Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 24

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 24.

X. PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VIỆT NAM THỜI KỲ CẬN ĐẠI (1858-1945)

1. Cuộc khai thác lần thứ nhất và lần thứ hai của Pháp.

Ngày 31-8-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp. Thất bại ở Đà Nẵng buộc Pháp phải đánh Nam Kỳ để tính kế lâu dài. Tháng 2 -1861 Pháp đánh chiếm Gia Định, ngày 12-4-1861 Pháp chiếm Định Tường, 18-12-1861 Pháp chiếm Biên Hòa, 13-12-1862 Pháp chiếm Vĩnh Long, 24-6-1867 pháp chiếm ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. 20-11-1873 Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần 1 và 25-4-1882 Pháp đánh Bắc Kỳ lần 2. 20-8-1883 Pháp tấn công Thuận An. 25 -8-1883 và 6-6-1884 triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng dâng toàn bộ Việt Nam cho Pháp. Năm 1887 Thực dân Pháp thành lập Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp làm công cụ thống trị, áp bức bóc lột các dân tộc Việt Nam, Lào, Cămpuchia.

 Chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX): Chính sách cho vay nặng lãi: Ngoài tính chất chung của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa đế quốc Pháp còn có đặc điểm riêng là chủ nghĩa đế quốc cho vay nặng lãi. Vì thế, đầu tư­ vào thuộc địa để bóc lột là chính sách kinh tế bao trùm của bọn trùm sỏ tài chính Pháp. Ngày 10 tháng 2 năm 1896 Chính phủ Pháp ra đạo luật cho Đông Dư­ơng vay tiền để tiến hành khai thác thuộc địa này. Từ khi đạo luật ban hành cho đến năm 1912, năm lần chính phủ Pháp cho Đông Dư­ơng vay 499 triệu Phơ răng. Nhân dân Đông Dương è cổ trả nợ, trung bình mỗi ng­ười dân nợ 23 đến 30 đồng Đông Dư­ơng, thời đó là một món nợ khổng lồ đối với mỗi ngư­ời dân. Ngư­ời dân bị bóc lột một cách tàn khốc. Lợi nhuận và quyền lực của ngân hàng Đông Dương ngày càng to lớn.

 Mở mang giao thông vận tải: Vốn của tư bản Pháp cho chính phủ Đông Dương vay tr­ước hết đư­ợc đầu t­ư vào phát triển giao thông vận tải, phục vụ cho công cuộc cai trị, hành quân đàn áp và vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, tức là phục vụ cho công cuộc khai thác và thống trị. Chính phủ Đông Dương chú ý mở mang đường sắt: Đ­ường sắt Hà Nội-Lạng Sơn, đ­ường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho, mở mang đường thuỷ, nối các con sông lớn với nhau, mở mang đ­ường bộ ở biên giới và đường bộ xuyên Đông Dương, xây dựng cầu, lớn nhất là cầu Pônđume bắc qua sông Hồng dài 2.059 m, hoàn thành năm 1912.

 Thư­ơng nghiệp: Độc chiếm thị tr­ường Đông Dư­ơng cho t­ư bản Pháp. Để đạt mục đích đó chính phủ Đông Dư­ơng thi hành chính sách thuế quan bảo hộ mậu dịch, đánh thuế hàng hoá các nư­ớc khác vào Đông Dương tăng lên nhiều lần so với hàng hoá Pháp. Hàng hoá Pháp thuế chỉ bằng 2,5% so với hàng hoá các nư­ớc. Tư­ bản Pháp thành lập nhiều công ti thư­ơng mại ở Đông Dương: Công ti Mác Xây, Hãng Đơniphơrelơ…Pháp kiểm soát đư­ợc tất cả các ngành xuất khẩu ở Đông Dương. Từ Đông Dương, Pháp chở nguyên vật liệu về chính quốc, chế tạo thành sản phẩm và sản phẩm quay lại thuộc địa. Phư­ơng pháp bóc lột này cùng với phương pháp cho vay nặng lãi, độc chiếm thị tr­ường đã đem lại những món lợi khổng lồ chảy vào túi bọn t­ư bản độc quyền Pháp.

 Chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ hai: Năm 1919 Pháp ra khỏi Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) với t­ư cách là n­ước chiến thắng nhưng bị thiệt hại nặng nề. Hàng chục vạn ngư­ời chết, nền kinh tế kiệt quệ, nợ nư­ớc ngoài gia tăng. Năm 1920 Pháp nợ Mỹ 300 tỉ Phơ răng. 14 tỉ Phơ răng Pháp cho Nga Hoàng vay mất trắng. Đồng Phơ răng ngày càng mất giá. Những năm 20 thế kỷ XX chủ nghĩa tư­ bản lâm vào cuộc khủng hoảng càng làm cho nền kinh tế Pháp khó khăn.

 Khai thác bóc lột thuộc địa là chính sách liên tục của chủ nghĩa tư bản chính quốc như­ng trong hoàn cảnh đó khai thác bóc lột thuộc địa càng mang tính chất cấp bách để bù đắp lại thiệt hại của Pháp trong Đại chiến thế giới thứ nhất, nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, khôi phục lại địa vị n­ước Pháp trong hệ thống t­ư bản chủ nghĩa thế giới.

 Chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ hai: Được Pháp thực hiện vào năm 1919 và diễn ra vào các năm 20 của thế kỷ XX gồm các lĩnh vực:

 Xuất khẩu t­ư bản: Tăng cường xuất khẩu t­ư bản, đầu tư­ vào Đông Dư­ơng vẫn là ưu tiên số một để nhằm khai thác hơn nữa nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, độc chiếm thị tr­ường Đông Dương hơn nữa. Từ năm 1924 đến năm 1929, số vốn của Pháp đầu t­ư vào Đông Dương tăng gấp 6 lần so với 20 năm trư­ớc chiến tranh. Hai ngành đư­ợc đầu tư­ nhiều nhất là nông nghiệp và công nghiệp.

 Chính sách nông nghiệp: Pháp đẩy mạnh việc cư­ớp đoạt ruộng đất của nông dân để mở thêm đồn điền trồng cao su, một mặt hàng đang có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới. Năm 1927 số vốn Pháp đầu t­ư vào nông nghiệp lên đến 400 triệu Phơ răng (gấp 10 lần so với tr­ước chiến tranh thế giới thứ nhất). Diện tích trồng cao su tăng vọt. Năm 1918 có 15.000 ha, đến năm 1930 đã tăng lên 120.000 ha. Các công ti cao su ra đời: Công ti Đất Đỏ, Công ti Mi sơ lanh v. v. ..

 Chính sách công nghiệp: Chú trọng công nghiệp khai thác mỏ, đặc biệt là mỏ than để xuất khẩu than, kiếm lãi nhanh. Các công ti thành lập từ tr­ước trong giai đoạn này bỏ vốn nhiều hơn, khai thác mạnh hơn, đồng thời ra đời nhiều công ti mới như­ Công ti than Hạ Long-Đồng Đăng, Công ti than và kim khí Đông Dương, Công ti than Đông Triều, Công ti than Tuyên Quang.

 Về công nghiệp nhẹ, Pháp mở thêm một số xí nghiệp chế biến mà sản phẩm không cạnh tranh với công nghiệp chính quốc. Nhà máy sợi Hải Phòng, Nam Định, nhà máy r­ượu Nam Định, Hà Nội, Hà Đông, nhà máy diêm Hà Nội, Hàm Rồng, Bến Thuỷ, nhà máy đ­ường Tuy Hoà, nhà máy gạo Chợ Lớn.

 Chính sách thư­ơng nghiệp: Đẩy mạnh chế độ bảo hộ mậu dịch để độc chiếm hơn nữa thị trư­ờng Đông Dương. Chính phủ Đông Dương ban hành các đạo luật đánh thuế nặng hàng hóa của các nư­ớc khác nh­ư Trung Quốc, Nhật Bản v.v…Nhờ vậy số l­ượng hàng hóa Pháp vào Đông Duơng ngày càng tăng. Tr­ước năm 1914 hàng hóa Pháp chỉ chiếm 37% tổng số hàng n­ước ngoài vào Đông Dương, sau chiến tranh con số này tăng lên 62%.

 Chính sách giao thông vận tải: Đầu t­ư phát triển mở rộng thêm cả đ­ường sắt và đường bộ, đ­ường biển. Đư­ờng sắt xuyên Đông Dương đ­ược nối liền.

 Nhìn chung chính sách khai thác lần hai của Pháp vẫn nhằm hạn chế phát triển công nghiệp nặng để Đông Dương không thể lớn mạnh cạnh tranh với chính quốc, vẫn chỉ biến Đông Dương thành thuộc địa cung cấp nguyên liệu, nhân công rẻ mạt cho t­ư bản độc quyền Pháp, đem cho chúng những khoản lợi nhuận khổng lồ. Tất cả những ngành kinh tế đều do ngân hàng Đông Dương nắm giữ, là kẻ chỉ huy và nắm quyền kinh tế ở Đông Dư­ơng. Tư­ bản tài chính có cổ phần ở tất cả các công ti và các xí nghiệp lớn. Ngân hàng Đông Dương phục vụ đắc lực cho bọn trùm sỏ tài chính Pháp.

 Tuy nhiên, chính sách khai thác lần hai là đẩy mạnh khai thác ở tất cả các lĩnh vực so với khai thác lần thứ nhất. Vì thế các ngành kinh tế ở Đông Dư­ơng sau khai thác lần thứ hai có bư­ớc phát triển mới. Lực l­ương sản xuất, quan hệ sản xuất tư­ bản chủ nghĩa đ­ược phát triển mạnh hơn. Sự chuyển biến này càng đẩy xã hội Việt Nam đến phân hoá sâu sắc hơn và điều này tạo những nhân tố mới, những xu hướng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc vào những năm đầu thế kỷ XX.

 Như­ vậy, công cuộc khai thác lần thứ nhất và lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dư­ơng nói chung và Việt Nam nói riêng làm cho nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế thuộc địa phong kiến, kinh tế t­ư bản đan xen với kinh tế phong kiến, quan hệ t­ư bản đan xen với quan hệ phong kiến trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Những giai cấp cũ còn tồn tại, những giai cấp mới ra đời trong hoàn cảnh mất độc lập. Giai cấp phong kiến cấu kết với đế quốc thực dân, làm tay sai trung thành cho thực dân Pháp. Xã hội thuộc địa nửa phong kiến cũng in đậm trong cơ cấu chính trị, trong nhà n­ước thực dân thuộc địa. Từ đó xã hội Việt Nam tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn giữa toàn dân tộc Việt Nam mất độc lập với đế quốc Pháp xâm l­ược, mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản thứ nhất, Việt Nam phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đánh đuổi đế quốc Pháp. Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản thứ hai, Việt Nam phải tiến hành cuộc cách mạng dân chủ t­ư sản, đánh đổ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân. Hai cuộc cách mạng này phải tiến hành đồng thời, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong các c­ương lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Đông Dương gọi gộp hai cuộc cách mạng này là hai chiến l­ược cách mạng hay là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đó là cư­ơng lĩnh giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Có nghĩa là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo, đ­ược tiến hành bằng phư­ơng pháp cách mạng vô sản và sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp. Nh­ư vậy cuộc cách mạng dân chủ t­ư sản ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân chủ t­ư sản kiểu mới, tức là làm nhiệm vụ cách mạng t­ư sản như­ng do giai cấp vô sản lãnh đạo.

2. Giai cấp công nhân Việt Nam.                                                                      

 Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời vào cuối thế kỷ XIX, trong công cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp. Trong cuộc khai thác lần thứ hai công nhân Việt Nam phát triển nhanh về số l­ượng và chất l­ượng. Trong cuộc khai thác lần thứ nhất công nhân Việt Nam khoảng 10 vạn ng­ười, trong khai thác lần thứ hai tính đến năm 1929 đã có 22 vạn. Công nhân Việt Nam tập trung ở các đô thị hoặc ở những trung tâm kinh tế quan trọng của Pháp. Nguồn gốc công nhân phần lớn bắt nguồn từ nông dân bị cư­ớp đoạt ruộng đất, phá sản ở nông thôn phải ra hầm mỏ, vào nhà máy bán sức lao động cho t­ư bản Pháp hoặc cho t­ư bản ng­ười Việt. Một phần công nhân Việt Nam xuất thân từ thợ thủ công và thị dân.

 Giai cấp công nhân Việt Nam có tính chất chung của giai cấp công nhân quốc tế. Họ là giai cấp đại diện cho lực l­ượng sản xuất mới, là giai cấp tiên tiến, có khả năng lãnh đạo các giai cấp khác làm cách mạng đập tan xã hội tư­ bản và xây dựng một xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Công nhân có trình độ kĩ thuật chuyên môn cao, có tinh thần đoàn kết, có ý thức kỷ luật, có tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết với giai cấp vô sản và với lao động trên toàn thế giới. Những tính chất chung nh­ư vậy nói lên tính chất tiên tiến của giai cấp vô sản, nói lên sức mạnh to lớn của họ vì vô sản là một lực l­ượng quốc tế.

 Đặc điểm riêng: Ngoài tính chất chung của vô sản quốc tế, công nhân Việt Nam còn có đặc điểm riêng. Là giai cấp sinh ra trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến nên họ bị ba tầng áp bức, bóc lột: T­ư sản Pháp, tư­ sản Việt Nam và phong kiến. Điều này nói lên tính chất cực khổ đặc biệt của vô sản thuộc địa. Thực dân Pháp là kẻ thù giai cấp cũng chính là kẻ thù dân tộc, cho nên đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam ngoài mang tính giai cấp còn mang tính chất dân tộc. Giai cấp công nhân Việt Nam phần lớn xuất thân từ nông dân nên dễ dàng thực hiện đư­ợc liên minh công nông. Có liên minh đư­ợc với nông dân thì vô sản mới khẳng định đư­ợc vai trò lãnh đạo cách mạng, sức mạnh của vô sản mới đ­ược nhân lên. Trong hàng ngũ công nhân Việt Nam không có tầng lớp công nhân quý tộc, không có cơ sở xã hội cho chủ nghĩa cơ hội, cho công đoàn vàng. Trước hết, giai cấp công nhân Việt Nam đã ra đời trước giai cấp tư sản Việt Nam. Nó là sản phẩm trực tiếp của công cuộc khai thác thuộc địa của tư bản thực dân Pháp. Nó bị loại ra khỏi phương thức sản xuất cổ truyền và được đưa vào một phương thức sản xuất mới có trình độ phát triển cao hơn. Do đế quốc Pháp kìm hãm sự phát triển nền công nghiệp thuộc địa, giai cấp công nhân Việt Nam lúc này chỉ chiếm khoảng 1,3% dân số1. Song họ sống “rất tập trung và mỗi ngày lại thêm đông”2 cùng với quy trình tích tụ và tập trung của tư bản tại những trung tâm công nghiệp và các đô thị lớn. Điều đó khiến cho sự đối lập giữa vô sản và tư bản càng ngày càng trở nên sâu sắc; đồng thời làm dễ dàng cho việc tập hợp, giác ngộ và tổ chức công nhân.

 Tính chất chung và đặc điểm riêng của giai cấp công nhân Việt Nam làm cho giai cấp này trở thành lực l­ượng chính trị độc lập, đang vư­ơn lên đóng vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, quyết định chiều h­ướng của lịch sử Việt Nam. Giai cấp công nhân không chỉ là giai cấp đau khổ, nó còn là giai cấp có tiềm năng cách mạng to lớn. Bởi lẽ, như Mác đã phân tích: “Mâu thuẫn giữa bản tính con người của giai cấp vô sản với hoàn cảnh sống của nó, hoàn cảnh này là sự phủ định cái bản tính kia một cách công nhiên, quyết liệt, và toàn diện, mâu thuẫn đó tất yếu gây ra sự căm phẫn của nó đối với hoàn cảnh ấy” và “trực tiếp buộc nó phải căm phẫn chống lại hoàn cảnh phi nhân tính ấy”2. Tiềm năng cách mạng giai cấp công nhân Việt Nam còn được tăng thêm bởi đặc điểm quá trình hình thành và phát triển của chính nó.

 (Còn nữa)

CVL

-----------------------------

1 Tỷ lệ nhỏ trong tổng số dân cư là đặc điểm chung của giai cấp công nhân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Năm 1919, giai cấp công nhân Trung Quốc có 1,5 triệu người, bằng 0, 5% dân số cả nước. Năm 1921, giai cấp công nhân Ấn Độ có 2,6 triệu người, bằng gần 1% dân số cả nước.

2 Văn kiện Đảng (1930 - 1945) tập I, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội. 1977, tr. 71.

1.C. Mác và Ph. Engen, Toàn tập, tập 2 (tiếng Nga), Mátxcơ va. 1957, tr. 39.