Kỳ 11.
Chính vì thế các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định rằng: “Trong lịch sử của dân tộc ta, trải qua chế độ phong kiến dài dằng dặc, Nguyễn Trãi là người đầu tiên cách đây hơn 500 năm lên tiếng đề cao vai trò của nhân dân”[1]. Tư tưởng dân chủ của Nguyễn Trãi là lấy dân làm gốc, dân là trung tâm của xã hội, của quốc gia, dân tộc, dân là lực lượng cơ bản quyết định mọi thắng lợi trong kháng chiến bảo vệ tổ quốc, trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng đất nước. Vì dân, thương dân: Lý Thái Tổ có lòng thương dân. Khi cầm quân dẹp loạn, nhà vua ra lệnh “Ai cướp bóc của dân thì chém”. Ngay cả khi chinh phạt Chiêm Thành hay quấy nhiễu biên cương phía Nam Đại Việt, nhà vua ra lệnh: “Kẻ nào giết bậy người Chiêm sẽ giết không tha”. Khi bắt được tù binh Chiêm Thành, Lý Thái Tổ đã lập hương ấp cho họ sinh sống. Đại Việt sử kí toàn thư ghi nhận: ”Cho các tù binh đều cùng nhận người cùng bộ tộc ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đằng Châu (Quy Hoá ), đặt hương ấp phỏng theo tên cũ của Chiêm Thành”. [2].
Thương dân: Lý Thái Tông, vị vua thứ hai của triều Lý có một quan niệm rằng dân giàu thì nước giàu, dân giàu thì vua giàu. Cuối năm 1044 sau khi đi đánh Chiêm Thành về, nhà vua ban chiếu nói: “Đánh dẹp phương xa tổn hại việc nông, ngờ đâu mùa đông năm nay được mùa. Nếu trăm họ đã đủ thì trẫm sao không đủ. Vậy xá cho thiên hạ một nửa mùa tiền thuế năm nay để uý sự nhọc nhằn lặn lội” [3].
Thương dân: Nối tiếp ý thức dân chủ và đường lối thân dân của ông, cha, Lý Thánh Tông (vua thứ 3 triều Lý-1054-1072) và hoàng hậu Ỷ Lan đã thi hành chính sách thương yêu nhân dân. Một lần vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện, phạm nhân là một trai trẻ phạm tội do chưa biết luật, vua nói “Ta yêu con ta cũng như các bậc cha mẹ trong thiên hạ yêu con cái của họ. Trăm họ không hay biết nên tự phạm vào luật pháp, ta rất thương xót. Từ nay bất kỳ các tội nặng nhẹ cần răn dặn kỹ lưỡng và nhất thiết đều phải khoan giảm”. Và nhà vua tha bổng cho người con trai đó.
Lần khác khi mùa đông rét mướt, nghĩ đến muôn dân không đủ chăn áo nhà vua chạnh lòng: “Ta ở trong thâm cung sưởi lửa than, mặc áo hồ cừu mà khí lạnh còn thế này, huống hồ những kẻ bị giam trong ngục thất, xiềng xích khổ đau, ngay gian chưa định, bụng không cơm no, thân không áo ấm, một khi gặp cơn gió lạnh thổi há chẳng bị chết ư. Ta rất đỗi thương xót”. Nhà vua sai đem chăn chiên ban cho tù. Mỗi ngày phát cho tù nhân hai bữa cơm. Cũng năm đó Lý Thánh Tông xuống chiếu miễn cho cả nước một nửa thuế năm đó [4].
Thương dân nên giúp dân: Hoàng hậu của Lý Thánh Tông là Ỷ Lan cũng thương dân như nhà vua. Bà đã nhiều lần ra lệnh mở kho phát chẩn cho trẻ mồ côi và người nghèo đói. Mùa xuân năm 1103 Ỷ Lan Hoàng thái hậu nhiếp chính (con là vua Lý Nhân Tông còn nhỏ ) đã dùng tiền chuộc con góa nhà nghèo phải bán thân ở đợ rồi dựng vợ gả chồng cho họ. Sử thần Ngô Sĩ Liên triều Hậu Lê đã viết : “Con gái nghèo đến nỗi phải cầm thân làm con mướn, con trai nghèo đến nỗi không có vợ, đó là cùng dân trong thiên hạ. Thái hậu đổi đời cho họ cũng là việc làm chân chính vậy” [5].
Thương dân nên khoan thứ sức dân: Lý Thường Kiệt tể tướng nhà Lý (Phụ quốc Thái uý) có tư tưởng chính trị yên dân. Người đương thời ca ngợi ông “mục quân kí ninh, chương sự tất khắc (coi quân yên dân, cầm quân tất thắng)”. Chính trị của Lý Thường Kiệt “làm việc cốt tránh phiền dân, sai dân cốt khuyên nhủ dân vui theo…đem bụng khoan thứ cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân, lấy sự no đủ làm nguyện vọng của dân, coi việc cày cấy làm gốc của nước, nuôi nấng người già nên người già được yên “[6]. Năm 1225 nhà Trần thay thế nhà Lý trên vũ đài chính trị. Những nhà lãnh đạo, những tướng lĩnh xuất chúng đời Trần đều ra sức xây dựng nền quân chủ quý tộc phong kiến nhưng không quên đề cao tưởng dân chủ, đồng thuận, thực hiện đường lối chính trị thân dân.
Tiếp tục tư tưởng dân chủ, đường lối chính trị thân dân, vua Trần Thánh Tông (1258-1278), vua Trần Minh Tông đều chủ trương xây dựng đất nước thái bình thịnh trị, quan tâm đến việc giáo hoá nhân dân, giúp đỡ dân nghèo. Vua Trần Minh Tông nói: “Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc phải cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ, lợi hay hại hay sao”[7].
Do lòng thương yêu nhân dân, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông khi rời vũ đài chính trị thì đi theo đạo Phật, nghiên cứu sâu sắc đạo Phật, mong dùng từ bi của đạo để tiếp tục giáo hoá chúng sinh. Trần Quốc Tuấn thương yêu nhân dân và binh sĩ bằng cách khác. Tại trang ấp của ông ở Vạn Kiếp, ông cho trồng một khu thuốc gọi là dược sơn để chữa bệnh cho quân sĩ và nhân dân trong vùng. Trên cổng tam quan đền thờ Vạn Kiếp có câu bằng tiếng Hán: “Giữ thiên vô cực” (sự nghiệp sống mãi với thời gian). Đó có thể là sự nghiệp và chiến công oanh liệt hiển hách, cũng có thể là sự nghiệp vì dân, lấy dân là gốc của ông.
Vì dân phải nhân nghĩa với dân: Nguyễn Trãi cho rằng nhân nghĩa là gốc, là nền tảng của chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, luật pháp, lễ, nhạc và văn hoá nghệ thuật. Như vậy nhân nghĩa là gốc trong tư tưởng dân chủ của Nguyễn Trãi. Vì dân thì phải nhân nghĩa với dân: Một trong những tư tưởng dân chủ đặc sắc của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa của ông kết tinh truyền thống tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc, dân chủ của nhân dân. Truyền thống đó được Nguyễn Trãi nhận thức và sáng tạo sâu sắc để giải quyết những nhiệm vụ chính trị cụ thể đương thời. Nhân nghĩa vốn là quan niệm của Nho giáo, gắn với đạo đức và quyền lợi của giai cấp phong kiến. Nhưng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi có một nội dung lịch sử cụ thể: Nhân nghĩa phải bảo vệ tổ quốc, giải phóng dân tộc, phải bảo vệ nhân dân, phải chống lại xâm lược, phải thương yêu nhân dân, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”[8]. Nhân nghĩa là một việc làm cấp bách của mọi triều đại: “Làm điều nhân gấp hơn cứu người chết đuối”[9]. Nhân nghĩa theo Nguyễn Trãi là dùng để chiến thắng hung tàn bạo ngược: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”[10], dùng nhân nghĩa để trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, lấy yêu thương nhân dân thay cho cường quyền. Theo Nguyễn Trãi “nhân nghĩa là đạo đức, là nền tảng của thế nước an”[11]. Nguyễn Trãi coi nhân nghĩa là gốc của đạo làm tướng. Pháp luật không bằng nhân nghĩa. Theo ông nhân nghĩa là gốc của mọi tư tưởng chính trị và quân sự, nhân nghĩa là tài năng và đạo đức để làm việc cho đất nước, làm việc cho dân, đáp được thiên tâm, thỏa được nhân vọng. Ông yêu cầu người làm vua phải để lòng vào nhân nghĩa, phải lấy nhân nghĩa làm chỗ đứng. Trong “Luận ngữ” một tác phẩm kinh điển chủ chốt của Nho giáo, Khổng Tử có 150 lần nói chữ nhân nhưng không có nội dung như Nguyễn Trãi. Mạnh Tử có tư tưởng dân chủ hơn Khổng Tử nhưng bàn về chữ nhân cũng không có nội dung như Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã vượt xa quan điểm Nho giáo, quan điểm trước đó và đương thời và cả hậu thế. “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước thương dân, cứu dân. Cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của nhân dân”[12]. Như vậy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là tư tưởng dân tộc, dân chủ kết hợp làm một để đánh giặc cứu nước làm cho nước độc lập, giàu mạnh, làm cho dân ấm no hạnh phúc. Nguyễn Trãi cũng rất tự hào nước ta là nước văn minh có nhân, lễ, nghĩa. Phàm những lực lượng chính nghĩa thì mới có nhân nghĩa. Ông cũng cho rằng thế lực phi nghĩa thì không bao giờ có nhân nghĩa.
Tư tưởng thương dân: “Tư tưởng vì dân của Nguyễn Trãi chứa đựng tinh thần dân chủ ở mức độ nhất định”[13]. Nhân nghĩa thương dân cho nên Nguyễn Trãi lấy cuộc sống bình yên của con người làm nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa chiến tranh và hoà bình. Chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng khi quân xâm lược đẩy ta vào thế bắt buộc. Mọi phương hướng, việc làm, mọi hoạt động của Nguyễn Trãi đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương nhân dân với một ý thức dân chủ mạnh mẽ. Ở ông yêu nước kết hợp với thương dân. “Việc thành bại của nước và nỗi vui hay buồn của nhân dân, những việc ấy có liên quan với nhau rất lớn ”[14]. Nguyễn Trãi muốn đem lại cho nhân dân một một đời sống no ấm, yên vui, hạnh phúc. Ông ước mơ xây dựng một xã hội bình đẳng cho nhân dân mà trong đó “vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn. Dường ấy ta đã phỉ sở nguyền ”[15]. Hết lòng vì quyền lợi của nhân dân là ý thức dân chủ cao nhất của Nguyễn Trãi. Trong thời đại phong kiến, Nguyễn Trãi là một hiện tượng đặc biệt hiếm có. Với quan điểm lấy dân làm gốc, ông đã vượt qua mọi giới hạn của Nho giáo, thương yêu “dân đen’, “con đỏ”. Vì dân mà ông cứu nước, cứu nước là cứu dân, vì dân mà ông ước mơ xây dựng một xã hội bình đẳng tốt đẹp. Thương yêu nhân dân nhưng không phải là bề trên thương xuống mà bao giờ ông cũng đề cao và tôn quý nhân dân. Theo quan điểm của ông, nhân dân là động lực của lịch sử. Xã hội mà ông mơ ước xây dựng không phải là xã hội đương thời, trong đó đại bộ phận nhân dân bị chèn ép một bề, chịu để cho tầng lớp thống trị lừa bịp, bóc lột, tham nhũng, sống phè phởn giàu sang trên mồ hôi, xương máu, nước mắt của nhân dân.
Vì thế, ông khuyên vua Lê Thái Tông phải chăm lo đời sống của nhân dân, vì hoà bình ấm no hạnh phúc của nhân dân là gốc của nhạc, không có cái gốc đó không thể có nhạc: “Xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng nhân dân để nơi làng mạc nông thôn không còn tiếng sầu than oán giận. Như thế mới không làm mất cái gốc của nhạc vậy” [16]. Nguyễn Trãi cho rằng người làm vua nên thương yêu dân chúng, nghĩ ban chính sách khoan dân.
Tu thân để trị dân : Trần Thủ Độ là người đã đưa triều Lý vào lịch sử, đem lại ngai vàng xã tắc vào tay nhà Trần. Dòng họ mới cầm quyền, còn biết bao công việc, biết bao nhiêu thử thách, cần phải thi hành đường lối chính trị thân dân để củng cố vững chắc triều đại mới. Giữ trọng trách thái sư, quyền hành của Trần Thủ Độ hơn cả vua nhưng ông biết nghe lời phê phán, lời nói thẳng của người khác. Có người nói với vua Trần Thái Tông: “Bệ hạ trẻ thơ mà Thủ Độ quyền hơn cả vua, đối với xã tắc sẽ ra sao ?”. Trần Thái Tông cả sợ dẫn người đó đến gặp Trần Thủ Độ thuật lại những lời phê phán đó. Thủ Độ tiếp thu và nói: “Người ấy nói đúng”, rồi lấy tiền lụa thưởng cho người đó. Quyền lực hơn cả vua mà nhận tiếp thu chê trách, Thủ Độ là nhân vật hiếm có trong lịch sử phong kiến.
Dưới triều Hậu Lê, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến Việt Nam, nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền qua nhiều thế kỷ xây dựng đến nay trở nên hoàn thiện, đặc biệt dưới triều Lê Thánh Tông. Tuy nhiên nhà Hậu Lê vẫn đề cao học thuyết tu thân của đạo nho, tu thân để làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, làm chủ gia đình, xã hội. Những nhà cai trị dân phải tu thân, giáo hóa nhân dân bằng đức trị, bằng tấm gương của nhà cầm quyền, bằng lễ nhạc. Hình pháp chỉ là biện pháp hỗ trợ cho giáo hóa mà thôi.
Lê Thái Tổ cho rằng nhà cai trị phải lo cho hết đạo trị dân: “Thờ trời đất phải hết thành, thờ tôn miếu phải nghĩ hết hiếu. Cùng anh em phải thân mến, đối với tôn tộc phải thuận hoà, cả đến coi trăm quan, trị muôn dân không việc gì là không lo hết đạo”[17]. Vua Lê Nhân Tông (1443-1459) vị vua thứ 3 triều Hậu Lê chủ trương hết lòng thương dân. “Xét lời gần, nghe lời xa chăm sóc chính sự, cẩn thận thưởng phạt, trọng nghề nông tang, chuộng nghề gốc rễ, hết lòng thương dân”[18]. Lê Thánh Tông (tại vị 1460-1497 ) một trong những vị vua tài giỏi của nhà Hậu Lê thì chăm chỉ công việc trị dân, luôn luôn lo lắng cho đất nước, cho nhân dân :
“ Lòng vì thiên hạ những lo âu
thay việc trời dám trễ đâu
trống dời canh còn đọc sách
chuông xế bóng chửa thôi chầu “.
Nhờ vậy, quốc gia Đại Việt dưới thời cai trị của ông trở nên hùng mạnh, phát triển rực rỡ về mọi mặt, đã mang lại no ấm phồn vinh cho nhân dân, thực hiện và bảo đảm nhiều quyền lợi (dân chủ) cho nhân dân.
Nguyễn Trãi đề cao quyền làm chủ của nhân dân. Ông nhắc Lê Lợi phải dựa vào dân để làm việc nước, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan dân, thưởng phạt thăng, giáng không vì tư ân mà phải vì dân vì nước, vì hiền tài mà trọng dụng, vì tham độc mà dùng hình. Vua quan phải coi công việc quốc gia, việc dân là việc của mình. Không được tách rời ba yếu tố việc riêng, việc nước, việc dân. “Coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ”[19]. Đặc biệt khi vận nước gian truân thì phải khổ tâm lo nghĩ. Trong tư tưởng đề cao nhân dân và đề cao dân chủ, Nguyễn Trãi đã vượt khỏi lễ giáo phong kiến, chống lại một tín điều quan trọng bậc nhất của Nho giáo là bề tôi phải tuyệt đối phục tùng thiên tử, chống lại tư tưởng con trời. Ông đã gọi vua Minh Tuyên Đức là nhãi ranh. Ông đã lật nhào cái gọi là thiên tử và bề tôi, thiên tử và chư hầu. Ông phê phán cả Lê Lợi. Trong nhiều bài chiếu ông viết thay Lê Lợi gửi các quan thì có chiếu cho phép các quan triều đình và địa phương có quyền tấu khi Lê Lợi có những quyết định sai trái không hợp lòng dân. Trong chiếu thư thứ nhất, Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết cho các đại thần và hành khiển: “Nếu ai thấy điều lệnh của trẫm hoặc có điều gì không tiện cho việc quân việc nước, hoặc là việc vô cớ, hoặc là thuế khoá nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược thì lập tức tấu xin sửa lại”[20]. “Ai thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề hại cho dân chúng, thưởng công phạt tội không đúng, không theo phép xưa, hoặc các đại thần quan lại, tướng hiệu các chức trong ngoài có người nào không giữ phép, hối lộ nhiễu hại lương dân, làm việc thiên tư phi vi thì tâu lên ngay”[21]. Với những tư tưởng dân chủ sâu sắc như vậy, Nguyễn Trãi đã vượt xa tư tưởng thiên tử là tuyệt đối của đạo Nho, một trong những tư tưởng căn bản nhất của chế độ phong kiến, của giai cấp, của thời đại lúc bấy giờ.
(Còn nữa)
CVL
----------------------------
[1]. Mai Hạnh, Nguyễn Đổng Chi, Lê Trọng Khánh, Nguyễn Trãi-Nhà văn học, nhà chính trị thiên tài, NXB Văn sử địa. H. 1982, tr. 31.
[2]. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2. tr. 264.
[3]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, NXH Khoa học Xã hội, H. 1982, tập 2. tr. 277.
[4]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, NXH Khoa học Xã hội, H. 1982, t.2 Tr. 248.
[5] Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, H. 1982,t.2 Tr. 248.
[6]. Lời khắc trên bia Linh Xứng, Thanh Hóa.
[7]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập2. NXB Khoa học Xã hội, H. 1982, tr. 130.
[8]. Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo, Dẫn theo UBKHXHVN, Lịch sử Việt Nam, T1. NXH Khoa học Xã hội, H. 1971, tr. 258-261.
[9]. Nguyễn Trãi. Bình Ngô đại cáo, Sách đã dẫn.
[10]. Nguyễn Trãi. Bình Ngô đại cáo, Sách đã dẫn.
[11]. Nguyễn Trãi, Toàn tập, Tập1, NXB Văn học, H. 2001, tr. 121.
[12]. Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi-Người anh hùng dân tộc, NXB Văn học giải phóng, T. P. Hồ Chí Minh, 1975, tr. 30
[13]. Phạm Văn Đồng-Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trãi-Người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất, NXB Sự Thật, H. 1982, tr. 31.
[14]. Nguyễn Trãi, Toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, H. 1969, tập 3, tr 146.
[15]. Nguyễn Trãi, Toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, H. 1969, tập 3, tr. 810.
[16]. Việt sử thông giám cương mục, NXB Văn sử địa, H. 1957-1960.
[17]. Nguyễn Trãi, Toàn tập, NXB Khoa học xã hội, H. 1969, tập1, tr. 201.
[18]. Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên, H. 1993, tr. 159.
[19]. Nguyễn Trãi, Quân Trung quân Từ mệnh tập, NXB Sử học, H. 1961, tr. 83.
[20]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, NXH Khoa học Xã hội, H. 1982, tập 3, tr. 68.
[21]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, NXH Khoa học Xã hội, H. 1982, tập 3, tr. 68