Kỳ 20.
Nguyễn Ái Quốc cũng nhận thấy điều kiện tiên quyết cho cách mạng thắng lợi là phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Năm 1924 Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô, quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Tại đây Người hoàn thiện thêm tư tưởng cách mạng của mình, ra sức chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Đông Dương.
Tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một nhóm chiến sĩ trẻ tuổi trong tổ chức Tâm Tâm Xã rồi thành lập một tổ chức cách mang có xu hướng Mácxít là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “Vô sản hoá”, đưa đảng viên vào lao động trong nhà máy, hầm mỏ để rèn luyện mình trở thành những người Cộng sản, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản.
Do chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá, phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh đòi hỏi phải có chính đảng vô sản ra đời để lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trở thành đòi hỏi bức thiết của lịch sử.
Tháng 3 năm 1929 Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở phố Hàm Long (Hà Nội) làm cơ sở cho ngày 7 tháng 6 năm đó Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ. Tuyên ngôn và Điều lệ của Đảng được công bố. Tờ “Búa liềm” cơ quan trung ương của Đảng ra đời. Đảng lập ra Công hội đỏ ở nhiều nơi. Dưới tác động của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 11 năm 1929, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Nam Kỳ quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng, thông qua điều lệ và bầu ra ban chỉ đạo lâm thời do Châu Văn Liêm làm bí thư. Ngày 1 tháng 1 năm 1930, Đảng Tân Việt cải tổ thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn ở Trung Kỳ. Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách đại diện Quốc tế Cộng sản, hội nghị thống nhất Đảng được họp tại Cửu Long (Hương Cảng) từ ngày 6 -1-1930 đến 7-2-1930, gồm hai đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng và hai đại diện của An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị nhất trí hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo: Chính cương vắn tắt, Sách lược văn tắt, Điều lệ tóm tắt và Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi toàn thể nhân dân Việt Nam nhân dịp thành lập Đảng. Hội nghị cũng quyết định thành lập các tổ chức quần chúng của Đảng: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội phụ nữ giải phóng, Hội cứu tế đỏ và thành lập Hội phản đế đồng minh (Mặt trận dân tộc thống nhất). Cuối tháng 2 năm 1930 Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10 năm 1930 đồng chí Trần Phú trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Sau này Đại hội III của Đảng tháng 9-1960 đã lấy ngày 3-2 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Đảng ra đời cũng chứng minh quá trình tự giác của vô sản Việt Nam đã hoàn thành và bước lên vũ đài chính trị, độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng đường lối và giai cấp lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
-Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ-Tĩnh: Cùng với việc đẩy mạnh bóc lột thuộc địa trong cuộc khai thác lần thứ hai của Pháp, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929-1933 đã giáng lên đầu nhân dân Đông Dương những tai họa khủng khiếp, bần cùng, thất nghiệp, phá sản. Không chỉ đẩy mạnh tăng cường bóc lột, thực dân Pháp còn ra sức khủng bố sau khởi nghĩa Yên Bái. Tất cả là nguyên nhân bùng nổ cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ-Tĩnh. Pháp khủng bố trắng cực kỳ tàn bạo. Đến giữa năm 1931 phong trào bị dập tắt. Cao trào cách mạng 1930-1931 chứng minh mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Pháp cực kỳ gay gắt do chính sách tăng cường bóc lột, khủng bố của Pháp. Trong khí thế sôi sục đó, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời kịp thời lãnh đạo nhân dân cả nước vùng dậy. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ-Tĩnh khẳng đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là đúng đắn, khẳng định quyền lãnh đạo trên thực tế và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng. Cao trào xây dựng được khối công-nông liên minh chống đế quốc, phong kiến, xây dựng sáng tạo nên một chính quyền mới, một xã hội mới khi đập tan chính quyền cũ, xã hội cũ. Phong trào rèn luyện đội ngũ đảng viên và quần chúng, đem lại niềm tin vững chắc vào sức mạnh và năng lực sáng tạo của mình. Cao trào 1930-1931 để lại nhiều bài học cách mạng. Đó là bài học kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc với chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân. Phải xây dựng được khối công- nông liên minh làm nền tảng để xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc. Sau khi cách mạng đập tan chính quyền cũ, phải xây dựng chính quyền mới làm công cụ đem lại quyền lợi cho nhân dân lao động và trấn áp lực lượng phản cách mạng. Đảng phải xây dựng, rèn luyện vững mạnh mà điều căn bản là phải hi sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc. Cao trào 1930-1931 dù thất bại nhưng để lại nhiều bài học kinh nghiệm, rèn luyện lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám. Cho nên, cao trào là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất cho Cách mạng Tháng Tám. Sau cao trào, Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản. Tiếp theo cao trào 30-31, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939 do Đảng lãnh đạo là cuộc diễn tập thứ hai cho Cách mạng Tháng Tám.
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Năm 1939 đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, châu Âu và nước Pháp bị phát xít Đức tấn công và thống trị, nhưng Đảng ta nhận định phe phát xít nhất định thất bại trong đại chiến. Đây là thời cơ cho ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tháng 2 năm 1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước cùng Trung ương Đảng ra sức chuẩn bị lực lượng bên trong để đón thời cơ, và khi thời cơ đến phát động tổng khởi nghĩa để giải phóng dân tộc. Đảng đã chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đã xây dựng Mặt trận Việt Minh đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở đó đã xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng chính trị, lực lương vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến hành khởi nghĩa từng phần chuẩn bị Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Với cách mạng tháng Tám, Đảng đã thành công trong việc giải quyết đúng đắn vấn đề thời cơ với nghệ thuật khởi nghĩa.
Ngày 15-8-1945, Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan Đông mạnh nhất của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc. 15-8 Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Thời cơ đến, Đảng kêu gọi toàn quốc tổng khởi nghĩa. Ngày 16 tháng 8 năm 1945 quân giải phóng đánh chiếm thị xã Thái Nguyên, 17 tháng 8 chiếm thị xã Tuyên Quang, ngày 18 tháng 8 khởi nghĩa ở Bắc Giang, Hải Dương v. v…Ngày 19 tháng 8 khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Ngày 23 tháng 8 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, 25 tháng 8 khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn. Từ 14 đến 28 tháng 8 năm 1945, chỉ 15 ngày tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước, nhanh chóng, ít đổ máu dưới những hình thái phong phú, sinh động đầy sáng tạo. Ngày 30 tháng 8 năm 1945 trước hàng vạn nhân dân Huế tại cửa Ngọ Môn, Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Vương triều Nguyễn đọc chiếu thoái vị, nộp ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tuyên ngôn khẳng định quyền hưởng tự do độc lập là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam, là ý chí quyết tâm không sức mạnh gì có thể lay chuyển nổi. Nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập. “Tuyên ngôn độc lập” là kết tinh quyền lợi và nguyện vọng cơ bản của nhân dân, là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng liên tục hàng trăm năm của nhân dân Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi nhanh chóng vì đã kết hợp chặt chẽ điều kiện chủ quan với điều kiện khách quan. Cách mạng được chính Đảng Mác Lê-nin lãnh đạo. Đảng vạch ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam qua các cuộc tổng diễn tập 1930-1931, 1936-1939, từng bước xây dựng lực lượng chính trị của cách mạng. Đến thời kỳ 1939-1945 Đảng phân tích và dự báo một cách khoa học rằng phe phát xít nhất định thất bại, tạo thời cơ lớn cho ta giải phóng dân tộc. Do đó Đảng ra sức lãnh đạo nhân dân xây dựng lực lượng, tiến hành khởi nghĩa từng phần và khi thời cơ đến phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là do Đảng biết kết hợp nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến. Cách mạng thắng lợi là do Đảng xây dựng được khối liên minh công nông, trên cơ sở đó xây dựng được Mặt trận đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù. Trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị, cách mạng tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng bạo lực cách mạng quần chúng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Cách mạng Tháng Tám kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang nhưng đấu tranh chính trị của quần chúng là chủ yếu.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử tiến hoá của dân tộc. Sự kiện trọng đại này đã kết thúc thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp, 5 năm dưới gót sắt tàn bạo của phát xít Nhật Bản, lật đổ chế độ phong kiến phản động phản dân hại nước, tay sai của bọn xâm lược ngoại bang, lập nên nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành nước độc lập tự do dân chủ, đưa nhân dân ta từ nô lệ lên địa vị chủ nhân đất nước, thành người dân tự do, đưa Đảng Cộng sản Đông Dương từ địa vị không hợp pháp thành Đảng cầm quyền. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập, dân chủ, chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám là bước khởi đầu dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đánh bại thực dân Pháp xâm lược, dẫn tới chiến thắng oanh liệt mùa xuân 1975 đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc, thống nhất nước nhà. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác- Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến đựợc áp dụng một cách sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm giải phóng dân tộc. Với thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã góp phần vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào và cách mạng Campuchia giành thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám đã chọc thủng một khâu trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi ngày càng phát triển mạnh mẽ sau đại chiến thế giới thứ hai.
Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Cách mạng Tháng Tám là kết quả hàng trăm năm đấu tranh của biết bao chiến sĩ anh hùng, biết bao đồng bào và những chiến sĩ cộng sản đã hi sinh oanh liệt. “Họ đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đã tin tưởng sâu sắc vào tương lai của Đảng, của dân tộc, đã hi sinh tất cả, đem xương máu vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh hùng, gương chí công vô tư, mới xứng đáng là người cách mạng” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập3, trang 380).
7. Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai (1946-1954)
7. 1. Những cuộc chiến đấu ở đô thị (19-12-1946 đến17-2-1947 ): Sau khi đưa quân ra miền Bắc, thực dân Pháp liên tục gây ra các vụ khiêu khích và đánh chiếm. Ngày 20-4-1946 Pháp gây ra xung đột ở Hải Phòng, đánh chiếm Lạng Sơn. Ngày 17-12-1946 quân Pháp thảm sát đồng bào ta ở phố Hàng Bún (khu Yên Ninh, Hà Nội). Ngày 18-12-1946 chúng chiếm Sở Tài chính, Bộ Giao thông. Đêm 18-12 Moóc lie hạ tối hậu thư buộc Chính phủ ta phải tước vũ khí các đội tự vệ, đòi để chúng quyền kiểm soát trật tự ở thủ đô. Hành động của Pháp đặt Chính phủ ta vào tình thế không thể nhân nhượng hơn được nữa. Vì nhân nhượng hơn là dẫn tới đầu hàng mất nước. Đêm 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động cuộc kháng chiến trên quy mô toàn quốc. Cùng đêm đó, Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 22 -12-1946 Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến”, đồng thời Tổng chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu : “Tổ quốc lâm nguy, giờ chiến đấu đã đến!”. Trong các văn kiện trên khẳng định đường lối kháng chiến của ta là toàn dân, toàn diện lâu dài và tự lực cánh sinh.
Cuộc kháng chiến ở các đô thị lớn của ta như Hà Nội, Sài Gòn thu được những thắng lợi to lớn, làm thất bại âm mưu của Pháp nhằm đánh úp cơ quan đầu não của ta ở Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta ở đô thị. Ta đã giam chân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang kháng chiến lâu dài. Trên chiến trường Việt Nam khi đó Pháp có khoảng 10 vạn quân, tập trung phản công lớn trên các chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ nhưng bị thiệt hại lớn mà không đạt được mục đích chiến tranh. Âm mưu quân sự và chính trị bước đầu của chúng đều hoàn toàn thất bại.
Đường lối kháng chiến của Đảng: đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thể hiện trong nhiều văn kiện, tiêu biểu là “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch ngày 19-12-1946, “Chỉ thị toàn quốc kháng chiến ” của Trung ương Đảng ngày 22-12-1946 và tác phẩm “ Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng bí thư Trường Chinh viết năm 1947.
7. 2. Những chiến thắng về quân sự trên chiến trường
Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947: Để kết thúc chiến tranh nhanh chóng, mùa đông 1947 thực dân Pháp mở chiến dịch Việt Bắc nhằm phá tan chiến khu, tiêu diệt đầu não lãnh đạo kháng chiến của ta, mở rộng vùng chiếm đóng, tăng cường kiểm soát biên giới Việt-Trung để bao vây cuộc kháng chiến của ta, chống phá cách mạng Trung Quốc. Ta đã đánh bại Pháp trong chiến dịch Việt Bắc. Pháp thất bại nặng nề phải rút khỏi Việt Bắc. Cuộc rút lui kéo dài từ tháng 11-1947 đến 20 -12 -1947 mới kết thúc.
Toàn bộ chiến dịch ta đã tiêu diệt 3.300 tên địch, thu 8.000 súng, phá huỷ 18 máy bay, 255 xe các loại, 5 ca nô, 3 tàu chiến. Chiến thắng Việt Bắc có ý nghĩa vô cùng to lớn, ta đã đánh bại âm mưu của địch nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta. Thất bại này đã làm cho chiến lược nhanh chóng kết thúc chiến tranh của Pháp sụp đổ, buộc địch phải đánh lâu dài. Đánh lâu dài là bất lợi cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược, so sánh lực lượng lâu dài sẽ không có lợi cho Pháp, đẩy Pháp đến thất bại. Chiến thắng Việt Bắc đã cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân ta. Quân dân ta càng thêm tin tưởng vào tất yếu thắng lợi của cuộc kháng chiến. Việt Bắc đánh dấu sự thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và Pháp. Sau Việt Bắc cuộc kháng chiến của ta phát triển lên một bước, ta lớn mạnh về mọi mặt. Pháp gặp khó khăn không chỉ về quân sự mà cả về chính trị, kinh tế do cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Đông Dương mang lại.
Chiến dịch Biên giới 1950: Tháng 10-1949 cách mạng Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo thu được thắng lợi to lớn, lật đổ chế độ của địa chủ tư sản Tưởng Giới Thạch, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong tình hình thuận lợi đó, ta chủ trương mở chiến dịch biên giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng biên giới, nối nước ta với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, qua đó nối nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và các nước Đông Âu, phá thế bao vây của đế quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
(Còn nữa)
CVL