Những điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Di Linh

Bà con nông dân đã nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích bằng việc trồng xen các loại cây khác trong diện tích cà phê. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện.

Di Linh nằm ở độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển, trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao. Khí hậu ôn hòa quanh năm, có nhiệt độ trung bình năm 22,2oC, độ ẩm bình quân 87% với lượng mưa cả năm 3.103 mm. Là vùng đất bazan màu mỡ, chiếm trên 30% diện tích tự nhiên, Di Linh có khí hậu phù hợp, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, kể cả các loại cây ngắn dài (các loại rau, dâu tằm,…) và cây dài ngày (cà phê, sầu riêng, mắc ca,…)

Theo bà Nao Sre Hồng Thuyên - Phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, bà con nông dân là người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện trong những năm gần đây đã chủ động tìm hiểu các giống cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ các loại cây trồng truyền thống như cà phê, chè,..sang các loại cây trồng khác như sầu riêng, mắc ca, dâu tằm, các loại rau màu,… Bà con đã ý thức áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp theo khuyến cáo của ngành chức năng, từ đó xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

images2375467-img-7031-1730174862.jpgBà con nông dân từng bước thay đổi hình thức canh tác truyền thống.

Tại xã Đinh Trang Thượng Mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng các loại rau màu là hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với 72% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh, tuy nhiên bà con xã Đinh Trang Thượng đã từng bước thay đổi những phương thức canh tác truyền thống mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhận thấy những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm, trồng các loại cây rau màu (cà chua, bắp cải, ớt chuông,…). Toàn xã hiện có 31 hộ trồng dâu nuôi tằm, 5 hộ trồng rau màu hiện vẫn duy trì và phát triển khá tốt, mang lại thu nhập cho gia đình. 

Theo ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết thêm, chính quyền địa phương đứng ra làm cầu nối để người dân liên kết với các đại lý thu mua nông sản trong và ngoài huyện, thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật giúp bà con yên tâm canh tác. Trồng dâu nuôi tằm và trồng cà chua trên địa bàn xã là hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt đã có tác động mạnh mẽ làm thay đổi tư duy một bộ phận không nhỏ của người dân trong việc xóa bỏ tập tục canh tác độc canh và tạo động lực ý chí vươn lên, tạo luồng sinh khí mới trong đời sống của người dân. Mô hình này không chỉ giúp gia tăng thu nhập mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là lao động nữ và người lớn tuổi.

Điển hình trong mô hình trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Trang Thượng có hộ gia đình của ông K’ Kres, sinh năm 1979  địa chỉ tại thôn 5, xã Đinh Trang Thượng. Gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi trồng dâu nuôi tằm từ năm 2020 đến nay, diện tích 1,8ha, 1 năm nuôi 7 đến 9 đợt mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Mô hình của ông cũng là tấm gương sáng cho các hộ dân khác noi theo học tập, ông cũng là người chia sẻ những kinh nghiệm trực tiếp cho hộ dân khác trong xã. 

z5908194334814-9180a3c3fd652e1608a75924ea484482-1730175050.jpgSản phẩm từ mô hình trồng cà phê sạch được nhiều du khách quan tâm.

Về sản phẩm cà phê sạch, Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho Coffee – xã Đinh Trang Hòa là mô hình điểm về trồng cà phê theo hướng organic, thân thiện môi trường, là mô hình điểm trong địa bàn xã. Từ năm 2018, các thành viên trong thôn 1B, xã Đinh Trang Hòa đã thống nhất cùng nhau canh tác, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ trên diện tích 5ha, sau 5 năm thực hiện quy trình trồng, chăm sóc và sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ trên cơ sở áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm hướng đến xây dựng một vùng trồng và chế biến cà phê sạch, nâng cao giá trị cho cây cà phê. Ngày 10 /3/2022 , tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee tại thôn 1B xã Đinh Trang Hòa chính thức được UBND xã thành lập gồm 7 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Các thành viên trong tổ hợp tác đã thống nhất cùng nhau sản xuất cà phê sạch và tập trung vào khâu sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê với mong muốn đem những hạt cà phê ngon nhất do chính tay người đồng bào Kơ ho làm ra gửi tới khách hàng. Các thành viên trong tổ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất đã đề ra từ khâu chăm sóc, thu hái quả chín đến chế biến ướt, tạo được vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao. Sau khi có cà phê sạch theo hướng hữu cơ, các thành viên trong tổ tiến hành rang xay cà phê bột nguyên chất và bán ra thị trường được 02 năm với 02 dòng sản phẩm là  Cà phê hữu cơ giá bán: 360.000 đồng/ kg; Cà phê để cỏ giá bán: 250.000 đồng/kg. Sản phẩm cà phê rang xay của tổ hợp tác đã được UBND huyện Di Linh đánh giá công nhận sản phẩm OCOP huyện Di Linh năm 2023 (đợt 2) tại Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2024.

Mô hình trồng cà phê xen canh sầu riêng kết hợp chăn nuôi của ông K’ Đim – Thôn TaLy, xã Bảo Thuận là một mô hình điểm trong việc kết hợp trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn xã Bảo Thuận - huyện Di Linh. Với diện tích canh tác cà phê trước đó, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi trồng xen sầu riêng, đầu tư hệ thống máy tưới chủ động trong việc tưới tiêu diện tích cây trồng. Là người đi đầu trong việc chủ động thực hiện mô hình chăn nuôi như nuôi dúi, heo đen, gà,…lấy nguồn chất thải của vật nuôi làm phân bón cho cây trồng, tận dụng hiệu quả các chất thải trong chăn nuôi, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ông cũng là người chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ xung quanh, lân cận tại xã.

 

hinh-1-jpeg-3976-1630236281-860x0-1730175136.jpgChuyển đổi mô hình trồng cà chua giúp bà con cải thiện thu nhập.

Một mô hình điểm cho bà con đồng bào DTTS học tập là hộ trồng cà chua nhà kính của ông Kon Jàn Yong Nhòng K’ Lập tại thôn 4 xã Đinh Trang Hoà. Với diện tích nhà kính 1.00m2, gia đình mạnh dạn chuyển đổi và đầu tư nhà kính để trồng cà chua, mỗi năm gia đình trồng 2 vụ/ năm, nhờ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật nên năng suất đạt chất lượng, mang lợi thu nhập cho gia đình khoảng 120 đến 150 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, ông còn thường xuyên hướng dẫn cho bà con trong xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây rau màu, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình. Là mô hình điểm cho bà con đồng bào DTTS học tập.

Thời gian qua, để tăng hiệu quả cho nghề trồng dâu nuôi tằm nói riêng và việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng nói chung cho bà con dân tộc thiểu số, huyện Di Linh đã mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao áp dụng khoa học - kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, gắn với chương trình khuyến nông. Nhờ đó, đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của bà con dân tộc thiểu số và định hướng trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh như: tái canh cây cà phê, cây ăn quả, kỹ thuật chăm sóc cây lúa nước, kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ, cây dâu tằm, cây mắc ca…

Với những bước đi phù hợp, nhất là việc sâu sát, nắm rõ hoàn cảnh và nguyên nhân khó khăn của từng hộ dân và cùng với việc dựa vào lợi thế của từng vùng, từng địa phương để đưa ra những giải pháp phù hợp trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác phát triển nông thôn huyện hiện nay. Đồng thời thành quả mang lại trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương thời gian qua rất đáng trân trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi hộ dân trong việc phấn đấu vươn lên; góp phần tạo diện mạo mới cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.