Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 18

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 18.

 Dưới vua có 6 bộ: Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình, Bộ lễ, Bộ công, Bộ lại. Mỗi bộ do một Thượng thư đứng đầu. Dưới bộ có 6 khoa: Khoa binh, khoa hình, khoa lễ, khoa công, khoa lại. Khoa có nhiệm vụ kiểm soát các quan ở các bộ. Còn có Tả thị lang, Hữu thị lang. Các cơ quan có Đô sát viện, Tả đô ngự sử, Hữu đô ngự sử, các chức cấp sự trung về lục khoa thuộc Đô sát viện. Đô sát viện còn có quyền tố cáo, buộc tội các quan. Đại lý tự xét án. Như vậy Bộ hình, Đô sát viện, Đại lý tự họp thành Tam pháp ty là 3 cơ quan trông coi về tư pháp

 Đơn vị hành chính địa phương thời Gia Long chia toàn quốc thành 3 khu vực: Bắc thành gồm toàn bộ miền Bắc, Gia Định thành gồm toàn bộ miền Nam. Dưới thành là trấn, Bắc thành có 11 trấn, Gia Định thành có 5 trấn. Toàn bộ miền Trung chia thành hai doanh gồm 4 trấn. Dưới trấn là phủ, dưới phủ là huyện (châu miền núi). Đứng đầu thành là Tổng trấn và phó Tổng trấn. Đứng đầu trấn có quan Trấn thủ hay Lưu Trấn, giúp việc có cai bạ và ký lục. Quan tri phủ đứng đầu phủ, Tri huyện cai trị huyện (tri châu miền núi).

 Thời Minh Mệnh, năm 1831, toàn quốc chia thành 29 tỉnh trực thuộc triều đình. Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc. Giúp việc cho Tổng đốc có Tuần phủ trông coi chính trị, giáo dục, Bố chính phụ trách về thuế khoá, đinh, điền, Án sát trông coi hình án, trạm dịch. Đời Minh Mệnh cũng định tước vị từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Bên cạnh vua vẫn duy trì Nội các và Viện cơ mật trông coi quân quốc trọng sự. Lại lập ra Bưu chính ty trông coi việc chuyển công văn, giấy tờ, Thái thường tự trông coi việc nghi lễ (đại lễ), Quang lộc tự trông coi lễ, phẩm. Đặt ra Tôn nhân phủ trông coi việc trong hoàng tộc.

 Năm 1815 nhà Nguyễn ban hành bộ “ Luật Gia Long” (Hoàng triều luật lệ), có tham khảo “ Luật Hồng Đức” của Đại Việt và “Đại Thanh luật lệ” của nhà Thanh (Trung Quốc). Luật này nhằm bảo vệ uy quyền tuyệt đối của nhà vua, thẳng thay trừng trị tàn nhẫn đối với thần dân.

 Bên cạnh việc tập ấm và tiến cử, nhà Nguyễn cũng tuyển chọn quan lại bằng thi cử. Nhưng chế độ học hành thi cử của nhà Nguyễn rất lạc hậu, học Nho và các Nho sĩ vùi đầu vào kinh điển Nho giáo, xa rời thực tế của thời đại, của đất nước. Quan lại được cấp lương bổng nhưng không đủ cho cuộc sống xa hoa nên tham nhũng, nhận hối lộ thu được gấp hàng nghìn lần so với lương bổng. Một người Pháp khi đó có mặt ở nước ta đã viết: Lương một viên quan bằng 3 phơrăng nhưng nhận hối lộ và tham nhũng từ 2.000 đến 3.000 Phơrăng. Chúng vơ vét trong những dịp thu tô, thuế, xử án, bắt lính, bắt lao dịch, đắp đê điều, làm đường sá. v. v. Ở địa phương, bọn hào lý hoành hành dữ dội, không kiêng sợ gì. Dân thời đó coi quan như kẻ cướp:

Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.

 Nhìn chung, bộ máy nhà Nguyễn chỉ phục vụ cho giai cấp phong kiến, cho dòng họ, cho tập đoàn phong kiến đã hoàn toàn hủ bại, thối nát. Với một bộ máy nhà nước như vậy, Vương triều Nguyễn thẳng tay thi hành những chính sách đàn áp bóc lột nhân dân không thương xót. Nhà Nguyễn vơ vét của cải bằng cách bắt nộp cống phẩm, đánh nhiều loại thuế và thuế rất nặng: Thuế buôn bán, thuế thân, thuế ruộng. Nhà Nguyễn thu thuế theo nguyên tắc bảo đảm thu nhập cho nhà nước, bất chấp đời sống khổ cực của nhân dân và thiên tai mất mùa, đói kém. Chế độ lao dịch nặng nề, người dân phải đi lao dịch 60 ngày trong năm xây cung điện, lăng mộ, thành lũy. Nhân dân còn phải cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho nhà nước, cung cấp trang thiết bị và lương thực cho quân đội.

 Trong chính sách ruộng đất, nhà Nguyễn ra sức củng cố quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước và quyền sở hữu của địa chủ phong kiến. Chúng ra sức cướp đoạt ruộng đất của nông dân đã dành được dưới thời Tây Sơn, chiếm đoạt ruộng đất công của công xã. Kết quả, nông dân mất ruộng đất, bỏ làng đi phiêu tán, ruộng đất bỏ hoang nhiều vì không có người sản xuất. Đê điều không được nhà nước chăm lo tu tạo, bồi đắp, hoặc nhà nước chủ trương và cấp tiền tôn tạo nhưng bị cường hào, quan lại tham nhũng bòn rút hết nên không sửa chữa được khiến đê vỡ gây lụt lội liên tục. Như đời Tự Đức suốt 10 năm ròng đê vỡ, lũ lụt.

 Nhà Nguyễn thi hành chính sách ức thương, cản trở, bóp nghẹt sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Đánh thuế rất nặng các nghề thủ công nghiệp, trưng thu những thợ lành nghề vào các công xưởng nhà nước. Nhà nước nắm độc quyền khai thác khoáng sản, sản vật, hạn chế buôn bán. Chính sách phản động bảo thủ đó làm cho thủ công nghiệp Việt Nam không thể chuyển dịch được thành kinh tế hàng hoá, thương mại suy tàn. Vương triều Nguyễn khước từ tất cả mọi đề nghị mở cửa buôn bán của các nuớc phương Tây, cự tuyệt mọi đề nghị cải cách của các văn thân, sĩ phu thức thời, muốn đưa nước nhà tới hùng mạnh. Kết quả của chính sách “bế quan toả cảng” mù quáng đó là Việt Nam vào thế kỷ XIX vẫn không ra đời được nền kinh tế hàng hoá và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, do đó không ra đời được những giai cấp mới như tư sản và vô sản, tức là không có những tiền đề cho một cuộc cách mạng tư sản giải thể chế độ phong kiến, đưa Việt Nam lên con đường tư bản chủ nghĩa, một chế độ tiên tiến của thời đại khi đó. Việt Nam vẫn bị các thế lực tham lam, ích kỷ phản động giam hãm trong vòng lạc hậu với nền kinh tế nông nghiệp tiêu điều, quốc phòng suy yếu, tư tưởng bảo thủ, viễn vông, xa rời thực tế của Nho học. Sự suy yếu lạc hậu của Việt Nam đúng vào thời điểm các nước Âu -Mỹ đã hoàn thành cách mạng tư sản, đẩy mạnh công nghiệp hoá, tiến lên con đường tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa, đẩy mạnh việc xâm lược các nước châu Á, châu Phi làm thuộc địa. Việt Nam đứng trước nguy cơ mất nước trước sự bành trướng, xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

6. Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc (1858-1945)

6. 1. Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1884).

 Chiều ngày 31 tháng 8 năm 1858 liên quân Pháp-Tây Ban Nha gồm 2.500 quân (450 lính Tây Ban Nha), 13 chiến thuyền, trang bị vũ khí hiện đại, có tàu chiến tới 50 đại bác, dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp Đơgiơnui, có giám mục Perơlanh làm cố vấn nổ súng tấn công Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Nếu hoàn thành việc đánh chiếm Đà Nẵng, Pháp sẽ vượt đèo Hải Vân tấn công kinh thành Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Dưới sự chỉ huy của Tổng thống quân thứ Quảng Nam Nguyễn Tri Phương, quân ta đã kìm chân được quân Pháp. Âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng thất bại.

 Thất bại ở Đà Nẵng, Đơgiơnui thấy phải tính kế lâu dài, đưa quân vào đánh Gia Định để chiếm một vùng giàu lúa gạo, từ đó đánh chiếm miền Trung, miền Bắc Việt Nam, Cam pu chia, Lào và chiếm toàn bộ Đông Dương. Ngày 10 tháng 2 năm 1859 hải quân Pháp đánh phá Vũng Tàu. Quân pháp tiến đánh Cần Giờ, Nhà Bè. Ngày 17 tháng 2 Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Gia Định thất thủ. Hộ đốc Võ Duy Ninh và Án sát Lê Từ tự sát. Thượng thư bộ hộ Tôn Thất Cáp, kế đó Nguyễn Tri Phương được cử làm Tổng thống quân vụ mặt trận. Nhưng cả hai đều án binh bất động, qua 5 tháng với hàng vạn quân mà không tiêu diệt được 1.000 quân pháp ở thành Gia Định. Ngày 23 tháng 2 năm 1861, 4.000 quân Pháp với 50 chiến thuyền do Đô đốc Sácne chỉ huy tấn công Đại đồn Gia Định. Sau hai ngày chiến đấu, Nguyễn Tri Phương bị thương, Đại đồn thất thủ. Triều đình Tự Đức khiếp sợ không nghĩ tới chiến đấu mà chỉ nghĩ tới hòa. Ngày 28 tháng 2 năm đó, Pháp chiếm phủ Tân Bình, ngày 12 tháng 4 Pháp chiếm thành Định Tường, 18 tháng 12 Biên Hòa mất, 23 tháng 3 năm 1862, Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nhân dân các tỉnh miền Đông, miền Tây kháng chiến quyết liệt gây cho Pháp nhiều thiệt hại và chúng ở trong tình trạng hết sức nguy ngập. Đúng lúc đó triều đình Huế ký hoà ước. Chính thực dân Pháp phải thốt lên: “May mắn thay đang lúc phải đón lấy một tình thế xấu thì Huế lại yêu cầu ký hòa ước”. Ngày 5 tháng 6 năm 1862 Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp thay mặt Tự Đức ký với Pháp “Hiệp ước hoà bình và hữu nghị”. Hiệp ước gồm 12 khoản quy định triều đình Huế nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) và đảo Côn Lôn, bồi thường chiến phí cho Pháp 2. 880. 000 lạng bạc (4. 000. 000 USD), mở các cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho Pháp và Tây Ban Nha buôn bán. Do thái độ hèn nhát đầu hàng của triều đình Huế, chỉ 5 ngày từ 20 đến 24 tháng 6 năm 1867 Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

 Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần1: Ngày 20 tháng 11 năm 1783, quân pháp gồm 180 tên do Gácniê chỉ huy cùng với quân của Giăngđuypuy tiến đánh thành Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị trọng thương ở bụng, ông nhịn ăn mà chết. Phò mã Nguyễn Tri Lâm (con Nguyễn Tri Phương ) cũng hi sinh. Từ Hà Nội, Pháp đánh lan ra các tỉnh miền Bắc, chỉ 3 tuần lễ chúng chiếm tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình. Nhưng từ hai ngã Bắc Ninh, Sơn Tây, hai cánh quân của Trương Quang Đản, Hoàng Tá Viêm phối hợp với quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (người Hoa) tạo thế bao vây uy hiếp thành Hà Nội. Ngày 21 tháng 12 năm 1873 trong trận phục kích ở Cầu Giấy, quân ta giết chết Gácniê và nhiều tên Pháp. Trận Cầu Giấy làm cho Pháp rất hoang mang. Chính phủ Pháp điện sang yêu cầu quân Pháp rút khỏi Hà Nội và toàn miền Bắc. Thắng lợi đã ở trong tầm tay thì triều đình Huế lại điều động quân Hoàng Tá Viêm lên Sơn Tây, điều Lưu Vĩnh Phúc về Lào Cai. Và sau đó ngày 15 tháng 3 năm 1874, Huế ký với Pháp một hiệp định đầu hàng tại Sài Gòn, “Hiệp ước hoà bình và liên minh” gồm 22 khoản quy địnhTriều đình Huế công nhận quyền của Pháp tại 6 tỉnh miền Nam, không được ký hiệp ước thương mại với bất cứ nước nào ngoài Pháp, Việt Nam phải đổi lại chính sách đối với đạo Thiên Chúa, giáo sĩ phương Tây được tự do đi lại ở khắp Việt Nam để truyền đạo, phải mở của sông Hồng, các cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn), Ninh Hải và thành phố Hà Nội cho Pháp buôn bán. Pháp đặt lãnh sự quán ở Hà Nội và có quân đội riêng ở đó.

 Tháng 3 năm 1882, Thống đốc Nam kỳ phái trung tá hải quân Hăngrivie đem 300 quân đổ bộ lên Hà Nội, nâng tổng số quân pháp ở Hà Nội lên 600 tên và 3 tàu chiến. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 Hăngrivie tiến đánh Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ tự sát. Nhân dân miền Bắc vẫn anh dũng kháng chiến. Tháng 5 năm 1883 quân ta do Hoàng Tá Viêm chỉ huy có quân của Lưu Vĩnh Phúc phối hợp mai phục giết chết Hăngrivie, 5 sĩ quan và 28 lính Pháp tại Cầu Giấy, 6 sĩ quan khác và 45 lính bị thương nặng. Bọn còn lại phải chạy tháo thân về thành Hà Nội. Sau trận này, quân Pháp hoang mạng cực độ. Tên đô đốc Pháp thay Hăngrivie rút bỏ Hà Nội về cố thủ ở Hải Phòng. Nhưng triều đình Huế không tận dụng thắng lợi của cuộc kháng chiến, vẫn quyết tâm chủ trương hoà hoãn với Pháp. Pháp lấn tới. Lúc này chính phủ Pháp dưới quyền của Thủ tướng Pheri quyết tâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa, tăng quân đội Pháp ở miền Bắc từ 600 tên năm 1882 lên 1.500 tên vào năm 1884.

 Ngày 19 tháng 7 năm 1883, Tự Đức chết. 20 tháng 8 năm đó Pháp đánh chiếm Thuận An. 25 tháng 8 năm 1883 triều đình Nguyễn ký với Pháp tại Huế “Hiệp ước hoà bình”. Đây là hiệp ước đầu hàng toàn diện của nhà Nguyễn, thừa nhận cho Pháp đặt ách cai trị lên toàn cõi Việt Nam, Nhà Nguyễn bị tước quyền ngoại giao. Hiệp ước chia nước ta thành 3 kỳ: Nam Kỳ (từ Bình Thuận vào Nam) là thuộc địa của Pháp (Cô sanh sin), từ Khánh Hoà tới Đèo Ngang gọi là An Nam (Trung Kỳ) là chế độ bảo hộ, từ Đèo Ngang trở ra gọi là Bắc Kỳ (Tông canh) chế độ nửa bảo hộ. Ngày 6 tháng 6 năm 1884 Pháp làm sẵn một hiệp ước mới đưa cho triều đình Huế ký nhận. Đó là hiệp ước Pa tơ nốt gồm 19 khoản giống như hiệp ước năm 1883, chỉ khác là đưa Bình Thuận từ phía Nam và Thanh Hoá phía Bắc là thuộc địa phận Trung kỳ.

 Ngày 26 tháng 6 năm 1887 Pháp và nhà Mãn Thanh ký hiệp ước phân chia biên giới Việt -Trung và vịnh Bắc Bộ. Nhà Mãn Thanh nhân lúc Pháp xâm lược Việt Nam đã chiếm thêm nhiều đất đai của nước láng giềng nhỏ bé

 Năm 1863 thực dân Pháp xâm lược Campuchia. Năm 1889 Pháp hoàn thành xâm lược Lào. Năm 1887 Pháp thành lập Liên bang Đông Dương gồm 3 xứ của Việt Nam và Cam pu chia. Năm 1889 Lào cũng bị sáp nhập vào Liên bang này. Liên bang Đông Dương bao gồm 5 xứ: Cam puchia đứng đầu là một viên khâm sứ người Pháp bên cạnh dòng họ Nô rô đôm phong kiến làm tay sai, Lào đứng đầu là một viên khâm sứ cạnh phong kiến Lào làm tay sai. Việt Nam bị chia làm 3 xứ: Nam Kỳ là xứ thuộc địa như là lãnh thổ Pháp ở hải ngoại đứng đầu là Thống đốc. Tại Nam Kỳ không có bộ máy phong kiến mà chỉ là bộ máy chính quyền hoàn toàn của thực dân. Nam Kỳ là Đồng Nai và toàn bộ đồng bằng Nam Bộ. Thứ hai là Trung Kỳ từ Thanh Hoá đến Bình Thuận đứng đầu là viên Khâm sứ, bên cạnh có triều đình nhà Nguyễn làm tay sai, thứ ba là Bắc Kỳ từ Ninh Bình trở ra miền Bắc đứng đầu là viên Thống sứ Bắc Kỳ. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ dưới kỳ là tỉnh đứng đầu là viên Công sứ người Pháp bên canh viên Tổng đốc người Việt. Dưới tỉnh là Phủ do tri phủ người Việt đứng đầu, dưới phủ là huyện (châu miền núi) do tri huyện, tri châu người Việt đứng đầu. Dưới huyện là tổng, dưới tổng là xã; dưới xã là làng, bản (miền núi) do chánh, phó tổng,

; chánh phó Lý, hương kiểm người Việt đứng đầu. Ở Nam Kỳ dưới kỳ là tỉnh đứng đầu là tỉnh trưởng người pháp. Cách thức tổ chức này tất cả chính quyền các cấp tập trung quyền lực vào tay một người và cuối cùng tập trung vào tay người Pháp và toàn quyền Đông Dương. Bọn phong kiến bản xứ chỉ là tay sai và là công chức làm công ăn lương của Pháp, kể cả vua Nguyễn, vua Lào và vua Campuchia. Liên bang Đông Dương là chính quyền độc tài, chúng ngăn chặn không chỉ chủ nghĩa Mác- Lênin mà còn ngăn chặn tất cả những tư tưởng tiện bộ của cách mạng dân chủ tư sản Pháp.

6. 2. Phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp (1858-1945).

 -Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ: Vốn có truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường nên dù triều đình Huế phản bội đầu hàng, nhân dân ta vẫn liên tục đứng dậy chống thực dân Pháp ngay từ khi chúng sang xâm lược. Đi đầu trong cuộc kháng chiến là nhân dân Gia Định (Nam Kỳ), mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định (quê ở Quảng Ngãi) năm 1859. Ở Định Tường có khởi nghĩa của Cử nhân Trần Xuân Hòa, Hương thân Lê Cao Dũng, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Mỹ Tho, Gò Công có Đỗ Trình Thoại, Nguyễn Ngọc Thăng. Ở Long An có khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực (Nguyễn Văn Lịch). Ngày 10 tháng 12 năm 1861, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đốt cháy pháo hạm Et pê răng xơ, tiêu diệt 37 tên Pháp. Tân An có khởi nghĩa của Phan Trung. Ở Đồng Tháp có khởi nghĩa của Võ Duy Dương. Ở vùng Gia Định có Đốc binh Kiều, tri huyện Âu Dương Lân, Cử nhân Phan Văn Trị, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ở Bình Thuận có khởi nghĩa của Lê Quang Kiều, Phan Chính. Trương Quyền, con trai của Trương Công Định đã liên hệ với Pu kum Pao, nhà yêu nước Campu chia khởi nghĩa ở Tây Ninh.

 Khi lửa chiến tranh xâm lược của Pháp lan đến các tỉnh miền Tây, nhân dân các tỉnh này đã anh dũng chống Pháp. Lớn nhất là hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực ở Hà Tiên với căn cứ Hòn Chông. Ngày 16 tháng 6 năm 1868 nghĩa quân tấn công đồn Rạch Giá (Kiên Giang), giết chết tên tỉnh trưởng kiêm đồn trưởng người Pháp, làm chủ Rạch Giá 6 ngày. Tháng 9 năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị Pháp bắt ở Phú Quốc và ngày 27 tháng 10 năm 1868, ông bị chúng tử hình ở Rạch Giá. Năm 1867 Phan Tôn, Phan Liêm, hai con của Phan Thanh Giản chống Pháp ở Bến Tre, hoạt động khắp vùng Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc. Bến Tre còn có nghĩa quân Phan Tòng. Trần Văn Thành hoạt động ở An Giang. Lê Công Thành, Lâm Lễ chống Pháp ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên.

(Còn nữa)

CVL