguyễn Văn Tịnh rời bỏ bạn học ra đi sớm quá, cách nay đã 56 năm.
Kể từ khi Ban liên lạc cựu sinh viên lớp Sử 13 biên soạn cuốn sách “1968 – 1972: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - TẬP 1” vào năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm Tốt nghiệp Đại học ra trường, tiến hành thống kê, lập danh sách Lớp có 102 thành viên thì chỉ biết Nguyễn Văn Tịnh quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc mà không biết địa chỉ ở xã, thôn nào. Trong khi đó, Vĩnh Tường có tới 29 xã, thị trấn, là huyện rộng lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc, dò hỏi lãnh đạo một số xã gần ga đường sắt Bạch Hạc do một vài đồng môn cùng quê cung cấp thông tin nhưng họ đều trả lời không có ai là Nguyễn Văn Tịnh như đang tìm kiếm, thành thử không liên hệ được với thân nhân gia đình để đến thăm, tặng sách. Sau khi dò tìm được địa chỉ chính xác thân nhân Nguyễn Văn Tịnh mới biết là nhà ở cách ga xe lửa Hướng Lợi hơn 1 Km. Ga Hướng Lại là một nhà ga xe lửa tại huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà ga là một điểm của đường sắt Hà Nội - Lào Cai và nối với ga Vĩnh Yên với ga Bạch Hạc (Phú Thọ).
Rồi đến năm 2022, tức 10 năm sau, Lớp Sử 13 lại tiếp tục biên soạn xuất bản cuốn sách MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - TẬP 2 (Kỷ niệm 50 năm ra trường 1972 -2022), Ban liên lạc cựu sinh viên của Lớp vẫn chưa tìm được địa chỉ cụ thể đồng môn Nguyễn Văn Tịnh ở xã, thôn nào của huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Bản thân tôi được các thành viên của Lớp Sử 13 giao làm Chủ biên cuốn sách này cứ băn khoăn, trăn trở hơn chục năm nay mong sao tìm được địa chỉ của thân nhân gia đình đồng môn Nguyễn Văn Tịnh để thay mặt Lớp đến thăm, tặng sách, thắp nén hương tưởng nhớ bạn học cũ.
Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Chiến thắng 30/4/2024 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thể theo lời mời thân thiết, tôi đã tranh thủ lên thăm Cựu chiến binh, Trung tá, Nhà thơ Bùi Văn Dung là bạn văn tại tư gia ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cùng từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là tác giả hai bài thơ nổi tiếng được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào” đi cùng năm tháng. Trong giao lưu tiệc mừng chiến thắng có đông bạn hữu của Nhà thơ Bùi Văn Dung đến dự, mến mộ tôi là tác giả tiểu thuyết Tơ Vò do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2018, có một vị công tác ngành giáo dục ở Vĩnh Phúc đã nghỉ hưu sau khi nghe tôi bày tỏ mong muốn tìm người bạn học Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) đã quá cố, chỉ biết quê ở Vĩnh Tường nhưng không biết ở xã, thôn nào là Nguyễn Văn Tịnh không may bị bệnh mất cuối năm 1968 khi mới vào năm học đầu tiên tại nơi sơ tán ở Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Vị giáo chức này liền mách bảo hãy đến Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Tường hỏi về trường hợp này có thể học cấp 3 Vĩnh Tường (nay là Trung học phổ thông Lê Xoay) tra sổ lưu sẽ giúp tìm ra địa chỉ xã, thôn của Nguyễn Văn Tịnh.
Tôi liền nhờ một vài đồng nghiệp báo chí công tác thường trú tại Vĩnh Phúc dò hỏi Sở Giáo dục – Đào tạo Vĩnh Phúc tra tàng thư xem có sổ lưu cựu học sinh tốt nghiệp cấp 3 Trường Lê Xoay học khoá 1965 -1968 tên là Nguyễn Văn Tịnh ở xã, thôn nào của huyện Vĩnh Tường.
Kết quả tra cứu trong sổ lưu của Sở Giáo dục - Đào tạo Vĩnh Phúc cho biết có Nguyễn Văn Tịnh tốt nghiệp Trường cấp 3 Lê Xoay khoá 1965 – 1968, quê xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường sinh ngày 8/4/1950 nhưng không ghi ở thôn nào? Sau khi được Sở Giáo dục - Đào tạo Vĩnh Phúc xác định được xã Chấn Hưng, tôi tin sớm muộn cũng sẽ tìm ra địa chỉ thân nhân của Nguyễn Văn Tịnh.
Đầu tháng 12/2024, một đồng nghiệp đang ngồi uống nước trà ở Văn phòng đại diện Tạp chí khoa học và phát triển nông thôn (nongthonvaphattrien.vn) tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thì bỗng dưng có người quen là Luật sư Vũ Trường Hùng, quê ở thôn Yên Nội, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường ghé thăm. Sau vài tuần trà thuốc, đồng nghiệp bày tỏ muốn tìm địa chỉ về người quá cố là Nguyễn Văn Tịnh khi đang học khoa Sử khoá 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) không may bị bệnh mất cuối năm 1968 tại nơi sơ tán ở Thái Nguyên khi mới bước vào học năm thư nhất quê ở xã Chấn Hưng nhưng không biết ở thôn nào mà Chấn Hưng có tới 7 thôn.
Nghe thông tin trên, Luật sư Vũ Trường Hùng trầm ngâm bảo rằng mình nhớ mang máng là trong gia đình họ mạc có người tên là Tịnh như vậy để về hỏi bố xem có biết bác Nguyễn Văn Tịnh không? Luật sư Vũ Trường Hùng liền rút điện thoại ra gọi cho bố đang ở quê. Bố Luật sư Vũ Trường Hùng bảo rằng đấy là anh em họ trong gia đình và những thông tin về Nguyễn Văn Tịnh đều trùng khớp với gia cảnh thân nhân đang thắp hương thờ cúng Nguyễn Văn Tịnh.
Mặc dù vậy, tôi vẫn phải nhờ đồng nghiệp thường trú tại Vĩnh Phúc, ngày 18/12/2024, đã về thôn Yên Nội, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường đi tiền trạm để hỏi thêm, được thân nhân gia đình xác nhận đúng Nguyễn Văn Tịnh là cố sinh viên Lớp Sử 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), hiện do con trai của người em thứ hai của Nguyễn Văn Tịnh là Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1988, thắp hương thờ cúng.
Bố Nguyễn Văn Tịnh đã mất năm 1978, mẹ mất năm 1992. Ông bà có 6 người con, 3 trai, 3 gái. Nguyễn Văn Tịnh là con trai thứ 2 mất năm 1968. Người em trai thứ ba là Nguyễn Văn Thêm mất năm 2023. Bà Tô Thị Sen là vợ Nguyễn Xuân Thêm, là em dâu cùng con trai Nguyễn Xuân Anh, là cháu ruột hiện thắp hương thờ cúng Nguyễn Văn Tịnh. Kinh tế gia đình bà Sen và cháu Anh thuộc loại khá, cách nay 2 năm xây nhà 2 tầng khang trang.
Lớp Sử khoá 13 có 102 cựu sinh viên nhập trường năm 1968 cách nay 56 năm, ra trường năm 1972, cách nay 52 năm, là khoá học trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, phải đi sơ tán lúc đầu tại xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) sau đó về Mễ Trì (Hà Nội) rồi tiếp tục đi sơ tán tại các địa phương khác (Thanh Oai, Ba Vì – Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), Yên Phong (Bắc Ninh) vô cùng gian khổ đến nay đều đã U80, U90 về nghỉ hưu nhiều năm, sức khoẻ ngày càng suy giảm.
Tốt nghiệp ra trường, các cựu sinh viên lớp Sử 13 đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác, trong đó không ít thành viên đã gia nhập Quân đội, Công an, làm phóng viên chiến trường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ; bảo vệ biên giới phía Bắc và chủ quyền lãnh hải của đất nước. Nhiều thành viên của lớp đã thành danh, trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà báo, Nhà văn, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chuyên viên nghiên cứu, Sĩ quan Công an, Quân đội… từng công tác trên khắp mọi miền đất nước, có những thành viên từng đảm nhiệm vị trí công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học cùng nhiều cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Sau khi về nghỉ hưu, một số thành viên của lớp vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, tham gia hội thảo khoa hoc liên quan đến lịch sử, viết báo, viết sách đóng góp cho xã hội.
Bạn Nguyễn Văn Tịnh là người đầu tiên của lớp Sử 13 về với tổ tiên trong bối cảnh phải học nơi sơ tán ở rừng sâu rất khó khăn, phải tự làm nhà ở, lớp học, đói rét, thiếu thốn đủ đường. Nghe nói do có tiền bệnh về tim, sức khoẻ yếu, ăn uống kham khổ, phải tự mua sắn về luộc ăn hình như bị say sắn, trạm xá của trường ở xa, cấp cứu không kịp, đã trút hơi thở cuối tại nơi sơ tán xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ nên các thành viên của lớp đều nhớ thương vô hạn. Theo gia đình cho biết, sau khi địa táng tại nghĩa trang nơi học sơ tán xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ được 2 năm thì gia đình đã cải táng đưa hài cốt Nguyễn Văn Tịnh về nghĩa trang quê nhà. Nơi lớp Sử khoá 13 học sơ tán trước đây tại xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ từ năm 1979 đã trở thành lòng hồ thuỷ lợi Núi Cốc (Thái Nguyên).
Như vậy, Nguyễn Văn Tịnh là con trai trưởng. Người em trai thứ hai của Nguyễn Văn Thêm cũng đã mất năm 2023.
Đồng môn Nguyễn Văn Tịnh quy tiên sớm, “chết trẻ khoẻ ma” phiêu diêu miền cực lạc, rất linh thiêng ứng nghiệm. Mãi sau 56 năm, Ban liên lạc cựu sinh viên của Lớp mới lận đận tìm được địa chỉ thân nhân gia đình bạn. Tôi hiện là Trưởng Ban liên lạc thay mặt cho các bạn cựu sinh viên cùng học lớp Sử khoá 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) đến thắp hương, tặng hai quyển sách Tập 1 và 2 của Lớp để tưởng nhớ, không bao giờ quên bạn. Họ và tên bạn vẫn được ghi trong hai tập sách của Lớp nhưng thiếu ngày tháng năm sinh, thiếu quê quán xã, thôn, chỉ có tên huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu sau này, Lớp xuất bản Tập 3 MỘT THỜI ĐỂ NHỚ sẽ ghi không chỉ đầy đủ Họ và tên cùng ngày tháng năm sinh, có đầy đủ địa chỉ thôn Yên Nội, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ gửi tặng sách cho thân nhân thắp hương thờ cúng bạn đồng môn Nguyễn Văn Tịnh để lưu truyền hậu thế.
Đồng thời tôi cũng đã tặng thân nhân gia đình bạn Nguyễn Văn Tịnh tập Truyện Ký ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT với bút danh Quân Yên (Vũ Xuân Bân) do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2023, trong đó có nhiều nội dung viết về quê hương Vĩnh Phúc của bạn.
Linh hồn bạn Nguyễn Văn Tịnh và những người bạn học lớp Sử 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) đã về cõi vĩnh hằng hãy phù hộ độ trì cho những đồng môn cùng những người thân trong gia đình, họ mạc, quê hương bản quán ở trên trần khoẻ mạnh, an lành, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống !
Cũng xin báo tin cho đồng môn Nguyễn Văn Tịnh, đến cuối năm 2024, lớp Sử 13 đã có 23 thành viên về với tiên tổ, trong đó có một liệt sĩ chống Mỹ cứu nước. Nhân dịp này xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ những đồng môn lớp Sử khoá 13 đã rời cõi tạm về với tổ tiên.
Vũ Xuân Bân
22.12.2024