Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 8

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 8.

VI. KI TÔ GIÁO VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM

Ki Tô giáo ra đời cách ngày nay hơn 2.000 năm trên lãnh thổ Ixraen do Giêsu Cơrit (người Do Thái) sáng lập. Sau đó tôn giáo này tràn sang châu Âu, lan ra nhiều vùng khác trên thế giới, trở thành một tôn giáo lớn nhất thế giới, là tôn giáo hoàn thiện nhất trong lịch sử phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng. Ngày nay, tôn giáo này có hơn một tỉ tín đồ ở nhiều quốc gia. Do đó nó có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh, văn hoá của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc.

 Ki Tô giáo do các giáo sĩ Bồ Đào Nha và Pháp truyền bá vào Việt Nam từ thế kỷ XVI. Sự kiện này mở đầu cho văn hoá Việt Nam tiếp xúc với văn hoá phương Tây. Sau bốn thế kỷ du nhập, tồn tại và phát triển, Ki Tô giáo đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hoá Việt Nam trong thời kỳ cận hiện đại.

1. Ki Tô giáo với giá trị văn hoá vật chất Việt Nam.

 Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, mỗi tôn giáo có kiểu kiến trúc riêng nơi hành lễ và thờ cúng của mình. Như đạo Phật xây dựng chùa chiền, tháp. Tôn giáo dân gian cổ truyền của Việt Nam thờ tiên thánh thì xây đền, miếu. Còn Ki Tô giáo nơi hành lễ và sinh hoạt văn hoá là nhà thờ. Các nhà thờ nổi tiếng của tôn giáo này là nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), Nhà Thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà thành phố Hồ Chí Minh, nhà thờ Phú Nhai (Nam Định) và hệ thống nhà thờ ở các xứ đạo khắp cả nước. Nhà thờ là nơi tiến hành các nghi lễ tôn giáo, là nơi cộng đồng giáo dân sinh hoạt. Cho nên, khi truyền giáo vào Việt Nam và cả các thế kỷ sau, các giáo sĩ phương Tây và người công giáo Việt Nam rất chú trọng xây dựng nhà thờ. Một phần là do các giáo sĩ phương Tây, nhưng phần lớn nhà thờ là do các cha cố, linh mục người Việt tổ chức xây dựng.

 Nhà thờ Ki Tô giáo trên toàn quốc có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng nhìn chung có hai kiểu loại chính. Kiểu thứ nhất hoàn toàn mang phong cách kiến trúc châu Âu. Loại thứ hai là nhà thờ kết hợp kiểu kiến trúc châu Âu với việc kế thừa kiến trúc truyền thống dân tộc.

 Nhà thờ mang phong cách kiến trúc châu Âu: Khác với đình chùa Việt Nam, kiểu loại nhà thờ này có kích thước lớn về chiều sâu và chiều cao, xây nguyên mẫu nhà thờ châu Âu theo kiểu tân cổ điển của nhà thờ Pháp. Quy mô của kiểu loại nhà thờ này to nhỏ khác nhau nhưng tất cả đều bảo đảm tỉ lệ hài hoà giữa các yếu tố kiến trúc: Mặt bằng chữ nhật kiểu Basili, không gian cao rộng, thoáng đãng. Nhà thờ có một hoặc hai tháp chuông. Nguyên vật liệu xây dựng là gạch, đá, kết cấu cuốn mái vòm có sức chịu lực, cửa vào cuốn tròn hoặc nhọn theo kiểu Rôma hay Gô tích có hệ thống cửa sổ chạy dọc suốt hai bên tường. Loại nhà thờ kiểu châu Âu này được xây dựng vào thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Một số nhà thờ tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này là Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Kẻ Bưởi, Nhà thờ Phùng Khoang (Hà Nội), Nhà thờ Thánh Liêm, Phú Nhai (Nam Định).

Kiểu loại thứ hai là nhà thờ pha kiến trúc châu Âu kết hợp với kiến trúc cổ truyền dân tộc. Khi xây dựng nhà thờ kiểu này, người thiết kế và xây dựng đã tiếp thu các kiến trúc truyền thống Việt Nam và áp dụng thành công trong xây dựng nhà thờ Ki Tô giáo. Các nhà thờ loại này thường có hình dáng mái chùa, hình dáng cung đình, có các con song gỗ tiện, tranh khắc chạm trổ, hoành phi, câu đối, đà đao mái cong hoặc mái dốc kiểu kiến trúc Á-Đông, mang dáng dấp đình chùa Việt Nam. Kiểu loại nhà thờ này đã khai thác kiến trúc cổ truyền dân tộc từ chi tiết đến tổng thể, tận dụng không gian có hồ, cổng tam quan. Vị trí nhà thờ đặt ở nơi cao ráo, trang trọng trong địa bàn dân cư. Cái khác biệt là hướng nhà thờ không bắt buộc phải đông, nam hoặc đông-nam như kiến trúc cổ truyền. Hướng nhà thờ phù hợp với cảnh quan, với không gian khu vực. Trước nhà thờ bao giờ cũng có sân rộng (quảng trường). Trên nhà thờ có tháp chuông, có tượng Chúa Giê su, hoặc tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, hoặc tượng thánh mà nhà thờ đó mang tên. Người xây dựng và kiến trúc đã áp dụng sáng tạo sự kết hợp hai yếu tố Đông-Tây và đã sáng tạo nên những công trình có giá trị văn hoá cao. Loại kiểu nhà thờ này được xây dựng khoảng thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tiêu biểu cho loại kiến trúc này có Nhà thờ Cửa Bắc ( Hà Nội ), Nhà thờ Vĩnh Trị (Ý Yên-Nam Định), Nhà thờ Hà Hồi (Hà Tây, nay là Hà Nội), Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình).

 Các nhà thờ Ki Tô giáo không chỉ đóng góp cho nghệ thuật kiến trúc mà còn đóng góp cho nghệ thuật điêu khắc, hội hoạ. Nghệ thuật điêu khắc nhà thờ thể hiện ở tạc tượng. Tượng nhà thờ Ki Tô giáo Việt Nam ảnh hưởng nghệ thuật thời kỳ Phục hưng. Các pho tượng có tỉ lệ cân đối, gần với sự thật, toát lên vẻ đẹp không chỉ của thần thánh mà của cả con người. Nghệ thuật điêu khắc nhà thờ cũng thể hiện trên các bức tòa (đặt trên cung thánh), trong cách trang trí trên các cỗ kiệu dùng trong các cuộc rước, ở các bức phù điêu bằng đá (nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình), ở các hoa văn trang trí, ở các biểu tượng tôn giáo. Tất cả các họa tiết đều được thể hiện một cách tinh xảo. Trong nghệ thuật hội họa, các nghệ nhân cũng có sự sáng tạo hơn nữa như trong dòng tranh tượng thờ mẹ Ma ria có dáng dấp người mẹ Việt Nam, Chúa Giê Su hài đồng có hình hài trẻ em Việt Nam.

 Tóm lại, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật hội hoạ của nhà thờ Ki Tô giáo đã du nhập kiến trúc , điêu khắc, hội hoạ phương Tây vào Việt Nam, làm cho các nghệ thuật này của Việt Nam tiếp thu được những nhân tố mới. Mặt khác, nghệ thuật này của Phương Tây được các nhà kiến trúc và các nghệ nhân kết hợp với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ cổ truyền dân tộc, làm cho hai nhân tố hoà nhập với nhau một cách sáng tạo, làm cho văn hoá Việt Nam thêm phong phú, đóng góp vào sự phát triển của văn hoá Việt Nam thời kỳ cận hiện đại. Nhà thờ Ki Tô giáo cũng như đền, chùa, tháp, miếu mạo, lăng , tẩm không chỉ có giá trị tôn giáo mà cũng có giá trị văn hoá cao.

2. Ki Tô giáo với giá trị văn hoá tinh thần Việt Nam.

 Chữ viết: chữ viết là kí hiệu ghi lại tiếng nói. Thời Văn Lang, Âu Lạc các nhà khoa học Việt Nam không tìm thấy chữ viết. Thời Bắc thuộc (179 TCN-938 ) do nhu cầu thống trị và nhu cầu đồng hoá văn hoá Việt, phong kiến Trung Quốc đã du nhập chữ Hán vào nước ta. Sau khi lật đổ ách thống trị của phong kiến phương Bắc năm 938, xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập, giai cấp phong kiến Việt Nam đã tiếp nhận chữ Hán làm chữ chính thức của nhà nước phong kiến. Chữ Hán được dùng trong công việc hành chính nhà nước, trong học hành, thi cử, chuyển tải đạo Nho để đào tạo nhân tài, quan lại cho đất nước, dùng để sáng tác văn học, viết lịch sử, viết pháp luật và các công trình khoa học…Chữ Hán được dùng cho mãi tới cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX dưới vương triều Nguyễn (1802-1945) là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Chỉ mãi tới năm 1919, khi chữ Hán và đạo Nho đã quá lạc hậu thì chính quyền mới bãi bỏ lối học hành thi cử theo Nho học. Trong thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, để tỏ rõ lòng tự tôn dân tộc, cha ông ta đã sáng tạo ra loại chữ Nôm (Nam). Tuy nhiên cả chữ Hán và chữ Nôm đều là chữ tượng hình, gây khó khăn trong việc học tập và sử dụng.

 Vào thế kỷ XVI các giáo sĩ Bồ Đào Nha và Pháp vào Việt Nam để truyền bá đạo Ki Tô vào xứ này. Chữ Hán và chữ Nôm gây khó khăn cho việc truyền đạo mà trước hết là việc học Việt ngữ của các giáo sĩ. Vượt qua rào cản này, các nhà truyền giáo phương Tây đã dùng chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Vịêt. Năm 1561 giáo sĩ người Pháp Alếchxanđrốt đã lấy chữ đó làm chữ chung và biên soạn cuốn “Từ điển Việt-Bồ –La Tinh”. Ông còn dùng chữ quốc ngữ để biên soạn cuốn : “Giáo lý đạo Ki Tô” dưới dạng hỏi và đáp để truyền đạo này vào Việt Nam. Chữ La Tinh là chữ tượng thanh, một bước phát triển cao hơn so với chữ tượng hình nên tạo thuận lợi cho các giáo sĩ học tiếng Việt và truyền đạo vào Việt Nam.

 Năm 1632 linh mục Gaspar Damranldax soạn cuốn “ Từ điển Việt –Bồ”. Thế kỷ XIX Đadran (Bá Đa Lộc) soạn bộ “Từ điển Việt-La Tinh”, rồi giám mục Taberd tiếp tục soạn lại thành bộ Dictionnalre Annmitico-latinum. Chữ quốc ngữ trong bộ từ điển đó không khác gì nhiều so với chữ quốc ngữ ngày nay. Như vậy, thế kỷ XIX chữ quốc ngữ ở Việt Nam đã được xác định.

 Những người có tư tưởng cách tân ở Việt Nam thế kỷ XIX đã nhìn thấy sự thuận lợi của chữ quốc ngữ. Nguyễn Trường Tộ đã tấu xin triều đình nhà Nguyễn tiếp thu và sử dụng chữ quốc ngữ. Nhưng triều đình phong kiến Nguyễn bảo thủ bỏ ngoài tai những đề nghị cách tân đó. Năm 1867 sau khi đánh chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, thực dân Pháp đã dùng chữ quốc ngữ để giảng dạy ở các trường tân học tại đây. Các trí thức công giáo đầu tiên của Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đã bắt đầu dùng chữ quốc ngữ để viết sách báo. Sự hiệu quả và thuận lợi của chữ quốc ngữ đã được thực tế thừa nhận. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1906-1908, những người theo xu hướng ôn hoà cải cách như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…đã hô hào mở trường học và dạy chữ quốc ngữ. (1). Đông Kinh Nghĩa Thục, một nhà trường yêu nước do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền…sáng lập ở Hà Nội năm 1907 chủ trương dùng chữ quốc ngữ là chính để giảng dạy và học tập bên cạnh chữ Hán và chữ Pháp. (2). ”Người trong nước đến học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện để trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ. Thực là bước đầu tiên để mở rộng trí khôn”. (3). Cũng trong “Văn Minh tân học sách”, một tài liệu quan trọng của Đông Kinh Nghĩa Thục đã nêu lên yêu cầu cần đạt được của nhà trường mà điều đầu tiên là dạy chữ quốc ngữ. (4).

 Năm 1906 chính quyền thực dân Pháp cho phép Bắc Kỳ và sau đó năm 1908 cho phép Trung Kỳ sử dụng chữ quốc ngữ. Ở Trung Kỳ có đặt ra Bộ học để thực hiện quyết định này của chính quyền. Các học giả, các nhà văn Nam Kỳ đã sớm sử dụng chữ quốc ngữ để trước tác. Các học giả Bắc Kỳ như Đào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính cũng dùng chữ này để viết sách, báo. Như vậy chữ quốc ngữ được thừa nhận và được sử dụng trong học tập, trong học giới, trong học thuật, trong báo chí, văn học. Năm 1919 triều đình Nguyễn bãi bỏ học hành thi cử Hán học vì quá lạc hậu. Chữ quốc ngữ ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống, trong học thuật, trong sáng tác khắp cả ba kỳ bên cạnh chữ Pháp.

 Cùng với sự chuyển biến về kinh tế do công cuộc khai thác lần 1 và lần 2 do Pháp tiến hành, xã hội Việt Nam cũng phân hóa và chuyển biến. Bên cạnh những giai cấp cũ là nông dân, địa chủ phong kiến, xã hội ra đời những giai cấp mới: Giai cấp tư sản, giai cấp công nhân, tầng lớp tiểu tư sản. Những giai cấp mới, tầng lớp mới đã sử dụng chữ quốc ngữ làm phương tiện thể hiện và chuyển tải tư tưởng của mình. Nền văn học mới ra đời với trào lưu chủ nghĩa hiện thực phê phán, những nhà văn và tác phẩm hiện thực, lên án xã hội đương thời. Trào lưu tiểu thuyết lãng mạn của nhóm Tự lực Văn Đoàn và phong trào Thơ mới của các trí thức tiểu tư sản. Tiêu biểu nhất là dòng văn học, báo chí cách mạng. Tất cả các trào lưu đó đã dùng chữ quốc ngữ làm phương tiện thể hiện và sáng tác. Chính các trào lưu đó đã có công lao to lớn trong phát triển chữ quốc ngữ, làm cho loại chữ này đi sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chữ quốc ngữ trở thành chữ chính thức của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

 Từ chức năng giúp các giáo sĩ phương Tây học tiếng Việt và truyền bá đạo Ki Tô, chữ La Tinh thành chữ quốc ngữ của Việt Nam là một kết quả khách quan ngoài ý muốn của các giáo sĩ phương Tây và thực dân Pháp. Đó là kết quả to lớn không chỉ của các giáo sĩ Phương Tây mà là sự đóng góp, sáng tạo của các thế hệ trí thức người Việt Nam. Chữ quốc ngữ là một thành tựu văn hoá, một phương tiện chuyển tải văn hoá, nhận thức tiếp thu văn hoá hiệu quả củaViệt Nam. Một lần nữa, lịch sử văn hoá lại chứng minh tính bền vững của văn hoá Việt Nam, không bị văn hoá phương Tây đồng hoá nhưng cũng không bảo thủ đóng cửa, sẵn sàng tiếp nhận và tiêu hoá được những tinh hoa văn hoá phương Tây để phát triển.

3. Đạo Ki Tô với giá trị văn hoá xã hội Việt Nam.

 Văn hoá xã hội Việt Nam bao gồm những phong tục, tập quán trong sinh hoạt ma chay, cưới xin và lễ hội vốn đã phong phú, đa dạng từ nghìn xưa. Khi đạo Ki Tô được truyền bá vào với những nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo của đạo này được du nhập càng làm cho văn hoá xã hội Việt Nam thêm phong phú, đa dạng mà trước hết được biểu hiện qua sinh hoạt tôn giáo của đồng bào công giáo.

 Trong cuộc sống, tín đồ Ki Tô giáo phải thuộc lòng 10 điều răn của Đức Chúa Trời, sáu điều răn của giáo hội. Mỗi ngày, trước khi ăn, đi ngủ, thức dậy tín đồ phải làm dấu và cầu nguyện, tưởng nhớ công đức của Thiên Chúa, cầu xin được Người yêu mến mãi mãi. Trong gia đình có bàn thờ nhỏ thờ Chúa, có tượng, ảnh thánh quan thầy của người chủ gia đình, tượng, ảnh Chúa Giê- Su chịu nạn, tượng hoặc ảnh thánh giá. Chủ nhật hằng tuần, tín đồ Ki Tô giáo phải đến nhà thờ dự lễ thánh. Trong một năm có nhiều ngày lễ, nhiều nghi lễ tôn giáo với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong đó có 6 ngày lễ buộc các tín đồ phải nhất thiết tham dự:

-Lễ giáng sinh (25-12).

-Lễ Phục sinh (một ngày tháng 4 hằng năm)

-Lễ Giê Su lên trời ( sau lễ phục sinh 40 ngày )

-Lễ Chúa Thánh thần hiện xuống (sau lễ Chúa Giê Su lên trời 10 ngày)

-Lễ Đức bà Maria thăng thiên (15-8)

-Lễ các thánh thần (1-11).

 Ngoài các ngày lễ đó ra còn những ngày lễ sau không bắt buộc tín đồ phải tham dự. Những tín đồ nào muốn hưởng nhiều ơn phúc của Chúa thì tham dự. Đó là các lễ :

-Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (8-12).

-Lễ thánh tông đồ Phê rô và Phao lồ. (29-6)

-Lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục (2-11 )

 Các hoạt động lễ thánh được quy vào 3 mùa để sinh hoạt như mùa chay, mùa vọng, mùa thường niên.

 Nghi lễ đạo Ki Tô đặc biệt quan tâm đến chính bản thân tín đồ từ khi họ sinh ra cho đến khi họ vĩnh biệt. Người theo đạo Ki Tô chỉ được phép lấy một vợ, một chồng. Trước khi đôi trai gái cưới nhau phải đến nhà thờ để linh mục làm phép hôn phối. Vợ chồng đã lấy nhau thì phải sống với nhau trọn đời, không được ly hôn vì họ đã chịu phép rửa tội của Chúa và thực hiện những bí tích của Chúa. Mỗi gia đình công giáo đều có sổ ghi tên tuổi những thành viên trong gia đình để ghi các sự kiện của họ như việc chịu bí tích rửa tội, bí tích thánh thể lần đầu…Mỗi xứ họ cũng có sổ rửa tội, sổ hôn phối để ghi chép các tín đồ thực hiện các bí tích.

Như vậy, mỗi gia đình tín đồ và mỗi tín đồ đạo Ki Tô trong cuộc đời phải tuân thủ và thực hiện những quy định có liên quan đến hôn, tang, lễ, phải xưng tội chịu lễ ít nhất một năm một lần. Tín đồ phải ăn chay, kiêng thịt theo giáo luật. Phải tham dự lễ thánh mỗi chủ nhật và các ngày lễ lớn. Phải đến nhà thờ xứ hoặc nhà thờ họ đọc kinh mỗi buổi sớm hay buổi chiều. Khi ốm đau hay trước khi đi làm xa đều phải đến nhà thờ họ hoặc nhà thờ xứ cầu xin.

 Những quy định trên tín đồ đạo Ki Tô phải chấp hành, tuân theo luật đạo (giáo luật). Nếu vi phạm tuỳ mức độ mà tín đồ phải chịu những hình phạt khác nhau. Cao nhất là tín đồ bị rút phép thông công (khai trừ khỏi giáo hội).

4. Sinh hoạt văn hoá trong lễ hội của đạo Ki Tô.

 Sinh hoạt văn hoá trong các lễ hội của đồng bào công giáo đa dạng, làm phong phú thêm phong tục tập quán và lễ hội của người Việt Nam. Thứ nhất là lễ hội giáng sinh (Nô en). Đây là lễ hội lớn không chỉ của thế giới mà hầu như của cả Việt Nam, thực sự hoà vào với lễ hội truyền thống. Nô en Giáng sinh không chỉ là đêm lễ của đồng bào công giáo mà là đêm lễ hội của đồng bào cả nước. Đêm Giáng sinh với nhiều màu sắc rực rỡ trở thành điểm hẹn, chỗ giao lưu, nơi gặp gỡ trong đời sống văn hóa chung cộng đồng, của dân tộc. Tiếp đến lễ hội Thánh quan thầy. Đạo Ki Tô trước Va ti căng đã loại bỏ việc thờ cúng tổ tiên, một tôn giáo cổ truyền tốt đẹp lâu đời của người Việt. Cho nên nhiều xứ đạo Ki Tô ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc đã chuyển đổi Thánh quan thầy thành ông Tổ của họ tộc, thành Thành hoàng của xứ đạo. Kỷ niệm Thánh quan thầy là ngày giỗ của họ tộc, của tất cả cư dân sống trong họ đạo, dù họ là nhiều họ khác nhau. Đó là sự chuyển đổi nội dung, giúp cho người công giáo phần nào bù đắp được sự thiếu hụt tâm linh tổ tông, nguồn gốc. Nghi lễ trong ngày lễ Thánh quan thầy rất phong phú, như là tiến hành thánh lễ, rước kiệu có âm nhạc rộn ràng. Sau đó đến phần hội là phần vui chơi, trình diễn những vở kịch mà nội dung lấy trong kinh phúc âm, kể lại cuộc đời gian khổ hi sinh của Chúa Giê Su, của mẹ Maria, của một tông đồ, một thánh quan thầy xứ họ đạo. Nội dung kịch có thể là những sự tích trong kinh thánh. Những đêm diễn như vậy không chỉ cuốn hút người công giáo mà lôi cuốn cả người ngoài đạo đến xem vì những vở kịch đó đề cập đến tình yêu quê hương, tình yêu con người, yêu công lí, khuyên người ta làm điều thiện, tránh xa điều ác.

 Như vậy niềm tin tôn giáo của người công giáo Việt Nam không chỉ hướng vào niềm tin chủ đạo là Chúa, mà cũng hướng niềm tin vào Đức mẹ Maria vào các vị thánh với những chức năng khác nhau. Qua những ngày lễ tôn giáo càng giúp cho các tín đồ củng cố đức tin, cộng đồng tôn giáo càng thêm cố kết chặt chẽ. Lễ giáng sinh, lễ thánh quan thầy đã và đang trở thành lễ hội truyền thống của Công giáo Việt Nam.

 Trong nghi lễ tôn giáo của cộng đồng tôn giáo Ki Tô, mảng ‘Văn hoá tang lễ” cũng không kém phần nhiêu khê và trọng thị. Khi một người công giáo lâm bệnh thì đã được gia đình và thành viên cộng đồng săn sóc, chăm lo chu đáo. Khi sắp lâm chung phải mời cha cố đến cho người sắp qua đời chịu các phép bí tích (rửa tội, rước lễ, xức dầu). Khi trong xứ đạo có người từ trần, chuông nhà thờ đổ từng giọt, chậm rãi và buồn lê thê, báo hiệu có người trong xứ qua đời. Khi nghe chuông, người trong xứ đổ về nhà có tang, ai vào việc nấy giúp đỡ tang chủ. Người ta đưa người quá cố đến nhà thờ nhỏ ở nghĩa địa để cầu nguyện trước khi an táng. Khi đưa tang có cờ tang, bát âm. Tang chủ và tín đồ đi sau quan tài đọc kinh. Sau đó cũng có lễ 3 ngày, đi thăm mộ, lễ 49 ngày và lễ 100 ngày cầu nguyện.

Để tưởng nhớ người qua đời, người công giáo không làm giỗ cúng bái, không đặt bàn thờ, không lập bát hương mà chỉ đọc kinh cầu nguyện hoặc xin lễ nhà thờ vào ngày người thân qua đời. Riêng mảng kinh phục vụ cho những ngày này nhiều vô kể. Đối với người công giáo, chết không phải là hết, chết là từ giã cuộc sống trần gian để đi vào cuộc sống vĩnh hằng nơi thiên đường. Cho nên, lễ tang người công giáo là ngày hội tiễn đưa người thân thương của mình về thế giới bên kia, thế giới Thiên đường của Chúa.

 Kết luận: Ki Tô giáo do Giêsu Cơrit sáng lập ở Trung Đông vào kỷ I TCN, trong thời đại mà đất nước Paletstin và Ixraen còn nằm dưới ách thống trị của đế quốc La Mã. Tôn giáo này đã vượt qua Địa Trung Hải, đến Nam Âu và Tây Âu và sau gần hai nghìn năm tồn tại và Phát triển, trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới.

Thế kỷ XVI đạo Ki Tô được truyền bá vào Việt Nam. Qua gần 400 năm tồn tại và phát triển, đạo Ki Tô đã có một vị trí, một chỗ đứng nhất định ở Việt Nam với tư cách là một tôn giáo trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của một bộ phận giáo dân. Sự du nhập của Ki Tô giáo vào Việt Nam là mở đầu cho sự tiếp xúc, giao lưu văn hoá Việt Nam với văn hoá phương Tây. Trên bình diện văn hoá, bản thân Ki Tô giáo cũng đóng góp làm cho văn hoá Việt Nam thêm phong phú, đa dạng ở giá trị văn hoá vật chất: Kiến trúc nhà thờ, nghệ thuật điêu khắc, hội hoạ, ở giá trị văn hoá tinh thần như chữ quốc ngữ, ở giá trị văn hoá xã hội như phong tục, lễ nghi, lễ hội nhà thờ, ma chay, hiếu hỉ. Về cơ bản người công giáo đã xây dựng được một cộng đồng kính Chúa yêu nước, ra sức xây dựng và phát huy bản sắc văn hoá đạo Ki Tô hòa hợp với văn hoá dân tộc, đóng góp nhiều hơn nữa cho văn hoá dân tộc. Cũng như văn hoá các tôn giáo khác, văn hoá Ki Tô giáo là một bộ phận cấu thành nền văn hoá Việt Nam đa tôn giáo, đa sắc tộc.

--------------

CHÚ THÍCH:

1. Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam-Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lịch sử Việt Nam, T 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1985, Tr. 122.

2. Sách đã dẫn, Tr. 119.

3. Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Việt Nam-Đông Nam Á-Quan hệ lịch sử và văn hoá, NXB Chính trị Quốc Gia, H N. 1995, Tr. 202.

4. Ủy ban khoa học Xã hội Việt Nam-Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lịch sử Việt Nam, T 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1985, Tr. 119.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Các Mác-Ph. Ăngghen,Toàn tập, T13, NXB Chính trị Quốc Gia, H. 1995.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, T 5, NXB Chính trị Quốc Gia, HN. 1995.

3. Đào Duy Anh, Việt Nam Văn hoá sử cương, NXB Đồng Tháp. 1988.

4. Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Việt Nam-Đông Nam Á-Quan hệ lịch sử và văn hoá, NXB Chính trị Quốc Gia, HN. 1995.

4. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lịch sử Việt Nam, T 2. NXB Khoa học Xã hội, HN. 1985.

(Còn nữa)

CVL