Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 6

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 6.

V. NHO GIÁO VÀ NHỮNG HÌNH THỨC XÂM NHẬP VÀO VIỆT NAM

1. Nội dung tư tưởng Nho giáo

 Nho Giáo do Khổng Tử sáng lập và sau đó được các học trò kế tục phát triển hoàn thiện trong các triều đại về sau. Khổng Tử sinh năm 551 TCN ở ấp Trâu, nước Lỗ và mất năm 479 TCN. Ông sinh vào thời Đông Chu (771-249 TCN), giai đoạn Xuân Thu (771- 481 TCN), thời kỳ mà chính quyền trung ương nhà Chu suy yếu, gần 100 nước chư hầu nổi dậy, không phục tùng chính quyền trung ương, gây chiến tranh với nhau để khuynh loát lẫn nhau, khống chế Thiên Tử nhà Chu để sai khiến chư hầu, xưng bá. Đây là thời kỳ chiến tranh đau thương hỗn loạn. Tư tưởng, đạo đức, tôn ti trật tự xã hội của quý tộc chủ nô sụp đổ. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, học thuyết Nho của Khổng Tử ra đời nhằm cứu vãn trật tự xã hội nhà Chu.

Quan điểm đầu tiên của Khổng Tử là thuyết chính danh. Chính danh là quy tắc chính trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Theo ông, danh với thực phải hợp với nhau. Ví như vua được trời giao cho nhiệm vụ lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, làm gương cho dân , dạy dỗ dân, cai trị dân để dân được sống yên ổn. Làm tròn những nhiệm vụ đó là danh xứng với thực. Nếu không thì vua không thể gọi là vua.

Muốn chính danh thì thân phải chính, ngôn cũng phải chính, lời nói và việc làm phải hợp với nhau. Phải siêng năng trong việc làm, thẹn trong trong lời nói. Đó mang danh là vua thì phải làm tròn trách nhiệm, nếu không sẽ mất cái danh và mất luôn cả ngôi vị.

 Thiên hạ phải có đạo. Đạo là chính trị tốt. Thiên hạ có đạo tức là chính quyền ở trong tay đại phu (quan tốt ), nhân dân không bàn riêng về việc nước. Khổng Tử cho nguyên nhân xã hội hỗn loạn thời Xuân Thu là do Thiên Tử nhà Chu không làm tròn trách nhiệm, để quyền hành lọt vào tay chư hầu, chư hầu lại để quyền hành lọt vào tay bồi thần. Vậy là khắp nước đều vô đạo. Tóm lại, chính danh là ai ở địa vị nào thì giữ phận ấy và làm tròn nhiệm vụ của mình, không được hưởng những quyền lợi cao hơn địa vị của mình, không ở chức vụ nào thì đừng mưu tính việc của chức vụ đó. Ai giữ chức vụ ấy theo đúng phận sự ấy thì tổ chức xã hội có tôn ti, chặt chẽ theo quan điểm của Chu Công thì gọi là xã hội có đạo.

Khổng Tử không có quan niệm về dân chủ, ông không cho dân bàn việc nước nhưng ông rất yêu dân, lo cho dân. Nhưng mặt khác Khổng Tử yêu cầu nhà cầm quyền phải có tài đức xứng với địa vị của họ để lo cho dân. Khổng Tử trung thành với giai cấp chủ nô của ông nhưng lại bênh vực người bình dân. Ông đề xuất một số chính sách mà người đời sau gọi là đức trị. Chính danh đưa tới đức trị, là điều kiện của đức trị. Nói về đức trị, Khổng Tử nhấn mạnh tư cách của người cầm quyền, phải sửa mình, phải làm gương để giáo hoá nhân dân. Người trị dân phải có đức và trị dân bằng đức chứ không phải bằng vũ lực. Vua phải làm hết đạo vua, bề tôi phải làm hết đạo bề tôi. Khổng Tử viết: “Mình mà chính đáng dù không ra lệnh dân vẫn theo, mình không chính đáng tuy ra lệnh dân vẫn không theo”. Phải tu thân để xứng đáng làm người trị dân. Khổng Tử khuyên bậc vua chúa và những người có trọng trách phải tu thân, phải học hỏi. Cai trị một ấp, một làng cũng phải học, huống hồ cai trị một quốc gia. Phải học rồi mới làm chứ không phải làm rồi mới học. Sự tu thân của vua chúa phải nghiêm cẩn hơn sự tu thân của dân thường. Người cầm quyền phải có đức chính: Ngay thẳng, đức kính: Cung kính. Người mà không có đức thì không thể thành người. Người xưa thẹn  trong lời nói, sợ sẽ xấu hổ nếu nói mà không làm được.

 Khổng Tử nhấn mạnh nhân và lễ. Lễ thời Tây Chu mang nhiều ý nghĩa chính trị. Lễ để duy trì chế độ tông pháp thời Tây Chu. Lễ để quy định trật tự xã hội trên dưới, lễ trở thành một pháp điển như quy định tước vị, từ đó quy định lễ nghi, đất đai được phong, quyền lợi được hưởng, xe cộ, phẩm phục, lễ nhạc không được vượt quá tước vị. Lễ không chỉ duy trì trật tự xã hội mà còn dùng để giáo hoá nhân dân.

 Khổng Tử yêu cầu người trị dân phải có nhân. Đức trị phải lấy nhân làm gốc. Lễ là ngọn, nhân là gốc của lễ. Nhân và lễ tạo thành một hệ thống trong tư tưởng chính trị. Nhân theo Khổng Tử là cung, khoan , dung , tín , mẫn , huệ. Trong năm đức đó, Khổng Tử chú trọng đức yêu dân, giúp dân. Tôn quân nhưng vẫn coi trọng sự giúp ích cho dân, cho nước. Mạnh Tử sau này viết “Dân vi quý, quân vi khinh”. Nhược điểm trong quan điểm này của Khổng Tử là không nêu lên việc dùng bạo lực lật đổ hôn quân độc tài. Mãi 1/4 thế kỷ sau, Mạnh Tử mới chữa được phần nào nhược điểm của Khổng Tử là cho phép nhân dân dùng vũ lực lật đổ hôn quân độc tài. Tóm lại, để xã hội khỏi loạn lạc, theo Khổng Tử, phải tôn trọng pháp luật, có tôn ti, giữ lễ, không ai được việt vị lạm quyền. Người cầm quyền phải quang minh, làm tròn nhiệm vụ chăn dân, chính danh, đáng cho dân kính trọng. Trong chính sách cai trị, nhà cầm quyền phải dưỡng dân. Bất kỳ chính thể nào cũng phải lấy dưỡng dân làm quan trọng nhất. Nếu không, dân sẽ nổi dậy, chính quyền sẽ bị lật đổ. Nuôi dân, dưỡng dân phải làm cho dân giàu có, no đủ , coi dưỡng dân trọng hơn xã tắc, hơn cả việc dạy dân, đánh thuế nhẹ cho dân, khiến dân làm việc hợp thời . “Sử dân dĩ thời” là bổn phận của người trị dân, ít can thiệp vào đời sống của nhân dân. Sau cùng quan trọng nhất là phải phân phối quân bình thì dân không bị bóc lột mà lại no đủ. Khổng Tử dùng chữ công bình ở đây khác với khái niệm quân bình. Quân bình là hưởng theo tài năng cống hiến. Trong tư tưởng xã hội của Khổng Tử, công bình có nghĩa là dân không ai bị đói, không làm cho kẻ giàu giàu thêm, kẻ có dư thừa phải giúp đỡ người nghèo.

 Khổng Tử coi trọng sự giáo hoá cho nhân dân. Tư tưởng của ông cao hơn tư tưởng phái pháp trị chỉ biết buộc dân tuân theo pháp luật. Mặc Tử thì phủ nhận dùng lễ nhạc giáo hóa cho dân, Lão Tử cho dạy dân khôn ngoan chỉ có hại cho nền cai trị. Chỉ duy có Khổng Tử cho việc dạy dân quan trọng ngang với việc nuôi dân. Ông cho rằng dân được giáo hoá sẽ thuận lợi cho việc trị dân. Cách thứ nhất để giáo hoá cho dân là nhà cầm quyền phải làm gương, sửa mình để trị dân, cách thứ hai là dạy dỗ cho dân. Phải đào tạo nên tầng lớp kẻ sĩ-trí thức để họ góp phần giáo hoá nhân dân. Cai trị dân phải có chính hình. Chính là chính lệnh, hình là hình pháp. Chính hình là tất cả những điển chương pháp lệnh do nhà nước ban xuống để dân thi hành. Nhà cầm quyền phải mạnh võ bị, ngoại giao, phải có chính sách trọng nhân tài và dùng người tài. Khổng Tử ít có thành kiến về thành phần giai cấp. Ông bênh vực cho giai cấp bình dân. Nếu là kẻ sĩ có tài thì cho họ bình đẳng với quý tộc cốt sao chọn được nhân tài trị nước. Khổng Tử cho rằng nếu cho bọn ngu dốt trị nước thì nước loạn là điều chắc chắn. Nhà cầm quyền phải thi hành chính sách thân dân. Nhưng trong quan niệm của Khổng Tử tôn hiền (quý trọng người tài) ) hay thân nhân yếu tố nào quan trọng hơn thì ông cũng không đề xuất. Chỉ đến sau này Tử Tư, Mặc Tử cho tôn hiền quan trọng hơn thân dân. Vua biết dùng người hiền tài thì dù vua có nhiều tật xấu thì ngôi vị vẫn được giữ vững.

 Tóm lại xã hội lý tưởng mà Khổng Tử muốn xây dựng là xã hội tôn ti trật tự, ai có phận nấy, có quyền lợi và nghĩa vụ và phải làm tròn nghĩa vụ, sống hoà thuận với nhau, giữ chữ tín, giúp đỡ nhau, không xâm phạm nhau, ai cũng lo tu thân; vua chúa phải dưỡng dân, dạy dân, làm gương cho dân, giáo hoá cho dân bằng lễ nhạc, bất đắc dĩ mới phải dùng hình pháp. Phải xây dựng một gia đình phụ quyền gia trưởng và lấy đó làm cơ sở cho xã hội. Trong gia đình và xã hội đó yêu trẻ, kính già, trọng tình cảm và công bằng, không ai giàu quá cũng không ai nghèo quá. Người giàu thì khiêm tốn giữ lễ, người nghèo thì lạc đạo, thờ cúng những người đã khuất. Được như vậy thì xã hội bình yên. .

 Chủ trương vua phải xứng đáng là vua thì nhiều học giả trước Khổng Tử đã nói nhưng công lao của Khổng Tử là đã nêu lên thành học thuyết chính danh, thuyết về nhân trị, đức trị, ông đã sửa đổi ý niệm quân tử có giá trị ngang với huyết thống tước vị, tạo điều kiện cho những người bình dân có tài cũng được tham gia vào bộ máy chính trị nhà nước, thành tầng lớp quý tộc. Ông buộc bọn quý tộc cũng phải tu thân. Như vậy ông đã tạo cho lớp sĩ từ tầng lớp bình dân thăng tiến, giảm bớt sự bất công trong xã hội, chọn nhân tài cho xã hội. Trong tu thân ông buộc người đàn ông phải luyện 5 đức lớn: Nhân, trí, tín, lễ, nghĩa. Ông đặt lễ giáo lên trên chính hình để giảm bớt sự hà khắc. Ông cho nhà cầm quyền phải trọng chữ tín, không được lừa gạt nhân dân, phải chú trọng phát triển kinh tế để nuôi dân, phải dạy dân, phải dưỡng dân. Khổng Tử cũng đóng góp lớn lao cho nền giáo dục với nguyên tắc “Tiên học lễ, hậu học văn”. Giáo dục đầu tiên phải cho trẻ em học những đức tính tốt, lễ phép, tuân theo kỷ luật, kính trọng người trên. Khổng Tử cũng tôn trọng tự do ngôn luận, tôn trọng cá tính của nguời khác.

2. Những hình thức xâm nhập của Nho giáo ở Việt Nam

 Năm 179 TCN, nước Âu Lạc của người Âu Việt và Lạc Việt bị nước Nam Việt của Triệu Đà xâm chiếm mở đầu cho nước ta bị phong kiến Trung Quốc thống trị hơn 1.000 năm (179 TCN -938). Để thực hiện mục đích cai trị và đồng hoá văn hoá dân tộc, phong kiến Trung Quốc đã du nhập văn hoá Trung Quốc vào nước ta như chữ Hán, pháp luật, phong tục tập quán và cả Nho giáo. Như vậy, Nho giáo du nhập vào nước ta tương đối sớm, ít nhất là vào thời Đông Hán, sau khi Mã Viện đàn áp được cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 43. Du nhập vào Việt Nam là vào một thời điểm nhất định. Nhưng sau khi du nhập thì sự xâm nhập của Nho giáo là một quá trình lâu dài để nó tìm chỗ đứng chân, trở thành một học thuyết chính trị, trở thành những quy phạm pháp luật, trở thành phong tục tập quán, hòa đồng để trở thành những yếu tố văn hoá Việt Nam. Sự xâm nhập đó diễn ra đưới nhiều hình thức. Cho nên chúng tôi không viết những hình thức du nhập mà chúng tôi viết những hình thức xâm nhập của Nho giáo sau khi đã du nhập vào Việt Nam. Nho giáo là học thuyết tư tưởng chính trị của phong kiến Trung Quốc, nhưng cũng thích ứng với giai cấp phong kiến một số quốc gia gần gũi như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.

 Trong thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam chuyển sang quá trình phong kiến hóa lâu dài về kinh tế xã hội. Lý do là phong kiến Trung Quốc đã du nhập quan hệ sản xuất phong kiến vào nước ta. Sự chuyển biến về kinh tế bao giờ cũng kéo theo sự chuyển biến về xã hội. Ngoài tầng lớp phong kiến Trung Quốc trong guồng máy cai trị, các Lạc tướng, Tộc trưởng, Bồ chính, Hào trưởng người Việt cũng chuyển biến dần thành phong kiến. Vậy là giai cấp phong kiến Việt Nam ra đời trong lòng xã hội Bắc thuộc. Họ là giai cấp mới, tiên tiến nhất của xã hội Việt Nam khi đó, cho nên họ đã đóng vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đánh bại quân xâm lược Nam Hán, giai cấp phong kiến Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta giành được độc lập, bắt tay vào xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập. Từ các triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê, giai cấp phong kiến Việt Nam chưa nhận thức được vai trò của Nho giáo trong việc xây dựng hệ tư tưởng chính trị của mình. Các triều đại trên chủ yếu dựa vào tư tưởng Phật giáo. Nhưng Phật giáo chỉ đơn thuần là hệ tưởng tôn giáo, nó không phải là tư tưởng chính trị giúp đỡ một cách đắc lực cho công cuộc cai trị. Cho nên, đến thời Lý, dù Phật giáo rất thịnh hành nhưng triều Lý đã lưu ý tiếp thu và sử dụng Nho giáo để bổ sung. Năm 1070 nhà Lý mở Văn Miếu thờ Khổng Tử, mở Quốc Tử Giám là trường đại học đào tạo Nho đầu tiên ở Đại Việt. Như vậy, khi du nhập vào thế kỷ I, mãi tới 10 thế kỷ sau Nho giáo mới tìm thấy cơ sở xã hội của nó là giai cấp phong kiến Việt Nam để nó thâm nhập và phát triển. Cuộc xâm nhập của Nho giáo cũng không phải dễ dàng suôn sẻ, nó cũng diễn ra cuộc xung đột tư tưởng với Phật giáo trong cuộc giành giật vũ đài chính trị. Ngày nay, khi bàn về vụ nghi án Lê Văn Thịnh, một người đỗ đầu trong kỳ thi Nho học đầu tiên của nhà Lý năm 1075, làm đến chức Thái Sư là biểu hiện của cuộc đấu tranh giữa Nho và Phật. Mãi đến hai trăm năm sau đưới triều đại Trần, Nho giáo mới vươn lên địa vị chủ yếu và phải mất hai trăm năm nữa dưới thời Hậu Lê thế kỷ XV Nho giáo mới trở thành tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam, Phật giáo rút lui khỏi vũ đài chính trị. Như vậy hình thức đầu tiên để Nho giáo xâm nhập và phát triển sâu rộng ở Việt Nam là đấu tranh với tư tưởng Phật giáo, dần dần chiến thắng Phật giáo để trở thành tư tưởng chính trị chính thống của nhà nước phong kiến Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá, tư tưởng của toàn xã hội.

Hình thức thứ hai để Nho giáo xâm nhập và phát triển sâu rộng là thông qua con đường học hành thi cử do chính nhà nước phong kiến bắt buộc tổ chức để đào tạo lựa chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước. Các triều đại phong kiến từ triều Lý trở đi đã lần lượt quy định quy chế học hành thi cử. Những nguyên lý học hành là phải thông suốt tam cương ngũ thường, sách học là tam tự kinh đến tứ thư ngũ kinh của Nho giáo. Người đàn ông 7 tuổi phải đi học, bước đầu trải qua 3 kỳ thi gọi là khảo khoá, nếu đỗ 3 kỳ thi này gọi là Khoá sinh. Khóa sinh phải trải qua kỳ thi sát hạch ở cấp địa phương cao nhất (đạo, Lộ, Tỉnh) gọi là thi tiến ích. Đỗ kỳ thi tiến ích được đi thi hương (nhiều đạo, nhiều tỉnh thành một cụm thi ) như triều Hậu Lê chỉ có 9 cụm thi. Đỗ kỳ thi hương gọi là Cống sĩ, đỗ đầu gọi là Giải nguyên. Đỗ Cống sĩ được đi thi Hội do triều đình tổ chức. Đỗ thi hội nhận học vị Tiến sĩ. Đỗ Tiến sĩ đi thi đình nhận học vị Trạng nguyên. Thi đình thực ra là để phân loại Tiến sĩ. Học vị Trạng nguyên là đỉnh cao nhất của Nho học, là cây cổ thụ trong làng Nho. Việc định học vị mỗi triều đại có khác và trải qua một quá trình lâu dài mới hoàn thiện. Như khoa thi Nho đầu tiên năm 1075 chưa định học vị cho nên ngày nay người ta vẫn còn bàn cãi Lê Văn Thịnh người đỗ đầu kỳ thi đó có phải là Trạng nguyên hay không. Đời Trần ban đầu người đỗ cao nhất nhận học vị Thái học sinh (Tiến sĩ ), đến năm 1247 đặt ra học vị tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa là ba học vị của ba người đỗ đầu kỳ thi đình. Đến đời Lê Thái Tông, vào năm 1442 mới chia Tiến sĩ thành 5 bậc: Trạng nguyên, Bảng nhãn (đệ nhất giáp ), Thám hoa (Tam khôi ), Hoàng giáp (đệ nhị giáp-Tiến sĩ xuất thân), Đồng Tiến sĩ (đệ tam giáp). Đến năm 1829 vua Minh Mệnh của vương triều Nguyễn lại định ra đỗ Chính bảng và đỗ Phó bảng là những học vị cao của thi hội.

(Còn nữa)

CVL