Kỳ 29.
Việt Nam đã thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) với mục tiêu là sắp xếp lại cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, từ sau Đại hội V ta đã đạt được những thành tựu trong kinh tế, đồng thời ngăn chặn được sự giảm sút, sản lượng nông nghiệp đạt 17 triệu tấn (so với 13 triệu tấn 1976-1980) nhờ cơ chế khoán 100, sản lượng công nghiệp tăng bình quân hằng năm đạt 9,5% (so với 0, 6% các năm 1978-1980). Các công trình thuỷ điện Hoà Bình, Trị An được khởi công xây dựng.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn rất khó khăn về kinh tế, sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp, tài nguyên và cơ sở vật chất bị lãng phí, hàng hoá khan hiếm, phân phối lưu thông rối ren, vật giá tăng nhanh, ngân sách thâm hụt, lạm phát tăng nhanh, kinh tế mất cân đối. Tiêu cực trong xã hội ngày càng phát triển. Một bộ phận cán bộ nhà nước tham nhũng, lãng phí, đời sống nhân dân lao động, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang khó khăn, thiếu thốn. Tất cả những khó khăn trên bắt nguồn từ việc vẫn tiếp tục duy trì tình trạng quan liêu bao cấp. Mô hình chủ nghĩa xã hội này của Liên Xô, đúng hơn là của Stalin, được các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và châu Á thực hiện theo. Tuy nhiên, ban đầu trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhất định, mô hình này phát huy tính tích cực của nó. Những năm 70 của thế kỷ XX chủ nghĩa xã hội thế giới phát triển đến đỉnh cao của sự hưng thịnh. Nhưng vào những năm 80, mô hình này bắt đầu xơ cứng, lạc hậu, đẩy toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và sụp đổ. Việt Nam theo mô hình chủ nghĩa xã hội này không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng chung của hệ thống. Vào những năm 80 nước ta đứng trược sự khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội.
7. 2. Thời kỳ 1986-2014: Xây dựng đất nước theo con đường đổi mới. Khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thế giới và khủng hoảng trong nước đặt ra vấn đề đổi mới ở nước ta vô cùng bức thiết vì nó quyết định sự tồn vong của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 đúc rút kinh nghiệm nhiều thập kỷ của chủ nghĩa xã hội thế giới và Việt Nam đã rút ra kết luận rằng đi lên chủ nghĩa xã hội không thể chủ quan, nóng vội, duy ý chí, đốt cháy giai đoạn mà phải tuân theo quy luật khách quan, trải qua nhiều bước quá độ. Từ kết luận đó, Đại hội VI chủ trương đổi mới toàn diện và sâu sắc trong đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tư tưởng chỉ đạo kế hoạch xây dựng kinh tế là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Về giải pháp cụ thể phải tập trung sức người, sức của thực hiện 3 chương trình, 3 mục tiêu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu .
Đại hội VI được ghi nhận mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ giữa năm 1988 đến 1990, chính sách đổi mới đã phát huy tác dụng tích cực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, nhờ đổi mới cơ chế quản lý theo chỉ thị 10 của Bộ Chính trị, lương thực tăng không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn dự trữ được và có một phần để xuất khẩu. Đất nước đã hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước. Từ cơ chế quan liêu, bao cấp, hành chính mệnh lệnh chủ quan duy ý chí chuyển sang cơ chế hạch toán kinh tế. Lạm phát được kiềm chế.
Đại hội VII (6-1991) đã phát triển tư duy kinh tế của Đại hội VI: Đại hội VII chủ trương phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển nông nghiệp toàn diện. Từng bước xây cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, từng bước thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp lên cao với sự đa dạng của các hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng chủ nghĩa xã hội vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Đường lối đổi mới của Đại hội VI-VII đã đi đúng quy luật khách quan, giải phóng lực lượng sản xuất. Cho nên từ năm 1986 đến năm 2007 ta đã đạt được những thành tựu to lớn, đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, một số vùng nông thôn từ kinh tế tự túc tự cấp bước đầu chuyển sang nền kinh tế hàng hoá thị trường. Nông nghiệp và nông thôn phát triển theo xu hướng đa dạng hoá ngành nghề, phá thế độc canh, tạo sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế. Diện tích đất đai canh tác nông nghiệp tăng từ 7 triệu ha lên 9,4 triệu ha sau 20 năm đổi mới, chiếm 28,4 % tổng diện tích cả nước. Từ 1988 đến 2004 sản lượng lúa hằng năm đạt trung bình 25,3 triệu tấn, lương thực bình quân đầu người tăng qua các năm 1993: 359 kg, 1997: 398, năm 2000 435 kg (NCLS số 6 2004 ). Từ chỗ thiếu lương thực, đến năm 1998 ta đã đủ gạo cho nhu cầu cả nước và sau đó đã có thừa để xuất khẩu. Năm 1990 ta xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, đứng thứ hai thế giới, sau Thái Lan.
Trong nông nghiệp ta đã tận dụng thế mạnh của từng vùng trồng cây công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu như cà phê, hạt điều, cao su, hạt tiêu. Sản lượng cà phê năm 2000 tăng 5,4 % so với năm 1990, cao su mủ khô tăng 4,5 lần, chè tăng gấp 2 lần, mía gấp 3 lần, bông tăng 8,1 lần. Chăn nuôi thuỷ, hải sản phát triển, chiếm 10-12% giá trị sản lượng nông -lâm- ngư nghiệp. Sản lượng thuỷ sản năm 2000 đạt 1,9 triệu tấn, gấp 2,1 lần so với năm 1990. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ hải sản tăng bình quân 17,7 % năm, chiếm 8-9 % kim ngạch xuất khẩu cả nước. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, chiếm 13-14 % giá trị toàn ngành nông -lâm -ngư nghiệp, tăng bình quân 5,4 %. Sản lượng thịt hơi các loại năm 2000 đạt trên 1,7 triệu tấn, gấp 1,9 lần so với 1990. Xuất khẩu nông- lâm- thuỷ sản năm 2000 đạt 4 tỉ USD, bình quân hằng năm chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu nông nghiệp năm 2007 đạt 12 tỉ USD. Một số mặt hàng đóng vai trò chủ lực như gạo thứ hai thế giới, cà phê, hạt tiêu đứng thứ ba. Năm 2007 xuất khẩu cà phê đạt 1,8 tỉ USD, đánh bắt thuỷ hải sản phát triển. Năm 2007 ta có 95.000 tàu thuyền đánh bắt cá trên biển.
Hệ thống thuỷ nông phát triển. Ta đã xây dựng được hàng nghìn hồ, đập, công trình tưới tiêu, hàng vạn trạm bơm với tổng công suất 24,8 triệu m3/giờ, tưới cho 3,7 triệu ha, tiêu úng cho 1,6 triệu ha, ngăn mặn 80 vạn ha, cấp nước sạch 1,2m3 /ngày cho 60 % cư dân. Tóm lại quy mô kinh tế nông nghiệp đến năm 2013 cao gấp 5,6 lần so với năm 1976.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các năm 1991-1995 giá trị sản lượng công nghiệp đạt 13,7 %. Đường lối Đại hội XIX và Đại Hội X khẳng định đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Trước tiên từ 1996 đến 2000 thực hiện đồng thời 3 mục tiêu về kinh tế là tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, chuẩn bị cho bước phát triển sau năm 2000 về cơ sở hạ tầng, về công nghệ, nhân lực và hoàn thiện thể chế . Công nghiệp năm 1991-1995 tăng 13,7%, 1991-2000 đạt 12,9 %, năm 2006 tăng 16.7 % so với năm 2005. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2007 tăng 17,1 %, cao hơn mức kế hoạch.
Năm 2000 so với năm 1990 sản lượng dầu thô tăng 6,1 lần, điện gấp 3 lần, than sạch đạt 10 triệu tấn, thép cán gấp 3,9 lần, xi măng 4,6 lần, phân bón 2,6 lần, giấy các loại tăng 3,8 lần. Nhiều nhà máy thuỷ điện vận hành vào năm 2007. Nhu cầu điện năm 2007 tăng 20 % so với 2006. Như vậy trong lĩnh vực công nghiệp quy mô tăng gấp 32,4 lần so với 1976.
Ngành dệt may xuất khẩu năm 2007 đạt 7,8 tỉ USD. Từ 1996 đến năm 2000 các ngành dịch vụ tăng 6.4%, riêng năm 2000 giá trị các ngành dịch vụ tăng 8,2 % .
Thương nghiệp thương mại phát triển. Tổng mức hàng hoá bán lẻ tăng bình quân 6,8 % năm 2000 so với năm 1990. Tổng mức bán lẻ năm 2006 tăng 20,7 % so với năm 2005, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,6% so với năm 2005. Kim ngạch xuất khẩu tăng 20 % trong các năm 1991-1995. Từ tình trạng thiếu thốn hàng hóa thời bao cấp ta đã bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Còn có dự trữ và xuất khẩu, cung cấp đầy đủ năng lượng và vật liệu xây dựng. Trong lĩnh vực ngoại thương xuất khẩu, từ 1991 đến năm 2000 đạt 67,3 tỉ USD, bình quân hàng năm tăng 18,2 %, tăng gấp 6 lần so với năm 1990. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ 1991-2000 đạt 82 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2006 tăng 21,4 % so với 1995. Tỉ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng năm 1990 là 14 %, đến năm 2000 giảm còn 4,5 %. Chênh lệch giữa kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu từ 1995 là 49,6%, đến năm 2000 giảm còn vài phần trăm. Xuất khẩu năm 2013 cao gấp 593,3 nhập khẩu gấp 129 lần so với 1976.
Giao thông vận tải phát triển, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường quốc lộ các tuyến Bắc –Nam, các tuyền từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các khu công nghiệp, các vùng kinh tế quan trọng, các tuyến đường đi Tây Nguyên, miền núi, các tuyến đường trong vùng kinh tế trọng điểm. Đã làm được 2.440 km đường mới, mở rộng 26.070 km đường, xây mới, khôi phục 32 cầu, nâng cấp 450 km đường sắt, mở rộng, hiện đại hoá một số bến cảng, nâng tổng năng lực cảng biển lên 45 triệu tấn/năm, nâng cấp xây dựng 26 cảng sửa chữa, nâng cấp sân bay, nâng tổng năng lực hệ thống sân bay lên 6,5 triệu hành khách /năm. Mười năm qua (1997-2007) lưu lượng bốc dỡ công ten nơ tăng 20 % mỗi năm, trong đó thành phố Hồ Chí Minh chiếm 70% khối lượng. Năm 2007 với việc con tàu Rickmers seoul trọng tải 30.000 tấn của Việt Nam chở rau quả cập cảng Vegeport (Mỹ ) nói lên Việt Nam đã đẩy mạnh thương mại quốc tế và khã năng sớm trở thành cường quốc vận tải biển.
Trong lĩnh vực tài chính, nguồn thu cho tổng ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Năm 1990 thu trong nước chiếm hơn 75 % cho ngân sách nhà nuớc, năm 2000 tăng hơn 97 %. Đã đổi mới hệ thống thuế. Chi ngân sách theo hướng xoá bỏ bao cấp, tăng tỉ trọng cho đầu tư phát triển. Bội chi ngân sách được khống chế. Suốt 10 năm (1990-2000) bội chi ngân sách dưới mức 5 % GDP. Đổi mới hệ thống ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối, hình thành thị trường tiền tệ ngân hàng chứng khoán. Năm 2007 vốn cho thị trường chứng khoán tăng 90.000 tỉ đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại tệ. Tăng vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Từ 1990 đến 2000 đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội lên 632 nghìn tỉ đồng (khoảng 57 tỉ USD), tăng bình quân hàng năm hơn 17 % so với GDP, từ hơn 11 % năm 1990 tăng lên 30 % năm 2000. Lạm phát được kìm hãm, từ hơn 67 % năm 1990, đến 1995 giảm còn 2,7%. Vốn đầu tư nước ngoài tăng, số dự án năm 2004 đạt hơn 13 % thì đến năm 2005 tăng hơn 71 % . Trong 10 năm từ 1990 đến năm 2000 vốn đầu tư nước ngoài khoảng 15 tỉ USD. Chỉ trong tháng 11 năm 2006 đầu tư nước ngoài đạt 960 triệu USD, tăng 47 % cùng kỳ năm 2005, năm 2007 đầu tư nước ngoài đạt 20 tỉ USD với khoảng 9.500 dự án. Năm 2000 các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo khoảng 34 % giá trị toàn doanh nghiệp, 22 % kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10 % GDP của Việt Nam. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA tăng. Từ 1996 đến năm 2000 ODA đã đưa 6 tỉ USD vào Việt Nam. Năm 2007 vốn đầu tư ngước ngoài trực tiếp (FDI) vào ta đạt 19 tỉ USD. Vốn ODA (vốn viện trợ phát triển chính thức) đạt mức cao kỷ lục, hơn 5,5 tỉ USD (Nhân dân -29-12-2007). Vốn ODA dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng: Giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước, trồng rừng phủ xanh đồi trọc, phát triển kinh tế nông thôn, xoá đói giảm nghèo, phát triển y tế, văn hoá giáo dục. Bước đầu giải quyết được mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng.
Ngành du lịch phát triển đa dạng. Doanh thu du lịch bình quân 5,7%, cả năm 2007 doanh thu du lịch khoảng 56 tỉ đồng Việt Nam. Du lịch tàu biển Việt Nam đang bắt đầu và có nhiều hứa hẹn. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2006 là 3,6 triệu lượt người, tăng 3 % so với năm 2005. Dich vụ bưu chính viễn thông tăng bình quân 8,5 %. Bưu chính viễn thông năm 2007 doanh thu 2,8 tỉ USD (45.300 tỉ đồng Việt Nam) . Dịch vụ bảo hiểm, kiểm toán, ngân hàng tăng 12 % / năm. Các dịch vụ mới mẻ như tư vấn pháp lý, khoa học công nghệ, tư vấn đầu tư ra đời và phát triển. Từ năm 1998 -2007 có 249 dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn 1,39 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Năm 2007 có 64 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn 391,2 triệu USD.
Từ năm 1991 đến năm 1995 GDP bình quân tăng 8,2 %, từ 1991 đến năm 2000 GDP bình quân tăng hàng năm 7,5 % , năm 2007 GDP tăng 8,5 %. Phấn đấu năm 2008 GDP bình quân đầu người đạt 960 USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9 %. Từ 1976 đến 2013 bình quân 1 năm GDP đã tăng 5,71%.
Tóm lại tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng liên tục trong một thời gian khá dài. Tính từ 1981 đến 2014 kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục 33 năm, chỉ thấp thua kỷ lục thế giới 36 năm liên tục mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ. Do quy mô GDP tăng cao hơn nhiều so với quy mô dân số (cao gấp 7,79 lần so với 1,82 lần) nên bình quân đầu người năm 2013 theo giá so sánh cao gấp 4,3 lần năm 1976. Bình quân 1 năm tăng 4%, trong thời kỳ 1991-2005 đã tăng 5, 6 % năm, đây là một tốc độ khá cao không phải thời kỳ nào cũng có thể đạt được. Cũng do quy mô GDP tăng cao gấp nhiều lần so với quy mô lao động đang làm việc 7,79 lần so với 2,9 lần nên năng suất lao động đã tăng gần 2,71 lần, trong đó giai đoạn 1991-2005 đã đạt 4, 54% là tốc độ tăng khá cao. Giá USD tăng chậm hơn nhiều so với giá tiêu dùng và giá vàng nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỉ giá hối đoái đã tăng khá cao qua các năm. Nhưng năm 80 của thế kỷ XX, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 86 USD, nằm trong vài chục nước có thu nhập thấp nhất thế giới, thì năm 2010 đã đạt 1273 USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình năm và 2013 đạt 1899 USSD. Đây là sự chuyển đổi vị thế có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Sự phát triển kinh tế đã giữ vững ổn định xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2000 thành phần kinh tế này chiếm 40% GDP, chiếm 50% giá trị xuất khẩu. Chính phủ chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước để hoạt động có hiệu quả, hình thành các Tổng công ti trong nhiều lĩnh vực then chốt như Tổng công ti than, Tổng công ti điện, Tổng công ti xăng dầu. Các hợp tác xã được tổ chức lại theo luật mới về hợp tác xã, chủ yếu là các loại hình dịch vụ. Thành phần kinh tế hợp tác xã năm 2000 chiếm 9% GDP. Các thành phần kinh tế tư nhân chiếm 50% GDP, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 10 %, các vùng kinh tế trọng điểm ở ba vùng đang được hình thành và xây dựng. Quy mô kinh tế đến năm 2013 cao gấp 7,8 năm 1976.
Việt Nam ngày cảng mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới. Đến năm 2014 đã có khoảng 90 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với lượng vốn đăng ký lên đến khoảng 270 tỉ USD, lượng vốn hiện thực đạt 114 tỉ USD, khu vực FDI đã chiếm khoảng 45 % giá trị sản xuất công nghiệp, 20% GDP, gần 2/3 kim ngạch xuất khẩu, gần 1/4 tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tổng lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA theo cam kết đạt khoảng 81 tỉ USD, giải ngân gần 41 tỉ USD. Hiện có khoảng 200 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ buôn bán với Việt Nam, trong đó có hầu hết những nền kinh tế phát triển, với tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến 264 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên132 tỉ USD, tỉ lệ nhập khẩu 155,1 tỉ USD. Việt Nam đạt nhiều thành tựu kinh tế trong hội nhập trong khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, ASEM. Việt Nam đang tích cực tham gia vào đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do ( Bộ Ngoại giao Việt Nam-Báo Điện tử ngày 9-3-2014)
Tóm lại, từ năm 1986 đến năm 2013 theo con đường đổi mới, nền kinh tế nước ta đang có bước phát triển mới mẻ về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, về hội nhập quốc tế, thế và lực được tăng, tạo điều kiện cho công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Nguyên nhân mang lại những thành tựu là do đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vạch ra được những chính sách hợp quy luật khách quan, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy được trí sáng tạo của nhân dân quyết tâm xây dựng đời sống mới, xã hội mới. Khuyết điểm trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế ở Việt Nam là chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp, nhiều xí nghiệp kinh doanh chưa đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Trong nông nghiệp chất lượng sản phẩm thấp, chậm tiếp thu kỹ thuật tiên tiến, chậm phát triển công nghiệp chế biến nông phẩm thành hàng hoá và một số ngành công nghiệp khác. Hoạt động dịch vụ yếu kém, tốc độ chỉ phát triển bằng 50 % kế hoạch. Mức thu nhập và tiêu dùng của dân cư thấp ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và mở rộng thị trường. Sản phẩm hàng hoá giá thành cao, chất lượng thấp. Xuất khẩu nông sản nguyên liệu thô chiếm tỉ trọng lớn. Sự huy động, sử dụng quản lý nguồn tài chính quốc gia kém hiệu quả, lãng phí. Chính sách thuế bất cập trở thành rào cản sự phát triển kinh tế. Hoạt động ngân hàng yếu kém, chất lượng tín dụng thấp, thị trường vốn phát triển chậm, chính sách lãi suất không đủ hấp dẫn để nhân dân bỏ vốn vào đầu tư phát triển. Vốn đầu tư nước ngoài thấp. Vốn đầu tư phân tán kém hiệu quả, chưa tương xứng để phát triển thế mạnh của từng vùng, chưa đủ sức cơ cấu tổ chức lại nền kinh tế, nhất là những vùng có nhiều tiềm năng. Trong công nghiệp chưa tập trung đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại. Chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán khi chuyển sang thể chế kinh tế thị trường. Môi trường đầu tư chậm cải thiện làm cho các thành phần kinh tế chưa mạnh dạn bỏ vốn vào đầu tư kinh doanh. Trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, buôn bán của doanh nhân Việt Nam còn nhiều bất cập, kể cả đối với khu vực kinh tế nhà nước. Thủ tục hành chính nặng nề và phức tạp cũng là rào cản sự vận hành phát triển của nền kinh tế thị trường. Tốc độ tăng trưởng mấy năm nay đã chậm lại, vừa thấp hơn so với tiềm năng, vừa thấp hơn so với mục tiêu, làm xuất hiện nguy cơ tụt hậu xa hơn về quy mô tuyệt đối GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD. Chất lượng tăng trưởng nhìn chung còn thấp, nhất là về hiệu quả đầu tư, năng suất lao động.
Doanh nghiệp nhà nước chiếm đại bộ phận trong các ngành kinh tế quan trọng, có 5.280 doanh nghiệp nhà nước với tổng số vốn 116.000 tỉ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp 22 tỉ đồng, chiếm 45, 4 % tổng tài sản cố định của nền kinh tế nhà nước. Nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chưa cao, các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ còn lớn, còn ỷ vào nhà nước bao cấp, tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp còn chậm, chưa tạo chuyển biến huy động vốn và tạo động lực trong sản xuất kinh doanh. Khu vực kinh tế hợp tác xã chuyển đổi phát triển chậm chạp.
(Còn nữa)
CVL