Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 27

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 27.

XI.   VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ 1976 ĐẾN 2016

1. Xây dựng nhà nước pháp quyền (1976- 2016).

 1. 1. Nhà nước theo hiến pháp 1980: Chiến tháng mùa xuân 1975 đã lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hoà, chính quyền của tư sản và địa chủ, đồng minh của đế quốc Mỹ. Chiến thắng mùa xuân 1975 không chỉ kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, lâu dài nhất trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam mà còn kết thúc 21 năm chia cắt, mở ra một thời kỳ thống nhất đất nước, thống nhất giữa hai miền Nam-Bắc. Khâu đầu tiên của việc thống nhất đất nước là phải thống nhất về mặt nhà nước để “tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hoá và củng cố quốc phòng . Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy thống nhất đất nước càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của đất nước ”.

Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, đoàn đại biểu miền Nam và miền Bắc đã họp ở Sài Gòn bàn về việc thống nhất đất nước. Hội nghị quyết định thống nhất về mặt nhà nước bằng một cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước. Ngày 2 5 tháng 4 năm1976, 23 triệu cử tri (98, 8 % *) đã tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội thống nhất-Quốc hội khoá VI gồm 492 đại biểu. Cuối tháng 6 đầu tháng 7-1976 Quốc hội họp tại Hà Nội quyết định đổi Quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-7-1976), thủ đô là thành phố Hà Nội, cờ đỏ sao vàng 5 cánh là Quốc kỳ, bài “Tiến quân ca ” của cố nhạc sĩ Văn Cao là Quốc ca, thành phố Sài Gòn-Gia Định mang tên lãnh tụ dân tộc: Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội bầu Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước,  Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ, Trường Chinh làm Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 18-12-1980, Quốc Hội thông qua Hiến pháp mới thay cho Hiến pháp 1959. Đây là đạo luật cơ bản đầu tiên khi cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Thống nhất nhà nước tức là thống nhất lãnh thổ tạo cơ sở cho thống nhất chính trị, tư tưởng, văn hoá và xã hội của hai miền Nam- Bắc, tạo cơ sở cho cả nước phát huy sức mạnh phát triển toàn diện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, mở rộng mối quan hệ hội nhập quốc tế. Thống nhất đất nước cũng nói lên quyết tâm sắt đá của nhân dân ta kiên quyết xây dựng và bảo vệ một quốc gia thống nhất, độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

 Theo quy định của Hiến pháp 1980, chế độ chính trị là Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ chuyên chính vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn lãnh thổ. Quốc hội là đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất nắm cả ba quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội có hai cơ quan mới là Hội đồng nhà nước. Hội đồng nhà nước là cơ quan cao nhất, bảo đảm sự hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là chế độ nguyên thủ tập thể. Đó là sự tập trung nhiệm vụ, quyền lực của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước vào một cơ quan.

Chính phủ theo hiến pháp 1980 gọi là Hội đồng bộ trưởng đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng do Quốc hội bầu ra, được phân nhiệm nắm quyền hành pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Toà án nhân dân tối cao do Chánh án Toà án nhân dân tối cao đứng đầu được phân nhiệm nắm quyền tư pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Viện Kiểm soát nhân dân tối cao đứng đầu là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nắm quyền kiểm sát, quyền công tố và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Như vậy Quốc hội không chỉ nắm toàn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn thực hiện quyền giám sát toàn bộ các cơ quan quyền lực nhà nước. Nhà nước chỉ là một bộ phận của hệ thống chính trị.

 Ở các cấp chính quyền địa phương là sự thu nhỏ của chính quyền Trung ương. Công dân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) bầu ra Hội đồng nhân dân tỉnh (Hội đồng nhân dânThành phố ). Hội đồng nhân dân tỉnh (Hội đồng nhân dân thành Phố) bầu ra Uỷ ban nhân tỉnh (Uỷ ban nhân dân thành phố ) do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân thành phố) đứng đầu. Giúp việc và phụ trách các ngành trong tỉnh (thành phố) có các Sở do các Chánh, Phó Giám đốc sở đứng đầu. Ở cấp huyện (quận ở thành phành phố, thị xã) công dân bầu ra Hội đồng nhân dân huyện (quận, thị xã). Hội đồng nhân dân huyện (quận, thị xã) bầu ra Uỷ ban nhân dân huyện (quận, thị xã) do chủ tịch Uỷ ban nhân huyện (quận, thị xã) đứng đầu. Phụ trách các ngành trong huyện (quận, thị xã) có các phòng do các Trưởng, Phó phòng đứng đầu. Ở cấp xã (thị trấn, phường) công dân bầu Hội đồng nhân dân xã (thị trấn, phường). Hội đồng nhân dân xã (thị trấn, phường) bầu ra Uỷ ban nhân dân xã (thị trấn, phường) đứng đầu là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (thị trấn, phường). Đơn vị hành chính thấp nhất là thôn, bản ở miền núi, ấp ở miền Nam do trưởng thôn (bản, ấp) đứng đầu. Trưởng thôn (bản, ấp) do nhân dân đơn vị đó bầu ra một cách dân chủ.

Hệ thống toà án của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Toà án nhân dân tối cao, Toà án cấp tỉnh (Toà án thành phố trực thuốc Trung ương), Toà án cấp huyện (quận, thị xã). Toà án cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương ) và Toà án tối cao vừa là toà án xử sơ thẩm vừa là toà xử phúc thẩm các vụ kháng án ở các toà cấp dưới gửi lên. Hệ thống công tố, kiểm sát bao gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, còn có Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương), Viện kiểm sát nhân dân các huyện (quận, thị xã).

 Nhà nước chỉ là một bộ phận chủ yếu của hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm tất cả các đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban liên lạc Thiên chúa giáo Việt Nam, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối hệ thống chính trị.                                                                                                                                   1. 2. Nhà nước theo Hiến Pháp 1992: Hiến pháp 1992 được Quốc hội khoá VIII thông qua. Hiến pháp này có một số thay đổi về bộ máy nhà nước so với hiến pháp 1980 như bỏ chế định Hội đồng Nhà nước (nguyên thủ tập thể), khôi phục lại chức danh Chủ tịch nước (nguyên thủ cá nhân) với nhiều quyền lực: Quyền đối ngoại, quyền phê chuẩn các dự án luật mà Quốc hội thông qua để dự án luật thành luật, quyền tổng động viên, quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyền ân xá, đặc xá. Chủ tịch nước còn là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Hiến pháp 1992 thiết lập lại Uỷ ban Thường vụ quốc hội. Cơ quan hành pháp trung ương bỏ tên gọi Hội đồng bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, thay vào đó gọi là Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Chính phủ do Quốc hội khoá XII bầu ra hiện nay (2007) do Thủ tướng đứng đầu, có ba Phó thủ tướng, 20 Bộ, 6 cơ quan ngang Bộ. Địa phương có 64 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Dưới tỉnh là huyện (quận), dưới huyện là xã (phường, thị trấn) dưới xã là thôn (ấp, bản, tổ dân phố). Tính đến tháng 8-2007 cả nước có 10.968 xã, phường, thị trấn, 120.966 thôn, bản tổ dân phố. Tổng số cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn toàn quốc là 192.438 người, trong đó cán bộ chuyên trách giữ chức vụ được bầu cử chiếm 57,75 %, công chức chuyên môn chiếm 42, 25 %. Trung bình cứ 10 nghìn dân có 23 cán bộ công chức cấp xã. Trình độ học vấn cán bộ công chức đa số là trung học phổ thông, chiếm 75,5 %. Về trình độ chuyên môn, trên đại học chiếm 0,04 %, cao đẳng, đại học chiếm 9,04 %, 48,7%  chưa được đào tạo, 55,53 % chưa được đào tạo về quản lý nhà nước. .

2. Lược sử Nhà nước từ 1945-2007: Từ năm 1945 đến 2007 cơ quan lập pháp và hành pháp của Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

 16-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra Uỷ Ban giải phóng (tiền thân của Chính phủ lâm thời ) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

 27-8-1945, Uỷ Ban giải phóng cải tổ thành Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

 1-1-1946, thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

 2-3-1946, Quốc hội khoá I bầu Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đến 1955 Phạm Văn Đồng giữ chức Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng ngoại giao.

 Quốc hội khoá II (1960-1964) bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Trường Chinh giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,  Phạm Văn Đồng Thủ tướng Chính phủ.

 Quốc hội khoá III (1964-1968) bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.

 Quốc hội khoá IV (1968-1972), Chủ tịch nước Hồ Chí Minh. Tháng 9-1969, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.

 Quốc hội khoá V (1972-1976), Tôn Đức Thắng Chủ tịch nước, Trường Chinh Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.

 Quốc hội khoá VI (1976-1981) với  492 đại biểu bầu Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. 1980-1981 Nguyễn Hữu Thọ Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.   Quốc hội khoá VII (1981-1987) 496 đại biểu. Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng.

 Quốc hội khoá VIII (1987-1992) với 496 đại biểu. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. 1991 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là Võ Văn Kiệt.

 Quốc hội khoá IX (1992-1997) bầu ra Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

 Quốc hội khoá X (1997-2002) bầu ra 450 đại biểu. Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải.

 Quốc hội khoá XI (2002-2007) có 498 đại biểu, bầu ra Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.

 Quốc hội khoá XII (2007-2012) 500 đại biểu, bầu ra  Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và 4 Phó Chủ tịch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có 18 thành viên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Quốc hội khoá XII có Hội đồng dân tộc 39 thành viên và 10 Uỷ ban: Uỷ ban Pháp luật 35 thành viên, Uỷ ban Tư pháp 34 thành viên, Uỷ ban Kinh tế 36 thành viên, Uỷ ban Tài chính và Ngân sách 35 thành viên, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh 34 thành viên, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng 39 thành viên, Uỷ ban Các vấn đề xã hội 40 thành viên, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường 37 thành viên, Uỷ ban Đối ngoại 30 thành viên, Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội 13 thành viên.

 Chính phủ khoá XII có 26 thành viên, gồm Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng (2 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng, 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ) gồm các Bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Tuyên truyền, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế,  Uỷ ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính Phủ.

 Hệ thống chính trị nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm các đoàn thể và tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức tôn giáo. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể trong mặt trận đều có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Hệ thống chính trị tạo nên những tổ chức đa dạng phong phú, những mối quan hệ chính trị đa chiều nhằm lôi cuốn tất cả mọi người, mọi công dân vào sinh hoạt chính trị và xã hội, bảo đảm cho quyền lực của Đảng, của chính quyền được thực thi rộng khắp. Nguyên tắc tối cao của Hệ thống chính trị là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Để bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, một hệ thống bộ máy Đảng được tổ chức từ Trung ương đến địa phương bao gồm 5 cấp. Cơ quan cao nhất của Đảng là Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng 5 năm họp một lần. Đại hội bầu ra Ban Chấp hànhTrung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà hạt nhân là Bộ chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc. Dưới Ban Chấp hành Trung ương Đảng có các cơ quan chuyên môn giúp việc là các ban: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Đứng đầu các ban là các Trưởng ban và các Phó ban. Giúp việc còn có Văn phòng Trung ương Đảng. 3.Lược sử Đảng Cộng sản Việt Nam:  Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã qua 10 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Hội nghị thành lập Đảng 3-2-1930 do lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc chủ trì có ý nghĩa như một Đại hội và tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10-1930 đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 10-1930 đến năm 1931, đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Đại Hội lần thứ nhất của Đảng được tiến hành ở Ma Cao (Trung Quốc) năm 1935. Từ 1936 đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư. 1936-1938 Hà Huy Tập, 1938-1939 Nguyễn Văn Cừ thay nhau giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Trong Hội nghị Trung ương năm 1940 đồng chí Trường Chinh giữ chức quyền Tổng Bí thư. Hội nghị Trung ương lần VIII tháng 5-1941 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Đại hội II năm 1951 đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Lãnh tụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng Chí Trường Chinh giữ chức Tổng Bí thư cho đến tháng 10-1956. Từ năm 1956 đến tháng 9-1960 lãnh tụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng kiêm Tổng Bí thư. Đại hội III năm 1960 bầu lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội IV năm 1976 đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ 1976 và tiếp đó Đại hội V năm 1981 đồng chí Lê Duẩn là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội VI nhiệm kỳ 1986-1991 đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư. Đại hội VII nhiệm kỳ 1991-1996 đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư. Đại hội VIII từ năm 1996 đến cuối 1997 đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư. Cuối 1997 đến trước Đại hội IX 2001 đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư. Đại hội IX nhiệm kỳ 2001 -2006 và Đại hội X nhiệm kỳ 2006-2011 đồng chí Nông Đức Mạnh là Tổng Bí thư.

(Còn nữa)

CVL