Nhịp ngầm rộn rã
Trên các tuyến phố Lương Văn Can, Cầu Gỗ, Phố Huế ở Hà Nội không khó để bắt gặp những cửa hàng may áo dài đề biển hiệu gắn chữ Trạch, chữ Mỹ, chẳng hạn như: Vinh Trạch, Đức Trạch, An Trạch, Vạn Mỹ, Mỹ Hào, Mỹ Đinh... Đây hầu hết là những cửa hiệu đã có từ lâu mà phần đa đều có nguồn gốc từ nghề may làng Trạch Xá.
Tìm về “cái nôi” của những cửa hiệu áo dài trên phố cổ, chúng tôi đặt chân đến làng nghề may áo dài truyền thống vào một ngày đầu đông. Cách trung tâm Thủ đô hơn 40km, làng Trạch Xá nay vẫn giữ nghề may áo dài với một nhịp ngầm rộn rã trong từng ngôi nhà.
Sở dĩ gọi là “nhịp ngầm” là bởi nếu quan sát bên ngoài ngôi làng sẽ chỉ cảm nhận được sự yên ắng, thanh bình của một làng quê, phải đi sâu vào trong làng, ghé thăm một gia đình nào đó thì mới thấy được cái “rộn rã”, tất bật của nghề may. Bên chiếc máy may, người thợ tập trung, tay đưa mũi kim thoăn thoắt luồn qua mảnh vải tạo một đường thẳng tăm tắp, và nếu lắng tai thì còn nghe được cả tiếng “lách tách” của nhịp kim khâu.
Ghé thăm nhà nghệ nhân Đỗ Minh Tám (tên thật là Đỗ Minh Thường) đúng lúc ông đang khâu chiếc áo ngũ thân cho khách, chúng tôi vừa được chiêm ngưỡng kỹ thuật khâu kim tay dọc vừa được nghe ông kể về lịch sử của làng may áo dài Trạch Xá: “Làng nghề này có từ khi vợ của vua Đinh lánh nạn về đây.
Theo sử sách chép lại, bà Nguyễn Thị Sen, vợ của vua Đinh Tiên Hoàng (924-979). Bà vốn là một người con gái đẹp, đảm đang, đặc biệt là có tài khâu vá nên đã hướng dẫn các cung nữ làm ra các bộ y phục trong triều. Khi vua Đinh mất, bà cùng con là công chúa Liên Hoa về làng mai danh ẩn tích. Nhận thấy vùng đất này dọc đê sông Đáy người dân trồng dâu, nuôi tằm, bà dạy cho dân ở Hòa Xá ươm tơ, dân ở Phùng Xá dệt vải, còn ở Trạch Xá bà dạy dân cách khâu áo.
Bà có tay nghề khéo đặc biệt khi may cắt áo dài nên nghề may ở Trạch Xá được mở mang cũng là từ đấy. Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ và suy tôn bà là Thánh sư tổ nghề may. Hàng năm vào ngày giỗ của bà (12/12 âm lịch) dân làng lại tổ chức lễ giỗ rất linh đình, nhiều người làm nghề may trong nước cũng tụ hội về đây để dâng hương tưởng nhớ bà”, ông Tám kể lại.
Lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề áo dài Trạch Xá đã có thời điểm khá long đong, lận đận. Khi mới hình thành làng nghề, những thợ may áo dài được học cách làm áo ngũ thân truyền thống.
Đến sau năm 1975 áo ngũ thân dường như biến mất và thay vào đó là các loại áo dài cách tân với nhiều kiểu dáng khác nhau. Những người thợ trước đây sống bằng nghề may áo ngũ thân cũng đã từng đứng trước thời kỳ khủng hoảng, số phận làng nghề nên chỉ có thể tồn tại một cách lay lắt. Nhưng khi đã trải qua một quá trình đầy gian nan, thử thách, làng Trạch Xá vẫn “sống” để tiếp tục làm ra những sản phẩm áo dài truyền thống chất lượng và uy tín. Hơn 40 năm làm nghề may áo dài, chứng kiến nhiều sự đổi thay của làng, ông Tám tâm sự: “Mặc dù thời điểm đầu khi làm áo dài cách tân khá khó khăn, nhưng để giữ được nghề truyền thống mà các cụ để lại thì chúng tôi buộc phải cuốn theo thời đại để sống với nghề”.
Nối dài nghề may truyền thống
Lại nhắc chuyện thời trước, người xưa chỉ truyền nghề cho con trai, chính vì thế mà làng Trạch Xá có nhiều nam giới may áo dài. Nhưng lý giải về điều này, theo lời kể của nghệ nhân Đỗ Minh Tám, ngày trước khi kinh tế chưa phát triển, chỉ có những nơi hay tổ chức lễ hội thì mới có khách may áo dài, nên người làng Trạch Xá buộc phải đi nơi khác để kiếm sống.
“Làng tôi ngày trước đây không truyền nghề cho phụ nữ cũng là bởi phải tính kế mưu sinh, làm nghề phải đi nhiều nơi mà phụ nữ thì không thể đi được nên buộc phải ở nhà để đàn ông đi làm ở nơi xa”, ông Tám nói. Những người thợ rời xa làng quê đến các thị trấn thường làm thuê hoặc mở cửa hiệu may áo dài. Chính vì thế mà hiện nay trên nhiều con phố cổ Hà Nội vẫn còn đó những tiệm may của người làng Trạch Xá.
Chia sẻ thêm về những thăng trầm của làng Trạch Xá, ông Tám cho hay: “Từ năm 2005 trở về trước làng không có nhà nào làm may, những người làng ra thành phố kiếm việc và làm ở đó. Nhưng sau này công việc nhiều lên, việc thuê thợ khâu ở ngoài Hà Nội rất khó vì đặc thù làng tôi có món nghề khâu kim tay dọc, cho nên tôi mang sản phẩm về quê và thuê nhân công. Thời điểm đó nhà tôi có hơn 20 người. Khi dân làng thấy tôi làm vậy có hiệu quả họ cũng rút dần về quê. Từ sau năm 2005 trở lại đây mới có người trong làng làm thợ may.
Bây giờ trong làng hầu hết là phụ nữ làm, còn nam giới vẫn phải đi xa để mở cửa hàng, cửa hiệu. Những người thợ giỏi sẽ “cắm chốt” ở một vùng nào đó để nhận hàng. Như tôi thì tôi ở lại làng để làm “hậu phương” cho những người ở “tiền tuyến”, để ở đó họ chỉ nhận đơn hàng rồi chuyển về. Ở làng hiện có hơn 10 người chuyên vận chuyển để chuyển hàng từ làng ra và lấy hàng từ các đầu mối về để sản xuất”.
Làng may Trạch Xá trải qua bao khó khăn nhưng hiện nay vẫn có những thế hệ đang tiếp tục nối dài nghề truyền thống. Hiện cả làng có khoảng 540 hộ và có đến 90% làm thợ may. Trò chuyện với bà Nghiêm Thị Mùi, người phụ nữ về làm dâu ở làng Trạch Xá, chồng bà sinh ra ở làng nhưng không theo được nghề bởi bệnh tật, nhưng nhà bà hiện nay có 3 đứa con theo nghề của làng. “Từ hồi lên 10 tuổi, các con tôi đã theo học một thầy giỏi nghề trong làng. Cứ mỗi lần đi học về là chúng lại cầm kéo, cầm thước, cầm kim.
Cho đến bây giờ đã gần 30 năm học và làm nghề, 2 đứa đã mở được cửa hàng ở ngay trong làng, đứa may áo dài, đứa may khăn chầu áo ngự, phụ kiện hầu thánh”, bà Mùi chia sẻ. Thế mới thấy, nếu như ngày xưa các cụ chỉ truyền nghề cho con trai, con gái, con dâu không được học nghề thì bây giờ không kể già, trẻ, lớn bé, trai, gái chỉ cần có đam mê và sự chăm chỉ đều có thể đến và học nghề ở làng may Trạch Xá.
Giữ mãi bí quyết khâu kim tay dọc
Nhờ gìn giữ được kỹ thuật khâu kim tay dọc mà nghề may làng Trạch Xá đã tồn tại qua nhiều biến động của lịch sử. Mặc dù hiện nay đã có sự hỗ trợ của máy may nhưng đối với những người thợ gạo cội họ vẫn thường sử dụng kỹ thuật khâu tay, đặc biệt là khi làm chiếc áo ngũ thân truyền thống.
“Kỹ thuật khâu kim tay dọc chỉ ở làng tôi mới có. Khi khâu chúng tôi giữ cái kim đứng im, tay múa, đưa vải, theo tiêu chuẩn “trong dán hồ, ngoài phô trứng rận”, cầm kim mà coi như không cầm kim”, ông Tám chia sẻ kinh nghiệm. Sản phẩm sau khi khâu mặt trong sẽ như dán hồ, mũi kim không hiện nhưng mặt ngoài thì đường kim phải thật đều. Đó chính là điểm tạo nên sự khác biệt cho chiếc áo dài của làng Trạch Xá. Những vị khách muốn may áo dài thật đẹp, thật chuẩn thường hay ghé đến làng để tìm lại những giá trị truyền thống vốn có của chiếc áo dài Việt Nam.
Ông Tám cho biết thời điểm làng nhận về nhiều đơn đặt hàng nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12. “Khi học sinh bắt đầu đi học thì chúng tôi nhận may áo dài đồng phục, đến 20/10, 20/11 thì lại chuyển qua may áo dài phục vụ các chị em phụ nữ. Mấy tháng cuối năm thường có nhiều đám cưới, đầu năm thì tổ chức nhiều lễ hội nên số lượng đơn hàng nhiều không đếm xuể”.
Thế nhưng trong một năm làng Trạch Xá cũng mất khoảng 5 tháng ít việc hoặc không có việc, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8, bởi đây là các tháng hè, thời tiết nắng nóng nên ít người đặt may, vì thế mà có những ngày người thợ phải làm từ 16 – 18 tiếng, có khi thức trắng đêm để làm cho kịp lô hàng, nhưng cũng có những ngày rảnh rỗi để thư giãn sau những tháng làm việc không ngừng nghỉ.
Theo Chi Cục phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố đã ban hành kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề giai đoạn 2022-2025. Điều mới trong kế hoạch này là việc thu thập và bảo tồn tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm, xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ. Thành phố cũng khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, giúp các làng nghề thích ứng với xu hướng phát triển mới và bền vững trong đó có làng nghề may áo dài Trạch Xá.
Ngày nay những người thợ của làng không chỉ may đo những bộ áo dài cách tân để làm vừa ý khách hàng mà còn lưu giữ được nét truyền thống của chiếc áo ngũ thân. Tiếng lành đồn xa cùng với sự hỗ trợ của công nghệ số, sản phẩm áo dài Trạch Xá đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, tiếp tục nhân lên những giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có của chiếc áo dài Việt Nam.
---
Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội