Kỳ 23.
Tháng 3-1972 trên đà thắng lợi, ta bắt đầu cuộc tiến công có quy mô lớn, cường độ mạnh, đạt hiệu quả cao. Ta phá vỡ ba tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Từ tháng 3 đến tháng 8 -1972, ta diệt 28 vạn tên địch, tiêu diệt và làm thiệt hại 7 trong số 13 sư đoàn cơ động thiện chiến của địch. Nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch. Ở miền Bắc, từ 15-1-1972 đến tháng 4-1972, ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bắn rơi 750 máy bay, trong đó có 54 pháo đài bay B52, 10 máy bay F111, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái. Đặc biệt trong 12 ngày đêm (18 đến 30-12-1972) ta đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 B52, bắt sống 44 giặc lái. Đến đây Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ hoàn toàn thất bại. Mỹ phải ngồi lại vào bàn đàm phán và ngày 27-1-1973 buộc phải ký Hiệp định Pari “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam ”. Ngày 29-3-1973 Mỹ cuốn cờ rút quân đội viễn chinh khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt 115 năm có mặt của quân xâm lược nước ngoài trên đất nước ta (1858-1973 ). Đại tá Ô đen, nhân viên quân sự cuối cùng của Mỹ trong số 2,5 triệu lính Mỹ rời khỏi Tân Sơn Nhất, chấm dứt 30 năm Mỹ trực tiếp dính líu vào Đông Dương. Mỹ rút, ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu trở nên suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho ta hoàn toàn lật đổ chế độ ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
8. 5. Tổng tấn công mùa xuân 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam.
Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam tạo nên một sự thay đổi so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho ta, mở ra một thời cơ mới để nhân dân ta tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước. Cuối 1974 đầu 1975 quân ta giải phóng tỉnh Phước Long mà địch không phản kháng chiếm lại, điều đó minh chứng địch đã suy yếu cùng cực. Níchxơn thắng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 nhưng với vụ Oatơgết đặt băng nghe trộm Đảng Dân chủ trong tranh cử Thống nhiệm kỳ II với đầy đủ chứng cớ không thể chối cãi, Ních xơn phải từ chức giữa nhiệm kỳ 2. Pho lên thay làm Tổng thống không có phản ứng gì mạnh mẽ khi ta giải phóng Phước Long. Nắm thời cơ đó ta quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975.
Mở đầu cuộc tấn công ta quyết định giải phóng Tây Nguyên. Vì Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, địch lại tương đối yếu, ta lại có thể phát huy được tối đa sức mạnh của các phương tiện vũ khí chiến tranh hiện đại. Từ Tây Nguyên ta có thể khống chế, chia cắt và phát triển chiến dịch xuống các vùng Đông Nam Bộ, chia cắt vùng địch chiếm đóng mà giải phóng. Ngày 10-3-1975 bốn cánh quân ta đánh thẳng vào Buôn Mê Thuột. Sau hai ngày chiến đấu ta tiêu diệt toàn bộ sư đoàn 23 của địch, làm chủ thị xã, phá vỡ hệ thống phòng phủ của địch ở Tây Nguyên. Địch điều động hai trung đoàn còn lại của sư đoàn 23 và một tiểu đoàn biệt động phản kích. Nhưng sau năm ngày chiến đấu, lực lượng phản kích này bị ta tiêu diệt. Ngày 14-3 -1975 tại Cam Ranh, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú tư lệnh quân đoàn 2 rút khỏi Công Tum, về cố thủ ở miền duyên hải Nam Trung Bộ. Ta đã bịt kín đường số 7 chặn đánh địch rút chạy. Ngày 24-3-1975 toàn bộ quân địch tháo chạy bị ta tiêu diệt. Ta hoàn toàn làm chủ Tây Nguyên. Từ Tây Nguyên chiến tranh của ta chuyển sang giai đoạn tổng tiến công để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc rút lui chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu trở thành cuộc tháo chạy hỗn loạn của một quân đội hoàn toàn sụp đổ, hoảng loạn về tinh thần, rối loạn về chỉ huy tổ chức, với tư tưởng hoàn toàn chiến bại, tạo thời cơ lớn để ta thực hiện những trận quyết chiến chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Trận quyết chiến lựơc thứ nhất: Từ 10-3-1975 đến 24-3-1975 ta đập tan Quân khu 2 ngụy, giải phóng Tây Nguyên.
Trận thứ hai; Giải phóng Huế, Đà Nẵng, đập tan Quân khu 1. Ngày 25-3-1975 Quân đoàn 2 của ta phối hợp với nhân dân tiêu diệt sư đoàn 1 ngụy, giải phóng thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên. Mất Huế, phía Bắc thành phố Đà Nẵng bị ta uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 24-3-1975 Tam Kỳ, Quảng Nam được giải phóng. Ngày 25-3 Quảng Ngãi, 26-3 Chu Lai (Núi Thành-Quảng Nam) được giải phóng. Sư đoàn 1 và 2 của ngụy bị tiêu diệt. Mặt phía Nam của thành phố Đà Nẳng bị uy hiếp.
Ngày 28-3 Quân đoàn 1 của ta cùng các lực lượng Liên khu 5 chia thành 5 cánh: Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam tấn công Đà Nẵng. 15 giờ ngày 29-3 Đà Nẵng, một căn cứ liên hiệp lớn nhất của Mỹ-ngụy bị ta tiêu diệt, thành phố lớn thứ hai của miền Nam được giải phóng.
Ngày 1-4 Bình Định, Quy Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hoà, tiếp đến Nha Trang, Khánh hòa liên tiếp lọt vào tay quân ta. Như vậy, chiến dịch Huế -Đà Nẵng (21-3-1975 đến 3-4-1975 ) trận then chốt thứ hai đã hoàn toàn thắng lợi, làm sụp đổ hệ thống phòng ngự của địch ở miền Trung, xoá bỏ Quân khu 1 ngụy, không cho địch co cụm về phòng ngự bảo vệ Sài Gòn .
Trong cơn hấp hối của chế độ Sài Gòn, Chính phủ của Tổng thống Pho lập cầu hàng không khẩn cấp để chuyển vũ khí, trang thiết bị quân sự cho chính quyền ngụy.
Trận quyết chiến lược thứ 3: Đập tan Quân khu 3 và 4, giải phóng Sài Gòn. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào Gài Gòn-Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh ”.
Ngày 9-4-1975 ta tấn công thị xã Xuân Lộc. Ngày 21-4-1975 ta giải phóng Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh, mở toang cánh cửa phía Đông vào Sài Gòn. Cùng thời gian đó Quân đoàn 2 của ta từ Đà Nẵng tấn công thần tốc vào phía Nam, giải phóng Phan Rang-Ninh Thuận vào 16-4-1975.
Ngày 17-4-1975 thủ đô Phnompênh của Cam pu chia được giải phóng.
Tất cả diễn biến tình hình quân sự đó đặt chế độ Sài Gòn trước sự sụp đổ không thể cứu vãn nổi. Ngày 18-4-1975, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn và 23-4-1975 tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ ”. 21-4-1975 Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Trần Văn Hương lên thay nhưng 26-4-1975 Hương phải ra đi. Dương Văn Minh được đặt vào ghế Tổng thống.
26-4-1975, các cánh quân của ta gồm cả 4 quân đoàn chủ lực đã hình thành thế trận bao vây Sài Gòn-Gia Định. 7 giờ ngày 26-4 ta bắt đầu tấn công, 28-4 ta đánh sập phòng tuyến vòng ngoài, 5 máy bay A7 do không quân ta lái ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 29-4 ta tổng công kích với 15 sư đoàn chủ lực đánh vào nội thành. 30-4 ta chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, phủ Tổng thống, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, căn cứ hải quân cảng Bạch Đằng, tiêu diệt và làm tan rã các đơn vị chủ lực ngụy.
10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975 binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc lập. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sớm cùng ngày, Đại sứ Mỹ Matin rời Sài Gòn bằng máy bay lên thẳng. 11 giờ 30 phút 30-4-1975 lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc lập. Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng.
Tại đồng bằng Nam Bộ, phối hợp với quân chủ lực, nhân dân vùng dậy giành quyền làm chủ. Ngày 2-5-1975 lực lượng vũ trang và chính quyền địch trên khắp miền Nam hoàn toàn sụp đổ.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 kéo dài gần hai tháng (từ 4-3 đến 2-5-1975) trải qua 3 chiến dịch: Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đập tan bộ máy Ngụy quyền, tiêu diệt làm tan rã 1 triệu quân ngụy, 1 triệu dân vệ, cơ đồ thực dân mới của Mỹ xây dựng qua 5 đời Tổng thống: Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Níchxơn, Pho sụp đổ, và miền Nam được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. Mỹ đã tốn 350 tỉ USD, huy động đến mức cao nhất 50 vạn quân viễn chinh, lôi kéo 5 nước đồng minh với 7 vạn lính, hơn 1 triệu quân ngụy, 1 triệu dân phòng, dội xuống Việt Nam hơn 7.850 triệu tấn bom đạn, sử dụng đến mức tối đa tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại. Nhưng Mỹ đã thất bại. Đây là cuộc chiến tranh hao người tốn của nhất, lâu dài nhất, thất bại nặng nề nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ. Thất bại trở thành đương nhiên khi phía Mỹ là cuộc chiến tranh phi nghĩa, lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh chính nghĩa, toàn dân lâu dài của cả dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam bắt nguồn từ từ đường lối quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối đó đã phát huy sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, biến khả năng sức mạnh của chính nghĩa và nhân dân thành hiện thực chiến thắng trên chiến trường, thành phương pháp chiến tranh cách mạng có hiệu quả, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Thắng lợi là nhờ có lòng yêu nước, ý chí hy sinh chiến đấu kiên cường của các thế hệ nhân dân Việt Nam, kiên quyết chiến đấu cho sự nghiệp độc lập, tự do thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi là nhờ sự hi sinh anh dũng của biết bao anh hùng liệt sĩ vô danh và hữu danh, sự hi sinh cống hiến của mọi giai cấp, mọi tầng lớp. Tất cả họ đã dùng xương máu của mình xây nên đài vinh quang chiến thắng. Thắng lợi bởi tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia. Thắng lợi là nhờ sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Đồng thời cũng nhờ sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của nhân dân ta là sự tổng hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã quét sạch những tên xâm lược, chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta. Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, cách mạng dân chủ nhân dân hoàn thành trên phạm vi cả nước. Cả nước bước sang một giai đoạn cách mạng mới: đi lên chủ nghĩa xã hội.
9. Xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954- 2010).
Khâu đầu tiên của việc thống nhất đất nước là phải thống nhất về mặt nhà nhà nước “Tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hoá và củng cố quốc phòng. Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy thống nhất đất nước càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của đất nước ”.
Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, đoàn đại biểu miền Nam và miền Bắc đã họp ở Sài Gòn bàn về việc thống nhất đất nước. Hội nghị quyết định thống nhất về mặt nhà nước bằng một cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội. Ngày 25 tháng 4 năm1976, 23 triệu cử tri (98, 8 % ) đã tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội thống nhất, Quốc hội khoá VI gồm 492 đại biểu. Cuối tháng 6 đầu tháng 7-1976, Quốc hội họp tại Hà Nội quyết định đổi Quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hoà thành Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (27-7-1976), Thủ đô là thành phố Hà Nội, cờ đỏ sao vàng 5 cánh là Quốc kỳ, bài “Tiến quân ca ” của cố nhạc sĩ Văn Cao là Quốc ca, thành phố Sài Gòn-Gia Định mang tên lãnh tụ dân tộc: Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội bầu Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ, Trường Chinh làm Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 18-12-1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới thay cho Hiến pháp 1959. Có thể nói đây là đạo luật cơ bản đầu tiên khi cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Thống nhất nhà nước tức là thống nhất lãnh thổ tạo cơ sở cho thống nhất chính trị, tư tưởng, văn hoá và xã hội của hai miền Nam- Bắc, tạo cơ sở cho cả nước phát huy sức mạnh phát triển toàn diện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, mở rộng mối quan hệ hội nhập quốc tế. Thống nhất đất nước cũng nói lên quyết tâm sắt đá của nhân dân ta kiên quyết xây dựng và bảo vệ một quốc gia thống nhất, độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Sau khi đất nước đổi mới và đã đạt nhiều thành tựu to lớn về xây dựng kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Về đối ngoại, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng đạt nhiều thành tựu và nâng cao vị thế trên trường Quốc tế. Việt Nam đã hoàn thành lộ trình xây dựng đường biên giới hữu nghị hoà bình với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Trung Quốc. Việt Nam đã xây dựng được tình hữu nghị với các nước Đông Nam Á và gia nhập khối “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á “(ASEAN ) năm 1995, xây dựng tình hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đầu năm 2007 Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO ) và ngày16-10-2007 được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, được tham gia vào cơ quan quyền lực cao của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, góp phần giải quyết vấn đề hoà bình và an ninh thế giới thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với 167 nước, trong đó có 50 nước ở cấp đại sứ. Việt Nam là thành viên của ASEAN, Khối Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn hợp tác kinh tế các nước châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Liên hợp quốc. Nhà nước Việt Nam khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Năm 2007 nước ta cũng đã thực hiện miễn thị thực nhập cảnh đối với Việt kiều.
(Còn nữa)
CVL