Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 15

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 15.

 Tóm lại, diễn trình văn hóa Âu Lạc trong 1.000 năm Bắc thuộc có hai khuynh hướng đối lập nhau: Khuynh hướng Việt hóa đối lập với khuynh hướng Hán hóa, chủ nghĩa bành trướng, nô dịch đối lập với ý chí tự chủ độc lập của dân tộc ta, bộ máy bạo lực của chính quyền đô hộ đối lập với cộng đồng làng xóm của nhân dân ta. Những đối lập như vậy để chống lại Hán hóa. Đối lập với đế chế lớn mạnh, ta có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết xóm làng, dựa vào sức mạnh của làng để bảo tồn văn hóa, để giải phóng đất nước.

 Quá trình phong kiến hóa ở Âu Lạc: Từ xã hội chiếm hữu nô lệ, do sự du nhập quan hệ phong kiến từ Trung Quốc vào, nền kinh tế xã hội Âu Lạc chuyển biến dần thành kinh tế xã hội phong kiến. Xã hội Âu Lạc bao gồm giai cấp phong kiến Trung Quốc, giai cấp nông dân và giai cấp phong kiến Việt Nam. Giai cấp nông dân và giai cấp phong kiến Việt Nam đều bị chính quyền đô hộ phong kiến Trung Quốc áp bức, bóc lột, kìm hãm. Vì thế, giai cấp phong kiến Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân liên tục đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc.

 Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40: Hai Bà Trưng, chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị, là dòng dõi bên ngoại Hùng Vương, quê ở Mê Linh thuộc Hạ Lôi, Yên Lãng, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). Hai Bà sớm có tinh thần yêu nước, căm thù quân xâm lược. Chồng Bà Trưng Trắc là Thi Sách ở Chu Diên (thuộc Hà Tây, nay là Hà Nội) bị thái thú Tô Định giết hại. Thù nhà nợ nước thôi thúc, năm 40 Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phất cờ kêu gọi toàn dân khởi nghĩa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà, toàn thể nhân dân các quận Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nhất tề đồng loạt nổi dậy, chính quyền đô hộ nhà Hán nhanh chóng sụp đổ. Hai Bà Trưng đem quân từ Mê Linh tràn lên chiếm Luy Lâu (Bắc Ninh), trụ sở của chính quyền đô hộ. Thái thú Tô Định hoảng sợ bỏ chạy về nước. Hai Bà Trưng lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, ra sức xây dựng chính quyền độc lập, ổn định trật tự xã hội, miễn thuế cho dân.

 Năm 43, vua Hán Quang Vũ sai Phục ba tướng quân Mã Viện làm chủ soái, Lưu Long làm phó soái đem 20 vạn quân tiến vào nước ta. Cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng thất bại. Sau 3 năm độc lập, nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Đông Hán.

 Khởi nghĩa Hai Bà Trưng nói lên tinh thần yêu nước, sức mạnh của dân tộc ta, chứng minh sự thất bại của chính sách đồng hóa của phong kiến Trung Quốc. Khởi nghĩa góp phần thức tỉnh dân tộc, tô thêm truyền thống anh hùng bất khuất, mở ra một phương hướng mới cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Cuộc quật khởi đầu tiên của dân tộc do hai nữ vương lãnh đạo, các tướng lĩnh trong hàng ngũ nghĩa quân phần lớn là phụ nữ. Điều này nói lên vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đó không chỉ trong sản xuất, mà còn cả trong chính trị, xã hội.

 Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248: Bà Triệu là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm 225 ở núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, Thanh Hoá), em gái hào trưởng Triệu Quốc Đạt. Năm 248 Bà Triệu kêu gọi nhân khởi nghĩa tấn công vào chính quyền của nhà Đông Ngô. Thứ sử Châu Giao bị giết, cả Châu Giao chấn động. Nhà Đông Ngô cử tướng Lục Dận đem hàng vạn quân sang đàn áp. Bà Triệu cầm quân huyết chiến với giặc ở Hậu Lộc. Sau 6 tháng anh dũng chiến đấu, quân ta thất bại. Bà Triệu anh dũng hi sinh ở núi Tùng (nay thuộc Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hoá). Năm đó, bà mới 23 tuổi. Khởi nghĩa Bà Triệu là đỉnh cao nhất của phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ thứ III.

 Khởi nghĩa Lý Bí năm 542: Gần 300 năm sau khởi nghĩa Bà Triệu, Lý Bí, một hào trưởng ở Long Hưng (Thái Bình) phất cao cờ nghĩa, lãnh đạo nhân dân ta vùng dậy năm 542. Với khí thế tiến công mãnh liệt, chỉ 3 tháng nhân dân ta đánh sập chính quyền đô hộ nhà Lương. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Nhà Lương tổ chức hai cuộc phản kích lớn vào các năm 542, 543 nhưng đều bị quân ta đánh bại, tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở Hợp Phố. Tháng 5 năm 543 Lý Nam Đế thân cầm quân đánh bại Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam.

      Tháng 1 năm 544 Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu Thiên Đức, định kinh đô ở trên cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Lý Nam Đế xây dựng nhà nước với một triều đình có hai ban văn võ. Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ, Triệu Túc (bố của Triệu Quang Phục) làm thái phó. Năm 545 nhà Lương cử tướng Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân tấn công nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế đem quân chống giặc nhưng thất bại và từ trần tháng 4 năm 548. Tướng của Lý Bí là Triệu Quang Phục đem quân về Đầm Dạ Trạch (Khoái Châu-Hưng Yên) tiến hành chiến tranh du kích kháng chiến. Năm 550 triều đình nhà Lương biến loạn, Trần Bá Tiên đem quân về nước cướp ngôi nhà Lương, Triệu Quang Phục phản công thắng lợi, giết chết tướng giặc Dương Sàn, giành lại độc lập, lập lại nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục lên ngôi vua xưng là Triệu Việt Vương.

 Năm 557 cháu Lý Nam Đế là Lý Phật Tử sau một thời gian trốn chạy quân Lương, kéo phe cánh về đòi Triệu Việt Vương chia quyền lực. Triệu Việt Vương chia cho Lý Phật Tử một phần lãnh thổ, lấy địa giới ở xã Quần Thần (Thượng Cát-Hạ Cát-Từ Liêm-Hà Nội) làm ranh giới, gả con gái cho Lý Phật Tử. Năm 571 Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp triệu Việt Vương, chiếm toàn bộ lãnh thổ, xưng là Hậu Lý Nam Đế. Năm 603 nhà Tùy sai tướng Lưu Phương đem quân sang xâm lược, đánh bại Lý Phật Tử. Nhà Tùy cai trị nước ta. Nước Vạn Xuân tồn tại gần 60 năm với 3 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Triệu Việt Vương (549-571), Hậu Lý Nam Đế (571-603).

 Nhà nước Vạn Xuân ra đời tồn tại được gần 60 năm đánh dấu bước trưởng thành về mặt chính trị của giai cấp phong kiến Việt Nam, của tinh thần dân tộc, tinh thần quốc gia. Là sự khẳng định nền độc lập dân tộc, sự phủ định dứt khoát quyền bá chủ đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Với nhà nước Vạn Xuân, sự hình thành quốc gia, nhà nước đã rõ nét, là kết quả của 500 năm lịch sử đấu tranh và phát triển triển toàn diện của Việt Nam, là bước chuẩn bị cho sự ra đời của quốc gia phong kiến độc lập sau này. Nước Vạn Xuân chỉ tồn tại gần 60 năm nhưng đã in dấu ấn không phai mờ trong tâm trí của nhân dân, là nguồn cổ vũ to lớn để nhân dân ta tiếp tục cuộc đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.

 Sau khi nước Vạn Xuân bị xâm lược, nhà Tùy và sau đó là nhà Đường cai trị nước ta. Năm 687 Lý Tự Tiên và Đinh Kiên lãnh đạo nhân dân vùng dậy, giết chết quan cai trị nhà Đường là Lưu Diên Hựu, phá thành Tống Bình (nay là Hà Nội). Khởi nghĩa bị tướng của Võ Tắc Thiên Hoàng đế là Tào Huyền Tĩnh và Phùng Nguyên Thường đàn áp. Năm 722 Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa ở các Châu Ái, Hoan, Diễn (nay là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Sau Mai Thúc Loan, từ năm 766 Phùng Hưng, một hào trưởng ở Ba Vì, Sơn Tây khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa đã tấn công chiếm thành Tống Bình, xây dựng nền tự chủ. Năm 773 Phùng Hưng mất, Phùng Hải lên thay. Năm 791 tướng nhà Đường là Triệu Xương dụ Phùng Hải đầu hàng, nền tự chủ duy trì được 25 năm thì chấm dứt.

 Năm 803 Vương Quý Nguyên, một viên tướng người Việt trong quân đội nhà Đường khởi nghĩa. Đầu thế kỷ thứ X nhà Đường trên con đường sụp đổ, cơ hội cho nhân dân ta giành độc lập dân tộc đang chín muồi. Năm 906 Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng ở đất Hồng Châu (Hải Dương) nổi dậy chiếm thành Tống Bình, giành quyền tự chủ. Ngày 7 tháng 2 năm 906 vua Đường phải công nhận Khúc Thừa Dụ là Tiết Độ sứ. Năm 907 Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo thay cha tiếp tục xây dựng nền tự chủ. Khúc Hạo tiến hành cải cách hành chính, chia nước thành 5 cấp lộ, phủ, châu, hương, giáp, xã. Khúc Hạo là người đầu tiên xây dựng chính quyền thống nhất. Dù chỉ xưng là Tiết Độ sứ của nhà Đường và sau này của nhà Hậu Lương (Chu Ôn) nhưng nhân dân ta đã nắm đựợc toàn quyền tự chủ, ách đô hộ 1.000 năm của phong kiến Trung Quốc trên thực tế đã chấm dứt.

 Năm 917 Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mĩ thay cha nắm quyền. Năm 923 nước Nam Hán, một nước cát cứ trong cục diện 5 đời 10 nước sau khi nhà Đường diệt vong, lãnh thổ Quảng Đông, kinh đô Phiên Ngung (nay là Quảng Châu), sai tướng Lý Khắc Chính xâm lược nước ta. Khúc Thừa Mỹ thất bại và bị bắt. Năm 931 Dương Đình Nghệ quê ở Ái Châu (Thanh Hóa), một tuỳ tướng của họ Khúc đánh bại quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị một tuỳ tướng là Kiều Công Tiễn quê ở Phong Châu (Phú Thọ) giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Để bảo vệ địa vị của mình, Kiều Công Tiễn cầu cứu quân Nam Hán. Sẵn có dã tâm xâm lược, vua Nam Hán Lưu Cung huy động hai đạo quân thủy bộ tiến vào nước ta cuối năm 938. Đạo chủ lực thủy quân do con vua là Lưu Hoằng Thao tiến vào sông Bạch Đằng. Vua Nam Hán Lưu Cung tự chỉ huy đạo bộ binh đóng ở Hải Môn-Bác Bạch (Quảng Đông) tiếp ứng. Nền độc lập non trẻ của nước nhà bị đe doạ bởi thù trong giặc ngoài.

 Trước tình hình nguy cấp đó, tháng 11 năm 938 Ngô Quyền (quê ở Đường Lâm, Ba Vì, Hà Tây, sinh năm 897) khi đó là quan trấn thủ Ái Châu (con rể Dương Đình Nghệ) được toàn thể nhân dân và các hào trưởng ủng hộ, gấp rút tiến ra thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn, trừ nội phản rồi chuẩn bị kháng chiến chống ngoại xâm. Ngô Quyền cho quân lấy cọc gỗ đầu nhọn bịt sắt đóng xuống cửa sông Bạch Đằng theo chiều nghiêng về phía trong. Khi thủy triều dâng ngập bãi cọc, quân ta ra khiêu chiến dụ toàn bộ binh thuyền giặc vượt qua bãi cọc tiến vào trong sông. Khi nước triều rút, quân ta nhất tề xông ra quyết chiến. Thủy binh giặc đại bại tháo chạy ra biển, xô vào cọc nhọn bị vỡ và đắm. Toàn bộ đạo thủy binh của Nam Hán bị tiêu diệt. Tướng giặc Lưu Hoằng Thao bị giết chết. Nghe tin thủy binh đại bại, đạo bộ binh của Lưu Cung khiếp sợ rút lui.

 Trận thủy chiến Bạch Đằng là trận quyết chiến lược, trận tiêu diệt lớn nhất của dân tộc ta từ trước cho đến lúc đó, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Nam Hán. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta, thời đại độc lập lâu dài, xây dựng quốc gia phong kiến hùng mạnh ở Đông Nam châu Á, tạo nên bước ngoặt sâu sắc trong lịch sử tiến hoá dân tộc. Có chiến thắng lịch sử này là do ý chí kiên quyết bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc ta, có tinh thần đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vô địch. Ngô Quyền-nhà quân sự kiệt xuất, anh hùng dân tộc đã biết phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, sức mạnh của thiên thời, địa lợi, nhân hòa, biến thành sức mạnh trên chiến trường tiêu diệt địch. Ông đã kế thừa và phát huy truyền thống quân sự dân tộc lên một bước mới để hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc.

5. Thời kỳ xây dựng và phát triển chế độ phong kiến (Thế kỷ X-XV)

5. 1. Nhà Ngô (939-965)

 Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, nước ta từ giành quyền tự chủ tiến lên giành độc lập hoàn toàn, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Quốc. Năm 939 Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Ngô Vương bắt tay vào xây dựng một bộ máy nhà nước phong kiến quy củ, quy định nghi lễ trong triều, trang phục cho quan lại các cấp, phong tước vương cho các hoàng tử. Ngô Vương là người đặt nền móng cho việc xây dựng một quốc gia phong kiến tập quyền.

5. 2. Nhà Đinh (968-979).

 Năm 944 Ngô Vương mất, nhà Ngô suy yếu. Năm 965, các thế lực phong kiến địa phương không phục tùng chính quyền trung ương, nổi dậy cát cứ gây nên cuộc “loạn 12 sứ quân”, gây nên nội chiến chết chóc đau thương, phá vỡ sự thống nhất quốc gia, làm tiêu tan sức mạnh đoàn kết để bảo vệ độc lập dân tộc còn non trẻ. Yêu cầu bức thiết của lịch sử là phải khôi phục lại nền thống nhất đất nước và xây dựng chính quyền trung ương tập quyền vững mạnh. Người có công hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đó là Đinh Bộ Lĩnh (quê ở Hoa Lư, Ninh Bình). Bằng mưu lược quân sự tài giỏi, bằng tinh thần cương nghị, ông lần lượt tiêu diệt và hàng phục 11 sứ quân và thống nhất đất nước vào năm 968. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia đối với xu hướng cát cứ, là thắng lợi của tinh thần dân tộc, của ý chí độc lập mạnh mẽ.

 Sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình. Việc xưng đế minh chứng triều Đinh tiến thêm một bước trên con đường khẳng định ý chí độc lập dân tộc. Đinh Tiên Hoàng định giai phẩm cho các quan văn võ. Phong Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, phong Vương cho các hoàng tử: Nam Việt Vương Đinh Liễn, Vệ Vương Đinh Toàn, sư Ngô Chân Lưu được phong Khuông Việt Đại sư làm cố vấn cho vua, tham dự triều chính. Cả nước chia thành 10 đạo tương ứng với 10 đạo quân trong biên chế quân sự, dưới đạo là các công xã nông thôn mà đơn vị nhỏ nhất là làng, bản.

 Năm 979 Đinh Tiên Hoàng và con cả của ông là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết chết. Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi. Lợi dụng tình hình đó, Chiêm Thành đe dọa biên giới phía Nam, nhà Tống uy hiếp biên giới phía Bắc của Đại Cồ Việt. Vệ Vương Đinh Toàn còn nhỏ không đủ khả năng, uy tín tổ chức, lãnh đạo kháng chiến. Triều đình và Thái hậu Dương Vân Nga tôn Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn (quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) lên ngôi vua, lập ra nhà Tiền Lê.

(Còn nữa)

CVL