Kỳ 14.
IX. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ THỜI KỲ TIỀN SỬ ĐẾN THỜI KỲ HIỆN ĐẠI
1. Xã hội nguyên thủy
Giống như lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam cũng bất đầu từ xã hội nguyên thuỷ. Theo quy luật chung, xã hội nguyên thuỷ là hình thái kinh tế xã hội buộc tất cả các dân tộc, các quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới phải đi qua. Xã hội nguyên thuỷ Việt Nam trải qua hàng chục vạn năm, là quãng thời gian cần thiết cho một loài vượn đặc biệt ở Đông Nam châu Á chuyển biến thành vượn người, rồi từ vượn người tiến hoá lên người vượn (yếu tố người đã nhiều hơn). Người vượn phát triển thành người Nêanđéctan (người tinh khôn) và cuối cùng thành người hiện đại (HômôSapiêng). Quá trình tiến hóa từ vượn thành người đã hoàn thành sau một thời gian dài gần triệu năm. Cộng đồng đầu tiên của người hiện đại là bầy người.
Sau thời gian hàng vạn năm tiến hóa, bầy người nguyên thuỷ Việt Nam bước sang một cộng đồng mới cao hơn: Thời kỳ công xã thị tộc. Cơ sở của công xã thị tộc là dựa trên quan hệ cùng huyết thống, máu mủ ruột rà. Thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền (mẫu hệ). Gọi là thị tộc mẫu quyền vì người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hái lượm nên họ giữ vai trò điều hành thị tộc: Phân công lao động, phân phối thức ăn. Gọi là chế độ mẫu hệ vì hôn nhân theo chế độ ngoại tộc hôn với hình thức tạp hôn, cùng thị tộc là anh em nên không được hôn nhân với nhau, tập thể nữ của thị tộc này phải hôn nhân với tập thể nam thị tộc kia và ngược lại. Cách thức hôn nhân này làm cho con chỉ biết có mẹ nên phải mang họ của thị tộc mẹ (mẫu hệ). Thời kỳ thị tộc mẫu quyền, xã hội loài người đã hình thành, xuất hiện nền văn hoá, phong tục tập quán, tôn giáo với hình thức Tô tem giáo, Bái vật giáo (vạn vật hữu linh, cho rằng sinh vật và động vật tất cả đều có linh hồn). Con người tìm ra lửa. Lửa làm cho chất lượng cuộc sống con người thay đổi, con người được sưởi ấm, ăn chín uống sôi, thúc đẩy thêm sự tiến hoá của con người về trí tuệ và thể lực. Việc tìm ra lửa là cuộc cách mạng đầu tiên trong cuộc sống con người nguyên thuỷ. Công cụ sử dụng trong thời kỳ mẫu hệ thuộc thời đại đồ đá giữa (đá được chế tác) và đồ đá mới (đá được chế tác tinh xảo).
Bên cạnh thị tộc, trong thời kỳ này còn có cộng đồng người liên kết rộng rãi hơn là bộ lạc. Bộ lạc là sự liên minh giữa hai hay nhiều thị tộc sống gần gũi nhau, có quan hệ giao lưu mật thiết với nhau trên nhiều lĩnh vực hôn nhân, kinh tế, gần nhau về địa bàn cư trú. Đứng đầu Bộ lạc là Tù trưởng do những thành viên Bộ lạc bầu nên một cách dân chủ.
Giai đoạn cuối cùng của xã hội nguyên thuỷ Việt Nam là cộng đồng thị tộc phụ quyền (phụ hệ). Thời kỳ này kinh tế phát triển, các ngành nghề mới ra đời và được đẩy mạnh, đàn ông đóng vai trò chính trong sản xuất nên nắm vai trò điều hành thị tộc. Trong thị tộc đã hình thành những gia đình lớn nhiều vợ nhiều chồng chung nhau, con sinh ra đã biết mặt cha nên con phải mang họ của thị tộc cha. Thời kỳ này cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Công cụ sản xuất phát triển mạnh mẽ và phong phú. Ngoài đồ đá mới, cư dân Việt Nam còn có công cụ bằng đồng và bằng sắt, chế tạo cung tên (súng của thời kỳ nguyên thuỷ và cả của thời kỳ xã hội nô lệ và phong kiến). Sự phát triển của công cụ sản xuất làm cho năng suất lao động nâng cao, sản phẩm dư thừa. Trong hoàn cảnh đó chỉ cần một người đàn ông và một người đàn bà sống với nhau vẫn có thể lao động dư thừa. Xã hội xuất hiện gia đình một chồng một vợ. Các gia đình chiếm đoạt tư liệu sản xuất, ruộng đất của Công xã thị tộc làm của riêng. Xã hội xuất hiện chế độ tư hữu. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất làm cho xã hội xuất hiện giàu nghèo: Xuất hiện giai cấp. Chế độ tư hữu và giai cấp làm cho xã hội cộng sản nguyên thuỷ tan rã, loài người bước vào xã hội có giai cấp đầu tiên là xã hội chiếm hữu nô lệ. Theo cách nói của F. Ăngghen thì người Việt Nam đã từ thời đại dã man (nguyên thuỷ) bước sang thời đại văn minh, xã hội có giai cấp, có nhà nước.
Xã hội cộng sản nguyên thuỷ chiếm một thời gian dài nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khoảng vài chục vạn năm. Đây là thời kỳ thơ ấu của dân tộc cho nên là thời kỳ đặt nền tảng cho toàn bộ tính cách, truyền thống, văn hoá nông nghiệp, làng xã của con người Việt Nam. Trên cơ sở vững chắc đó, dân tộc Việt Nam bước vào xã hội văn minh với biết bao thử thách hiểm nghèo qua các thời đại mà vẫn vững vàng tồn tại chiến thắng và phát triển.
2. Nhà nước Văn Lang (Khoảng thế kỷ XIII TCN đến năm 208 TCN)
Nguyên nhân ra đời của nhà nước Văn Lang: Nhà nước đầu tiên của người Lạc Việt ra đời nằm trong quy luật chung sự ra đời của các nhà nước chiếm hữu nô lệ trên thế giới. Sự phát triển của sản xuất đưa đến năng suất lao động cao, sản phẩm dư thừa. Xuất hiện chế độ gia đình một vợ một chồng và chế độ tư hữu. Chế độ tư hữu làm xã hội xuất hiện giai cấp. Giai cấp quý tộc chủ nô thiết lập nhà nước làm công cụ thống trị, áp bức bóc lột đối với đại đa số nhân dân và nô lệ. Sự phát triển của kinh tế, xã hội Lạc Việt vào thiên niên kỷ II trước công nguyên đã tạo tiền đề kinh tế, xã hội chính trị cho sự ra đời nhà nước chiếm hữu nô lệ Văn Lang.
Khác với những nơi khác trên thế giới, chiến tranh góp phần thúc đẩy, làm bà đỡ cho sự ra đời nhà nước thì người Lạc Việt có những nhu cầu bức thiết hơn. Đó là nhu cầu trị thuỷ các con sông lớn: Sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Cả…Nhu cầu chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại Thương, Chu, Tần ở phía Bắc, nhu cầu trao đổi kinh tế văn hóa giữa các bộ lạc. Tóm lại nhu cầu sinh tồn và phát triển đòi hỏi phải thống nhất các địa phương, các tộc người thành một quốc gia. Vậy nhà nước Văn Lang ra đời là một tất yếu, hợp quy luật, là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài hàng chục vạn năm của người Lạc Việt.
Thời gian ra đời của nhà nước Văn Lang có nhiều chính kiến khác nhau nhưng theo cứ liệu trong và ngoài nước thì khoảng 1.300 năm TCN. Quốc hiệu Văn Lang, kinh đô là Bạch Hạc (nay là thành phố Việt Trì). Lãnh thổ nhà nước Văn Lang bao gồm toàn bộ miền Bắc và Trung Bộ (từ Thanh Hoá đến Quảng Bình). Công cụ sản xuất từ lâu đời đã có đồ đá mới nhưng ngày càng ít đi (như cối giã gạo, cối tuốt lúa), công cụ chủ yếu là đồ đồng và đang bước sang thời đại đồ sắt (Truyền thuyết Thánh Gióng). Nông nghiệp trở thành nền kinh tế chủ yếu, đặc biệt nghề đúc đồng phát triển với trình độ cao, nghệ thuật tinh xảo được kết tinh trong trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.
Xã hội thời Hùng Vương đang trên đường phân hóa giàu, nghèo, phân chia thành giai cấp quý tộc, bình dân và nô tì. Giai cấp quý tộc chủ nô là giai cấp thống trị, áp bức, bóc lột. Nông dân là giai cấp chiếm đa số dân cư trong một nền kinh tế nông nghiệp. Nông dân sống trong các làng xã nông thôn (công xã nông thôn). Họ cày ruộng đất công của công xã và nộp một phần hoa lợi cho nhà nước. Nông dân có gia đình riêng, có tài sản riêng, có một ít ruộng đất. Tầng lớp thấp nhất trong xã hội là nô tì (nô lệ), số lượng ít. Họ không phải là lực lượng sản xuất chính của xã hội, cho nên xã hội chiếm hữu nô lệ Văn Lang là xã hội chiếm hữu nô lệ không điển hình. Các Mác gọi xã hội nô lệ kiểu châu Á này là chế độ nô lệ gia đình (gia trưởng).
Nhà nước Văn Lang là nhà nước Quân chủ quý tộc chủ nô, đứng đầu nhà nước là vua - Hùng Vương. Hùng Vương nắm tất cả các quyền lực cơ bản của nhà nước: quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ngôi vua theo chế độ thế tập, cha truyền con nối kế tục nhau qua 18 đời. Giúp việc cho vua ở trung ương có Lạc hầu và một số quan lại khác. Về hành chính cả nước chia thành 15 Bộ, mỗi Bộ do một Lạc Tướng đứng đầu cai quản.
Dưới Bộ là công xã nông thôn có Bồ chính đứng đầu. Dưới công xã là làng bản do già làng, trưởng bản đứng đầu. Với một bộ máy như vậy, Hùng Vương thực hiện quyền lực của mình trên toàn lãnh thổ. Xã hội Văn Lang phân hóa thành giai cấp nhưng chưa sâu sắc. Cộng đồng dân cư vẫn giữ vững truyền thống đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhà nước Văn Lang ra đời đánh dấu cộng đồng Dân tộc quốc gia Việt Nam ra đời với sự thống nhất về lãnh thổ, kinh tế, văn hoá, và ngôn ngữ. Tiếng nói của người Lạc Việt, của Vua Hùng trở thành tiếng quốc gia. Đây là cộng đồng dân tộc mà Mác-Ăngghen gọi là dân tộc tiền tư bản, nó ra đời từ khi xuất hiện nhà nước đầu tiên mà không cần chờ đến khi chủ nghĩa tư bản ra đời dân tộc mới ra đời như các nước Âu -Mỹ. Nhà nước Văn Lang ra đời là một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử dân tộc, đưa nước ta từ thời đại dã man sang thời đại văn minh. Đây là bước ngoặt về kinh tế, thiết chế chính trị, xã hội, văn hoá phát triển vững vàng, cố kết hơn, rực rỡ hơn, truyền thống dân tộc được bồi đắp, phát triển vững vàng thêm một bước.
3. Nhà nước Âu Lạc (208-179TCN)
Nguy cơ ngoại xâm đe dọa nước Văn Lang và các tộc người Việt trở thành một thực tế to lớn. Nhu cầu thống nhất các tộc người Lạc Việt và Âu Việt để có sức mạnh chống ngoại xâm, phát triển lên một bước cao hơn về mọi mặt của dân tộc để xây dụng đất nuớc. Cơ sở cho sự thống nhất là hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau vì cùng chung huyết thống, tương đồng về trình độ kinh tế, giống nhau về phong tục tập quán. Đến thời Hùng Vương thứ XVIII đồ sắt chiếm địa vị chủ yếu, năng suất lao động ngày càng tăng. Sự hợp nhất này sẽ tạo nên một quốc gia có trình độ mới cao hơn thời Hùng Vương.
Như vậy, do nhu cầu phát triển, giao lưu kinh tế văn hoá, chống ngoại xâm nên sự hợp nhất bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt thành một quốc gia là một tất yếu khách quan, do đòi hỏi bức thiết của lịch sử. Thủ lĩnh của bộ tộc Âu Việt (người Tày cổ) là Thục Phán. Năm 208 TCN, Thục Phán được Hùng Vương thứ XVIII chọn là người kế vị, lập ra nhà nước Âu Lạc, một triều đại mới: Triều đại An Dương Vương, dời kinh đô về Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Âu Lạc là nhà nước hợp nhất người Lạc Việt với người Âu Việt ở mạn Cao Bằng.
Nước Âu Lạc có nền kinh tế phát triển hơn một bước so với thời Văn Lang, công cụ đồ sắt đóng vai trò chủ yêu trong sản xuất. Văn minh Đông Sơn tiếp tục phát triển. Nghề chế tác sắt ngày càng hoàn thiện. An Dương Vương đã huy động nhân dân xây dựng thành Cổ Loa. Cổ Loa là kinh đô đồng thời cũng là căn cứ quân sự, kết hợp giữa căn cứ bộ binh với căn cứ thủy quân, kết hợp tấn công với phòng thủ. Vũ khí thời Âu Lạc tiến bộ vượt bậc, chế tạo được nỏ liên châu bắn một lần được nhiều tên mũi có bịt đồng. Sức chiến đấu của nỏ liên châu vô cùng lợi hại nên được gọi là nỏ thần. Thành Cổ Loa và nỏ liên châu đã minh chứng tài năng quân sự của dân tộc Việt thời cổ đại. Quân đội nhà nước Âu Lạc có hàng vạn người bao gồm bộ binh và thuỷ binh.
Xã hội Âu Lạc ngày càng phân hoá sâu sắc. Nô tì (nô lệ) đông hơn. Nhưng nông dân vẫn là lực lượng sản xuất chính, là đối tượng bóc lột chính của của nhà nước. Chế độ chiếm hữu nô lệ Âu Lạc là xã hội chiếm hữu nô lệ không điển hình, là chế độ chiếm hữu nô lệ gia đình (gia trưởng). Nền quân chủ chủ nô ngày càng có xu hướng chuyên chế. Nhà vua - Thục Phán An Dương Vương nắm mọi quyền lực. Giúp việc cho vua có đại thần Cao Lỗ, Lạc Hầu… Cao Lỗ, người đã thiết kế xây dựng thành Cổ Loa và nỏ liên châu. Toàn quốc chia thành nhiều Bộ, mỗi Bộ do một lạc tướng đứng đầu. Cơ sở hạ tầng của nhà nước là công xã nông thôn. Sự ra đời của nhà nước Âu Lạc làm cho cộng đồng dân tộc quốc gia Việt Nam phát triển thêm một bước về mọi mặt, tăng cường ý thức và đoàn kết dân tộc trên con đường dựng nước và giữ nước.
4. Thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN đến năm 938)
Năm 206 TCN, nhà Tần ở Trung Quốc sụp đổ. Hiệu uý Triệu Đà, một viên quan của nhà Tần chiếm đất Quảng Đông lập nên nước Nam Việt, lấy Phiên Ngung (Quảng Châu) làm kinh đô. Triệu Đà đã nhiều lần mở cuộc tấn công xâm lược Âu Lạc nhưng bị An Dương Vương đánh bại. Triệu Đà dùng gian kế (sự tích Trọng Thuỷ-Mỵ Châu ) nên năm 179 TCN Âu Lạc của An Dương Vương bị đánh bại, mở đầu cho lịch sử đô hộ 1.000 năm của phong kiến Trung Quốc đối với nước Việt (179 TCN-938). Trong thời kỳ Bắc thuộc, nước Việt lần lượt bị các triều đại phong kiến Trung Quốc sau đây cai trị: Triệu, Hán, Đông Ngô, Tấn, Lương, Tuỳ, Đường, Nam Hán. Các triều đại phong kiến Trung Quốc ra sức bóc lột, áp bức và đồng hóa văn hoá đối với nhân dân ta.
Nhưng thật kỳ lạ, dân tộc Việt đã đón nhận, tiếp thu những tinh hoa tốt đẹp của văn hóa Trung Hoa để làm giàu thêm, phát triển thêm nền văn hóa của dân tộc mình, trong khi đó vẫn bảo tồn được nền văn hóa dân tộc, bảo vệ được linh hồn, ý thức dân tộc, liên tục nổi dậy đấu tranh vũ trang quật khởi, để rồi thế kỷ thứ X lật đổ ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, giành độc lập dân tộc.
Vì sao văn hóa Việt Nam có sức sống dẻo dai, bền vững như vậy? Vì sao chính sách đồng hóa 1.000 năm của phong kiến Trung Quốc thất bại? Lý do thứ nhất là trước khi bị xâm lược thống trị, tổ tiên ta đã có lịch sử hàng chục vạn năm với nền văn hóa tiền sử, lại với hơn 1.000 năm có nền văn hóa, văn minh sông Hồng, có thiết chế chính trị xã hội riêng được xây dựng trên cơ sở nông nghiệp trồng lúa nước, cơ cấu làng xã vững bền, khẳng định một lối sống, một cá tính truyền thống sâu gốc bền rễ trong các làng xã. Đây là một nền văn hóa cao tràn đầy sức sống. Bất cứ một nền văn hóa nào từ bên ngoài xâm nhập vào đều được chọn lọc, làm phong phú thêm nội dung, sức sống của nó. Chính những người Hán được đưa xuống đất Việt để góp phần đồng hóa thì lại bị đồng hóa bởi nền văn hóa Âu Lạc và một vài đời sau họ trở thành những cư dân như người Việt bản địa.
Nguyên nhân thứ hai là sự thống trị của phong kiến Trung Quốc lâu dài 1.000 năm nhưng không liên tục, bị gián đoạn bởi những cuộc khởi nghĩa giành độc lập của nhân dân ta liên tục diễn ra trong nhiều thế kỷ. Có những cuộc khởi nghĩa giành được độc lập trong một thời gian nhất định như Hai Bà Trưng dựng nước được 3 năm, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục xây dựng nhà nước Vạn Xuân được 50 năm. Các cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế, Phùng Hưng đưa nước nhà đến gần 20 năm độc lập. Nền cai trị của phong kiến phương Bắc còn gián đoạn bởi âm mưu cát cứ của các quan lại Trung Quốc sang cai trị Châu Giao khi chính quyền trung ương ở Lạc Dương, Trường An suy yếu như Sĩ Nhiếp, Sĩ Huy, Đỗ Viên, Đỗ Tuệ Độ, Lê Ngọc… Sự gián đoạn trong cai trị đã làm hạn chế tiến trình đồng hoá.
Nguyên nhân thứ ba là cấu trúc xã hội làng xã Âu Lạc làm thất bại công cuộc đồng hóa của kẻ thù, bảo vệ được nền văn hóa dân tộc. Trong 1.000 năm thống trị từ nhà Triệu, Hán, Đông Ngô, Tấn, Tùy đến Đường chỉ với tay được xuống cấp huyện. Quan lại người Hán chỉ nắm được cấp bộ, sau này là châu, là An Nam đô hộ phủ với chức vụ Thứ sử (đời Đường là Tiết độ sứ), Thái thú nắm các quận. Mãi tới năm 43 nhà Hán và sau đó là nhà Đường mới chỉ nắm xuống cấp huyện. Còn những vùng xã, thôn rộng lớn vẫn do các hào trưởng người Việt cai quản. Mất nước nhưng không mất làng. Chính quyền đô hộ chỉ có thế lực ở các nơi trấn trị, nhiệm sở, đồn binh. Chính vì thế xóm làng là pháo đài kiên cố bảo vệ nền văn hóa, vô hiệu hóa những chính sách của chính quyền đô hộ.
Nguyên nhân thứ tư là do nhân dân Âu Lạc bất khuất, kiên quyết và liên tục chống lại phong kiến Trung Quốc một cách quyết liệt để giành độc lập dân tộc, bảo vệ nền văn hóa của mình. Mặt khác họ vẫn tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa Trung Quốc, hòa hợp với nền văn hóa Âu Lạc, tạo nên sự phong phú mới và tiềm năng mới cho văn hóa dân tộc. Tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa bên ngoài như là một quy luật trong sự phát triển văn hóa.
(Còn nữa)
CVL